GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 9-8-2017

 

Bài 30

 

 

 

"Đức Giêsu đã chia sẻ đớn đau của con người và khi Người chạm trán nó thì bừng lên trong thẳm cung của Người một thái độ làm nên đặc tính của Kitô giáo đó là lòng thương xót".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta đã nghe phản ứng từ thành phần thực khách của gia chủ Simon người Pharisiêu: "Người này là ai mà lại có quyền tha tội?" (Luca 7:49). Đức Giêsu vừa tỏ ra một cử chỉ tệ hại. Một người phụ nữ trong thành này mà mọi người cho là tội lỗi, đã tiến vào nhà của ông Simon, quì xuống dưới chân Đức Giêsu mà đổ dầu thơm lên đôi chân của Người. Tất cả những người hiện diện bấy giờ đều xì xèo với nhau rằng nếu Đức Giêsu là một vị tiên tri thì Người không được chấp nhận các cử chỉ của loại đàn bà như thế. Thật là đáng thương, những người đàn bà ấy chỉ hữu dụng khi được gặp gỡ một cách kín đáo, bởi cả thành phần Lãnh đạo nữa, hay bị nám đá. Theo tâm thức của thới ấy thì cần phải minh bạch phân biệt giữa thánh nhân và tội nhân, giữa người thanh khiết và kẻ nhơ nhớp. 

Tuy nhiên, thái độ của Đức Giêsu lại khác hẳn. Ngay từ ban đầu thừa tác vụ của Người ở Galilêa, Người đã tiến đến với những người bị cùi hủi, bị quỉ ám, đến với tất cả mọi bệnh nhân và những ai sống bên lề xã hội. Hành vi cử chỉ ấy không phải là những gì bình thường. Thật sự là việc Đức Giêsu yêu thích thành phần bị loại trừ tẩy chay, thành phần "bất khả đụng chạm tới", đã là một trong những điều phật lòng các người đương thời của Người nhất. Bất cứ nơi nào có ai đau khổ thì Đức Giêsu quan tâm đến họ và đau khổ của họ là đau khổ của Người. Đức Giêsu không giảng dạy rằng cần phải chịu đựng tình trạng đau đớn một cách anh hùng theo cách thức của những triết gia theo trường phái Stoic. Đức Giêsu đã chia sẻ đớn đau của con người và khi Người chạm trán nó thì bừng lên trong thẳm cung của Người một thái độ làm nên đặc tính của Kitô giáo đó là lòng thương xót. Trước tình trạng đau đớn của con người, Người cảm thấy xót thương; trái tim của Đức Giêsu là trái tim từ bi nhân hậu. Theo nghĩa đen tức là Đức Giêsu cảm thương; Người cảm thấy thẳm cung của Người rung động. Trong Phúc Âm biết bao lần chúng ta gặp thấy những phản ứng như thế. Trái tim của Chúa Kitô hiện thực hóa và tỏ ra cho thấy trái tim của Thiên Chúa, một trái tim mà bất cứ nơi nào có con người nam nữ khổ đau thì Người chữa lành họ, giải thoát họ, trở thành sự sống viên trọn của họ.

Chính vì thế mà Đức Giêsu đã giang rộng cánh tay của Người ra cho các tội nhân. Biết bao nhiêu là con người ta vẫn tiếp tục, cả ngày nay nữa, sống một cuộc đời sai lạc vì họ không thấy bất cứ ai thèm nhìn đến họ một cách khác biệt, bằng những ánh mắt, đúng hơn, bằng tâm can của Thiên Chúa, tức là nhìn họ bằng niềm hy vọng. Trái lại, Chúa Giêsu thấy được một cơ hội phục sinh ở nơi cả những ai chồng chất nhiều việc chọn lựa sai lầm. Đức Giêsu luôn ở đó, bằng một con tim cởi mở; lòng thương xót trong lòng của Người tỏ ra; Người tha thứ, ôm ẵm, thông cảm, đến gần: Đức Giêsu là thế đó!

Đôi khi chúng ta quên rằng đối với Chúa Giêsu vấn đề không phải là về một thứ tình yêu dễ có thuộc loại rẻ tiền. Các Phúc Âm đã ghi lại những phản ứng tiêu cực về những việc Chúa Giêsu đã thực sự đối xử khi Người tha thứ tội lỗi của con người đó (xem Marco 2:1-12). Anh ta là một người chịu khổ gấp đôi, vì anh ta không thể nào bước đi và vì anh cảm thấy anh ta "sai lầm". Và Chúa Giêsu đã hiểu rằng cái đớn đau sau thì nhức nhối hơn nỗi đớn đau trước, đến độ Người liền tuyên bố việc giải phóng cho anh ta ngay: "Hỡi con, tội lỗi của con đã được thứ tha!" (câu 5). Người giải phóng anh ta khỏi cảm quan bị đè nén bởi cảm giác lầm lỗi. Chính lúc ấy có một số luật sĩ - những kẻ tin rằng mình trọn lành: tôi nghĩ đến nhiều tín hữu Công giáo tin rằng họ trọn hảo và khinh bỉ kẻ khác... thật là điều đáng buồn... - một số luật sĩ có mặt bấy giờ đã bị choáng váng trước những lời của Chúa Giêsu, những lời vang vọng như thể lộng ngôn, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi.

Chúng ta, những kẻ thường cảm nghiệm được ơn tha thứ tội lỗi, có lẽ cũng quá ư là "coi thường", có những lúc cần phải nhắc nhở mình rằng chúng ta đã bắt tình yêu của Thiên Chúa phải trả giá biết chừng nào. Mỗi một người chúng ta cần phải được trả một giá cao đó là chính mạng sống của Chúa Giêsu! Người đã cống hiến sự sống ấy cho cả duy một mình chúng ta. Chúa Giêsu đã không tiến đến với cây thập tự giá vì Người đã chữa lành bệnh nhân, vì Người đã rao giảng bác ái, vì Người đã giảng dạy các Phúc Đức. Người Con Thiên Chúa đã tiến đến với cây thập tự giá trước hết là vì Người đã tha thứ tội lỗi, vì Người đã muốn hoàn toàn dứt khoát giải phóng tâm can của con người. Vì Người không muốn con người bị tiêu tán cả cuộc đời họ bằng thứ "tattoo / xâm" bất khả xóa nhòa ấy, bằng ý nghĩ không thể nào được lòng nhân hậu của Thiên Chúa chấp nhận. Với những cảm thức như thế Chúa Giêsu đã tiến đến gặp gỡ các tội nhân là tất cả chúng ta đây.

Các tội nhân được thứ tha như thế đó. Họ chẳng những được xoa dịu ở mức độ tâm lý, vì họ được giải thoát khỏi cảm quan tội lỗi, Chúa Giêsu còn làm nhiều hơn thế nữa, ở chỗ Người cống hiến cho những người lầm lỗi niềm tin tưởng cậy trông về một sự sống mới. "Thế nhưng Chúa ơi con là một kẻ khốn nạn". "Hãy nhìn thẳng và Ta sẽ làm cho con một trái tim mới". Đó là niềm hy vọng Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta. Một đời sống được đánh dấu bằng tình yêu thương. Mathêu, một viên thu thuế, đã trở thành một vị Tông Đồ của Chúa Kitô, một con người đã từng phản bội quê hương đất nước của mình, một tên khai thác dân chúng của mình. Giakêu ở Giêricho, một con người giầu có băng hoại - một tay hối lộ thực sự có hạng - đã được biến đổi thành một vị ân nhân của người nghèo khó. Người đàn bà Samaria, người đã có 5 người chồng và bấy giờ đang sống với một người khác, đã nghe thấy lời hứa về một thứ "nước hằng sống", thứ nước luôn vọt lên trong nàng (xem Gioan 4:14). Chúa Giêsu đã làm thay lòng đổi dạ như thế đó; Người đang làm như vậy với tất cả chúng ta.

Chúng ta cảm thấy vui khi nghĩ rằng Thiên Chúa không chọn làm một thứ bột ban đầu để hình thành Giáo Hội của Người thành phần không bao giờ sai lầm. Giáo Hội là một thứ dân bao gồm các tội nhân, những con người cảm nghiệm lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã hiểu được hơn nữa sự thật về bản thân mình khi gà gáy, hơn là lúc ngài hớn hở tỏ lòng quảng đại, những gì làm cho ngực của ngài phồng lên, khiến ngài cảm thấy mình vượt trổi hơn kẻ khác.

Thưa anh chị em, tất cả chúng ta đều là tội nhân khốn nạn, cần đến lòng thương xót Chúa, một lòng thương xót có mãnh lực biến đổi chúng ta và giúp làm mới lại niềm hy vọng của chúng ta. Người đang làm như thế! Thiên Chúa cống hiến cho thành phần hiểu được sự thật nồng cốt này sứ vụ tuyệt vời nhất trên thế giới này, đó là tình yêu thương anh chị em và việc loan báo về một lòng thương xót không chối bỏ một ai của Người. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta sống với niềm tin tưởng này nơi ơn tha thứ, nơi tình yêu nhân hậu của Chúa Giêsu.

 

https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-divine-mercy-forgiveness/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu