GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GIẢNG LỄ THÁNH PHÊRÔ - PHAOLÔ TÔNG ĐỒ 29/6/2017

 

 

"Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta 3 chữ thiết yếu cho đời sống của một tông đồ:

tuyên xưng, bách hạicầu nguyện"

 

 

 

"Hôm nay đây Người nhìn thẳng vào chúng ta mà hỏi: 'Đối với con thì Thày là ai?' Như thể Người muốn nói rằng: 'Thày có vẫn là Chúa của đời con hay chăng, là niềm mong đợi của con hay chăng, là lý do cho niềm tin tưởng cậy trông của con hay chăng, là nguồn tin tưởng bất khuất của con hay chăng?'"

 

Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta 3 chữ thiết yếu cho đời sống của một tông đồ: tuyên xưng, bách hại cầu nguyện.

Tuyên xưng. Thánh Phêrô thực hiện việc tuyên xưng đức tin trong Phúc Âm khi vấn nạn của Chúa đi từ tổng quan đến chuyên biệt. Trước hết Chúa Giêsu hỏi: "Người ta bảo Con Người là ai?" (Mathêu 16:13). Kết quả của việc "thăm dò" này cho thấy rằng Chúa Giêsu được đa số cho là tiên tri. Sau đó Vị Sư Phụ này đặt một câu hỏi quyết liệt với các môn đệ của mình: "Nhưng các con, các con cho Thày là ai?" (câu 15). Đến đây Thánh Phêrô một mình đáp: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (câu 16). Việc tuyên xưng đức tin nghĩa là thế này, nghĩa là nhìn nhận nơi Chúa Giêsu một Đức Kitô Thiên Sai hằng được mong đợi, vị Thiên Chúa hằng sống, Vị Chúa của đời sống chúng ta.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi quan trọng này với chúng ta, với từng người chúng ta, nhất là với những ai trong chúng ta là các mục tử. Nó là một câu hỏi quyết liệt. Nó không chấp nhận một câu trả lời không quyết tâm, vì nó phải được thể hiện trong cả cuộc đời của chúng ta. Câu hỏi cả cuộc đời này cần phải có câu một trả lời cả cuộc đời. Vì việc thuộc lòng các điều của đức tin chẳng là gì nếu chúng ta không biết tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa của cuộc đời chúng ta. Hôm nay đây Người nhìn thẳng vào chúng ta mà hỏi: "Đối với con thì Thày là ai?" Như thể Người muốn nói rằng: "Thày có vẫn là Chúa của đời con hay chăng, là niềm mong đợi của con hay chăng, là lý do cho niềm tin tưởng cậy trông của con hay chăng, là nguồn tin tưởng bất khuất của con hay chăng?" Cùng với Thánh Phêrô, cả chúng ta nữa, hôm nay, hãy lập lại việc chúng ta chọn cả cuộc đời là môn đệ và là tông đồ của Chúa Giêsu. Chớ gì chúng ta cũng vượt qua được từ câu hỏi thứ nhất đến câu hỏi thứ hai của Người, để làm "của riêng của Người" không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động của chúng ta và bằng chính đời sống của chúng ta.

Chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta có phải là thứ Kitô hữu phòng khách hay chăng, thành phần thích nói chuyện về các sự việc xẩy ra trong Giáo Hội và trên thế giới, hay là thành phần tông đồ đang dấn thân, một con người tuyên xưng Chúa Giêsu bằng đời sống của mình, vì họ ấp ủ Người trong tâm can của mình. Những ai tuyên xưng Chúa Giêsu đều biết rằng họ không chỉ cống hiến các thứ ý kiến mà còn chính cuộc sống của họ. Họ biết rằng họ không được tin tưởng nửa vời mà là phải "nung nấu" yêu thương. Họ biết rằng họ không thể chỉ "bơi đứng - tread water" hay dễ dàng bỏ cuộc, mà là cần phải liều đi vào chỗ trũng sâu, bằng cách hằng ngày lập lại việc tự hiến của mình. Những ai tuyên xưng đức tin của mình nơi Chúa Giêsu là làm như Thánh Phêrô và Phaolô đã làm: các vị đã theo Người cho đến cùng - chứ không phải một quãng đường nào, mà là cho tới cùng. Các vị cũng theo Chúa dõi theo đường lối của Người chứ không phải đường lối của riêng mình. Đường lối của Người là đường lối của sự sống mới, của niềm vui và phục sinh; nó cũng là đường lối vượt qua thập giá và bách hại.

Thế nên chữ thứ hai ở đây là bách hại. Thánh Phêrô và Phaolô đã đổ máu mình ra vì Chúa Kitô, thế nhưng toàn thể cộng đồng sơ khai cũng trải qua nạn bách hại nữa, như Sách Tông Vụ đã nhắc nhớ chúng ta (xem 12:1). Hôm nay đây nữa, ở các phần đất khác nhau trên thế giới, đôi khi trong thầm lặng - thường là một thứ thầm lặng đồng lõa - rất nhiều Kitô hữu đang bị loại ra ngoài bên lề xã hội, bị phỉ báng, bị kỳ thị, bị bạo lực và thậm chí bị sát hại, mà chẳng có sự can thiệp thích đáng nào về phần của những ai có thể bênh vực các quyền lợi về tôn giáo bất khả vi phạm của họ.

Ở đây tôi đặc biệt nhấn mạnh đến một điều đã được Tông Đồ Phaolô nói trước đây là "bị tuôn đổ ra như là một thứ rượu tế / a libation" (2Timotheu 4:6). Đối với ngài thì sống là Chúa Kitô (xem Philiphê 1:21), Chúa Kitô tử giá (xem 1Corinto 2:2), Đấng đã hiến mình cho ngài (xem Galata 2:20). Là một môn đệ trung thành, bởi thế Thánh Phaolô đã theo Thày và cống hiến cả sự sống của ngài nữa. Ngoài thập giá không có Chúa Kitô, tách khỏi thập giá cũng không phải là Kitô hữu."nhân đức Kitô giáo không chỉ là vấn đề làm lành mà còn ở chỗ chịu đựng sự dữ nữa" (Thánh Âu Quốc Tinh, Bài Giảng 46,13), như Chúa Giêsu đã chịu đựng. Việc chịu đựng sự dữ không phải chỉ liên quan tới sự nhẫn nại và nhún nhường; nó có nghĩa là noi gương bắt chước Chúa Giêsu, mang gánh nặng của chúng ta, vác nó vì Người và vì người khác. Nó có nghĩa là chấp nhận thập giá, với ý thức tin tưởng rằng chúng ta không lẻ loi một mình: Vị Chúa tử giá và phục sinh ở bên chúng ta. Bởi vậy, cùng với Thánh Phaolô, chúng ta có thể nói rằng "chúng ta chịu gian nan hoạn nạn tứ bề nhưng không bị đè bẹp; bị lúng túng không không thất vọng; bị bách hại nhưng không bỏ cuộc" (2Corinto 4:8-9).

Chịu đựng sự dữ nghĩa là khống chế nó cùng với Chúa Giêsu và bằng đường lối của Chúa Giêsu, không phải đường lối của thế gian. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô - như chúng ta đã nghe - coi mình là một kẻ chiến thắng sắp nhận được triều thiên (xem 2Timotheu 4:8). Ngài viết: "Tôi đã chiến đấu một trận chiến tốt đẹp, tôi đã hoàn thành cuộc đua, tôi đã giữ được đức tin" (câu 7). Cái yếu tính của "cuộc chiến đấu tốt đẹp" của ngài là sống cho: ngài đã không sống cho bản thân mình, mà là cho Chúa Giêsu cho người khác. Ngài đã sống cuộc đời mình bằng việc "chạy một cuộc đua", không giữ lại mà là cống hiến tất cả những gì của mình. Ngài nói với chúng ta rằng chỉ có một điều ngài đã giữ gìn: không phải là sức khỏe của ngài, mà là đức tin của ngài, là việc ngài tuyên xưng Chúa Kitô. Vì yêu, ngài đã trải qua các cuộc thử thách, các thứ nhục nhã và đau khổ là những gì không bao giờ được tìm kiếm nhưng luôn được chấp nhận. Quyền năng cứu độ của thập giá Chúa Giêsu chiếu tỏa nơi mầu nhiệm đau khổ được cống hiến vì yêu, nơi mầu nhiệm này, được thể hiện ở thời đại của chúng ta đây bởi rất nhiều anh chị em đang bị bách hại, bị bần cùng hóa và bệnh nạn.

Chữ thứ ba là cầu nguyện. Đời sống của một vị tông đồ, một đời sống xuất phát từ việc tuyên xưng và trở thành việc tự hiến, là một đời sống liên lỉ cầu nguyện. Cầu nguyện là thứ nước cần để nuôi dưỡng niềm tin tưởng cậy trông và gia tăng lòng trung thành. Cầu nguyện làm cho chúng ta cảm thấy mình được yêu thương và giúp chúng ta đáp trả yêu thương. Nó làm cho chúng ta dấn thân tiến bước trong những lúc tối tăm vì nó mang lại ánh sáng của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội, chính cầu nguyện là những gì bảo trì chúng ta và giúp chúng ta thắng vượt các thứ khó khăn. Chúng ta cũng thấy điều này nữa trong Bài Đọc 1: "Thánh Phêrô bị nhốt trong nhà tù; thế nhưng Giáo Hội đã hết sức cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho ngài" (Tông Vụ 12:5). Một Giáo Hội cầu nguyện thì được Chúa canh giữ và chăm sóc. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta tín thác cuộc sống của chúng ta cho Ngài và cho việc chăm sóc yêu thương của Ngài. Cầu nguyện là quyền năng và là sức mạnh liên kết và bảo trì chúng ta, là phương dược chữa trị tình trạng cô lập và tự mãn là những gì dẫn đến cái chết thiêng liêng. Vị Thần Linh sự sống không thở hơi trừ phi chúng ta cầu nguyện; không cầu nguyện thì các nhà tù nội tâm cứ giam giữ chúng ta không thể nào được mở khóa.

Chớ gì các Tông Đồ vinh phúc xin cho chúng ta được một tấm lòng như các vị, mệt mỏi mà vẫn bình an, nhờ biết cầu nguyện. Mệt mỏi, vì liên lỉ kêu xin, gõ cửa và chuyển cầu, chồng chất bởi rất nhiều con người ta cùng với các hoàn cảnh cần phải thưa cùng Chúa, nhưng cũng vẫn bình an vì Thánh Linh là Đấng ban niềm an ủi và sức mạnh khi chúng ta cầu nguyện. Đối với Giáo Hội thì khẩn thiết biết bao có được các vị thày dạy cầu nguyện, thế nhưng đối với chúng ta còn hơn thế nữa phải trở thành những con người nam nữ cầu nguyện, sống trọn cuộc đời cầu nguyện!

Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài trung thành với tình yêu chúng ta đã tuyên xưng về Ngài, và Ngài đứng bên chúng ta trong những lúc thử thách. Ngài hỗ trợ cuộc hành trình của các vị Tông Đồ, và Ngài sẽ làm như vậy với quí huynh, hỡi quí huynh Hồng Y thân mến, qui tụ ở nơi đây trong đức ái của các Tông Đồ, các vị đã tuyên xưng đức tin của mình bằng việc đổ máu mình ra. Ngài cũng gần cả quí huynh nữa, hỡi chư huynh Tổng Giám Mục thân mến, những vị, qua việc lãnh nhận phẩm phục, sẽ được kiên cường hiến đời mình cho đàn chiên, theo gương của Vị Mục Tử Nhân Lành là Đấng vác chư huynh trên vai của Người. Chớ gì cũng Vị Chúa này, Đấng mong thấy đàn chiên của mình qui tụ lại, cũng chúc lành và bảo vệ phái đoàn Đại Biểu Tòa Thượng Phụ hoàn vũ, cùng với người anh em Bartholomew thân mến của tôi, vị đã gửi họ đến đây như là một dấu chỉ về mối hiệp thông tông đồ của chúng ta.

https://zenit.org/articles/pope-francis-homily-for-the-feast-of-saints-peter-and-paul-3/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu