GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 21-6-2017

Bài 27

 

 

 

 

"Chúng ta không được nghĩ nó là một điều gì khó khăn, dễ buông thả hơn là làm Thánh! ... Lịch cử của chúng ta đang cần đến 'các thần bí gia': những con người biết loại trừ đi tất cả những gì là thống lãnh, những con người khao khát lòng bác ái và tình huynh đệ; những con người nam nữ sống biết chấp nhận cả thân phận khổ đau... không có những con người nam nữ này thì thế giới chẳng còn hy vọng gì".

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Vào ngày Thánh Tẩy của chúng ta, lời cầu cùng các Thánh đã vang vọng với chúng ta. Vào lúc ấy nhiều người trong chúng ta còn là những đứa con, được ẵm bế trong cánh tay của bố mẹ. Trước khi xức dầu dự tòng, dấu hiệu về sức mạnh của Thiên Chúa trong việc chiến đấu với sự dữ, một chút, vị linh mục đã mời gọi toàn thể cộng đoàn hãy cầu nguyện cho những ai sắp lãnh nhận Phép Rửa, bằng việc kêu xin việc chuyển cầu của các Thánh. Đó là lần đầu tiên trong cuộc sống của mình, chúng ta được tháp nhập vào cộng đoàn những người anh chị em "lớn hơn" - Chư Thánh - những vị đã trải qua như chúng ta, đã nếm những khổ ải và đang vĩnh viễn sống trong lòng Thiên Chúa. Bức Thư gửi cho Giáo Đoàn Do Thái đã diễn tả cộng đoàn thánh nhân bủa vây chúng ta bằng lời diễn tả "muôn vàn các vị chứng nhân - multitude of witnesses" (12:1). Như thế Chư Thánh là một quần hùng chư chứng nhân.

Trong việc chiến đấu với sự dữ, Kitô hữu chúng ta không thất vọng. Kitô giáo vun trồng một niềm tin tưởng bất khả chữa trị; nó không tin rằng các quyền lực tiêu cực và phân tán có thể thắng thế. Cái chung cuộc nơi lịch sử của con người không phải là hận thù, không phải là chết chóc, không phải là chiến tranh. Trong hết mọi giây phút của cuộc đời chúng ta đều được bàn tay Thiên Chúa trợ giúp cũng như bởi sự hiện diện thầm lặng của tất cả mọi tín hữu "đã ra đi trước chúng ta bằng dấu chỉ đức tin" (Roman Canon). Sự hiện diện của các vị trước hết nói với chúng ta rằng đời sống Kitô hữu không phải là một thứ lý tưởng bất khả đạt. Đồng thời nó lại làm cho chúng ta được an ủi: chúng ta không lẻ loi cô độc một mình, Giáo Hội được làm nên bởi vô vàn anh chị em, thường vô danh, đã ra đi trước chúng ta, và nhờ tác động của Thánh Thần, được tham phần vào sự vụ của những ai vẫn còn đang ở dưới thế này.

Lời cầu cùng Chư Thánh ở Phép Rửa không phải là lời cầu duy nhất ghi dấu đường lối của cuộc đời Kitô hữu. Khi một đôi phối ngẫu thánh hiến tình yêu của mình nơi Bí Tích Hôn Phối, việc chuyển cầu của Chư Thánh lại được kêu xin cho họ một lần nữa - lần này với tư cách là một đôi phối ngẫu. Lời cầu xin này là nguồn mạch tin tưởng cậy trông cho hai con người trẻ bắt đầu cuộc "hành trình" của đời sống phối ngẫu. Con người thật sự yêu thương đều có ước muốn và lòng can đảm để nói "vĩnh viễn", - "vĩnh viễn" - nhưng biết rằng họ cần đến ơn của Chúa Kitô và sự giúp đỡ của Chư Thánh, để có thể sống mãi mãi đời sống hôn nhân. Không như có người nói: "trong khi tình yêu còn". Không: vĩnh viễn! Bằng không, thà họ đừng lấy nhau - một là vĩnh viễn hai là đừng gì hết. Bởi thế, nơi phụng vụ thành hôn, mới kêu cầu đến sự hiện diện của Chư Thánh. Trong những lúc khó khăn cần phải can đảm hướng mắt lên Trời, nghĩ đến nhiều Kitô hữu đã trải qua gian nan hoạn nạn và gìn giữ tấm áo Rửa Tội được trinh trắng, giặt tấm áo ấy bằng Máu của Con Chiên (xem Khải Huyền 7:14): Sách Khải Huyền đã nói như thế. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta: hết mọi lúc chúng ta đều cần đến một trong các vị Thiên Thần của Ngài giúp chúng ta đứng lên lại và làm cho niềm an ủi được thấm nhập vào chúng ta - "Các Thiên Thần" đôi khi có khuôn mặt và con tim của con người, vì Chư Thánh của Thiên Chúa luôn ở đó, ẩn kín giữa chúng ta. Đây là một điều khó hiểu cũng như khó mà tưởng tượng, thế nhưng Chư Thánh đang hiện diện nơi đời sống của chúng ta. Khi có người kêu cầu cùng một vị Thánh thì chính là vì ngài gần gũi với chúng ta.

Các vị linh mục cũng nhớ đến lời kêu cầu cùng Chư Thánh được xướng lên về các vị. Đó là một trong những giây phút cảm động nhất của phụng vụ Truyền Chức. Các tuyển viên nắm trên đất sấp mặt xuống sàn. Toàn thể cộng đồng, được Giám Mục chủ sự, kêu xin việc chuyển cầu của Chư Thánh. Một con người vẫn bị đè bẹp dưới sức nặng của một sứ vụ được trao phó cho họ, thế nhưng lại nghe thấy rằng toàn thể Thiên Đàng ở đằng sau họ, ân sủng của Chúa sẽ không bao giờ thiếu vì Chúa Giêsu luôn trung thành, để rồi người ta có thể ra đi một cách thanh thản và nhiệt tình. Chúng ta không lẻ loi cô độc.

Mà chúng ta là gì chứ? Chúng ta là bụi đất khao khát Trời Cao. Sức lực của chúng ta lại yếu đuối, nhưng quyền lực là một mầu nhiệm của ân sủng đang hiện diện trong đời sống của Kitô hữu. Chúng ta là tín hữu đối với trái đất này, một trái đất được Chúa Giêsu yêu thương từng giây phút trong cuộc đời của Người, thế nhưng chúng ta nhận biết và mong muốn hy vọng vào cuộc biến hình của thế giới này, ở tầm vóc vĩnh viễn viên trọn của nó là lúc mà cuối cùng sẽ không còn nước mắt, sự dữ hay khổ đau.

Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm hy vọng làm Thánh. Tuy nhiên, có người trong anh chị em hỏi tôi rằng: "Thưa cha, người ta có thể là một Thánh Nhân trong cuộc sống hằng ngày hay chăng?" Được chứ, có thể lắm. "Thế nhưng như thế có nghĩa là chúng ta cần phải cầu nguyện cả ngày hay sao?" Không, nghĩa là người ta cần phải thực hiện nhiệm vụ của mình cả ngày: cầu nguyện, đi làm, coi sóc con cái. Tuy nhiên, cần phải thực hiện mọi sự bằng một tấm lòng hướng về Chúa, để việc làm đó - cũng như trong cơn bệnh nạn và trong lúc khổ đau, cũng như trong cơn khốn khó - hướng về Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể nên Thánh. Xin Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng làm Thánh. Chúng ta không được nghĩ nó là một điều gì khó khăn, dễ buông thả hơn là làm Thánh! Không. Chúng ta có thể làm Thánh vì Chúa là Đấng giúp chúng ta; Ngài là Đấng giúp chúng ta.

Nó là một đại tặng ân mà mỗi người chúng ta có thể cống hiến cho thế giới. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để sâu xa tin tưởng vào Ngài hầu chúng ta trở nên hình ảnh Chúa Kitô đối với thế giới này. Lịch cử của chúng ta đang cần đến "các thần bí gia": những con người biết loại trừ đi tất cả những gì là thống lãnh, những con người khao khát lòng bác ái và tình huynh đệ; những con người nam nữ sống biết chấp nhận cả thân phận khổ đau, vì họ đang gánh trách nhiệm về những gian khổ của người khác. Tuy nhiên, không có những con người nam nữ này thì thế giới chẳng còn hy vọng gì. Bởi thế, tôi mong muốn anh chị em - và tôi cũng mong muốn chính bản thân mình nữa - được Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng làm Thánh.  

https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-saints-witnesses-and-companions-of-hope/

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu