GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 31-5-2017

Bài 24

 

 

 

"Thánh Linh chẳng những có khả năng cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng mà còn biến chúng ta trở thành những kẻ gieo rắc niềm hy vọng"

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Trong lúc sắp sửa đến Lễ Trọng Hiện Xuống, chúng ta không thể nào không nói về mối liên hệ giữa niềm tin tưởng cậy trông của Kitô giáo với Thánh Linh. Vị Thần Linh này là gió thúc đẩy chúng ta, giúp chúng ta tiếp tục hành trình, làm cho chúng ta cảm thấy mình là thành phần lữ hành và khách lạ, và không cho phép chúng ta thu mình lại và trở thành một kẻ "ngồi".

Thư gửi Giáo đoàn Do Thái sánh niềm tin tưởng cậy trông với cái neo (6:18-19); chúng ta có thể thêm vào hình ảnh cái neo này hình ảnh cánh buồm. Nếu cái neo là những gì giúp cho con thuyền được an toàn và giữ nó "cắm neo" giữa sóng gió của biển khơi, thì trái lại cánh buồm là những gì làm cho nó lướt sóng tiến lên. Niềm tin tưởng cậy trông thực sự giống như một cánh buồm; nó đón ngọn gió Thần Linh và biến nó thành một lực đẩy cho con thuyền trôi, tùy theo hoàn cảnh, ra ngoài biển khơi hay vào bến bờ.

Tông Đồ Phaolô kết thúc Bức Thư gửi Giáo đoàn Roma của mình bằng ước nguyện như thế này: hãy nghe cho kỹ, hãy lắng nghe cho kỹ ước nguyện tuyệt vời này: "Xin Vị Thiên Chúa của niềm hy vọng làm cho anh em tràn đầy tất cả mọi niềm vui và bình an trong việc tin tưởng, để nhờ quyền lực của Thánh Linh anh em được tràn đầy niềm hy vọng" (15:13). Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về nội dung của lời nói rất tuyệt vời này.

Lời diễn tả "Thiên Chúa của niềm hy vọng" không những có nghĩa Thiên Chúa là đối tượng của những gì chúng ta hy vọng, tức Ngài là Đấng chúng ta hy vọng vươn tới vào một ngày nào đó nơi sự sống đời đời. Nó cũng có nghĩa Thiên Chúa là Đấng hiện nay đang làm cho chúng ta hy vọng rồi, đúng hơn Ngài làm cho chúng ta "hân hoan trong hy vọng" (Roma 12:12): hân hoan trong hy vọng hiện nay, chứ không phải chỉ hy vọng được hân hoan. Đó là niềm vui của việc hy vọng, hiện tại hôm nay đây, chứ không phải hy vọng có được niềm vui. "Ở đâu có sự sống thì có hy vọng" là một câu nói thông dụng. Cũng đúng nữa khi nói ngược lại: ở đâu có hy vọng thì ở đó có sự sống. (Trong một tấm hình cỡ lớn về người vợ mới cưới của tôi - 34 năm trước - đang ngước lên trời với hai tay cầm chiếc mũ rộng vành đội trên đầu của nàng ở bờ biển Waikiki Honolulu Hawaii, tôi đã viết câu: "Hy vọng vươn lên như lẽ sống", không biết có theo chiều hướng được ĐTC Phanxicô nói đến ở đây hay chăng: "ở đâu có hy vọng thì ở đó có sự sống"?). Con người ta cần tin tưởng cậy trông để sống và cần Thánh Linh để hy vọng.

Chúng ta đã nghe Thánh Phaolô, vị đã qui cho Thánh Linh khả năng làm cho chúng ta thậm chí "tràn đầy niềm tin tưởng cậy trông". Dồi dào trong hy vọng nghĩa là không bao giờ thất đảm; nghĩa là hy vọng khi "chẳng còn gì hy vọng" (Roma 4:18), tức hy vọng cả khi hết mọi động lực hy vọng chẳng còn nữa, như với Abraham, khi Thiên Chúa bảo ông hy sinh đứa con trai duy nhất của ông là Isaac cho Ngài, và thật thế, còn hơn như vậy nữa, đối với Trinh Nữ Maria dưới chân thập giá Chúa Giêsu.

Thánh Linh làm cho niềm tin tưởng cậy trông bất khả bại này thành khả dĩ, khi cống hiến cho chúng ta chứng từ nội tâm rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa và là thành phần thừa tự của Ngài (xem Roma 8:16). Làm thế nào Đấng đã ban cho chúng ta Người Con duy nhất của mình lại không ban cho chúng ta hết mọi sự khác cùng với Người hay sao? (xem Roma 8:32). Bởi thế, không thất vọng vì Thánh Linh ở trong chúng ta, Đấng bao giờ cũng thúc đẩy chúng ta tiến bước! Và vì vậy mà niềm hy vọng mới không gây thất vọng.

Còn nữa, Thánh Linh chẳng những có khả năng cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng mà còn biến chúng ta trở thành những kẻ gieo rắc niềm hy vọng, cũng - như Ngài và nhờ Ngài - thánh các "paracletes", tức là các an ủi viên và bênh vực nhân của anh chị em, là thành phần gieo niềm hy vọng. Một Kitô hữu có thể gieo rắc đắng cay, họ có thể gieo rắc những gì là rắc rối phiền toái, người này không phải là Kitô hữu, và ai làm như thế không phải là một Kitô hữu tốt. Họ gieo niềm hy vọng; họ vẩy thứ dầu của niềm hy vọng; họ tỏa hương thơm hy vọng chứ không phải là thứ dấm chua cay và thất vọng. Ở một trong những bài diễn thuyết của mình, Chân Phước Hồng Y Newman đã nói cùng tín hữu rằng: "Học được từ nỗi khốn khổ của riêng mình, từ nỗi đớn đau của mình, thậm chí từ cả tội lỗi của mình, chúng ta sẽ có một tâm trí được thể hiện ở hết mọi việc làm yêu thương đối với những ai cần đến nó. Theo tầm mức khả năng của mình, chúng ta sẽ trở thành những an ủi nhân theo hình ảnh của Đấng An Ủi, và ở tất cả ý nghĩa mà chữ này gồm tóm: biện hộ, trợ giúp, người mang niềm an ủi. Các lời nói và việc khuyên răn của chúng ta, cách chúng ta sống, tiếng nói của chúng ta, cái nhìn của chúng ta, sẽ trở nên dịu dàng và trầm lắng" (Parochial and Plain Sermons, vol. V, London, 1870, pp. 300f.). Nhất là người nghèo, người bị loại trừ, người không được yêu thương đang cần đến một ai đó là "vị an ủi" đối với họ, tức là, một an ủi nhân và bênh vực nhân, như Thánh Linh đối với hết mọi người chúng ta, thành phần đang ở nơi Quảng trường này - an ủi nhân và bênh vực nhân. Chúng ta cần phải thực hiện như thế với những ai khốn khó nhất, với những ai bị hất hủi nhất, với những ai thiếu thốn nhất, với những ai đau khổ nhất - những con người bênh vực và an ủi!

Thánh Linh nuôi dưỡng niềm hy vọng chẳng những nơi tâm can của con người, mà còn nơi toàn thể Thụ Tạo nữa. Tông Đồ Phaolô nói - điều này dường như hơi lạ lùng nhưng chân thực, đó là Tạo vật cũng "rên xiết đợi chờ" cho được giải thoát và "quằn quại" như lâm bồn sinh con (xem Roma 8:20-22). "Năng lực có thể di chuyển thế giới này không phải là một thứ năng lực vô danh và mù quáng, mà là tác động của Thần Linh Thiên Chúa 'đang bay lượn trên nước' (Khởi Nguyên 1:2) vào lúc khởi đầu Tạo Vật" (Benedict XVI, Homily, May 31, 2009). Năng lực này cũng thúc đẩy chúng ta tôn trọng Tạo Vật, một bức tranh không thể nào bị bôi bẩn mà không phạm đến nghệ sĩ tác tạo nên nó.

Thưa anh chị em, chớ gì lễ Hiện Xuống sắp đến, biến cố hạ sinh của Giáo Hội, giúp chúng ta hợp nguyện với Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và của chúng ta. Chớ gì tặng ân của Thánh Linh làm cho chúng ta dồi dào niềm tin tưởng cậy trông. Tôi muốn nói thêm cùng anh chị em rằng chớ gì tặng ân Thánh Linh làm cho chúng ta thành kẻ phung phí niềm hy vọng với tất cả những ai thiếu thốn nhất, bị hất hủi nhất và tất cả những ai cần thiết. Xin cám ơn anh chị em.

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-holy-spirit-and-hope/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu