GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

ĐTC Phanxicô Cử Hành Ngày Thế Giới Người Nghèo I - Chúa Nhật 19/11/2017

 

Thánh Lễ Sáng trong Đền Thờ Thánh Phêrô

 

"Việc bỏ qua (omission) là một tội to lớn khi nó liên quan đến người nghèo. Ở đây nó có một cái tên đặc biệt, đó là lãnh đạm..."

 

"Trên khuôn mặt của họ, chúng ta có thể tưởng tượng thấy dung nhan của riêng Chúa Giêsu; trên môi miệng của họ, cho dù có mím lại đớn đau, chúng ta có thể nghe thấy những lời của Người: 'Này là mình Thày'"

 

 

"Nếu trước con mắt thế gian người nghèo ít có giá trị thì họ lại là những con người mở đường cho chúng ta về trời, họ là 'giấy thông hành về thiên đàng / passport to paradise' của chúng ta".

 

 

"Những gì chúng ta đầu tư bằng tình yêu đều tồn tại, phần còn lại sẽ biến khuất... Vậy chúng ta đừng tìm kiếm bản thân mình hơn những gì chúng ta cần, mà là những gì tốt cho người khác"

Chúng ta hân hoan bẻ bánh Lời Chúa, và sau đó một chút chúng ta lại hân hoan bẻ và nhận Bánh Thánh Thể, lương thực cho cuộc hành trình đời sống. Tất cả chúng ta, không loại trừ một ai, đều cần đến điều ấy, vì tất cả chúng ta đều là những kẻ ăn mày ăn xin trước những gì là thiết yếu đó là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cống hiến ý nghĩa cho đời sống của chúng ta và là một đời sống vô cùng tận. Cả hôm nay nữa, chúng ta giơ đôi tay của chúng ta lên Ngài để xin lãnh nhận các tặng ân này của Ngài.

Dụ ngôn của bài Phúc Âm nói về các tặng ân. Đó là chúng ta đã lãnh nhận các tài năng Chúa ban, "tùy theo khả năng của mỗi người" (Mathêu 25:15). Trước tất cả mọi sự khác chúng ta hãy nhận thức điều ấy, đó là chúng ta đều có những tài năng; trước nhan Thiên Chúa chúng ta đều "có tài năng". Bởi thế không ai có thể nghĩ rằng họ là đồ vô dụng, quá bất khả đến độ không thể cống hiến một cái gì đó cho người khác. Chúng ta được Thiên Chúa chọn và chúc phúc, Đấng muốn chúng ta tràn đầy các tặng ân của Ngài, hơn là bất cứ người cha hay người mẹ đối với con cái của họ. Và Thiên Chúa, Đấng không hề bỏ rơi một đứa con nào, ký thác cho mỗi người chúng ta một sứ vụ.

Thật vậy, quả thật là một Người Cha yêu thương và đòi hỏi, Ngài trao trách nhiệm cho chúng ta. Trong bài dụ ngôn, chúng ta thấy rằng mỗi người đầy tớ được ban cho các tài năng để sử dụng một cách khôn ngoan. Thế nhưng, trong khi hai người đầy tớ đầu thực hiện những gì họ được trao phó cho, thì người thứ ba lại không làm cho các tài năng của mình sinh hoa kết trái; hắn trả lại nguyên vẹn những gì hắn đã lãnh nhận. Hắn nói: "Tôi lo sợ và đem đi chôn tài năng của ông dưới đất. Đây những gì là của ông" (câu 25). Bởi thế, hắn đã bị quở trách một cách thậm tệ là tên đầy tớ "xấu xa và lười biếng" (câu 26). Cái gì đã khiến cho vị Chủ Nhân này không hài lòng với hắn? Tôi có thể nói, khi sử dụng một ngôn từ có vẻ hơi cổ hủ nhưng vẫn còn hợp thời, đó là vì hắn bỏ qua không làm (omission). Sự dữ của hắn là ở chỗ không làm những gì là tốt lành. Tất cả chúng ta quá thường có ý nghĩ rằng chúng ta chẳng làm gì sai trái hết, để rồi chúng ta cảm thấy mãn nguyện, cho rằng chúng ta là thành phần tốt lành và chân chính. Thế nhưng, như thế là chúng ta liều mình tác hành như người đầy tớ  bất xứng, ở chỗ, hắn chẳng làm gì sai, hắn chẳng hề phung phí tài năng, hắn thật sự đã cẩn thận giữ gìn tài năng ở trong lòng đất. Thế nhưng việc không làm gì sai trái vẫn chưa đủ. Thiên Chúa không phải là một kiểm tra viên xem xét các thứ vé thiếu dấu đóng con chấm; Ngài là một Người Cha tìm kiếm những người con cái Ngài có thể ký thác tài sản của Ngài và các dự án của Ngài (xem câu 14). Thật là buồn khi Người Cha của tình yêu này không nhận được một đáp ứng quảng đại từ con cái của Ngài, thành phần con cái không làm gì hơn ngoài việc giữ luật lệ và tuân theo các giới răn, như những bàn tay được thuê mướn trong nhà của Người Cha (xem Luca 15:17).

Người đầy tớ bất xứng này, bất chấp tài năng của Ông Chủ là Vị yêu thương chia sẻ và gia tăng các tài năng của Ngài, đã canh giữ tài năng ấy một cách ghen hờn; hắn bằng lòng với việc gìn giữ tài năng ấy làm sao cho an toàn. Thế nhưng ai chỉ quan tâm đến việc bảo trì và gìn giữ các kho tàng quá khứ là thành phần không trung thành với Thiên Chúa. Trái lại, bài dụ ngôn nói với chúng ta rằng ai thêm vào những tài năng mới mới thực sự là "trung tín" (câu 21 và 23), vì họ thấy các sự vật như Thiên Chúa thấy; họ không đứng không, mà vì yêu thương dám liều mình. Họ dấn thân cho người khác; họ không mãn nguyện với việc giữ nguyên những sự vật như vậy. Họ chỉ coi thường một điều duy nhất đó là lợi lộc riêng của họ. Đó mới là "việc bỏ qua (omission)" chính đáng duy nhất.

Việc bỏ qua (omission) là một tội to lớn khi nó liên quan đến người nghèo. Ở đây nó có một cái tên đặc biệt, đó là lãnh đạm. Đó là lúc chúng ta nói rằng "điều đó chẳng có liên quan gì tới tôi; không phải là việc của tôi; đó là vấn đề của xã hội". Đó là lúc chúng ta quay lưng lại với một người anh chị em thiếu thốn nào ấy, đó là khi chúng ta quay sang chuyện khác ngay vừa lúc xẩy ra một vấn đề khiến chúng ta cảm thấy phiền hà nhức nhối, đó là khi chúng ta tỏ ra căm phẫn với sự dữ nhưng lại chẳng làm gì với nó hết. Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta rằng chúng ta có cảm thấy cái phẫn nộ chính trực, mà là chúng ta có thực hiện việc làm tốt lành nào hay chăng.

Chúng ta trên thực tế làm hài Thiên Chúa như thế nào? Khi chúng ta muốn làm hài lòng ai thân thiết với chúng ta, chẳng hạn tặng một món quà nào đó, chúng ta trước hết cần biết cái sở thích của người đó, kẻo quà tặng chỉ hợp sở thích của người cho hơn là người nhận. Khi chúng ta muốn dâng lên Chúa một điều gì đó, chúng ta có thể thấy được ngay sở thích của Ngài ở trong Phúc Âm. Ngay sau đoạn Phúc Âm chúng ta nghe hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng: "Thật vậy Ta nói cho các ngươi biết rằng khi các ngươi làm điều đó cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta đây là các người làm cho chính Ta" (Mathêu 25:40). Những người anh em hèn mọn nhất này của chúng ta, thành phần được Người rất ưu ái, là thành phần đói khổ và bệnh tật, thành phần khách lạ và tù tội, thành phần nghèo khổ và bị bỏ rơi, thành phần đau khổ chẳng được giúp đỡ, thành phần thiếu thốn bị loại trừ. Trên khuôn mặt của họ, chúng ta có thể tưởng tượng thấy dung nhan của riêng Chúa Giêsu; trên môi miệng của họ, cho dù có mím lại đớn đau, chúng ta có thể nghe thấy những lời của Người: "Này là mình Thày" (Mathêu 26:26).

Nơi người nghèo, Chúa Giêsu gõ cửa lòng của chúng ta, khát khao tình yêu của chúng ta. Khi chúng ta thắng vượt được cái lãnh đạm của chúng ta, và nhân danh Chúa Giêsu, chúng ta hiến bản thân mình cho người anh em hèn mọn nhất của Người, chúng ta là những người bạn hữu tốt lành và trung tín, thành phần được Người yêu thương ở với. Thiên Chúa khen thái độ được diễn tả trong bài đọc 1 hôm nay về "người vợ tốt lành", người vợ "mở tay của mình ra cho người nghèo, và vươn tay mình ra cho người thiếu thốn" (Cách Ngôn 31:10.20). Ở đây chúng ta thấy những gì là thiện hảo và sức mạnh thật sự, không phải ở nơi những bàn tay nắm chặt và những cánh tay khoanh lại, mà ở nơi những bàn tay sẵn sàng vươn tới người nghèo, tới xác thịt bị thương tích của Chúa.

Ở đó, ở nơi người nghèo, chúng ta thấy được sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng cho dù là giấu có đã trở nên nghèo hèn (xem 2Corinto 8:9). Đó là lý do, nơi họ, nơi nỗi yếu hèn của họ, mới hiện diện "một thứ quyền năng cứu độ". Nếu trước con mắt thế gian người nghèo ít có giá trị thì họ lại là những con người mở đường cho chúng ta về trời, họ là "giấy thông hành về thiên đàng / passport to paradise" của chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm theo Phúc Âm phải chăm sóc cho họ, như là những kho tàng phong phú của chúng ta, và để làm như thế chúng ta chẳng những trao tặng cho họ bánh ăn mà còn cùng với họ bẻ tấm bánh lời Chúa nữa, một lời được ngỏ cùng họ trước hết. Việc yêu thương người nghèo có nghĩa là chiến đấu với tất cả mọi hình thức nghèo khổ về tinh thần cũng như vật chất.

Nó cũng làm cho chúng ta cảm thấy tốt đẹp nữa. Việc chúng ta đến gần với người nghèo ở giữa chúng ta sẽ là những gì đụng chạm đến đời sống của chúng ta. Nó sẽ nhắc nhở chúng ta về những gì thật sự đáng kể, đó là việc kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân của chúng ta. Chỉ có điều này mới muôn đời tồn tại, còn mọi sự khác sẽ qua đi. Những gì chúng ta đầu tư bằng tình yêu đều tồn tại, phần còn lại sẽ biến khuất: "Những gì đáng kể đối với tôi trong đời sống? Tôi đang thực hiện các việc đầu tư của tôi ở nơi đâu đây?" Nơi những kho tàng mau qua là nơi thế gian này không bao giờ cảm thấy mãn nguyện, hay là ở nơi những gì là sang giầu được Thiên Chúa ban cho, Đấng ban sự sống đời đời? Đó là việc chọn lựa được bày ra trước mắt chúng ta: một là sống để chiếm hữu các sự vật trên trái đất này, hai là cho đi những sự vật để chiếm được thiên đàng. Đối với "những ai tích trữ cho mình các kho tàng mà không trở nên giầu có trước nhan Thiên Chúa" (Luca 12:21) thì quan tâm về thiên đàng không phải là vấn đề tôi có gì mà là tôi cho đi những gì.

Vậy chúng ta đừng tìm kiếm bản thân mình hơn những gì chúng ta cần, mà là những gì tốt cho người khác, và chẳng có gì giá trị mà chúng ta lại thiếu hụt. Xin Chúa là Đấng thương cảm nỗi nghèo khổ cùng các nhu cầu của chúng ta, cùng trao cho chúng ta các tài năng, ban cho chúng ta sự khôn ngoan trong việc tìm kiếm những gì thật là thiết yếu, cùng với lòng can đảm để yêu thương, không phải bằng ngôn từ mà bằng việc làm.

http://www.news.va/en/news/pope-francis-homily-for-world-day-of-the-poor

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch và tự ý nhấn mạnh

 

Bữa Trưa với 1500 anh chị em nghèo được mời tham dự ở Sảnh Đường Phaolo VI

Sau Thánh Lễ, trong 4 ngàn người nghèo từ một số quốc gia ở Âu Châu được các tình nguyện viên dẫn về Vatican tham dự Ngày Thế giới Người Nghèo lần đầu tiên năm 2017 này, có 1.500 người được vào Sảnh Đường Phaolô VI để dùng bữa trưa với Đức Thánh Cha Phanxicô, nơi vốn được sử dụng cho các buổi triều kiến chung với Đức Thánh Cha hay các buổi hòa nhạc lớn, đã biến thành một phòng ăn kê đúng 150 bàn, mỗi bàn 10 người.

Nhiều người đã chẳng còn nghi lễ hay nghi thức gì nữa, cứ nhào ra ôm đại Đức Thánh Cha và chụp hình với ngài, có những người đã khóc khi bất ngờ được hân hạnh ấy. Đức Thánh Cha đã tiến vào sảnh đường này cùng với Đức Ông Rino Fisichella, Chủ Tịch Hội Đồng Cổ Võ tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa, và đã ngỏ lời chào mọi người hiện diện: "Xin chào đón hết mọi người. Chúng ta đã cùng nhau sửa soạn cho giây phút này; mỗi người chúng ta bằng một con tim đầy thiện chí và tình bằng hữu".

Ngài đã ban phép lành cho bữa ăn: "Xin Chúa chúc lành cho bữa ăn này, xin chúc lành cho những ai đã dọn bữa ăn đây, xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng con, chúc lành cho cõi lòng của chúng con, cho gia đình của chúng con, cho các ước vọng của chúng con, cho đời sống của chúng ta, và xin Chúa ban cho chúng con được khỏe mạnh. Amen".

Sau lời nguyện ngài cũng ngỏ lời chào đến các người nghèo được dẫn đến tham dự đang dùng bữa trưa rải rắc ở nhiều nơi khác: "Phép lành cũng tới với tất cả những ai đang ở những phòng ăn khác quanh Roma. Hôm nay Roma đầy những bữa trưa này; xin gửi đến lời chào và một tràng pháo tay từ nơi đây". ĐTC ngồi ở một bàn to hơn các bàn khác với 12 người.

TĐCTT cử hành Ngày Thế Giới Người Nghèo I - 19/11/2018