GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 10-5-2017
Bài 22
Lời loan báo đầu tiên được Maria mang đến đó không phải là lời loan báo về phục sinh,
mà là lời loan báo về một vụ mất trộm...
Hết mọi con người đều là một câu truyện tình được Thiên Chúa viết trên trái đất này.
Từng người chúng ta là một câu truyện tình với Thiên Chúa.
Thế là người đàn bà ấy, vị mà trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu đã là mồi cho sự dữ (xem Luca 8:2),
bấy giờ đã trở nên vị tông đồ của niềm hy vọng mới mẻ và cao cả nhất
chào anh chị em thân mến!
Trong những tuần lễ này, việc chia sẻ của chúng ta có thể nói chuyển động theo quĩ đạo của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Hôm nay, chúng ta gặp gỡ vị mà theo các Phúc Âm, là người đã thấy Chúa Giêsu sống lại trước tiên, đó là Maria Mai-Đệ-Liên. Chị đã chỉ đến vào lúc kết thúc việc nghỉ ngơi Ngày Hưu Lễ của chị. Vào ngày khổ nạn đã không đủ giờ để thi hành các nghi thức an táng; bởi thế, vào rạng đông đầy buồn thảm ấy, những người đàn bà ra mồ của Chúa Giêsu mang theo dầu thơm. Người đầu tiên đến là chi Maria Mai Đệ Liên, một trong những người môn đệ đã theo Chúa Giêsu từ Galilêa, phục vụ Giáo Hội sơ khai. Cuộc hành trình đến mồ của chị phản ảnh lòng trung thành của rất nhiều người nữ đã hiến thân nhiều năm tới các nghĩa trang để tưởng nhớ một ai đó không còn nữa. Những mối liên hệ đích thực nhất không bị mất đi bởi cái chết: có những người vẫn tiếp tục yêu, cho dù là người thân yêu của mình đã vĩnh viễn ra đi.
Phúc Âm (xem Gioan 20:1-2, 11-18) diễn tả Mai Đệ Liên bằng cách cho thấy ngay rằng chị không phải là một người đàn bà dễ dàng hăng say. Thật vậy, sau lần viếng thăm mồ đầu tiên của chị, chị đã thất vọng trở về với nơi các vị môn đệ đang ẩn mình, báo cho các vị biết rằng tảng đá đã bị chuyển ra khỏi cửa mồ, và giả thuyết đầu tiên của chị là một giả thuyết có thể được đặt ra bởi kẻ ngây thơ nhất, đó là có ai đó chắc chắn đã lấy mất đi thân thể của Chúa Giêsu. Bởi thế, lời loan báo đầu tiên được Maria mang đến đó không phải là lời loan báo về phục sinh, mà là lời loan báo về một vụ mất trộm được một kẻ bí mật nào đó thực hiện, trong khi cả thành Giêrusalem đang ngủ.
Sau đó các Phúc Âm trình thuật lại cuộc hành trình đến mồ Chúa Giêsu lần thứ hai. Chị thật là cứng đầu! Chị đã đến, rồi chị trở lại... vì chị vẫn chưa bị thuyết phục! Lần này, bước chân của chị chầm chậm và nặng nề bước. Maria chịu đựng gấp hai lần: trước hết là cái chết của Chúa Giêsu, và sau đó là hiện tượng biến mất khó hiểu của thi thể Người.
Chính lúc chị cúi đầu gần ngôi mộ với đôi mắt tràn trề nước mắt thì Thiên Chúa đã gây ngỡ ngàng cho chị một cách bất ngờ nhất. Thánh ký Gioan nhấn mạnh đến tính chất liên lỉ mù quáng của chị: chị không nhận ra sự hiện diện của hai thiên thần lên tiếng hỏi chị, thậm chí không tỏ ra ngờ ngợ gì khi chị thấy một nam nhân ở đằng sau chị, nghĩ rằng ông ta chỉ là một nhân viên canh vườn. Trái lại, chị đã khám phá ra một biến cố lịch sử nhân loại bàng hoàng nhất vào lúc cuối cùng chị được gọi đích danh của chị: "Maria!" (câu 16).
Đẹp biết bao khi nghĩ rằng lần xuất hiện đầu tiên của Chúa Kitô Phục Sinh - theo các Phúc Âm - đã xẩy ra một cách riêng tư như thế! Nghĩ rằng có một ai đó biết đến chúng ta, thấy được nỗi đau khổ của chúng ta và cái ảo tưởng của chúng ta, đã cảm kích bởi chúng ta và lên tiếng gọi đích danh chúng ta. Đó là một thứ luật chúng ta thấy được in ấn nơi nhiều trang sách Phúc Âm. Chung quanh Chúa Giêsu có nhiều người tìm kiếm Thiên Chúa; thế nhưng thực tại huyền nhiệm nhất đó là từ trước xa xưa Thiên Chúa là Đấng đã quan tâm đến cuộc đời của chúng ta trước rồi, Đấng muốn thăng hóa nó, và để làm điều này Ngài đã gọi đích danh chúng ta, nhận biết khuôn mặt riêng tư của từng người. Hết mọi con người đều là một câu truyện tình được Thiên Chúa viết trên trái đất này. Từng người chúng ta là một câu truyện tình với Thiên Chúa. Thiên Chúa kêu gọi đích danh mỗi người chúng ta: Ngài biết tên của chúng ta, Ngài nhìn chúng ta, Ngài chờ đợi chúng ta, Ngài tha thứ cho chúng ta, Ngài nhẫn nại với chúng ta. Điều ấy có thật hay chăng? Mỗi người chúng ta đều có cái cảm nghiệm này.
Chúa Giêsu đã gọi chị: "Maria!" - một cuộc cách mạng nơi đời sống của chị, cuộc cách mạng nhắm tới chỗ biến đổi cuộc hiện hữu của hết mọi con người nam nữ, bắt đầu bằng một danh xưng được âm vang trong ngôi vườn của ngôi mộ trống. Các Phúc Âm đã diễn tả niềm vui của Maria: cuộc phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một niềm vui nhỏ giọt, trái lại, nó là một cơn sóng làm tràn ngập hết tất cả mọi sự. Cả anh chị em nữa, hãy gắng nghĩ rằng, vào lúc này đây, với bịch hành lý chất chứa thất vọng và thảm bại mà mỗi người chúng ta cứ phải đeo đẳng trong lòng mình, thì có một Vị Thiên Chúa gần gũi với chúng ta, Đấng kêu gọi đích danh chúng ta và nói cùng chúng ta rằng: "Hãy tái chỗi dậy đi con, đừng kêu khóc nữa, vì Ta đến để giải thoát con!" Thật là tuyệt vời.
Chúa Giêsu không phải là Đấng thích ứng với thế gian, dung dưỡng nó là nơi liên tục xẩy ra chết chóc, buồn thương, hận thù và tình trạng hủy hoại về luân lý nơi dân chúng... Vị Thiên Chúa của chúng ta không phải là Đấng trơ trơ ra đó, nhưng Vị Thiên Chúa của chúng ta là - xin cho phép tôi sử dụng chữ này - một vị mông mơ: Ngài mơ mộng về cuộc biến đổi thế giới này, và đã đạt được điều ấy nơi mầu nhiệm Phục Sinh.
Maria muốn ôm lấy Chúa của chị, thế nhưng bấy giờ Người đã nhắm đến Cha trên trời, thì chị được sai đi loan tin cho những người anh em của chị. Thế là người đàn bà ấy, vị mà trước khi gặp gỡ Chúa Giêsu đã là mồi cho sự dữ (xem Luca 8:2), bấy giờ đã trở nên vị tông đồ của niềm hy vọng mới mẻ và cao cả nhất. Xin chị chuyển cầu giúp cho cả chúng ta nữa được sống cái cảm nghiệm ấy: ở vào lúc buồn đau, và ở vào thời điểm thất vọng, biết lắng nghe Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng gọi đích danh chúng ta, và bằng cả một tấm lòng tràn đầy niềm vui, biết ra đi loan tin rằng: "Tôi đã thấy Chúa!" (câu 18). Tôi đã thay đổi cuộc sống của mình, vì tôi đã thấy Chúa! Giờ đây tôi đã khác xưa, tôi là một con người khác. Tôi đã thay đổi, vì tôi đã thấy Chúa. Đó là sức mạnh của chúng ta và đó là niềm hy vọng của chúng ta. Xin cám ơn anh chị em.
http://press.vatican.va/content/salastampa/en/bollettino/pubblico/2017/05/17/170517a.html
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn
mạnh tự ý bằng mầu