GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 19-4-2017
Bài 19
"... một biến cố bất khả chối cãi, một biến cố không phải là thành quả suy niệm của một con người khôn ngoan nào đó, mà là một sự kiện, một sự kiện đơn thuần đã can thiệp vào đời sống của một số người. Kitô giáo được phát xuất từ đó. Nó không phải là một ý hệ; nó không phải là một trường phái triết lý, mà là một hành trình đức tin được bắt đầu từ một biến cố, một biến cố được các người môn đệ tiên khởi của Người chứng kiến thấy".
"Kitô giáo là ân ban, là những gì ngỡ ngàng bàng hoàng, và vì thế mới cần có một tấm lòng có khả năng về những gì bàng hoàng ngỡ ngàng. Một con tim khép kín, một con tim lý sự thì không thể cảm thấy bàng hoàng ngỡ ngàng, và không thể nào hiểu được bản chất thế nào là Kitô giáo".
Xin chào anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta gặp gỡ nhau trong ánh sáng của Lễ Phục Sinh, một lễ chúng ta đã cử hành và tiếp tục cử hành bằng phụng vụ. Trong hành trình về niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo, hôm nay tôi muốn nói với anh chị em về Chúa Kitô Phục Sinh, niềm tin tưởng cậy trông của chúng ta, như Thánh Phaolô cho thấy về Người ở Bức Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Corintô (xem Đoạn 15).
Vị Tông Đồ này muốn ổn định một vấn đề thật sự đã trở thành tâm điểm bàn luận ở cộng đồng Corintô này. Vấn đề Phục Sinh là vấn đề tranh cãi cuối cùng được đề cập đến trong bức thư này, thế nhưng, có lẽ, theo thự tự tính cách quan trọng của vấn đề thì nó lại là vấn đề quan trọng nhất, ở chỗ hết mọi sự đều lệ thuộc vào giả định này.
Khi nói với thành phần Kitô hữu của mình, Thánh Phaolô bắt đầu từ một biến cố bất khả chối cãi, một biến cố không phải là thành quả suy niệm của một con người khôn ngoan nào đó, mà là một sự kiện, một sự kiện đơn thuần đã can thiệp vào đời sống của một số người. Kitô giáo được phát xuất từ đó. Nó không phải là một ý hệ; nó không phải là một trường phái triết lý, mà là một hành trình đức tin được bắt đầu từ một biến cố, một biến cố được các người môn đệ tiên khởi của Người chứng kiến thấy. Thánh Phaolô đã tóm gọn nó như thế này, đó là Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta, đã được chôn táng và vào ngày thứ ba Người đã sống lại và hiện ra với Phêrô cũng như với 12 Vị (xem 1 Corinto 15:3-5). Đó là một sự kiện: Người đã chết, đã được chôn táng, đã sống lại và đã hiện ra, tức là Chúa Giêsu đang sống! Đó là tâm điểm của sứ điệp Kitô giáo.
Khi loan báo biến cố này, một biến cố là tâm điểm của đức tin, Thánh Phaolô trên hết đã nhấn mạnh đến yếu tố cuối cùng của mầu nhiệm vượt qua, tức là đến Chúa Giêsu phục sinh. Thật vậy, nếu mọi sự được kết thúc ở nơi cái chết thì chúng ta thấy ở nơi Người một tấm gương hy hiến cao cả nhất, thế nhưng điều này không làm phát sinh ra đức tin của chúng ta. Người là một vị anh hùng. Không phải thế! Người đã chết nhưng lại phục sinh vì đức tin xuất phát từ biến cố Phục Sinh. Việc chấp nhận Chúa Kitô đã chết đi và Người đã chết trên thập tự giá, không phải là một tác động đức tin; nó là một sự kiện lịch sử. Trái lại, việc tin tưởng Người đã phục sinh mới là (tác động đức tin). Đức tin của chúng ta được xuất phát từ sáng Phục Sinh. Thánh Phaolô đã liệt kê những con người được Chúa Giêsu hiện ra (xem các câu 5-7). Ở đây chúng ta có một tổng hợp nho nhỏ về tất cả những trình thuật vượt qua cũng như về tất cả những người liên hệ tới Đấng Phục Sinh. Ở đầu bảng liệt kê là Cephas, tức Phêrô, và nhóm 12, sau đó tới "500 anh em" mà nhiều người trong họ có thể cống hiến chứng từ của mình, rồi Giacôbê được đề cập tới. Người cuối cùng trong bảng liệt kê này - vì bất xứng nhất trong tất cả mọi người - là chính bản thân thánh nhân. Thánh Phaolô nói về mình như là "một kẻ sinh non" (xem câu 8).
Thánh Phaolô sử dụng việc bày tỏ này là vì tiểu sử của ngài là một lịch sử thê thảm: ngài không phải là một chú giúp lễ, mà là một tên bắt bớ Giáo Hội, hãnh diện về những niềm xác tín của mình; ngài cảm thấy mình như là một con người đã được sinh ra, với một ý nghĩa rất thanh khiết về đời sống phải ra sao theo các phận vụ của nó. Tuy nhiên, nơi bức tranh toàn vẹn này - hết mọi sự đều toàn hảo nơi Phaolô, chàng đã biết hết mọi sự - nơi bức tranh toàn hảo về đời sống này, một ngày kia có điều đã xẩy ra hoàn toàn bất ngờ, đó là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh, trên đường đến Damasco. Ngài chẳng những là một con người bị ngã xuống đất ở đó, ngài còn là một con người bị chộp bắt bởi một biến cố đã làm đảo lộn ý nghĩa của cuộc đời. Thế rồi kẻ bách hại đã trở thành một vị Tông Đồ, tại sao? Vì tôi đã thấy Chúa Giêsu đang sống! Tôi đã từng thấy Chúa đang sống! Đó là nền tảng của đức tin nơi Thánh Phaolô, như nó là nền tảng đức tin của các vị Tông Đồ khác, của Giáo Hội và của đức tin chúng ta.
Dễ thương biết bao khi nghĩ rằng Kitô giáo chính yếu là thế! Không phải là chúng ta tìm kiếm (Thiên Chúa) nơi mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa - một tìm kiếm thực sự là rất chập chờn bấp bênh (làm sao ấy) - mà là Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta nơi các mối liên hệ của chúng ta (với Ngài). Chúa Giêsu đã chiếm đoạt chúng ta, Ngài đã chộp bắt chúng ta; Người đã thắng được chúng ta, không bao giờ bỏ chúng ta nữa. Kitô giáo là ân ban, là những gì ngỡ ngàng bàng hoàng, và vì thế mới cần có một tấm lòng có khả năng về những gì bàng hoàng ngỡ ngàng. Một con tim khép kín, một con tim lý sự thì không thể cảm thấy bàng hoàng ngỡ ngàng, và không thể nào hiểu được bản chất thế nào là Kitô giáo. Vì Kitô giáo là một ân ban, mà ân ban là những gì chỉ nhận thấy thôi, còn những gì hơn thế nữa thì được thấy ở nơi cái lạ lùng của cuộc gặp gỡ.
Và rồi cho dù chúng ta là những tội nhân - tất cả chúng ta đều là tội nhân - cho dù những quyết tâm tốt lành của chúng ta còn nguyên trên mặt giấy, hay cho dù khi nhìn lại đời sống của mình chúng ta nhận thấy chúng ta còn thêm nhiều thảm bại khác nữa... Vào buổi sáng Phục Sinh chúng ta có thể làm như những người được Phúc Âm nói đến, đó là đến mộ của Chúa Giêsu, nhìn thấy tảng đả lớn bị lăn ra khỏi cửa mồ và nghĩ rằng Thiên Chúa đang mang đến cho tôi, cho tất cả chúng ta, một tương lai bất ngờ. Hãy đi đến ngôi mộ của mình: tất cả chúng ta đều có một chút cái mộ ấy bên trong mình. Hãy đến đó và hãy nhìn xem làm thế nào Thiên Chúa đã có thể sống lại từ đó. Ở đó có hạnh phúc, niềm vui và sự sống, nơi mà tất cả chúng ta đều tưởng là chỉ toàn là buồn sầu, hư hại và tối tăm. Thiên Chúa đang làm những bông hoa tuyệt mỹ nhất nở ra giữa những tảng đá khô cứng nhất.
Là Kitô hữu nghĩa là không bắt đầu từ sự chết mà từ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, tình yêu thương đã đánh bại kẻ thù dữ dội nhất của chúng ta. Thiên Chúa là Đấng cao cả lớn lao hơn tất cả mọi sự, và chỉ cần người ta thắp nến lên thì đủ xua tan tăm tối nhất của đêm đen. Thánh Phaolô đã kêu lên, âm vang lời của các vị tiên tri, đó là "Ôi sự chết, chiến thắng của người ở đâu? Ôi sự chết, cái nọc chết chóc của người đâu rồi?" (câu 55). Trong những ngày này, chúng ta hãy ấp ủ trong lòng mình tiếng kêu ấy. Và nếu chúng ta được hỏi về lý do tại sao chúng ta tươi cười và về việc chúng ta nhẫn nại chia sẻ thì chúng ta có thể đáp lại rằng Chúa Giêsu vẫn ở nơi đây, Người tiếp tục sống giữa chúng tôi, Chúa Giêsu đang ở nơi đây, tại Quảng Trường này, với chúng tôi: Người đang sống và đã sống lại.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-risen-christ-our-hope/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Xin xem thêm bài viết liên quan đến những tư tưởng chính yếu của Bài Giáo Lý hôm nay,
"Phục Sinh... một biến cố bất khả chối cãi, một biến cố không phải là thành quả suy niệm của một con người khôn ngoan nào đó, mà là một sự kiện, một sự kiện đơn thuần đã can thiệp vào đời sống của một số người. Kitô giáo được phát xuất từ đó. Nó không phải là một ý hệ; nó không phải là một trường phái triết lý, mà là một hành trình đức tin được bắt đầu từ một biến cố, một biến cố được các người môn đệ tiên khởi của Người chứng kiến thấy".
ở cái link dưới
đây:
Làm thế nào để biết / chứng minh Chúa Kitô thực sự phục sinh?