GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 12-4-2017

Bài 18

 

 

 

 

"Chúa Giêsu đã mang đến cho thế giới một niềm hy vọng mới... nơi tận cùng của việc Người hạ mình - cũng là tột đỉnh của tình yêu thương - niềm hy vọng đã bừng phát...."

 

"Tất cả chúng ta cần phải dừng lại trước Tượng Chuộc Tội ... và hãy nhìn lên Người mà nói cùng Người rằng: 'Với Chúa chẳng có gì mất mát. Với Chúa con luôn có thể hy vọng. Chúa là niềm hy vọng của con'"

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

 

Chúa Nhật vừa rồi chúng ta đã nhắc lại việc Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem, giữa những tiếng hân hoan tung hô của môn đệ và của một đám rất đông dân chúng. Những người này đã đặt rất nhiều hy vọng vào Chúa Giêsu: rất nhiều người đã mong thấy Người làm các phép lạ và những dấu lạ cả thể, những biểu lộ của quyền lực và thậm chí của việc giải phóng khỏi thành phần kẻ thù đang chiếm đóng. Có ai trong họ lại nghĩ rằng, trái lại, từ lúc ấy Chúa Giêsu sẽ sớm bị hạ nhục, lên án và giết chết trên một cây thập tự giá? Những niềm hy vọng trần gian này của những con người đó đã bị sụp đổ trước cây thập tự giá ấy. Thế nhưng, chúng ta tin rằng chính ở nơi Đấng Tử Giá mà niềm hy vọng của chúng ta được tái sinh. Các niềm hy vọng trần thế tan bay trước cây thập giá ấy nhưng những niềm hy vọng của chúng ta lại được tái sinh, những niềm hy vọng mãi mãi tồn tại. Đó là một niềm hy vọng khác với những niềm hy vọng sụp đổ, khác với những niềm hy vọng của thế giới. Tuy nhiên, thứ hy vọng này là gì vậy? Niềm hy vọng gì mà lại xuất phát từ cây thập tự giá ấy chứ?

 

Thật vậy, những gì Chúa Giêsu đã nói, sau khi tiến vào Thành Giêrusalem, có thể giúp chúng ta hiểu được điều ấy: "Một hạt lúa miến gieo xuống đất mà không chết đi nó sẽ cứ trơ trơ như thế; nhưng có chết đi nó mới sinh nhiều hoa trái" (Gioan 12:24). Chúng ta hãy cố gắng nghĩ về một hạt lúa hay một hạt giống nho nhỏ rơi xuống đất. Nếu nó giữ nguyên hình trạng thì chẳng có gì xẩy ra hết; trái lại, nếu nó bị tách ra, mở ra thì sau đó nó mới đơm bông kết nụ rồi thành cây, một cây sẽ sinh trái.

 

Chúa Giêsu đã mang đến cho thế giới một niềm hy vọng mới, và Người đã thực hiện điều này bằng đường lối của một hạt giống: Người đã biến Bản Thân Mình thành nhỏ bé - bé nhỏ, như một hạt miến; Người đã từ bỏ vinh quang thiên đình của mình để đến ở giữa chúng ta: Người "đã rơi xuống đất". Thế nhưng, làm như thế vẫn chưa đủ. Để sinh hoa trái, Chúa Giêsu đã sống tình yêu cho tới cùng, để mình bị tan nát bởi cái chết như một hạt giống để mình tan rữa dưới lòng đất. Thật thế, ở đó, nơi tận cùng của việc Người hạ mình - cũng là tột đỉnh của tình yêu thương - niềm hy vọng đã bừng phát. Nếu ai trong anh chị em đặt vấn đề rằng; "niềm hy vọng được xuất phát như thế nào?" "Từ cây thập tự giá này. Hãy nhìn cây thập tự giá ấy, hãy nhìn vào Chúa Kitô Tử Giá thì từ đó sẽ xuất hiện một niềm hy vọng không còn biến mất nữa, một niềm hy vọng kéo dài tới sự sống đời đời". Niềm hy vọng này bừng lên thực sự bởi sức mạnh của tình yêu thương: vì đó là một tình yêu thương "hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự" (1Corintô 13:7), một tình yêu thương là sự sống của Thiên Chúa, đã canh tân đổi mới hết mọi sự được nó vươn tới. Bởi vậy mà khi Phục Sinh, Chúa Giêsu, Đấng đã gánh tội của chúng ta, đã biến đổi nó thành ơn tha thứ, biến đổi cái chết của chúng ta thành phục sinh, biến đổi nỗi lo sợ của chúng ta thành niềm tin tưởng. Anh chị em có thấy không, đó là lý do tại sao ở trên cây thập giá ấy niềm hy vọng của chúng ta được xuất phát và hằng được tái sinh; có thấy được với Chúa Giêsu thì hết mọi tối tăm của chúng ta có thể được biến thành ánh sáng ra sao không, hết mọi thảm bại thành chiến thắng thế nào, hết mọi thất vọng thành hy vọng - hết mọi, đúng, hết mọi. Niềm hy vọng vượt trên tất cả mọi sự, vì nó được xuất phát từ tình yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng đã biến mình như một hạt miến trong trái đất và là Đấng đã chết đi để hiến ban sự sống, từ sự sống tràn đầy yêu thương đó đã xuất hiện niềm hy vọng.

 

Khi chúng ta chọn niềm hy vọng của Chúa Giêsu, từ từ chúng ta khám phá ra rằng đường lối sống thắng cuộc là đường lối của hạt giống, của tình yêu khiêm hạ. Không còn cách nào khác để thẳng vượt sự dữ và để cống hiến cho thế gian niềm hy vọng. Nhưng anh chị em có thể nói cùng tôi rằng: "Không, đó là một thứ lý lẽ thất sách!" Dường như thế đó, nó là một thứ lý lẽ thất sách, vì kẻ nào yêu thương thì mất đi quyền lực. Anh chị em có bao giờ nghĩ đến điều này hay chăng? Người nào yêu thương thì bị mất quyền lực, kẻ nào cho đi thì tước bỏ bản thân mình khỏi một cái gì đó và yêu thương là một quà tặng. Thực ra cái lý lẽ của hạt giống mục nát, cái lý lẽ của tình yêu thương khiêm hạ, là đường lối của Thiên Chúa, và chỉ có thể mới sinh hoa trái. Chúng ta thấy nó nơi cả chúng ta nữa, ở chỗ việc chiếm hữu bao giờ cũng đẩy chúng ta đến chỗ muốn một điều gì khác: tôi đã có được điều này cho bản thân mình, tôi liền muốn một điều khác khá hơn nữa, cứ thế, và tôi chẳng bao giờ được thỏa đáng. Đó là một cơn khát ghê gớm! Anh chị em càng có thì anh chị em càng muốn. Kẻ nào tham lam thì chẳng bao giờ thỏa. Chúa Giêsu đã rõ ràng nói đến điều này: "ai yêu sự sống mình thì đánh mất nó" (Gioan 12:25). Anh chị em tham lam thì anh chị em muốn có rất nhiều thứ, nhưng... anh chị em sẽ mất hết mọi sự, kể cả sự sống của anh chị em, tức là ai yêu bản thân mình và sống cho các thứ lợi lộc của mình thì phồng lên rồi xẹp xuống. Trái lại, ai chấp nhận thì sẵn sàng sống đường lối của Thiên Chúa: bởi vậy họ sẽ là kẻ chiến thắng, cứu được mình và người khác; trở thành hạt giống hy vọng cho thế giới. Nhưng cần phải giúp đỡ người khác, phục vụ người khác... có lẽ chúng ta sẽ bị mệt mỏi! Tuy nhiên sự sống là như thế và tâm can thì được tràn đầy niềm vui và hy vọng. Tình yêu thương và niềm hy vọng đi với nhau, ở chỗ phục vụ và trao tặng.

 

Tình yêu đích thực này thật sự phải trải qua thập giá, hy sinh, như với Chúa Giêsu. Cây thập tự giá này là một cuộc vượt qua không thể bỏ qua nhưng nó không phải là đích nhắm, nó là một cuộc vượt qua: đích nhắm là vinh quang, như Phục Sinh cho chúng ta thấy. Đến đây một hình ảnh rất đẹp khác giúp chúng ta hiểu hơn, được Chúa Giêsu lưu lại cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Người nói rằng: "Khi người đàn bà chuyển bụng thì sầu thương đau đớn vì giờ của mình đã đến; thế nhưng khi bà đã sinh ra một đứa con thì không còn nhớ đến cái đau thương nữa, vì bà cảm thấy vui bởi một con trẻ đã vào đời" (Gioan 16:21). Anh chị em thấy không: cống hiến sự sống chứ không phải là sở hữu sự sống. Đó là điều các người mẹ thực hiện: họ cống hiến một sự sống khác, họ chịu khổ, thế nhưng họ hân hoan, hạnh phúc vì họ đã hạ sinh một sự sống khác. Nó mang lại niềm vui; tình yêu sinh sản sự sống và thậm chí còn cống hiến ý nghĩa cho nỗi sầu thương nữa. Tình yêu là cái máy làm cho niềm hy vọng của chúng ta tiến phát. Tôi xin lập lại: tình yêu là cái máy làm cho niềm hy vọng của chúng ta tiến phát. Mỗi người trong chúng ta có thể tự vấn xem: "Tôi có yêu thương hay chăng? Tôi đã biết yêu thương hay chăng? Tôi có biết hằng ngày yêu thương hơn nữa hay chăng?" - vì tình yêu là cái máy làm cho niềm hy vọng của chúng ta tiến phát.

 

Anh chị em thân mến, trong những ngày này, những ngày của tình yêu thương, chúng ta hãy để cho mình được bao bọc bởi mầu nhiệm của Chúa Giêsu, mầu nhiệm chết đi như hạt miến, chết đi để cống hiến sự sống cho chúng ta. Người là hạt giống cho niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm Đấng Tử Giá là nguồn hy vọng. Dần dần chúng ta sẽ hiểu rằng hy vọng với Chúa Giêsu là học nhìn thấy cái cây đã có ở nơi hạt giống, Phục Sinh nơi thập giá, sự sống nơi sự chết. Giờ đây tôi muốn cho anh chị em bài làm ở nhà. Tất cả chúng ta cần phải dừng lại trước Tượng Chuộc Tội - tất cả anh chị em đều có một tượng này ở nhà - và hãy nhìn lên Người mà nói cùng Người rằng: "Với Chúa chẳng có gì mất mát. Với Chúa con luôn có thể hy vọng. Chúa là niềm hy vọng của con". Giờ đây chúng ta hãy nghĩ đến Tượng Chuộc Tội và tất cả chúng ta cùng nhau nói với Chúa Giêsu Tử Giá ba lần rằng: "Chúa là niềm hy vọng của con". Tất cả: "Chúa là niềm hy vọng của con". Lớn hơn: "Chúa là niềm hy vọng của con". Xin cám ơn anh chị em.

 

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-unfailing-hope-born-from-the-cross/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu  

Nhận định của người dịch về loạt bài Niềm Tin Tưởng Cậy Trông của Đức Thánh Cha Phanxicô đó là ngài vẫn tiếp tục đề tài này, bao gồm cả các mùa phụng niên - Mùa Vọng, Giáng Sinh, Lễ Tro, Mùa Chay v.v.- chứ không ngừng loạt bài giáo lý này lại để nói riêng về ý nghĩa liên quan tới thời điểm phụng vụ đặc biệt nào đó, chẳng hạn về Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu từ ngày mai, như đã từng xẩy ra trong quá khứ.

Ngài đã tài tình áp dụng và chắp ghép ý nghĩa của đề tài niềm tin tưởng cậy trông với ý nghĩa của từng mùa phụng vụ. Nếu Mùa Giáng Sinh đã thích hợp với đề tài niềm tin tưởng cậy trông của ngài thì Mùa Phục Sinh sắp tới lại càng thích hợp với đề tài hy vọng này hơn nữa.

Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta được chẳng những thưởng thức loạt bài về đề tài xuyên phụng vụ và bao gồm trọn phụng niên này mà còn cảm thấy thích thú trước cái tài khéo léo cấu trúc này của một vị giáo hoàng như Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta hiện nay.

 

Tông đồ Phêrô chối Thày vì muốn theo Thày