GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 25-10-2017
Bài 38
Thiên Đàng là cùng đích cho niềm tin tưởng cậy trông của chúng ta
Xin chào anh chị em thân mến!
Đây là bài giáo lý cuối cùng về đề tài niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo, một đề tài về niềm hy vọng cậy trông đã đồng hành với chúng ta từ khi bắt đầu Phụng Niên này. Tôi sẽ kết thúc bằng việc nói về Thiên Đàng là cùng đích cho niềm tin tưởng cậy trông của chúng ta.
"Thiên đàng" là một trong những lời nói sau hết của Chúa Giêsu trên cây thập tự giá, được ngỏ cùng người trộm lành. Chúng ta hãy dừng lại trong giây lát trước cảnh tượng ấy. Chúa Giêsu không lẻ loi một mình ở trên cây thập tự giá. Ngay bên Người, ở bên phải và ở bên trái, là hai tay làm việc gian ác. Có lẽ, khi đi ngang qua 3 cây thập tự giá ở trên Núi Sọ này, người ta đã cảm thấy thỏa mãn khi nghĩ rằng sau cùng thì công lý đã được thực hiện bằng cách xử tử những con người như thế.
Ở bên cạnh Chúa Giêsu cũng có một người tử tội tự thú: một con người nhận biết mình đáng bị hành hạ kinh khủng như vậy. Chúng ta gọi anh ta là "người trộm lành", người đã chống lại người trộm khác mà rằng: chúng ta đang chịu đựng xứng với các việc làm của chúng ta (xem Luca 23:41).
Trên Đồi Canvê, vào Ngày Thứ Sáu thê lương và thánh hảo này, Chúa Giêsu đạt đến tột đỉnh của việc Người Nhập Thể, của tình Người liên kết với loài người tội lỗi chúng ta. Như thế là hiện thực những gì được Tiên Tri Isaia nói về người Tôi Tớ Khổ Đau: "Người đã bị liệt vào hạng phạm nhân" (53:12; xem Luca 22:37).
Chính ở đó, trên Đồi Canvê, Chúa Giêsu đã có được cuộc gặp gỡ lần cuối với một tội nhân, cũng là để mở ra cho anh ta cánh cửa Nước Trời. Thật là hay: chỉ lúc ấy mới xuất hiện chữ "Thiên đàng" ở trong các Phúc Âm. Chúa Giêsu hứa thiên đàng cho "một tên quỉ đáng thương - a poor devil", kẻ mà trên thập tự giá, đã can đảm ngỏ cùng Ngài lời yêu cầu khiêm hạ nhất: "Ngài Giêsu ơi, xin Ngài nhớ đến tôi khi Ngài về vương quốc của Ngài nhé" (Luca 23:42). Anh ta không có các việc lành để nêu lên mà chỉ phó mình cho Chúa Giêsu, Đấng anh ta nhìn nhận là vô tội, lành thánh, rất khác với bản thân của anh ta (câu 41). Lời nói thống hối khiêm hạ ấy đã đủ đánh động lòng của Chúa Giêsu.
Người trộm lành này nhắc nhở chúng ta về thân phận thật sự của chúng ta trước nhan Thiên Chúa: chúng ta là con cái của Ngài, Ngài đã tỏ lòng cảm thương chúng ta, Ngài đã thôi giận mỗi khi chúng ta bày tỏ cùng Ngài niềm tưởng nhớ của chúng ta về tình yêu thương của Ngài. Ở những căn phòng của rất nhiều bệnh viện hay ở những gian ngục tù, phép lạ này đang được tái diễn vô số lần: nơi bất cứ một con người nào, cho dù họ đã sống xấu xa đến đâu chăng nữa, chỉ còn thất vọng và cản trở ân sủng. Tất cả chúng ta đều ra trước nhan Thiên Chúa với hai bàn tay trắng, giống như người thu thuế trong dụ ngôn phục xuống nguyện xin ở cuối Đền Thờ (xem Luca 18:13). Mỗi lần con người nào đó, khi xét lại lương tâm lần cuối trong đời mình, thấy được những hư hỏng thiếu sót nhiều hơn cả các việc lành mình làm, thì họ không được chán nản, trái lại, hãy phó mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Có thế chúng ta mới có hy vọng; có thế lòng chúng ta mới mở ra!
Thiên Chúa là Cha, và Ngài chờ đợi chúng ta trở về cho tới giây phút cuối cùng. Đối với Người Con Phung Phá trở về, người con bắt đầu xưng thú lỗi lầm của mình, người cha liền chặn nó lại bằng việc ôm chầm lấy nó (xem Luca 15:20). Thiên Chúa là thế đó: đó là cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta!
Thiên Đàng không phải là một chốn mơ màng hay là một khu vườn thú vị. Thiên Đàng là được hiệp thông nên một với Thiên Chúa là Tình Yêu vô cùng, và chúng ta được tham phần nhờ Chúa Giêsu, Đấng đã chết trên thập tự giá vì chúng ta. Chúa Giêsu ở đâu thì ở đó có lòng thương xót và hạnh phúc; không có Người chỉ là những gì lạnh lẽo và tối tăm. Vào trong giờ lâm tử, Kitô hữu hãy lập lại cùng Chúa Giêsu rằng: "Xin nhớ đến con". Nếu không có bất cứ ai nhớ đến chúng ta thì Chúa Giêsu vẫn có đó, ở bên chúng ta. Người muốn đưa chúng ta đến một nơi đang hiện hữu tuyệt vời nhất. Người muốn đưa chúng ta tới đó kèm theo một ít hay nhiều điều lành ở trong đời chúng ta, nhờ đó những gì đã được Người cứu chuộc không bị mất đi. Người sẽ mang về Nhà Cha của Người tất cả những gì ở nơi chúng ta vẫn còn cần được cứu chuộc: những thất bại và các lầm lỗi của cả một cuộc đời. Đó là đích điểm của cuộc đời chúng ta: khi mà hết mọi sự được nên trọn và được biến đổi trong yêu thương.
Nếu chúng ta tin như thế thì chết chóc không còn làm cho chúng ta sợ hãi nữa, và chúng ta cũng có thể hy vọng ra khỏi đời này một cách thanh thản an bình và đầy lòng tin tưởng. Ai đã nhận biết Chúa Giêsu thì không còn cảm thấy gì nữa. Chúng ta cũng có thể lập lại những lời của vị lão thành Simêon, vị cũng đã được chúc phúc nhờ cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, sau cả một cuộc đời nóng lòng đợi trông: "Giờ đây Lạy Chúa, xin cho tôi tớ của Chúa ra đi bình an theo như lời của Ngài, vì mắt con đã thấy ơn cứu độ của Ngài" (Luca 2:29-30).
Cuối cùng, trong giây phút ấy, chúng ta sẽ chẳng còn cần bất cứ một sự gì nữa, chúng ta sẽ chẳng còn thấy một cách lẫn lộn nữa. Chúng ta sẽ chẳng còn kêu khóc một cách vô bổ nữa, vì hết mọi sự đã qua đi, cùng với những lời tiên tri, những kiến thức, ngoại trừ tình yêu thương thì vẫn còn, vì "tình yêu thương chẳng bao giờ cùng" (xem 1Corintô 13:8).
https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-heaven-the-goal-of-our-hope/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu