GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 8-2-2017

Bài 10

 

01feb2017_8088

 

"Niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo không phải chỉ có chiều rộng theo tính cách cá nhân riêng tư,

mà còn có tầm vóc giáo hội hiệp thông"

 

czed0-lxuaa3fii

 

"Những ai tin tưởng cậy trông là thành phần hằng ngày trải qua thử thách,

trải qua những gì là bấp bênh cùng với cái hạn hẹp của mình".

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

 

Thứ Tư vừa rồi, chúng ta đã thấy rằng, ở bức Thư Thứ Nhất gửi cho Giáo đoàn Thessalonica, Thánh Phaolô đã khuyên là hãy vững vàng trong niềm tin tưởng cậy trông vào sự phục sinh (xem 5:4-11), bằng những lời đẹp đẽ này: "chúng ta sẽ luôn ở với Chúa" (4:17). Theo cùng chiều hướng ấy, vị Tông Đồ này cho thấy rằng niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo không phải chỉ có chiều rộng theo tính cách cá nhân riêng tư, mà còn có tầm vóc giáo hội hiệp thông. Tất cả chúng ta đều hy vọng, tất cả chúng ta cũng đều có hy vọng một cách hiệp thông nữa.

 

Cái nhìn của Thánh Phaolô ngay sau đó được nới rộng đến tất cả mọi thực tại làm nên cộng đồng Kitô hữu, xin họ hãy cầu nguyện cho nhau và hãy nâng đỡ nhau - giúp đáp nhau. Thế nhưng, chẳng những giúp đáp nhau về các nhu cầu, nơi nhiều nhu cầu của cuộc sống hằng ngày, mà còn trợ giúp nhau về niềm tin tưởng cậy trông nữa. Không phải là tình cờ mà ngài thực sự bắt đầu nói đến những ai được ủy thác trách nhiệm và việc hướng dẫn về mục vụ. Các vị là thành phần đầu tiên được kêu gọi để nuôi dưỡng niềm tin tưởng cậy trông, và điều này, không phải vì các vị khá hơn những người khác, mà vì thừa tác vụ thánh đang diễn tiến tốt đẹp ngoài năng lực của các vị. Bởi thế, các vị càng cần được tất cả mọi người kính trọng, thông cảm và ưu ái nâng đỡ.

 

Thế rồi ngài chú trọng tới những người anh em đang gặp nguy cơ mất niềm tin tưởng cậy trông, nguy cơ trở nên thất vọng. Chúng ta luôn nghe thấy chuyện dân chúng cảm thấy thất vọng và làm những điều đáng sợ... Nỗi thất vọng dẫn họ tới rất nhiều điều đang sợ. Trường hợp này xẩy ra cho những ai cảm thấy không còn đủ can đảm, những ai cảm thấy mình yếu nhược, và những ai cảm thấy bị dằn vặt bởi gánh nặng của cuộc đời cũng như bởi gánh nặng về các lỗi lầm của mình là những gì không thể trút bỏ. Trong các trường hợp ấy thì việc gần gũi và tấm lòng nồng nàn của toàn thể Giáo Hội cần phải gia tăng và yêu thương hơn nữa, và cần phải thể hiện một hình thức cảm thương sâu đậm, một niềm cảm thương không phải là thương hại: niềm cảm thương là ở chỗ chịu khổ với người khác, chịu khổ với người khác, gần gũi với kẻ bị khổ đau: một lời nói, một vuốt ve, nhưng nó cần phải xuất phát từ cõi lòng; đó là niềm cảm thương, đối với người đang cần được xoa dịu và an ủi. Đây là tất cả những gì càng quan trọng hơn nữa, đó là niềm tin tưởng cậy trông của Kitô giáo liên quan đến một đức bác ái không kém chân thực và cụ thể. Trong Bức Thư gửi cho Giáo đoàn Roma, chính Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã khẳng định bằng tất cả tấm lòng của ngài được nắm ở trong bàn tay của ngài rằng: "Chúng ta là những người khỏe mạnh, cần phải chịu đựng những sai xẩy của kẻ yếu đuối, và đừng thỏa mãn bản thân mình" (15:1) - chịu đựng, chịu đựng những yếu đuối của kẻ khác. Thế nên, chứng từ này không khép kín trong những khuôn khổ của cộng đồng Kitô hữu: nó cũng âm vang ra ngoài bằng tất cả sức mạnh của nó, nơi bối cảnh xã hội và dân sự, như là một lời kêu gọi đừng tạo nên những bức tường chắn mà là những cây cầu nối, đừng lấy ác trả oán, hãy thắng dữ bằng sự lành, thắng vấp phạm bằng thứ tha, - một cộng đồng không bao giờ, không bao giờ có thể nói rằng: hắn sẽ phải bù đắp lại điều ấy! Đó không phải là một cử chỉ của Kitô hữu; một vấp phạm được thắng vượt bằng lòng tha thứ -, sống hòa thuận với tất cả mọi người. Đó là Giáo Hội! Và đó là những gì mang lại niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo, khi nó áp dụng những hướng dẫn mạnh mẽ và đồng thời cả niềm êm ái dịu dàng của lòng yêu thương. Tình yêu thì mãnh liệt và mền mại; nó mỹ miều đẹp đẽ.

 

Rồi chúng ta biết rằng người ta không thể tự mình học biết tin tưởng cậy trông. Không ai có thể tự học biết tin tưởng cậy trông. Đó là điều bất khả. Để được nuôi dưỡng thì niềm tin tưởng cậy trông nhất thiết cần có một "cơ thể", trong đó các phần tử khác nhau nâng đỡ và phục hồi nhau. Vậy điều này có nghĩa là nếu chúng ta tin tưởng cậy trông đó là vì nhiều anh chị em của chúng ta đã dạy chúng ta tin tưởng cậy trông và đã bảo tồn niềm tin tưởng cậy trông của chúng ta. Nổi bật nhất trong số các phần tử này là những con người nhỏ bé, những người nghèo khổ, những người đơn sơ chất phác và những người ở bên lề xã hội. Đúng thế, vì người không biết tin tưởng cậy trông là kẻ khép kín vào phúc lợi của mình: chỉ hy vọng vào phúc lợi của mình thì không phải là hy vọng; người không biết tin tưởng cậy trông là kẻ khép mình vào cái thỏa mãn riêng tư, bao giờ cũng cho mình đúng...

Trái lại, những ai tin tưởng cậy trông là thành phần hằng ngày trải qua thử thách, trải qua những gì là bấp bênh cùng với cái hạn hẹp của mình. Chính những người anh em ấy cống hiến cho chúng ta chứng từ tuyệt vời nhất, mạnh mẽ nhất, vì họ kiên vững nơi việc họ phó mình cho Chúa, biết rằng, ở bên ngoài những gì là buồn thảm, đè nén và cái chết bất khả tránh, phán quyết cuối cùng sẽ là phán quyết của Chúa và sẽ là một thứ ngôn từ của lòng thương xót, của sự sống và của bình an. Ai hy vọng thì hãy hy vọng một ngay kia nghe được những lời sau này: "Hãy đến, hãy đến cùng tôi, hỡi người anh em; hãy đến, hãy đến cùng tôi, hỡi người chị em, mãi mãi muôn đời".

Các bạn thân mến, nếu - như chúng ta đã nói - nơi cư ngụ tự nhiên của niềm tin tưởng cậy trông là một "cơ thể" hỗ trợ, thì nơi trường hợp của niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo cơ thể này là Giáo Hội, nơi Thánh Linh là hởi thở sống, là hồn sống của niềm tin tưởng cậy trông này. Bởi vậy mới thấy được lý do tại sao cuối cùng Tông Đồ Phaolô mời gọi chúng ta hãy liên tục cầu khẩn cùng Thánh Linh. Nếu tin tưởng là những gì không dễ thì hy vọng lại càng không dễ. Hy vọng khó hơn là tin tưởng; khó hơn. Tuy nhiên, khi Thánh Linh ngự trong lòng của chúng ta thì chính Ngài làm cho chúng ta hiểu được rằng chúng ta không được sợ hãi, rằng Chúa ở gần chúng ta và chăm sóc cho chúng ta; và chính Ngài là Đấng khuôn đúc các cộng đồng của chúng ta, bằng một lễ Hiện Xuống trường kỳ, như là những dấu hiệu sống động của niềm tin tưởng cậy trông cho gia đình nhân loại. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-hope-source-of-mutual-comfort-peace/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu