GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ NIỀM TIN TƯỞNG CẬY TRÔNG
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 1-2-2017
Bài 9
"Niềm hy vọng Kitô giáo là một niềm mong đợi một điều gì đó đã được hoàn thành; cửa ngõ ở đằng kia và tôi hy vọng đến cửa ngỏ này. Tôi cần phải làm gì? Tôi cần phải bước tới cửa ngõ đó! Tôi tin rằng tôi sẽ đến cửa ngõ ấy. Niềm hy vọng Kitô giáo giống như thế, ở chỗ tin rằng tôi đang tiến đến một cái gì đó là nó chứ không phải là cái tôi muốn nó phải là"
"Hy vọng nhắm đến và bao hàm một tấm lòng khiêm hạ, một con tim nghèo khó. Chỉ có người nghèo mới biết đợi chờ. Kẻ nào đã tràn đầy bản thân mình cùng những sở hữu của mình thì không đặt niềm tin tưởng vào bất cứ cái gì khác ngoài chính bản thân mình".
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Trong các bài giáo lý trước đây chúng ta đã bắt đầu loạt bài về đề tài niềm tin tưởng hy vọng, bằng việc đọc lại theo chiều hướng này một số đoạn Cựu Ước. Giờ đây chúng ta muốn tiến sâu hơn vào lãnh vực ngoại lệ của nhân đức này trong Tân Ước, khi nó gặp được cái mới mẻ của mình nơi Chúa Giêsu Kitô và biến cố vượt qua, đó là niềm tin tưởng cậy trông Kitô giáo. Kitô hữu chúng ta là những con người nam nữ của niềm tin tưởng cậy trông.
Đó là những gì rõ ràng hiện lên từ bản văn đầu tiên được viết đó là Bức Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Thessalonica. Tất cả những gì là tươi mới và đẹp đẽ của việc loan báo Kitô giáo tiên khởi đều được nhận định ở trong đoạn thư chúng ta vừa nghe. Cộng đoàn Thessalonica là một cộng đoàn trẻ trung, vừa được thành lập, bất chấp những khó khăn và nhiều thử thách, cộng đoàn này được bén rễ đức tin và hoan hỉ hăng say cử hành cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu. Bởi thế mà vị Tông Đồ này đã tỏ ra hết sức vui mừng cùng với tất cả mọi người, giống như những ai được tái sinh vào Lễ Phục Sinh thực sự trở thành "con cái của ánh sáng và con cái của ban ngày" (5:5), nhờ mối hiệp thông trọn vẹn của họ với Chúa Kitô.
Khi Thánh Phaolô viết thư cho họ thì cộng đoàn Thessalonica vừa mới được thành lập, và chỉ mới có mấy năm cách cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô thôi. Bởi thế, vị Tông Đồ này cố gắng làm cho họ hiểu tất cả những tác dụng và thành quả của biến cố đặc thù và quyết liệt này, tức là biến cố Phục Sinh của Chúa Kitô, bao hàm cả lịch sử và đời sống của từng người. Cái khó khăn đặc biệt đối với cộng đồng này không phải chỉ ở chỗ nhìn nhận Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô, tất cả đều tin tưởng như thế, nhưng là tin vào việc phục sinh của kẻ chết. Phải, Chúa Giêsu đã phục sinh, thế nhưng cái khó là ở chỗ tin rằng kẻ chết sẽ sống lại. Về vấn đề này, Bức Thư ấy lại càng cho thấy tính cách hợp thời hơn nữa. Mỗi lần chúng ta đối diện với cái chết của mình, hay cái chết của một người thân yêu, chúng ta cảm thấy đức tin của chúng ta bị thử thách. Tất cả mọi ngờ vực của chúng ta nổi lên. Tất cả những gì là mỏng dòn của chúng ta, và chúng ta ngẫm nghĩ: "Thế nhưng thực sự có đời sau hay chăng...? Tôi sẽ có thể được thấy lại và ôm lấy những người thân yêu của tôi hay chăng...?" Một người đàn bà đã hỏi tôi câu này mấy ngày trước đây trong một buổi triều kiến, bày tỏ một mối ngờ vực nào đó: "Tôi sẽ gặp lại người thân của tôi hay chăng?" Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải trở về với cội rễ và nền tảng đức tin của chúng ta, để nhận thấy được tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô và chết chóc nghĩa là gì. Tất cả chúng ta một cách nào đó sợ cái bất định của cái chết này. Tôi nhớ có một người già nhỏ con và là một lão ông tốt lành, đã nói rằng: "Tôi không sợ chết. Tôi hơi sợ thấy nó xẩy ra". Ông ta sợ điều ấy.
Trước những nỗi lo sợ và bối rối của cộng đồng này, Thánh Phaolô mời gọi hãy đội chặt lên đầu một cái mũ sắt, nhất là trong những cơn thử thách và trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời chúng ta, đó là "niềm hy vọng cứu độ". Nó là một chiếc mũ sắt. Hãy nhìn xem đâu là niềm hy vọng Kitô giáo. Khi nói về hy vọng chúng ta có thể được dẫn đến chỗ hiểu nó theo ý nghĩa thường tình của chữ nghĩa, tức là đến một cái gì đó tốt đẹp chúng ta mong muốn, mà là cái có thể hoặc không thể hiện thực. Chúng ta hy vọng nó sẽ xẩy ra; nó như là một ước muốn. Chẳng hạn người ta nói: "Tôi hy vọng rằng thời tiết ngày mai sẽ tốt đẹp!" thế nhưng chúng ta biết rằng, thời tiết trái lại có thể sẽ xấu vào ngày hôm sau... Niềm hy vọng Kitô giáo không như thế. Niềm hy vọng Kitô giáo là một niềm mong đợi một điều gì đó đã được hoàn thành; cửa ngõ ở đằng kia và tôi hy vọng đến cửa ngỏ này. Tôi cần phải làm gì? Tôi cần phải bước tới cái cửa ngõ đó! Tôi tin rằng tôi sẽ đến cửa ngõ ấy. Niềm hy vọng Kitô giáo giống như thế, ở chỗ tin rằng tôi đang tiến đến một cái gì đó là nó chứ không phải là cái tôi muốn nó phải là.
Đó là niềm hy vọng Kitô giáo. Niềm hy vọng Kitô giáo là niềm mong đợi một cái gì đó đã được hoàn thành và chắc chắn có thể hiện thực cho từng người chúng ta. Bởi thế, việc phục sinh của chúng ta, và việc phục sinh của người quá cố thân yêu của chúng ta, không phải là một điều gì đó có thể hay không thể xẩy ra, nhưng là một thực tại chắc chắn, vì nó bắt nguồn từ cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Thế nên, hy vọng nghĩa là học biết sống trong niềm trông đợi; học biết sống trong niềm trông đợi và tìm gặp sự sống. Khi một người đàn bà nhận thấy mình có thai thì học biết sống hằng ngày trong niềm trông đợi thấy được ánh mắt của đứa con sẽ chào đời. Bởi vậy chúng ta cũng cần phải sống và học biết từ những niềm trông đợi loài người này cũng như sống trong niềm trông đợi thấy Chúa, gặp Chúa. Đó không phải là điều dễ, mà là điều có thể học biết: sống trong niềm trông đợi. Hy vọng nhắm đến và bao hàm một tấm lòng khiêm hạ, một con tim nghèo khó. Chỉ có người nghèo mới biết đợi chờ. Kẻ nào đã tràn đầy bản thân mình cùng những sở hữu của mình thì không đặt niềm tin tưởng vào bất cứ cái gì khác ngoài chính bản thân mình.
Một lần nữa Thánh Phaolô đã viết: "Người (Chúa Giêsu) đã chết vì chúng ta để dù chúng ta tỉnh thức hay thiếp ngủ chúng ta được sống với Người" (1Thessalonica 5:10). Những lời này bao giờ cũng là một phấn khích cho niềm an ủi và bình an lớn lao. Bởi thế, chúng ta cũng được kêu gọi để cầu nguyện cho những người yêu dấu của chúng ta là những người đã lìa bỏ chúng ta, nhờ đó họ sẽ sống trong Chúa Kitô và trọn vẹn hiệp thông với chúng ta. Điều khiến tôi cảm động rất nhiều đó là lời diễn tả của Thánh Phaolô cũng ngỏ cùng giáo đoàn Thessalonica. Nó làm cho tôi tràn đầy niềm tin tưởng hy vọng. Ngài nói như thế này: "bởi vậy chúng ta sẽ luôn ở với Chúa" (1Thessalonica 4:17). Một điều tuyệt vời, ở chỗ, hết mọi sự qua đi nhưng sau cái chết chúng ta sẽ luôn luôn được ở với Chúa. Đó là tất cả niềm tin tưởng cậy trông. Đó cũng là điều trước đó rất xa đã làm cho Ông Gióp than lên rằng: "Vì tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi đang sống [...] Đấng tôi sẽ thấy ở bên tôi, và mắt của tôi sẽ chiêm ngưỡng Ngài" (19:25,27). Vậy chúng ta sẽ luôn được ở với Chúa. Anh chị em có tin điều ấy chăng? Tôi xin hỏi anh chị em rằng anh chị em có tin điều ấy chăng? Để lấy sức tôi mời anh chị em cùng với tôi nói lên điều này 3 lần: "Vậy chúng ta sẽ luôn ở với Chúa". Và chúng ta sẽ gặp Chúa ở đó.
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý
bằng mầu