GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 27-9-2017
Bài 34
"Hy vọng không phải là một nhân đức cho thành phần no đủ. Đó là lý do tại sao người nghèo bao giờ cũng là những con người đầu tiên ôm ấp hy vọng. Bởi thế chúng ta có thể nói rằng người nghèo, cũng như thành phần ăn mày ăn xin, là những vai chính đi làm Lịch Sử".
Xin chào anh chị em thân mến,
Vào lúc này đây chúng ta đang nói về niềm tin tưởng cậy trông; tuy nhiên, hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về các kẻ thù của niềm tin tưởng cậy trông, vì niềm tin tưởng cậy trông cũng có kẻ thù của mình, cũng như hết mọi những gì là tốt lành thiện hảo đều có thù địch vậy.
Tôi nhớ đến câu chuyện huyền thoại về cái hộp của bà Pandora: việc mở ra của cái hộp này bắt đầu xẩy ra rất nhiều tai họa cho lịch sử của thế giới này. Tuy nhiên, có ít người nhớ đến phần cuối của câu chuyện, đó là phần mở ra một kẽ hở của ánh sáng, ở chỗ, sau tất cả mọi sự dữ phát ra từ miệng hộp thì một tặng ân tí teo dường như trả đũa lại tất cả mọi sự dữ đang tung tỏa. Pandora, người phụ nữ canh chừng cái hộp thấy được cái cuối cùng mà Tiếng Hy Lạp gọi là elpis, tức là niềm hy vọng.
Câu chuyện huyền thoại này nói cho chúng ta biết tại sao hy vọng lại quá ư là quan trọng cho nhân loại. "Bao lâu có sự sống là có hy vọng" là câu nói không đúng như thường nghe nói như thế. Ngược lại, chính hy vọng là những gì làm cho đời sống trở nên chân chính, là những gì bảo vệ đời sống, là những gì canh giữ đời sống và làm cho đời sống tăng trưởng. Nếu con người ta không vun trồng niềm hy vọng, nếu họ không được hỗ trợ bởi nhân đức này, họ sẽ chẳng bao giờ thoát được những thứ hang động, và sẽ chẳng lưu một dấu vết gì trong lịch sử của thế giới này. Nó là những gì thần linh nhất có thể hiện hữu trong tâm can của con người.
Một thi sĩ Pháp quốc - Charles Peguy - đã lưu lại cho chúng ta những trang sách tuyệt vời về niềm hy vọng (xem "Cửa Ngõ của Mầu Nhiệm Hy Vọng"). Ông nói một cách thi ca rằng Thiên Chúa không sửng sốt cho lắm trước đức tin của loài người hay trước đức bác ái của họ, nhưng cái thực sự làm cho Ngài hết sức lạ lùng và cảm kích đó là niềm hy vọng của con người. Ông viết: "Những đứa trẻ nghèo nàn ấy nhìn thấy những gì đang xẩy ra và tin rằng nó sẽ khá hơn vào sáng ngày mai". Hình ảnh của thi sĩ này gợi nhớ đến nhiều người đã băng qua thế giới này - các nông dân, những viên lao động nghèo, các người di dân đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn - đã tận tụy chiến đấu bất chấp nỗi đắng cay của một hôm nay khó khăn, đầy những gì là thử thách, tuy nhiên, lại được can đảm bởi niềm tin tưởng của những em nhỏ có một đời sống chân chính hơn và thanh thản hơn. Họ chiến đấu cho con em của họ; họ đối chọi trong hy vọng.
Hy vọng là niềm thúc động trong cõi lòng của những ai lên đường, rời bỏ nhà cửa, đất đai, đôi khi cả gia đình và họ hàng thân quyến - tôi nghĩ đến những người di dân - để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, xứng hợp hơn với bản thân họ cùng các người thân yêu của họ. Nó cũng là nỗi thúc động nơi tâm can của những ai tiếp nhận: ước muốn gặp gỡ nhau, biết nhau, đối thoại... Hy vọng là những gì thúc động để "chia sẻ cuộc hành trình", vì cuộc hành trình này được thực hiện ở nơi cả hai: những ai đến với mảnh đất của chúng ta, và chúng ta là thành phần đến với cõi lòng của họ, thông hiểu họ, văn hóa của họ, ngôn ngữ của họ. Nó là một hành trình của cả hai, nhưng nếu thiếu hy vọng thì không thể thực hiện cuộc hành trình này. Hy vọng là cái thúc động chia sẻ cuộc hành trình của cuộc sống, như Cuộc Vận Động của Cơ Quan Bác Ái nhắc nhở chúng ta, một cuộc vận động chúng ta mở ra hôm nay đây. Hỡi anh em, đừng sợ chia sẻ cuộc hành trình này! Đừng sợ chia sẻ niềm hy vọng!
Hy vọng không phải là một nhân đức cho thành phần no đủ. Đó là lý do tại sao người nghèo bao giờ cũng là những con người đầu tiên ôm ấp hy vọng. Bởi thế chúng ta có thể nói rằng người nghèo, cũng như thành phần ăn mày ăn xin, là những vai chính đi làm Lịch Sử. Thiên Chúa đã cần đến họ tiến vào thế giới này: cần đến một Giuse, một Maria, cần đến các mục đồng ở Bêlem. Vào đêm Giáng Sinh đầu tiên, khi mà thế giới đang thiếp ngủ, thoải mái nơi rất nhiều thứ tin tưởng có được. Tuy nhiên, thành phần khiêm hạ này đang thầm kín sửa soạn thực hiện một cuộc cách mạng của lòng nhân ái. Họ là kẻ nghèo nàn trong tất cả mọi sự, còn một số thì lại ừập bềnh một chút trên ngưỡng cửa sống còn, nhưng họ phong phú ở sự thiện quí báu nhất ở trong thế giới này, đó là ước muốn thay đổi.
Đôi khi mọi sự xẩy ra trong đời là một thứ xui xẻo. Hãy nghĩ đến một con người trẻ không được dạy cho biết nhân đức đợi chờ và nhẫn nại, một con người không phải đổ mồ hôi vì bất cứ một sự gì, một con người đã có sẵn trong đầu từ trước hay ở vào tuổi 20 về "kiến thức thế giới này diễn tiến ra sao": họ bị đẩy đến những gì là luận phán tồi tệ nhất, đó là cái luận phán không còn một ước muốn gì nữa. Họ bề ngoài trẻ trung; nhưng lòng họ là cả một mùa thu. Họ là thành phần giới trẻ mùa thu.
Mang một tâm trí trống rỗng là trở ngại tệ hại nhất đối với niềm hy vọng. Nó là một nguy cơ khiến không ai có thể nói với chính mình rằng họ bị tẩy chay loại trừ, vì tình trạng bị cám dỗ phản lại niềm hy vọng cũng có thể xẩy ra cả khi người ta đang theo lối sống Kitô giáo. Các đan sĩ ngày xưa đã tố giác một trong những kẻ thù tệ hại nhất của lòng nhiệt tình. Các vị nói nó như thế này: "quỉ ma ban ngày" đi dập tắt một đời sống dấn thân ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Chước cám dỗ này khiến chúng ta lạ lùng khi chúng ta ít mong thấy nó nhất: những ngày tháng ấy trở thành máy móc và nhàm chán, không có một giá trị nào đáng cố gắng thêm nữa. Thái độ này được gọi là accidia, một thái độ làm tiêu hao đời sống từ bên trong cho tới khi biến nó thành một lỗ hổng.
Khi điều ấy xẩy ra thì Kitô hữu biết rằng cần phải chiến đấu với tình trạng ấy, không bao giờ được sẵn sàng chấp nhận nó. Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta sống vui vẻ và hạnh phúc, chứ không phải để phơi trần mình ra theo những ý nghĩ buồn phiền sầu muộn. Đó là lý do tại sao cần phải canh giữ lòng mình, bằng việc chống lại những khuynh hướng về những gì là bất hạnh, chắc chắn không xuất phát từ Thiên Chúa. Khi nào chúng ta cảm thấy yếu sức và trận chiến chống lại muộn phiền đặc biệt khó khăn thì chúng ta bao giờ cũng có thể sử dụng đến danh Chúa Giêsu. Chúng ta có thể lập lại một lời nguyện giản dị, nhờ đó chúng ta có thể tìm thấy các dấu vết trong Phúc Âm và là một lời nguyện đã trở thành nền tảng của rất nhiều truyền thống Kitô giáo: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!" - một lời nguyện tuyệt vời. "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!" Đó là lời nguyện của niềm hy vọng, vì tôi quay về với Đấng có thể mở rộng các cánh cửa và giải quyết được vấn đề, cùng giúp tôi hướng đến chân trời, chân trời của niềm hy vọng.
Thưa anh chị em, chúng ta không lẻ loi cô đơn một mình trong trận chiến chống lại thất vọng. Nếu Chúa Giêsu đã khống chế thế giới này, thì Người có thể không chế nơi chúng ta tất cả những gì nghịch lại với sự thiện. Nếu Thiên Chúa ở với chúng ta thì không ai có thể cướp mất khỏi chúng ta nhân đức chúng ta tuyệt đối cần có để sống. Không ai có thể cướp mất niềm tin tưởng cậy trông của chúng ta. Chúng ta hãy tiến lên!
https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-christian-hope-enemies-of-hope/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu