GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ VIỆC CỬ HÀNH THÁNH THỂ
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 15-11-2017
Bài 2
"Thánh lễ là việc cầu nguyện, đúng hơn, là việc cầu nguyện tuyệt hảo nhất,
việc cầu nguyện cao cả nhất, việc cầu nguyện trọng vọng nhất, và đồng thời cũng là việc cầu nguyện 'cụ thể' nhất".
Xin chào anh chị em thân mến!
Chúng ta tiếp tục với loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Để hiểu được vẻ đẹp của việc Cử Hành Thánh Thể, tôi muốn bắt đầu ở một khiá cạnh rất đơn giản: Thánh lễ là việc cầu nguyện, đúng hơn, là việc cầu nguyện tuyệt hảo nhất, việc cầu nguyện cao cả nhất, việc cầu nguyện trọng vọng nhất, và đồng thời cũng là việc cầu nguyện "cụ thể" nhất. Thật vậy, đó là cuộc hội ngộ yêu thương với Thiên Chúa, nhờ Lời của Ngài và Mình Máu Chúa Giêsu. Đó là một cuộc hội ngộ với Chúa.
Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần phải trả lời một vấn nạn. Cầu nguyện thực sự là gì? Trên hết mọi sự nó là việc đối thoại, là mối liên hệ riêng tư với Thiên Chúa. Con người được dựng nên là một hữu thể có liên hệ riêng tư với Thiên Chúa, thành phần đạt được tầm vóc viên trọn của mình chỉ ở nơi cuộc hội ngộ với Đấng Hóa Công của mình ấy. Cuộc hành trình của đời sống là hướng về cuộc hội ngộ vĩnh viễn này với Chúa.
Sách Khởi Nguyên xác nhận là con người đã được dựng nên theo hình ảnh và tương tự Thiên Chúa, Đấng là Cha và Con và Thánh Thần, một liên hệ yêu thương tuyệt hảo, một liên hệ duy nhất. Từ đó chúng ta mới có thể hiểu rằng tất cả chúng ta đều được dựng nên để tiến vào mối liên hệ yêu thương tuyệt hảo, bằng việc tiếp tục trao ban và lãnh nhận bản thân mình để nhờ đó có thể đạt tới tầm vóc viên trọn của hữu thể chúng ta.
Khi Moisen lãnh nhận tiếng gọi của Thiên Chúa trước bụi gai bừng cháy thì chàng đã hỏi Ngài về danh của Ngài. Thiên Chúa đã trả lời ra sao? "Ta là Ta" (Xuất Hành 3:14). Theo nguyên nghĩa của mình thì lời bày tỏ này diễn đạt sự hiện diện và niềm ưu ái, bởi thế mà ngay sau đó Thiên Chúa đã phán thêm: "Chúa, Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp" (câu 15). Chúa Kitô cũng thế, khi Người gọi các môn đệ của Người, thì Người gọi các vị để các vị ở với Người. Thế nên, ân huệ cao cả nhất đó là có thể cảm nghiệm thấy rằng Thánh Lễ, Thánh Thể là giây phút đặc ân được ở với Chúa Giêsu, và nhờ Người, cũng được ở với Thiên Chúa và với anh em của mình.
Việc cầu nguyện, như hết mọi cuộc đối thoại thực sự khác, cũng có thể giữ thinh lặng, - những lúc thinh lặng xẩy ra nơi cả các cuộc đối thoại -, thinh lặng với Chúa Giêsu. Khi chúng ta đi lễ, có lẽ chúng ta đến sớm 5 phút để bắt đầu nói chuyện với người bên cạnh mình. Tuy nhiên, nó không phải là lúc nói chuyện, mà là lúc thinh lặng để dọn mình đối thoại. Nó là giây phút hồi tâm trong lòng để dọn mình hội ngộ với Chúa Giêsu. Thinh lặng là điều rất quan trọng! Hãy nhớ những gì tôi đã nói ở tuần vừa rồi: chúng ta không đi dự một màn trình diễn; chúng ta đi để hội ngộ với Chúa, và việc thinh lặng là để giúp chúng ta sẵn sàng và đi theo với chúng ta. Chúng ta giữ thinh lặng với Chúa Giêsu. Và từ cái thinh lặng huyền diệu này của Thiên Chúa vọt lên Lời của Ngài là lời âm vang trong lòng của chúng ta. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta cách thức làm thế nào để thực sự có thể "ở" với Cha, và Người chứng tỏ cách thức ấy bằng việc cầu nguyện của Người.
Các Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu lui vào những nơi xa vắng để cầu nguyện. Các môn đệ thấy như thế, thấy được mối liên hệ mật thiết của Người với Cha thì cảm thấy ước muốn có thể tham phần vào đó, nên các vị đã xin Người "Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện" (Luca 11:1). Chúng ta đã nghe điều này ở trong Bài Đọc 1 mở màn cho buổi triều kiến đây. Chúa Giêsu trả lời rằng điều đầu tiên cần thiết để cầu nguyện là việc có thể thân thưa: "Cha". Chúng ta hãy cẩn thận nhé, đó là nếu chúng ta không thể thân thưa "Cha" thì chúng ta không thể cầu nguyện được đâu. Chúng ta cần phải biết thân thưa "Cha", tức là đặt mình trước sự hiện diện của Ngài bằng tấm lòng tin tưởng cậy trông con cái của chúng ta. Tuy nhiên, để biết thân thưa như vậy, cần phải khiêm tốn nhìn nhận rằng chúng ta cần phải được chỉ dạy mà chân thành thưa rằng: Lạy Chúa, xin dạy cho con cầu nguyện.
Đó là điểm đầu tiên: khiêm nhượng, nhìn nhận mình là con cái, cậy dựa vào Cha, tin tưởng vào Ngài. Để vào được Nước Trời thì cần phải trở nên như trẻ nhỏ, ở chỗ trẻ em biết tin tưởng, chúng biết rằng có người chăm sóc chúng, về những cái chúng ăn, và những cái chúng mặc v.v. (xem Mathêu 6:25-32). Thái độ đầu tiên đó là tin tưởng và cậy trông, như một đứa con đối với cha mẹ của mình, trong việc nhận biết rằng Thiên Chúa nhớ đến anh chị em và chăm sóc cho anh chị em, cho anh chị em, cho tôi, cho tất cả mọi người.
Thái độ thứ hai, cũng thích hợp với trẻ em, đó là hãy để mình cảm thấy lạ lùng bỡ ngỡ. Một đứa bé bao giờ cũng hỏi hằng ngàn vấn nạn vì bé muốn khám phá thế giới này, và bé cảm thấy thắc mắc cả những gì nhỏ mọn, bởi bé thấy hết mọi sự toàn là những gì mới lạ. Để vào Nước Trời thì cần phải để mình cảm thấy bỡ ngỡ lạ lùng. Tôi xin hỏi nhé, trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa, trong việc cầu nguyện, chúng ta có để mình bị ngỡ ngàng hay chúng ta nghĩ rằng cầu nguyện là nói chuyện với Chúa như con vẹt vậy? Không phải thế, mà là tin tưởng và mở lòng mình ra để được bỡ ngỡ lạ lùng. Chúng ta có để mình bỡ ngỡ lạ lùng trước Thiên Chúa là Đấng bao giờ cũng là vị Thiên Chúa của những gì là lạ lùng bỡ ngỡ chăng? Vì cuộc hội ngộ với Chúa bao giờ cũng là một cuộc hội ngộ sống động, chứ không phải là một cuộc hội ngộ kiểu bảo tàng viện. Nó là một cuộc hội ngộ sống động và chúng ta đi Lễ chứ không phải đến một viện bảo tàng. Chúng ta đi đến với một cuộc hội ngộ sống động với Chúa.
Trong Phúc Âm có đề cập đến một nhân vật Nicođemo (Gioan 3:1-21), một vị lão thành, một vị thẩm quyền trong dân Israel, vị đến với Chúa Giêsu để làm quen với Người, và Chúa đã nói với ông về việc cần phải "được tái sinh" (câu 3). Thế nhưng điều ấy có nghĩa là gì? Làm sao người ta có thể "được tái sinh" chứ? Làm sao lại có được hương vị, niềm vui, diệu kỳ của sự sống ngay khi đối diện với quá nhiều thảm trạng chứ? Đó là vấn đề nền tảng của đức tin chúng ta và đó là ước muốn của hết mọi tín hữu đích thực: ước muốn được tái sinh, niềm vui được bắt đầu lại. Chúng ta có ước muốn này hay chăng? Mỗi người chúng ta bao giờ cũng có ước muốn được tái sinh để hội ngộ với Chúa chăng? Anh chị em có ước muốn này hay chăng? Thật vậy, nó có thể dễ bị mất đi, vì trước quá nhiều hoạt động, quá nhiều dự phóng cần thực hiện, cuối cùng chỉ còn lại chút xíu thời giờ, và chúng ta bị lạc mất những gì là nồng cốt, đó là sự sống trong lòng của chúng ta, sự sống thiêng liêng của chúng ta, sự sống của chúng ta là hội ngộ với Chúa trong cầu nguyện.
Thật vậy, Chúa làm cho chúng ta lạ lùng bỡ ngỡ bằng cách tỏ cho chúng ta thấy rằng Ngài yêu thương chúng ta cả ở nơi những yếu hèn của chúng ta nữa. "Chúa Giêsu Kitô [...] là tế vật đền tội lỗi của chúng ta, chẳng những của chúng ta mà còn tội lỗi của toàn thế giới nữa" (1Gioan 2:2). Tặng ân này, nguồn mạch của niềm an ủi chân thực - thế nhưng Chúa luôn tha thứ cho chúng ta - điều này an ủi chúng ta, nó là một niềm an ủi thực sự, nó là một tặng ân được ban cho chúng ta nơi Thánh Thể, một bữa tiệc phu thê để Chàng Rể đến gặp gỡ cái mỏng dòn của chúng ta. Tôi có thể nói rằng khi tôi lên Rước Lễ thì Chúa gặp gỡ cái hèn yếu của tôi hay chăng? Có! Chúng ta có thể nói thế vì đó là sự thật! Chúa đến gặp gỡ nỗi yếu hèn của chúng ta để đưa chúng ta về lại với ơn gọi đầu tiên của chúng ta, đó là ơn gọi là hình ảnh và tương tự Thiên Chúa. Đó là môi trường của Thánh Thể, là cầu nguyện.
https://zenit.org/articles/pope-francis-mass-is-prayer-par-excellence/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu