GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 7-6-2017
Bài 25
"Thiên Chúa không thể nào là Thiên Chúa thiếu con người: đó là một mầu nhiệm trọng đại!"
Xin chào anh chị em thân mến!
Có một điều gì đó lôi cuốn nơi việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, lôi cuốn đến độ một ngày kia các môn đệ của Người đã xin Người để các vị được dẫn tới chỗ cầu nguyện. Tình tiết này được thấy ở Phúc Âm Thánh Luca, vị thánh ký, trong các vị thánh ký, chính yếu đã ghi lại mầu nhiệm về "việc cầu nguyện" của Chúa Kitô: Vị Chúa đã cầu nguyện. Các môn đệ của Người đã cảm thấy ấn tượng trước sự kiện là Người đi vào nơi thanh vắng và "chìm" mình vào việc cầu nguyện, nhất là vào ban sáng và ban tối. Bởi thế, vào một ngày nọ các vị đã xin Người dạy cho các vị cũng cầu nguyện nữa (xem Luca 11:1).
Chính lúc ấy Chúa Giêsu đã truyền đạt những gì đã trở thành kinh nguyện Kitô giáo chính yếu đó là Kinh Lạy Cha. Thật ra, so với Thánh Mathêu, Thánh Luca cống hiến cho chúng ta kinh nguyện của Chúa Giêsu ở một hình thức ngắn tắt hơn, được bắt đầu bằng lời nguyện giản lược: "Lạy Cha" (câu 2).
Tất cả mầu nhiệm của kinh nguyện Kitô giáo được tóm gọn ở đây, nơi lời này: cần phải can đảm để gọi Thiên Chúa bằng danh xưng Cha. Phụng vụ cũng khẳng định như thế khi mời gọi chúng ta đọc lên kinh nguyện chung này của Chúa Giêsu, khi sử dụng cách diễn tả: "chúng ta dám nguyện rằng".
Thật vậy, để gọi Thiên Chúa bằng danh xưng "Cha" dù sao cũng không phải là một sự kiện khơi khơi vậy thôi. Chúng ta đã được dẫn đến chỗ sử dụng các tước hiệu cao cả nhất, đối với chúng ta dường như phải tỏ ra kính trọng hơn siêu việt tính của Ngài. Trái lại, việc cầu khẩn Ngài như "Cha" đưa chúng ta vào một mối liên hệ tin tưởng với Ngài, như một đứa con hướng về cha của nó, biết rằng mình được Ngài yêu thương và chăm sóc. Đây là một cuộc đại cách mạng mà Kitô giáo in ấn vào tâm lý đạo giáo của con người. Mầu nhiệm của Thiên Chúa, những gì bao giờ cũng khiến chúng ta bàng hoàng ngỡ ngàng và làm cho chúng ta cảm thấy nhỏ bé, dầu sao cũng không khiến cho chúng ta cảm thấy sợ hãi hơn, nó không đè bẹp chúng ta; nó không làm cho chúng ta lo âu xao xuyến. Đây là một cuộc cách mạng khó khăn trong việc chấp nhận bằng trí khôn nhân loại của chúng ta, đúng đến độ ở các trình thuật về Phục Sinh những người phụ nữ, sau khi thấy ngôi mộ trống và vị Thiên Thần, "họ đã đi ra mà thoát chạy [...] vì họ cảm thấy hoảng hồn run sợ" (Marco 16:8). Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là một Người Cha nhân lành, và Ngài nói với chúng ta rằng: "Đừng sợ!".
Chúng ta hãy nghĩ về dụ ngôn người cha nhân hậu (xem Luca 15:11-32). Chúa Giêsu nói về một người cha chỉ biết yêu thương con cái mình. Một người cha không trừng phạt con cái mình vì tính chất hống hách của mình, và là người cha thậm chí có thể trao phó cho nó phần gia tài thuộc về nó rồi để cho nó ra khỏi nhà. Chúa Giêsu nói Thiên Chúa là Cha, thế nhưng không theo kiểu loài người, vì không có một người cha nào trên thế gian này tác hành như nhân vật chính của dụ ngôn này hết. Thiên Chúa là Cha theo kiểu cách của Ngài: nhân lành, có thể bị tổn thương trước ý muốn tự do của con người, Đấng chỉ có thể ghép với động từ "yêu thương". Lúc người con phản loạn, sau khi phung phá hết mọi sự rồi, cuối cùng trở về ngôi nhà làm con của mình, người cha này không áp dụng các thứ tiêu chuẩn theo công lý loài người, mà trước hết lại cảm thấy cần phải tha thứ, và bằng việc ôm lấy nó, ông làm cho con ông hiểu rằng trong suốt thời gian dài vắng bóng nó, nó đã mất đi, mất đi một cách đớn đau, tình yêu thương của cha nó.
Một mầu nhiệm khôn thấu biết bao về một vị Thiên Chúa tỏ tình yêu thương như thế khi đối xử với con cái của mình! Có lẽ vì lý do này mà, căn cứ vào tâm điểm của mầu nhiệm Kitô giáo, Tông Đồ Phaolô đã không cảm thấy thích chuyển dịch sang tiếng Hy Lạp một từ ngữ Chúa Giêsu phát ngôn bằng tiếng Aramic "abba". Hai lần trong các bức Thư của mình (Cf. Romans 8:15; Galatians 4:6), Thánh Phaolô chạm tới vấn đề này, và cả hai lần ngài đều không chuyển dịch gì hết, cứ để từ ngữ ấy nguyên như nó bộc phát từ môi miệng của Chúa Giêsu: "abba". Một từ ngữ còn thân mật hơn là tiếng "cha", và là từ ngữ có một số chuyển dịch thành "daddy, babbo (cách tiếng Ý gọi là 'ba')".
Anh chị em thân mến, chúng ta không bao giờ lẻ loi một mình. Chúng ta có thể xa cách, hận thù; chúng ta thậm chí có thể nói rằng chúng ta sống "không có Chúa". Thế nhưng Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không thể nào thiếu chúng ta: Ngài sẽ không bao giờ là một Vị Thiên Chúa "thiếu con người"; chính Ngài là Đấng không thể nào thiếu chúng ta, đó là một mầu nhiệm cả thể! Thiên Chúa không thể nào là Thiên Chúa thiếu con người: đó là một mầu nhiệm trọng đại! Niềm xác tín này là nguồn mạch cho niềm tin tưởng cậy trông của chúng ta, một niềm tin tưởng cậy trông chúng ta thấy nơi tất cả lời nguyện cầu của Kinh Lạy Cha. Khi chúng ta cần trợ giúp, Chúa Giêsu không bảo chúng ta thoái lui và khép kín bản thân mình, nhưng hãy hướng về Người Cha này và tin tưởng xin Ngài. Chúng ta không lẻ loi cô độc nơi tất cả mọi nhu cầu của chúng ta, những nhu cầu hiển nhiên nhất và hằng ngày như lương thực, sức khỏe, việc làm, cho đến chỗ được tha thứ và được nâng đỡ khi bị cám dỗ: trái lại, có một Người Cha bao giờ cũng yêu thương nhìn đến chúng ta, và là Đấng chắc chắn không bỏ rơi hất hủi chúng ta.
Giờ đây tôi muốn đề nghị một điều với anh chị em: hết mọi người trong chúng ta đều có rất nhiều vấn đề, rất nhiều nhu cầu. Chúng ta hãy nghĩ một chút trong thinh lặng về những vấn đề này và về những nhu cầu ấy. Chúng ta cũng nghĩ đến Người Cha ấy, đến Người Cha của chúng ta, Đấng không thể nào thiếu chúng ta, và là Đấng đang nhìn đến chúng ta vào lúc này đây. Vậy tất cả chúng ta cùng nhau tin tưởng cậy trông mà nguyện rằng: "Lạy Cha chúng con ở trên Trời..."
Xin cám ơn anh chị em!
https://zenit.org/articles/general-audience-on-gods-fatherhood-the-source-of-our-hope/
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh
tự ý bằng mầu