GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 30-8-2017

 

Bài 32

General Audience 30/08/2017 © L'Osservatore Romano

 

"Mối liên hệ giữa niềm hy vọng và việc hồi niệm, nhất là việc hồi niệm về ơn gọi"

 

Hôm nay tôi muốn trở về với một đề tài rất quan trọng, đó là mối liên hệ giữa niềm hy vọng và việc hồi niệm, nhất là việc hồi niệm về ơn gọi. Tôi lấy thí dụ như lời Chúa Giêsu kêu gọi các người môn đệ tiên khởi. Cảm nghiệm này vẫn là những gì đậm nét trong ký ức của các vị, đến độ một người trong các vị đã ghi chú cả về chi tiết giờ giấc: "Bấy giờ là giờ thứ 10" (Gioan 1:39). Thánh ký Gioan trình thuật tình tiết này như một thứ hồi niệm rõ ràng của tuổi trẻ, một tình tiết vẫn còn nguyên vẹn nơi ký ức của ngài lúc đã về già, vì Thánh Gioan đã viết những điều ấy khi ngài đã luống tuổi đời.

Cuộc gặp gỡ này đã xẩy ra ở gần sông Dược Đăng (Jordan), nơi Thánh Gioan Tẩy Giả bấy giờ đang làm phép rửa; và những con người trẻ xứ Galilêa này đã chọn Vị Tẩy Giả này làm hướng dẫn viên tinh thần. Một ngày nọ Chúa Giêsu xuất hiện và đích thân lãnh nhận phép rửa ở giòng sông này. Người đã trở lại đó vào ngày hôm sau, bấy giờ Vị Làm Phép Rửa là Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói cùng 2 môn đệ của mình rằng: "Kìa Con Chiên của Thiên Chúa đó!" (câu 36).

Đó là một "tia sáng" đối với hai vị ấy. Họ đã rời vị sư phụ của mình mà đi theo Chúa Giêsu. Đang đi, Người quay lại với họ mà hỏi một câu quyết liệt: "Các anh đi tìm kiếm gì đó?" (câu 38). Chúa Giêsu hiện lên ở trong các Phúc Âm như là một chuyên gia về cõi lòng của con người. Bấy giờ Người đã gặp hai con người trẻ đang tìm kiếm một cách lành mạnh mà không biết mệt mỏi. Thật vậy, tuổi trẻ nào không có vấn nạn về ý nghĩa mà lại là một tuổi trẻ mãn nguyện chứ? Người trẻ mà không tìm kiếm bất cứ một sự gì thì không phải là người trẻ; họ đã về hưu, họ đã già trước tuổi. Thật là buồn khi thấy giới trẻ lại hưu trí. Chúa Giêsu, trải khắp Phúc Âm, trong tất cả mọi cuộc gặp gỡ xẩy ra cho mình, Người đều "mồi lửa" nơi các tâm can. Bởi thế câu Người hỏi là muốn thấy được lòng ước muốn nẩy sinh cho sự sống và hạnh phúc là những gì hết mọi tuổi trẻ đều ôm ấp: "Các anh tìm kiếm gì đó?" Tôi cũng muốn hỏi giới trẻ đang có mặt ở Quảng trường này hôm nay đây, cũng như giới trẻ đang nghe qua truyền thông: "Hỡi các bạn là giới trẻ, các bạn đang tìm kiếm gì đó? Nơi cõi lòng của mình các bạn đang tìm kiếm gì đó?".

Ơn gọi của Gioan và Anrê được bắt đầu là như thế đó. Nó là một khởi điểm của một mối thân hữu mãnh liệt như vậy với Chúa Giêsu như thể có một thứ áp đặt nào đó mang tính chất chung sống và cùng hăng say với Người. Hai người môn đệ này bắt đầu ở với Chúa Giêsu và ngay sau đó được biến đổi thành các nhà thừa sai truyền giáo, vì sau khi chấm dứt cuộc gặp gỡ ấy họ không trở về nhà một cách lặng lẽ: ở chỗ anh em của họ là Simon và Giacôbê đã sớm theo Người. Họ đến với anh em của mình mà nói: Chúng tôi đã gặp được Đấng Thiên Sai; chúng tôi đã gặp được vị đại tiên tri: họ đã loan tin như vậy. Họ là các vị thừa sai truyền giáo của cuộc hội ngộ ấy. Đó là một cuộc hội ngộ cảm kích hân hoan đến độ các người môn đệ này mãi mãi nhớ đến cái ngày đã sáng soi và hướng đạo tuổi trẻ của họ.

Làm sao người ta khám phá ơn gọi của mình trên thế giới này? Nó có thể được khám phá thấy bằng nhiều cách, thế nhưng đoạn Phúc Âm này nói với chúng ta rằng dấu hiệu đầu tiên là niềm vui của cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu. Hôn nhân, đời sống thánh hiến, thiên chức linh mục: hết mọi ơn gọi đều được bắt đầu bằng một cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu là Đấng cống hiến cho chúng ta một niềm vui và hy vọng mới cùng dẫn dắt chúng ta, qua cả những thứ thách và khó khăn, đến một cuộc hội ngộ trọn vẹn hơn, cuộc hội ngộ tăng trưởng hơn; cuộc hội ngộ với Người tràn đầy niềm vui.

Chúa không muốn những con người nam nữ do dự lưỡng lự bước theo Người, không có được trong lòng mình luồng gió hân hoan. Tôi xin hỏi anh chị em đang ở Quảng trường này - mỗi người tự trả lời lấy - anh chị em có được luồng gió hân hoan trong lòng mình chăng? Mỗi người hãy tự vấn: "Tôi có nơi bản thân mình, nơi cõi lòng mình, luồng gió hân hoan chăng?" Chúa Giêsu muốn con người ta cảm nghiệm thấy rằng việc ở với Người thì có được một niềm hạnh phúc bao la, một thứ hạnh phúc có thể được tái diễn hằng ngày trong cuộc sống. Một người môn đệ của Vương Quốc Thiên Chúa không hân hoan thì không truyền bá phúc âm hóa thế giới này được; họ cảm thấy buồn. Chúng ta trở thành những giảng viên về Chúa Giêsu không phải bằng việc rèn luyện tài hùng biện: anh chị em có thể nói, nói, nói nhưng nếu không có một cái gì khác nữa, thì làm sao chúng ta trở thành giảng viên về Chúa Giêsu được? Mà bằng việc giữ lấy trong đôi mắt của chúng ta cái long lanh óng ánh của niềm hạnh phúc chân thực. Chúng ta thấy rất nhiều Kitô hữu, cả ở giữa chúng ta nữa, truyền đạt bằng đôi mắt của mình cho nhau niềm vui của đức tin: bằng đôi mắt của họ!

Bởi thế, Kitô hữu, như Trinh Nữ Maria, cần phải bảo vệ ngọn lửa phải lòng của mình, phải lòng Chúa Giêsu. Chắc chắn là đời sống có những thử thách; có những giây phút người ta cần phải tiếp tục bất chấp những luồng gió lạnh lẽo và ngược chiều, bất chấp nhiều đắng cay. Thế nhưng Kitô hữu biết con đường dẫn đến thứ lửa linh thánh đã từng thắp sáng họ một lần vĩnh viễn.

Tuy nhiên, xin cho tôi được khuyên nhủ thế này: chúng ta đừng nghe theo những con người bất mãn và không hạnh phúc, chúng ta đừng nghe theo con người nào có những khuyên giải yếm thế chẳng vun trồng niềm hy vọng trong đời sống; chúng ta đừng tin vào những con người dập tắt khi vừa nhen nhúm hết mọi nhiệt tình, vì cho rằng chẳng có cái gì đáng hy sinh cả một cuộc đời. Chúng ta đừng nghe theo "cái già lão" của con tim muốn bóp nghẹt đi cái nhởn nhơ của tuổi trẻ. Chúng ta hãy đến với vị lão thành có ánh mắt rạng ngời hy vọng! Trái lại, chúng ta vun trồng những cái không tưởng lành mạnh: Thiên Chúa muốn chúng ta có khả năng mộng mơ như Ngài đã làm và với Ngài, trong khi chúng ta lại bước đi một cách rất thận trọng với thực tại, mơ mộng về một thế giới khác hẳn. Và nếu giấc mộng bị lịm tắt thì hãy lại mộng mơ nữa, rút tỉa niềm hy vọng từ ký ức của những gì ban đầu, của những cục than hồng, có lẽ sau một cuộc đời không tốt lành cho lắm, đang được vùi lấp ở dưới những lớp tro của cuộc gặp gỡ ban đầu với Chúa Giêsu.

 Vậy thì cái năng động nồng cốt của đời sống Kitô hữu đó là hãy tưởng nhớ đến Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói cùng các môn đệ của ngài rằng: "Hãy tưởng nhớ đến Chúa Giêsu Kitô" (2Timotheu 2:8); đó là lời khuyên của vị đại Thánh Phaolô: "Hãy tưởng nhớ đến Chúa Giêsu Kitô". Hãy tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, ngọn lửa của yêu thương nhờ thế mà vào một ngày nào đó chúng ta thụ thai cuộc đời của mình như là một dự phóng của sự thiện, và làm tái bừng lên niềm hy vọng của chúng ta với ngọn lửa ấy.

 

https://zenit.org/articles/memory-hope-and-vocation/

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu