GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 3-5-2017

Bài 21

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Trong cuộc hành trình giáo lý của chúng ta về niềm tin tưởng cậy trông, hôm nay chúng ta nhìn vào Đức Maria, Mẹ của niềm hy vọng. Mẹ Maria hơn một lần đã vượt qua đêm tối trên con đường làm Mẹ. Từ lần xuất hiện đầu tiên trong lịch sử Phúc Âm, hình ảnh của Mẹ nổi bật như thể Mẹ là nhân vật của một thảm kịch. Không phải là dễ dàng để trả lời cho lời Thiên Thần mời gọi bằng tiếng “xin vâng”: tuy nhiên, là một người đàn bà vẫn còn ở tuổi thanh xuân, Mẹ đã can đảm trả lời, bất chấp việc Mẹ không hề biết gì về định mệnh đang đợi chờ Mẹ. Vào giây phút đó, đối với chúng ta Mẹ Maria hiện lên như là một trong những bà mẹ trên thế giới này của chúng ta, can đảm cho đến cùng khi sắp sửa lãnh nhận nơi bụng dạ của mình câu chuyện về một con người mới được hạ sinh.

Tiếng “xin vâng” ấy là bước đầu tiên trong một bản liệt kê dài của lòng tuân phục - một bản liệt kê dài của lòng tuân phục! - sẽ đi kèm với cuộc hành trình làm mẹ của Mẹ. Bởi vậy, Mẹ Maria xuất hiện trong Phúc Âm như là một người đàn bà thầm lặng, vị thường không hiểu được tất cả những gì đang xẩy ra chung quanh Mẹ, thế nhưng Mẹ suy niệm hết mọi lời và hết mọi biến cố trong lòng Mẹ.

Trong trạng thái này, có một điểm tâm lý rất đẹp về Mẹ Maria: Mẹ không phải là một người đàn bà trở nên chán chường trước những bất định của đời sống, nhất là khi chẳng có gì dường như hợp tình hợp lý. Thậm chí Mẹ không phải là người đàn bà chống cự một cách dữ dội, vị kịch liệt phản kháng định mệnh của một cuộc sống thường hiện lên những bộ mặt hận thù. Trái lại, Mẹ là một người đàn bà lắng nghe: đừng quên rằng bao giờ cũng có một mối liên hệ lớn lao giữa niềm hy vọng và việc lắng nghe, và  Mẹ Maria là một người đàn bà lắng nghe. Mẹ Maria chấp nhận cuộc hiện hữu như được ban cho chúng ta, qua những ngày vui của nó cũng như những thảm nạn của nó, những thảm nạn chúng ta chẳng bao giờ muốn đối diện – cho đến đêm tối cùng tận của Mẹ Maria, khi Con Mẹ bị đóng đanh trên cây thập tự giá.

Cho đến ngày ấy, Mẹ Maria hầu như biến mất khỏi cốt truyện Phúc Âm: Các vị thánh ký đã cho thấy được cái lu mờ về sự hiện diện này của Mẹ, việc Mẹ âm thầm trước mầu nhiệm của một Người Con tuân phục Chúa Cha. Tuy nhiên, Mẹ Maria đã tái xuất hiện chính vào lúc quan trọng, khi một phần lớn bạn hữu biến khuất vì sợ hãi. Các bà mẹ là những người không phản bội, và vào giây phút ấy, dưới chân thập tự giá, không ai trong chúng ta có thể nói cuộc khổ nạn dữ dội nhất như thế nào: cuộc khổ nạn của một con người vô tội đang chết bằng giá của một cây thập tự, hay cuộc khổ nạn của một người mẹ đồng hành tới giây phút cuối cùng của cuộc sống con mình. Các Phúc Âm là những gì vắn gọn và cực kỳ thận trọng. Các Phúc Âm ghi lại một động từ đơn giản về sự hiện diện của Người Mẹ này: Mẹ “đã ở đó” (Gioan 19:25), Mẹ đã ở đó. Các Phúc Âm không nói gì về phản ứng của Mẹ, Mẹ có khóc lóc hay chăng, hay Mẹ chẳng khóc lóc gì… chẳng hề nói tới; không một nét chấm phá nào diễn tả nỗi sầu đau của Mẹ: về những chi tiết này, bởi thế, óc tưởng tượng của các thi sĩ và họa sĩ mới mạo hiểm, cống hiến cho chúng ta những hình ảnh đã đi vào lịch sử của nghệ thuật và văn chương. Còn các Phúc Âm chỉ nói với chúng ta rằng: Mẹ “đã ở đó”. Mẹ đã ở đó, trong giây phút rùng rợn nhất, trong giây phút tàn ác nhất, và Mẹ đã chịu khổ với Con của Mẹ. "Đã ở đó", Mẹ Maria "đã ở đó", Mẹ chỉ ở đó. Mẹ đó, một người nữ trẻ trung Nazarét, bấy giờ với mái tóc bạc mầu theo giòng thời gian, vẫn đang chống chọi với một Vị Thiên Chúa là Đấng chỉ còn phải biết chấp nhận Ngài mà thôi, và với một cuộc đời đã tiến đến ngưỡng cửa của bóng đêm đen tối nhất. Mẹ Maria "đã ở đó" trong bóng đêm đen tối nhất, thế nhưng Mẹ "đã ở đó". Mẹ không đi khỏi đó. Mẹ có đó, trung thành hiện diện, mỗi khi ngọn nến sáng cần phải được nắm lấy ở một nơi đầy những sương mù. Mẹ thậm chí không biết đến số phận phục sinh mà Con của Mẹ bấy giờ đã mở ra cho tất cả loài người chúng ta: Mẹ ở đó vì trung thành với dự án của Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ đã nhận mình là tỳ nữ vào ngày đầu tiên của ơn gọi Mẹ, thế nhưng cũng vì cả cái trực giác làm mẹ của mình, một người mẹ chỉ biết khổ đau mỗi khi người con của mình trải qua khổ nạn. Những đau khổ của các người mẹ: tất cả chúng ta đều biết được những người phụ nữ mạnh mẽ, những con người đối diện đương đầu với rất nhiều đau khổ của con cái mình!

Chúng ta sẽ lại thấy Mẹ vào ngày đầu tiên của Giáo Hội, Mẹ, Người Mẹ của niềm tin tưởng cậy trông, giữa một cộng đồng môn đệ yếu hèn như thế: kẻ thì chối bỏ, nhiều người bỏ chạy, tất cả đều sợ hãi (xem Tông Vụ 1:14). Thế nhưng Mẹ vẫn ở đó, một cách bình thường nhất, như thể mọi sự đều là những gì tự nhiên xẩy ra vậy thôi: nơi một Giáo Hội tiên khởi được bao bọc bởi ánh sáng Phục Sinh, thế nhưng cũng bởi cả những gì là run sợ trong  những bước đầu tiên cần phải thực hiện trong thế gian.

Vì thế mà tất cả chúng ta yêu mến Mẹ như là một Người Mẹ. Chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi: chúng ta có một Người Mẹ trên Trời, vị là Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Vì Mẹ dạy chúng ta nhân đức chờ đợi, ngay cả lúc hết mọi sự dường như vô nghĩa: Mẹ luôn tin vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngay cả khi Ngài dường như bị khuất lấp bởi sự dữ trên thế giới này. Trong những lúc khó khăn, xin Mẹ Maria, Người Mẹ mà Chúa Giêsu đã ban cho tất cả mọi người chúng ta, luôn nâng đỡ bước chân của chúng ta, luôn nói với lòng của chúng ta rằng: "Con hãy chỗi dậy! Hãy nhìn về phía trước, hãy nhìn về chân trời", bởi Mẹ là Mẹ của niềm tin tưởng cậy trông. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-mary-mother-of-hope/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu