GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 18-10-2017
Bài 37
Niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo với thực tại sự chết
Xin chào anh chị em rất thân mến!
Hôm nay tôi muốn so sánh niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo với thực tại sự chết, một thức tại bị nền văn minh tân tiến của chúng ta có khuynh hướng càng ngày càng xóa bỏ. Bởi thế mà khi sự chêt xẩy ra, thì đối với những ai gần với chúng ta hay đối với chính bản thân chúng ta, chúng ta thấy mình chưa sẵn sàng, thiếu hẳn cả một "mẫu tự" thích đáng để nói lên những lời lẽ nghĩa lý về mầu nhiệm của nó, một mầu nhiệm dầu sao vẫn còn đó. Tuy nhiên, các dấu hiệu đầu tiên nơi nền văn minh của nhân loại thực sự đã thông qua cái bí ẩn huyền nhiệm ấy. Chúng ta có thể nói rằng con người được sinh ra với sự sùng bái sự chết.
Các nền văn minh khác trước nền văn minh của chúng ta đã dám nhìn thẳng vào nó. Nó là một biến cố được thành phần già thuật lại ho các thế hệ mới, như là một thực tại bất khả tránh né buộc con người sống cho một cái gì đó tuyệt đối. Thánh Vịnh 90 đã viết: "Xin hãy dạy chúng con biết đếm ngày giờ của chúng con để chúng con có được một tấm lòng khôn ngoan" (câu 12). Đếm số ngày giờ của chúng con để lòng chúng con trở nên khôn ngoan! - những lời lẽ dẫn chúng ta tới một chủ nghĩa thực tiễn lành mạnh, đánh tan cái ảo ảnh về những gì là toàn năng. Chúng ta là ai? Chúng ta "hầu như chẳng là gì", Thánh Vịnh khác nói như thế (xem 88:48); ngày tháng của chúng ta chóng qua đi; cho dù chúng ta sống đến bách niên, cuối cùng nó cũng giống như một tia chớp vậy thôi. Nhiều lần chúng ta đã nghe thấy các vị lão thành nói rằng: "Đối với tôi đời sống qua đi như là một tia chớp..."
Bởi thế mà sự chết lột trần đời sống của chúng ta. Nó làm cho chúng ta khám phá ra rằng các tác hành kiêu hãnh của chúng ta, của lòng giận dữ, của hận thù ghen ghét chỉ là phù du, chỉ là hư ảo. Chúng ta tiếc xót nhận thấy rằng chúng ta đã không yêu thương cho đủ và chúng ta đã không tìm kiếm những gì là thiết yếu. Ngược lại, chúng ta thấy được những gì chúng ta gieo vãi thực sự là thiện hảo: những thứ cảm tình chúng ta đã hy sinh bản thân mình cho chúng, và là những gì bấy giờ chúng ta nắm được trong bàn tay của chúng ta.
Chúa Giêsu đã soi sáng mầu nhiệm sự chết của chúng ta. Bằng tác hành của mình, Người đã để cho chúng ta cảm thấy sầu thương khi chúng ta mất đi một người thân yêu. Người đã tỏ ra "sâu xa" buồn thảm trước ngôi mộ Lazarô là người bạn của Người, và Người "đã khóc" (Gioan 11:35). Nơi thái độ này của Người, chúng ta cảm thấy Chúa Giêsu là Đấng rất gần gũi với chúng ta - là người anh của chúng ta. Người đã khóc Lazarô là một người thân hữu của Người.
Sau đó Chúa Giêsu cầu cùng Chúa Cha là nguồn mạch sự sống, và truyền cho Lazarô ra khỏi mồ. Đã xẩy ra đúng như vậy. Niềm tin tưởng cậy trông Kitô hữu xuất phát từ thái độ này, thái độ Chúa Giêsu tỏ ra chống lại với cái chết của con người: nếu cái chết hiện diện nơi Thiên Nhiên Tạo Vật thì, dù sao, nó chỉ là một vết sẹo làm xấu đi dự án yêu thương của Thiên Chúa, và là những gì Chúa Cứu Thế muốn chữa lành.
Ở nơi khác, các Phúc Âm cũng nói đến một người cha có đứa con gái bị bệnh trầm trọng, nên ông tin tưởng đến cùng Chúa Giêsu để xin Người cứu nó (xem Marco 5:21-24.35-43). Không có hình ảnh nào cảm kích hơn hình ảnh của một người cha hay của một người mẹ có đứa con bị bệnh. Chúa Giêsu đã lập tức đi với người đàn ông tên là Giairô đó. Tới một chỗ kia thì có người từ nhà của ông Giairô đến nói rằng đứa con gái của ông đã chết, không cần làm phiền đến Vị Sư Phụ này nữa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói với ông Giairô rằng: "Đừng sợ, chỉ cần tin tưởng thôi!" (Marco 5:36). Chúa Giêsu biết rằng người đàn ông này có khuynh hướng phản ứng một cách giận dữ và thất vọng, vì người con gái nhỏ của ông đã chết mất rồi, và Người khuyên ông cứ ấp ủ tia lửa nhỏ nhoi đang cháy trong lòng của ông là đức tin. "Đừng có sợ, chỉ cần tưởng là đủ". "Đừng sợ, hãy tiếp tục với ngọn lửa đang cháy sáng ấy!". Thế rồi, khi đến nhà, Người đã đánh thức đứa con gái nhỏ ấy dậy từ sự chết và trao bé gái sống động này cho những người thân yêu của nó.
Chúa Giêsu đẩy chúng ta vào "bờ vực" đức tin. Người đã chống lại việc Matta đang khóc thương cái chết của người em Lazarô của cô bằng ánh sáng của một tín điều: "Thày là sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Thày thì dù có chết cũng sẽ sống, và ai sống mà tin vào Thày thì không bao giờ chết. Con có tin điều đó hay chăng?" (Gioan 11:25-26). Đó là những gì Chúa Giêsu muốn lập lại cho từng người trong chúng ta rằng cái chết xẩy ra để xé rách cơ cấu của đời sống và các thứ tình cảm. Tất cả cuộc hiện hữu của chúng ta đều được diễn tiến ở chỗ ấy, giữa triền dốc đức tin và vách đá sợ hãi. Chúa Giêsu phán: Thày không phải là sự chết, Thày là sự sống lại và là sự sống; con có tin như thế hay chăng? Con có tin điều này hay chăng?" Chúng ta là thành phần đang ở Quảng Trường này hôm nay đây có tin như vậy hay chăng?
Tất cả chúng ta đều nhỏ bé và mỏng dòn trước mầu nhiệm chết chóc. Tuy nhiên, phúc thay nếu vào lúc ấy chúng ta vẫn ấp ủ trong lòng mình ngọn lửa bé nhỏ đức tin! Chúa Giêsu sẽ nắm lấy tay của chúng ta, như Người đã nắm lấy tay đứa con gái của ông Giairô mà lập lại một lần nữa rằng: "Talita kum", "Hỡi bé gái, hãy chỗi dậy!" Người sẽ nói câu ấy với từng người trong chúng ta rằng: "Hãy đứng lên, hãy chỗi dậy!" Giờ đây tôi mời anh chị em hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến giây phút chết chóc của chúng ta. Mỗi một người trong chúng ta hãy nghĩ đến cái chết của mình và hãy tưởng tượng rằng giây phút đó sẽ đến, khi Chúa Giêsu nắm lấy tay chúng ta mà nói với chúng ta rằng: "Hãy đến, hãy đến với Ta, hãy chỗi dậy!" Niềm hy vọng sẽ chấm dứt ở chỗ ấy và nó sẽ trở thành một thực tại, thực tại sự sống. Hãy nghĩ về nó: Chính Chúa Kitô sẽ đến với mỗi một người chúng ta và sẽ nắm lấy tay chúng ta, bằng nỗi dịu dàng của Người, bằng sự hiền lành của Người, bằng tình yêu thương của Người. Mỗi người hãy lập lại trong lòng mình lời của Chúa Giêsu: "Hãy đứng lên, hãy đến. Hãy đứng lên, hãy đến. Hãy đứng lên, hãy chỗi dậy!"
Đó là niềm tin tưởng cậy trông của chúng ta trước cái chết. Đối với những ai tin tưởng thì nó là cánh cửa hoàn toàn rộng mở; đối với những ai ngờ vực thì nó là một khe hở của ánh sáng xuyên qua từ một ô cửa không hoàn toàn khép kín. Tuy nhiên, đối với tất cả chúng ta nó sẽ là một ân sủng của cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu, khi ánh sáng này soi chiếu chúng ta.
https://zenit.org/articles/pope-francis-catechesis-for-oct-18-2017/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu