GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 2-8-2017
Bài 29
"Nếu chúng ta sống đúng với Phép Rửa của mình thì chúng ta sẽ làm lan tỏa ra ánh sáng của niềm hy vọng - Phép Rửa là khởi đầu của niềm hy vọng, thứ hy vọng - của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ có thể truyền cho các thế hệ tương lai ý nghĩa của đời sống"
Xin chào anh chị em thân mến!
Đã có một thời các nhà thờ hướng về phía đông. Anh chị em đã tiến vào một dinh thực thánh thiêng từ một cửa ở cuối phía tây và đi dọc theo gian giữa của nhà thờ về hướng đông. Đó là một biểu hiệu quan trọng đối với con người thuộc thế giới cổ xưa, một biểu tượng theo giòng lịch sử đã dần dà bị khai tử. Chúng ta là con người nam nữ của kỷ nguyên tân tiến lại càng ít quen biết với việc nắm bắt được các dấu chỉ cả thể của hoàn vũ, vẫn khó mà nhận thấy được các chi tiết về loại này. Hướng Tây là điểm chính của mặt trời lặn, nơi ánh sáng tàn phai. Tuy nhiên, Hướng Đông là nơi các thứ bóng tối bị khống chế bởi ánh sáng ban đầu của rạng đông và nó nhắc nhở chúng ta về Chúa Kitô là Mặc Trời mọc lên từ trên cao, ở chân trời của thế giới này (xem Luca 1:78).
Các Nghi Thức cổ về Phép Rửa đòi các dự tòng ở phần đầu của việc họ tuyên xưng đức tin phải hướng về Hướng Tây. Và theo hướng đó họ được hỏi rằng: "Anh chị em có từ bỏ Satan, từ bỏ mưu chước của nó và các việc làm của nó hay chăng?" - Và các Kitô hữu tương lai ấy đồng thanh thưa: "tôi xin từ bỏ!". Thế rồi sau đó họ hướng về hậu cung theo Hướng Đông, nơi ánh sáng xuất phát, để tiếp tục tuyên xưng đức tin trong ánh sáng, cho dù bấy giờ thế giới đang được bao phủ bởi tăm tối và bóng tối: "Anh chị em có tin Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần hay chăng?". Bấy giờ họ đáp lại rằng: "Tôi tin!".
Trong thời tân tiến này, ý nghĩa của Nghi Thức ấy phần nào đã bị tiêu hao: chúng ta đã đánh mất đi cái cảm tính về ngôn ngữ của vũ hoàn. Tất nhiên vẫn còn đó việc tuyên xưng đức tin theo vấn đáp Rửa Tội, một việc tuyên xưng thích hợp với việc cử hành một số bí tích. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó vẫn còn nguyên đó. Trở thành Kitô hữu nghĩa là gì? Nghĩa là nhìn về ánh sáng, tiếp tục tuyên xưng đức tin trong ánh sáng, ngay cả khi thế giới này bị tối tăm và bóng tối bao phủ.
Kitô hữu không được miễn trừ khỏi các thứ bóng tối bên ngoài và thậm chí cả bên trong. Dù sao họ cũng không sống ở bên ngoài thế giới này; nhờ ân sủng của Chúa Kitô được nhận lãnh nơi Phép Rửa họ là những con người nam nữ "định hướng": họ không tin vào tối tăm mà là vào ánh sáng mờ mờ ban ngày; họ không dắm mình vào đêm tối mà là hy vọng vào hừng đông; họ không bị chết chóc chế ngự mà là mong được chỗi dậy; họ không thụt lùi trước sự dữ vì họ luôn tin vào các khả năng vô tận của sự thiện. Đó là niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo của chúng ta: ánh sáng của Chúa Giêsu, ơn cứu độ được Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta bằng thứ ánh sáng cứu chúng ta khỏi tăm tối.
Chúng ta là những người tin rằng Thiên Chúa là Cha: đó là ánh sáng! Chúng ta không phải là thành phần mồ côi; chúng ta có một Người Cha và Cha của chúng ta là Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã xuống ở giữa chúng ta; Người đã chia sẻ đời sống của chúng ta, biến mình thành đồng bạn nhất là với những ai nghèo khổ nhất và yếu hèn nhất: đó là ánh sáng! Chúng ta tin rằng Thánh Linh không ngừng hoạt động cho thiện ích của nhân loại cũng như của thế giới, thậm chí những gì là khốn khổ nhất của lịch sử cũng sẽ được khống chế: đó là niềm hy vọng làm chúng ta bừng lên mỗi một buổi sáng! Chúng ta tin rằng hết mọi niềm cảm mến, hết mọi tình hữu nghị, hết mọi niềm mong đợi tốt lành, hết mọi tình yêu thương, thậm chí thành phần bé mọn và bị bỏ rơi quên lãng nhất, một ngày kia sẽ được viên trọn trong Thiên Chúa: đó là thứ quyền năng thôi thúc chúng ta gắn bó với cuộc sống hằng ngày của chúng ta một cách nhiệt thành! Đó là niềm hy vọng của chúng ta: đó là sống trong hy vọng và sống trong ánh sáng, trong ánh sáng của Thiên Chúa là Cha, trong ánh sáng của Chúa Giêsu Cứu Thế, trong ánh sáng của Thánh Linh là Đấng thúc đẩy chúng ta tiến lên trong cuộc sống.
Thế rồi còn một dấu hiệu tuyệt vời khác về phụng vụ rửa tội nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của ánh sáng. Ở cuối phần nghi thức này, cha mẹ - nếu một em bé được rửa tội - hay chính người được rửa tội - nếu họ là người lớn - được trao cho một cây nến mà ánh sáng của nó được thắp từ Cây Nến Vượt Qua. Đó là một cây nến lớn vào đêm Phục Sinh đã tiến vào nhà thờ bấy giờ hoàn toàn tối tăm, để chứng tỏ mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu; từ cây nến ấy hết mọi người thắp sáng cây nến của mình và chuyền ngọn lửa này cho những người ở bên cạnh: nơi dấu hiệu này đó là việc từ từ truyền bá cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu nơi đời sống của tất cả mọi Kitô hữu. Đời sống của Giáo Hội - tôi muốn nói một từ ngữ mạnh hơn nữa - là ánh sáng lan tỏa. Chúng ta càng có ánh sáng của Chúa Giêsu, đời sống của Giáo Hội càng có ánh sáng của Chúa Giêsu, thì Giáo Hội càng sống động. Đời sống của Giáo Hội là việc lan tỏa ánh sáng.
Lời huấn dụ tuyệt vời nhất chúng ta có thể ngỏ cho nhau đó là luôn nhớ đến Phép Rửa của chúng ta. Tôi xin hỏi anh chị em nhé: có bao nhiêu anh chị em nhớ ngày Rửa Tội của mình? Xin đừng trả lời vì một số trong anh chị em cảm thấy ái ngại! Anh chị em hãy nghĩ đi, và nếu anh chị em không còn nhờ ngày này thì hôm nay xin anh chị em về làm bài ở nhà nhé, đó là xin anh chị em hãy đến với mẹ hay bố của anh chị em, đến với bà dì, với ông cậu, với bà, với ông của anh chị em mà hỏi họ: "Ngày rửa tội của con/cháu là ngày nào vậy?" Đừng bao giờ quên ngày này nữa nhé! Anh chị em rõ chưa? Anh chị em có muốn làm điều này chăng? Việc làm hôm nay là tìm biết hay nhớ lại ngày Rửa Tội, tức là ngày tái sinh; ngày ánh sáng; ngày mà - xin cho tôi nói là - chúng ta được nhiễm lây ánh sáng của Chúa Kitô. Chúng ta được sinh ra hai lần: lần đầu vào sự sống tự nhiên; lần sau, nhờ việc gặp gỡ Chúa Kitô, ở bể rửa tội. Ở đó chúng ta đã chết cho sự chết, để sống như con cái của Thiên Chúa trên trần gian này. Ở đó chúng ta trở thành người như chúng ta chưa bao giờ có thể nghĩ tưởng. Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta cần phải làm lan tỏa ra hương thơm của thứ Dầu chúng ta được xức vào ngày Rửa Tội của mình. Nơi chúng ta Vị Thần Linh của Chúa Giêsu sống động và tác hành, một Chúa Giêsu là trưởng tử của nhiều anh chị em, của tất cả những ai chống lại tình trạng bất khả tránh của bóng tối tăm và chết chóc.
Thật là hồng phúc khi một Kitô hữu thực sự trở thành một "cristo-foro", tức là một "người cưu mang Chúa Giêsu" trên thế giới này! Nhất là đến cho những ai đang trải qua những trường hợp sầu thương, thất vọng, tối tăm và hận thù ghen ghét. Điều này có thể thấu hiểu được từ nhiều chi tiết hay ho: từ ánh sáng chất chứa nơi ánh mắt của Kitô hữu, từ nền tảng hòa bình không bị hao mòn đi cho dù ở vào trường hợp phức tạp nhất trong ngày sống, từ ước muốn bắt đầu tái yêu thương cho dù chúng ta đã trải qua nhiều trái ý. Trong tương lai, khi câu chuyện về các ngày sống của chúng ta được viết lên, thì nó nói gì về chúng ta đây? Đó là những gì chúng ta có thể hy vọng, hay chúng ta lại đem ánh sáng giấu dưới gầm? Nếu chúng ta sống đúng với Phép Rửa của mình thì chúng ta sẽ làm lan tỏa ra ánh sáng của niềm hy vọng - Phép Rửa là khởi đầu của niềm hy vọng, thứ hy vọng - của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ có thể truyền cho các thế hệ tương lai ý nghĩa của đời sống.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu