GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ NIỀM HY VỌNG CẬY TRÔNG
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 4-1-2017
Bài 5
"Rachel là người mẹ bao gồm nơi bản thân mình nỗi sầu thương của tất cả các người mẹ trên thế giới này, của tất cả mọi thời đại, và nước mắt của hết mọi con người khóc than về những cái mất mát không thể nào cứu chữa"
"Người đàn bà này, chấp nhận chết đi vào lúc sinh con, để con bà được sống... bà và việc than khóc của bà bấy giờ trở thành nguồn gốc của một sự sống mới cho thành phần con cái lưu đầy của bà, cho những tù nhân, xa quê hương đất nước".
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Trong bài giáo lý hôm nay tôi muốn cùng anh chị em ngắm nhìn hình ảnh của một người đàn bà nói với chúng ta về niềm hy vọng được trải qua trong khóc lóc - niềm hy vọng trong khóc than. Đó là Rachel, vợ của Giacóp và là mẹ của Giuse cùng Banjamin, một nhân vật như Sách Khởi Nguyên thuật lại, thì đã chết khi sinh lần thứ hai đó là Benjamin.
Tiên tri Giêrêmia đã nhắc đến Rachel khi ngỏ cùng dân Do Thái ở nơi lưu đầy để an ủi họ, bằng những lời đầy cảm xúc và thi ca; tức là ông lợi dụng việc than khóc của Rachel để cống hiến niềm hy vọng.
"Chúa phán thế này: 'Người ta nghe có tiếng khóc ở Ramah, tiếng khóc than ai oán: Ðó là tiếng bà Rachel khóc thương con cái mình, bà không muốn được an ủi về những người con ấy, vì nay chúng chẳng còn'" (Giêrêmia 31:15). Nơi các câu này, tiên tri Giêrêmia trình bày cho thấy người đàn bà của dân mình ấy, một đại nữ tổ phụ của chi họ ông, trong một thực tại buồn đau và than khóc, thế nhưng đồng thời theo một chiều kích của sự sống khôn tưởng. Rachel, người đàn bà theo trình thuật của Sách Khởi Nguyên đã chết khi sinh con và cho rằng nhờ cái chết đó mà con của bà bấy giờ mới được sống, trái lại được vị tiên tri này trình bày như đang còn sống ở Ramah, nơi thành phần bị đi đầy qui tụ lại, khóc than con cái của họ ở một nghĩa nào đó đã chết vì bị đi đầy; những đứa con mà chính bà đã nói "chẳng còn", vĩnh viễn ra đi mất rồi.
Chính vì thế mà Rachel không muốn được an ủi. Việc bà không chấp nhận an ủi cho thấy cái sâu xa của nỗi buồn đau cùng cái cay đắng nơi tác động khóc than của bà. Trước cái thảm cảnh mất mát con cái, người mẹ không thể nào chấp nhận những lời nói hay những cử chỉ an ủi, những thứ ấy chẳng bao giờ cho đủ, nhưng có thể xoa dịu cái đớn đau của một vết thương không thể chữa lành và sẽ không được chữa lành - một thứ sầu thương cân xứng với tình yêu thương.
Hết mọi người mẹ đều biết tất cả những điều ấy; và có rất nhiều người mẹ, bao gồm cả ngày nay nữa, khóc than, những người mẹ không cam chịu bị mất đi một người con, không thể an ủi trước cái chết không thể nào chấp nhận được. Rachel là người mẹ bao gồm nơi bản thân mình nỗi sầu thương của tất cả các người mẹ trên thế giới này, của tất cả mọi thời đại, và nước mắt của hết mọi con người khóc than về những cái mất mát không thể nào cứu chữa.
Việc Rachel không chịu cho ai an ủi, không muốn được ai ủi an, cho chúng ta thấy cần phải tế nhị biết bao trước nỗi buồn đau của người khác. Việc nói về niềm hy vọng cậy trông cho ai đang thất vọng đòi phải biết chia sẻ niềm thất vọng của họ, việc lau khô nước mắt trên gương mặt của ai đang đau khổ cần chúng ta phải liên kết nỗi sầu thương của chúng ta với họ. Có vậy thì những lời lẽ của chúng ta mới thực sự có thể cống hiến một niềm hy vọng nào đó. Và nếu tôi không thể nói lên những lời như vậy - khóc lóc, sầu thương thì tốt hơn nên im lặng - một vuốt ve, một cử chỉ và không nói năng gì.
Thiên Chúa, một cách tế nhị và yêu thương, đã đáp ứng việc than khóc của Rachel bằng những lời lẽ chân thật không giả tạo mà bản văn của tiên tri Giêrêmia thực sự tiếp tục cho biết:
"Ðức Chúa phán thế này: Thôi đừng than khóc nữa, hãy lau khô dòng lệ trên đôi mắt, vì công lao của ngươi sẽ được đền bù: - sấm ngôn của Ðức Chúa - chúng sẽ rời bỏ đất quân thù trở về. Như thế, tương lai ngươi sẽ tràn trề hy vọng: - sấm ngôn của Ðức Chúa - con cái ngươi sẽ trở về bờ cõi mình".(Jeremiah 31:16-17). Thật vậy, chính vì việc than khóc của người mẹ mà niềm hy vọng tái hiện lên cho con cái, những đứa con sẽ sống một lần nữa.
Người đàn bà này, chấp nhận chết đi vào lúc sinh con, để con bà được sống... bà và việc than khóc của bà bấy giờ trở thành nguồn gốc của một sự sống mới cho thành phần con cái lưu đầy của bà, cho những tù nhân, xa quê hương đất nước. Chúa đã đáp ứng nỗi sầu thương và việc than khóc xót xa của bà bằng một lời hứa hẹn mà bấy giờ đối với bà như là một thứ phấn khích về niềm an ủi đích thực, ở chỗ dân chúng sẽ có thể từ nơi lưu đầy trở về và sống mối liên hệ của họ với Thiên Chúa bằng đức tin và tự do. Những giọt nước mắt đã phát sinh niềm hy vọng. Điều này không dễ gì hiểu được nhưng nó thực sự là như thế. Nhiều lần trong đời sống của chúng ta những giọt nước mắt đã gieo rắc niềm hy vọng; chúng là những hạt giống hy vọng.
Như chúng ta biết, bản văn này của tiên tri Giêrêmia sau đó được Thánh ký Mathêu trích dẫn và áp dụng vào biến cố thảm sát các anh hài (xem 2:16-18). Một bản văn đặt chúng ta trước thảm cảnh sát hại những con người non dại, trước những gì là khủng khiếp của quyền lực tỏ ra khinh bỉ và loai trừ sự sống. Trẻ em ở Bêlem đã chết vì Chúa Giêsu. Và Người, Con Chiên vô tội, về phần mình rồi sẽ chết vì tất cả chúng ta. Con Thiên Chúa đã nhập cuộc với nỗi đớn đau của con người. Chúng ta không được quên điều ấy.
Có người đến với tôi để hỏi tôi những vấn đề khó khăn, chẳng hạn như: "Thưa cha, xin cho con biết tại sao trẻ em lại chịu đau khổ?" Tôi thực sự không biết phải trả lời làm sao. Tôi chỉ nói rằng: "Hãy nhìn lên Đấng Tử Giá; Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con của Ngài, Người đã chịu khổ, và có lẽ anh chị em tìm thấy câu trả lời ở đó". Thế nhưng chẳng có các câu trả lời nào ở chỗ này hết (ngài chỉ lên đầu của ngài). Chỉ nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa đã cống hiến Con của Ngài, Đấng hiến mạng sống mình vì chúng ta, mới có thể tìm thấy một niềm an ủi nào đó. Vì thế chúng ta nói rằng Con Thiên Chúa đã nhập cuộc đớn đau của con người; Người đã chia sẻ và đã chấp nhật chết đi; Lời của Người vĩnh viễn là lời ủi an, vì nó xuất phát từ việc than khóc.
Trên cây Thánh Giá, chính Người, Người Con hấp hối, cống hiến khả năng sinh sản mới cho Mẹ của Người, trao Mẹ cho người môn đệ Gioan và trao cho Mẹ của Người thành phần dân tin tưởng. Cái chết đã bị khống chế, nên lời tiên tri của Giêrêmia đã được nên trọn. Nước mắt của Mẹ Maria cũng thế, như nước mắt của Rachel, đã phát sinh ra niềm hy vọng và sự sống mới. Xin cám ơn anh chị em.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-weeping-hope/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu