GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 18-1-2017

Bài 7

 

czed0-lxuaa3fii

 

"Niềm hy vọng khi phải đối diện với hiểm nguy và chết chóc, được bày tỏ bằng việc nguyện cầu... Cái kinh hoàng theo bản năng về chết chóc làm bừng lên nhu cầu cần phải tin tưởng cậy trông vào Vị Thiên Chúa của sự sống".

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến. Trong số các tiên tri của dân Do Thái, nổi bật trong Thánh Kinh là một nhân vật có vẻ dị thường, một vị tiên tri tìm cách tránh thoát tiếng gọi của Chúa, không chịu dấn thân phục vụ dự án cứu độ thần linh. Đó là tiên tri Giona, với câu truyện được kể ở trong một tập sách ngắn chỉ có 4 chương, chất chứa một giáo huấn cao cả về lòng thương xót Chúa là Đấng tha thứ.

Giona là một vị tiên tri "hướng ngoại", và cũng là một vị tiên tri bỏ chạy! Ông là vị tiên tri hướng ngoại được Chúa sai "đến vùng ngoại biên", đến Ninive, để hoán cải cư dân ở thành phố lớn này. Tuy nhiên, đối với một người Do Thái như Giona thì Ninive tiêu biểu cho một thực tại đáng sợ, một kẻ thù đã gây nguy hiểm cho chính Giêrusalem, và vì thế cần phải bị hủy diệt, thật sự là không thể nào được cứu độ. Bởi thế khi Thiên Chúa sai Giona đến giảng dạy ở thành đó thì vị tiên tri này, vị nhận biết lòng thiện hảo của Chúa và ý muốn cứu độ của Ngài, đã cố gắng rút lui cho thoát khỏi làm phận vụ ấy.

Trong việc tháo chạy của mình, vị tiên tri tiến tới chỗ giao tiếp với những người dân ngoại, những thủy thủ của một con tầu ông quá giang để thoát khỏi Chúa và khỏi sứ vụ của ông. Và ông thoát chạy cho xa, vì Ninive thuộc miền đất Iraq và ông tẩu thoát tới Tây Ban Nha, ông tẩu thoát một cách nghiêm chỉnh. Thật sự là chính hành vi cử chỉ của những con người dân ngoại ấy, như sẽ được thấy sau này nơi những cư dân của Thành Ninive, giúp chúng ta hôm nay có thể suy niệm về niềm hy vọng một cách nào đó, một niềm hy vọng khi phải đối diện với hiểm nguy và chết chóc, được bày tỏ bằng việc nguyện cầu.

Thật thế, trong khi ông vượt biển khơi thì xẩy ra một cơn bảo tố dữ dội và Giona đã đi xuống khoang tầu mà nằm ngủ. Trái lại, những người thủy thủ cảm thấy nguy hiểm nên "mỗi người đã kêu lên với thần linh của mình": họ đều là dân ngoại (Giona 1:5). Vị thuyền trưởng đã đánh thức Giona dậy mà nói cùng ông rằng: "Làm sao ông có thể ngủ được chứ? Hãy chỗi dậy mà cầu cùng thần linh của ông. Có thể vị thần linh ấy sẽ nghĩ đến chúng ta nhờ đó chúng ta mới khỏi bị chết" (Giona 1:6).

Phản ứng của những "người dân ngoại" này là một phản ứng đúng trước cái chết, trước mối nguy hiểm, vì chính lúc ấy con người có một cảm nghiệm trọn vẹn về cái mỏng dòn của mình và nhu cầu cần được cứu độ của mình. Cái kinh hoàng theo bản năng về chết chóc làm bừng lên nhu cầu cần phải tin tưởng cậy trông vào Vị Thiên Chúa của sự sống. "Có thể vị thần linh ấy sẽ nghĩ đến chúng ta nhờ đó chúng ta mới khỏi bị chết": phải chăng đó là những lời lẽ của niềm tin tưởng cậy trông trở thành lời nguyện cầu, một lời thỉnh nguyện đầy sầu thương phát ra từ môi miệng của con người trước mối nguy hiểm chết chóc trước mắt.

Chúng ta quá dễ dàng khinh thị việc quay về cùng Thiên Chúa theo nhu cầu của chúng ta như thể nó chỉ là một lời cầu nguyện vụ lợi cho bản thân mình, và vì thế nó không trọn lành. Tuy nhiên, Thiên Chúa biết được nỗi yếu hèn của chúng ta, Ngài biết rằng chúng ta nhớ đến Ngài để xin trợ giúp, và bằng một nụ cười từ ái của một người cha, Ngài đáp ứng một cách rộng lượng.

Khi Giona, nhìn nhận trách nhiệm của mình, đã tự gieo mình xuống biển để cứu những đồng bạn hành trình của mình thì cơn bão tố đã trở nên lắng đọng. Cái chết trước mắt đã khiến những con người dân ngoại đó cầu nguyện, và bất chấp hết mọi sự, đã làm cho vị tiên tri này sống ơn gọi của mình trong việc phục vụ người khác, chấp nhận hy sinh bản thân mình cho họ, và bấy giờ dẫn những kẻ sống sót nhận biết vị Chúa chân thực mà dâng lời ngợi khen chúc tụng. Những người thủy thủ, vì sợ hãi, đã hướng về các vị thần của mình để cầu nguyện, bấy giờ, với lòng thành kính sợ Chúa, nhìn nhận vị Thiên Chúa chân thật mà dâng hiến các lễ vật cùng những lời thề nguyền. Niềm tin tưởng cậy trông là những gì khiến họ cầu nguyện để họ khỏi bị chết bấy giờ đã trở nên quyền năng hơn nữa và thực hiện một thực tại vượt lên trên cả những gì họ tin tưởng cậy trông, ở chỗ họ không bị chết trong bão tố mà còn nhận biết Vị Chúa chân thật duy nhất của Trời đất.

Sau đó, dân cư thành Ninive, trước viễn tượng bị hủy diệt, cũng đã cầu nguyện, được thúc đẩy bởi niềm tin tưởng cậy trông vào ơn tha thứ của Thiên Chúa. Họ đã thực hiện việc thống hối, kêu cầu Chúa và hoán cải về với Ngài, bắt đầu từ ông vua, vị như người thuyền trưởng, lên tiếng hy vọng mà rằng: "Biết đâu Thiên Chúa nghĩ lại mà nguôi cơn giận nhờ đó chúng ta khỏi bị chết?" (Giona 3:9). Cả đối với họ nữa, như đối với toán người trong cơn bão tố, đã đối diện với cái chết và cuối cùng đã được cứu độ khiến họ nhận biết sự thật. Vậy, theo lòng thương xót thần linh, và thậm chí còn hơn thế nữa theo chiều kích của Mầu Nhiệm Vượt Qua, thì cái chết trở thành, như đối với Thánh Phanxicô Assisi, "người chị em chết chóc của chúng ta", và đối với hết mọi người và từng người chúng ta, nó trở thành một cơ hội lạ lùng để có được niềm tin tưởng cậy trông và gặp gỡ Chúa. Xin Chúa làm cho chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa việc cầu nguyện và niềm tin tưởng cậy trông. Việc cầu nguyện dẫn con người ta tới niềm tin tưởng cậy trông và khi sự việc trở nên tăm tối thì càng cần phải cầu nguyện hơn nữa! Và sẽ càng tin tưởng cậy trông hơn. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-jonah-hope-and-prayer/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu