GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 15-3-2017

Bài 13

 

 

"Chúng ta được kêu gọi yêu thương, bác ái.

Đó là ơn gọi cao cả nhất của chúng ta, ơn gọi trên hết của chúng ta,

và liên hệ với ơn gọi này còn cả nỗi vui của niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo nữa"

 

Pope at Audience

 

"Nỗi vui mừng trong niềm tin tưởng cậy trông vì chúng ta biết rằng ở mọi hoàn cảnh,

cho dù là đối nghịch nhất, cũng như qua cả những thất bại của chúng ta,

thì Thiên Chúa vẫn không thôi yêu thương".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta quá biết rằng giới luật cao cả Chúa Giêsu lưu lại cho chúng ta đó là yêu thương, ở chỗ kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn của chúng ta, cùng yêu thương tha nhân như bản thân mình (xem Mathêu 22:37-39), tức là chúng ta được kêu gọi yêu thương, bác ái. Đó là ơn gọi cao cả nhất của chúng ta, ơn gọi trên hết của chúng ta, và liên hệ với ơn gọi này còn cả nỗi vui của niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo nữa. Ai yêu thương thì cảm nghiệm được nỗi vui của niềm tin tưởng cậy trông này, nỗi vui được tiến đến chỗ gặp gỡ tinh yêu cao cả là chính Chúa.

Trong đoạn Thư gửi Giáo đoàn Rôma chúng ta vừa nghe, Tông Đồ Phaolô cảnh giác chúng ta rằng: đức bác ái của chúng ta có nguy cơ mang tính cách giả hình, tức là tình yêu thương của chúng ta có tình cách giả hình. Bởi thế, chúng ta cần phải tự hỏi rằng: điều này xẩy ra khi nào? Chúng ta làm sao có thể bảo đảm rằng tình yêu của chúng ta chân thành, đức bác ái của chúng ta đích thực? Tức là chúng ta không giả vờ làm việc bác ái, hay tình yêu của chúng ta không phải là một thứ nhạc kịch mà là một tình yêu thương mạnh mẽ chân thành...

Giả hình có thể luồn lách mình ở khắp nơi, cả ở cách thức yêu thương của chúng ta nữa. Điều này được chứng thực khi tình yêu của chúng ta là một thứ tình yêu vụ lợi, được tác động bởi những lợi lộc riêng tư và có biết bao nhiêu là thứ tình yêu vụ lợi... khi các dịch vụ bác ái, những gì cho thấy chúng ta như thể chúng ta dấn thân, mà thực ra chúng ta đang thực hiện để đưa mình lên hay cho thỏa mãn bản thân: "Không ngờ mà tôi giỏi đáo để!". Đừng, giả hình đó! - hay là khi chúng ta chú ý đến những gì có "tính chất hữu hình" để khoe khoang trí thông minh của chúng ta hoặc các tài năng của chúng ta. Ở đằng sau tất cả những thứ ấy là một ý nghĩ dối trá sai lầm, tức là cho rằng nếu chúng ta yêu thương là vì chúng ta tốt lành, như thể bác ái là một tạo vật của con người, là một sản phẩm của tâm can chúng ta. Trái lại, bác ái trước hết là một ân huệ, là một tặng ân; việc có thể yêu thương là ân ban của Thiên Chúa, và chúng ta cần phải xin ơn này. Ngài sẽ sẵn lòng ban nó nếu chúng cầu xin. Bác ái là một ân ban: nó không ở chỗ chúng ta có những gì nổi nang mà là những gì Chúa ban cho chúng ta và chúng ta tự tình lãnh nhận. Nó không thể tỏ hiện ở nơi việc chúng ta gặp gỡ những người khác, trừ khi trước hết được xuất phát từ cuộc gặp gỡ dung nhan hiền lành và nhân hậu của Chúa Giêsu.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy nhìn nhận rằng chúng ta là những tội nhân, và ngay cả cách thức yêu thương của chúng ta cũng có dấu vết tội lỗi nữa. Tuy nhiên, đồng thời ngài cũng biến mình thành một con người loan tin mới, một việc loan tin về niềm tin tưởng cậy trông, đó là Chúa mở ra trước chúng ta một con đường giải phóng, một con đường cứu độ. Đối với chúng ta đó cũng là khả năng để chúng ta sống giới luật cao cả yêu thương này, để trở thành dụng cụ cho đức bác ái của Thiên Chúa. Điều này xẩy ra khi chúng ta để cho tâm can của chúng ta được Chúa Kitô phục sinh chữa lành và được canh tân đổi mới. Vị Chúa phục sinh này đang sống giữa chúng ta, Đấng sống với chúng ta có thể chữa lành tâm can của chúng ta: Người làm thế nếu chúng ta xin với Người. Người là Đấng giúp chúng ta, bất chấp cái bé mọn và nghèo nàn của chúng ta, có thể cảm nghiệm được lòng cảm thương của Chúa Cha và cử hành những kỳ công của tình Ngài yêu thương. Để rồi chúng ta hiểu rằng tất cả những gì chúng ta có thể sống và làm cho anh em của chúng ta chẳng còn là gì ngoài việc đáp lại những gì Thiên Chúa đã làm và tiếp tục làm cho chúng ta. Bởi thế, chính Thiên Chúa, Đấng ngự trong tâm can chúng ta và trong cuộc đời của chúng ta, tiếp tục gần gũi và phục vụ tất cả những ai chúng ta gặp gỡ hằng ngày trong cuộc hành trình của chúng ta, bắt đầu từ ai bé mọn nhất và thiếu thốn nhất là thành phần được Người đồng hóa trước hết.

Vậy, bằng những lời lẽ này, Tông Đồ Phaolô không muốn khiển trách chúng ta hơn là phấn khích và phục hồi niềm tin tưởng cậy trông nơi chúng ta. Thật vậy, tất cả chúng ta đều cho rằng chúng ta không sống một cách trọn vẹn giới luật yêu thương như chúng ta cần phải sống. Tuy nhiên, đó cũng là một ân huệ, vì nó làm cho chúng ta biết rằng tự mình chúng ta không thể yêu thương thực sự: chúng ta cần Chúa canh tân đổi mới liên tục tặng ân này trong lòng của chúng ta, nhờ cảm nghiệm thấy lòng thương xót vô cùng bất tận của Người. Để rồi, đúng thế, chúng ta sẽ biết cảm nhận những gì là bé mọn, đơn sơ và bình thường; chúng ta sẽ biết cảm nhận những gì là bé mọn thường ngày này, và sẽ có thể yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu thương họ, muốn tốt cho họ, muốn họ là những vị thánh, thành phần bạn hữu của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc được có thể gần gũi với những ai nghèo nàn và thấp kém, như Chúa Giêsu tỏ ra với từng người chúng ta khi chúng ta xa cách Người, có thể cúi mình xuống chân của anh em chúng ta, như Người, một Người Samaritanô Nhân Lành, thực hiện với từng người chúng ta, bằng lòng thương cảm của Người và ơn tha thứ của Người.

Anh em thân mến, những gì Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta là một bí mật - tôi sử dụng từ ngữ của ngài - nó là một bí mật cảm thấy "vui mừng trong niềm tin tưởng cậy trông" (Roma 12:12): vui mừng trong niềm tin tưởng cậy trông. Nỗi vui mừng trong niềm tin tưởng cậy trông vì chúng ta biết rằng ở mọi hoàn cảnh, cho dù là đối nghịch nhất, cũng như qua cả những thất bại của chúng ta, thì Thiên Chúa vẫn không thôi yêu thương. Thế nên, nhờ tâm can của chúng ta được ân sủng của Ngài và lòng trung thành của Ngài viếng thăm cùng cư ngụ, chúng ta sống trong niềm tin tưởng cậy trông qua việc đáp đền ở nơi những người anh em, bằng những gì nhỏ mọn chúng ta có được, bằng những gì dồi dào chúng ta hằng ngày lãnh nhận từ Ngài. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-rejoicing-in-hope/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu