GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ VIỆC CỬ HÀNH THÁNH THỂ

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 13-12-2017

 

Bài 4

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Lễ, hôm nay chúng ta tự vấn xem: Tại sao lại đi lễ Chúa Nhật?

Việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật là tâm điểm của đời sống Giáo Hội (xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, khoản 2177). Kitô hữu chúng ta đi Lễ Chúa Nhật để gặp gỡ Vị Chúa Phục Sinh, hay nói đúng hơn, để chúng ta được gặp gỡ Người, lắng nghe lời của Người, ăn tại bàn của Người, nhờ đó trở thành Giáo Hội, tức là trở thành Nhiệm Thể sống động của Người trong thế giới ngày nay.

Theo sự hiểu biết ngay từ đầu nơi thành phần môn đệ của Chúa Giêsu, những vị đã cử hành cuộc gặp gỡ Thánh Thể này với Chúa vào ngày trong tuần được người Do Thái gọi là "ngày thứ nhất trong tuần" và được người Roma gọi là "ngày của mặt trời", vì vào ngày đó Chúa Giêsu đã sống lại từ trong kẻ chết và Người đã hiện ra với các môn đệ của Người, nói năng với các vị, ăn uống với các vị, ban cho các vị Thánh Linh (xem Mathêu 28:1; Marco 16:9.14; Luca 24:1.13; Gioan 20:1.19), như chúng ta đã được nghe thấy trong Bài Thánh Kinh. Việc tuôn đổ dồi dào Thánh Thần xuống cũng đã xẩy ra vào Chúa Nhật, ngày thứ 50 sau cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì những lý do ấy, Chúa Nhật là một ngày thánh đối với chúng ta, được thánh hóa bởi việc cử hành Thánh Thể, bởi sự hiện diện sống động của Chúa giữa chúng ta và vì chúng ta. Thế nên, chính Thánh Lễ biến Chúa Nhật thành Kitô giáo! Chúa Nhật Kitô giáo lấy Thánh Lễ làm trọng tâm. Đối với Kitô hữu thì đâu là loại Chúa Nhật họ bị hụt hẫng mất việc gặp gỡ Chúa?

Tiếc thay, có những cộng đồng Kitô hữu không thể được hưởng Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật; tuy nhiên, vào ngày này, họ cũng được kêu gọi để nhân danh Chúa lắng đọng nguyện cầu, lắng nghe Lời Chúa và giữ lòng thiết tha khát khao Thánh Thể.

Một số xã hội tục hóa đã bị mất đi cái cảm quan Chúa Nhật của Kitô giáo được Thánh Thể soi chiếu. Đó là những gì tội lỗi! Ở những môi trường ấy, cần phải làm sống lại nhận thức này, cần phải tái nhận thức ý nghĩa của việc cử hành này, ý thức về niềm vui của cộng đồng giáo xứ, của tình đoàn kết, của việc nghỉ ngơi để phục hồi cả hồn lẫn xác (xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, các khoản 2177-2188). Thánh Thể là thày dạy của tất cả mọi thứ giá trị, từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật kia. Bởi thế, Công Đồng Chung Vaticanô II đã muốn khẳng định rằng: "Chúa Nhật là ngày cử hành chính yếu, cần phải được khơi động và khắc sâu vào lòng đạo đức của tín hữu, nhờ đó nó cũng trở thành một ngày của niềm vui và một ngày của nghỉ việc" (Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, 106).

Vấn đề nghỉ việc vào Chúa Nhật không có ở các thế kỷ ban đầu; nó là một đóng góp đặc biệt của Kitô giáo. Theo truyền thống thánh kinh thì người Do Thái nghĩ việc vào Thứ Bảy, trong khi đó ở xã hội Roma không thấy có một ngày nghỉ ngơi không làm các việc phục vụ của thành phần nô lệ. Đó là cảm quan của Kitô giáo về việc sống như con cái chứ không phải như nô lệ, một cảm quan đã được tác động bởi Thánh Thể, một cảm quan biến Chúa Nhật - hầu như có tính cách đại đồng - thành ngày nghỉ ngơi.  

Không có Chúa Kitô, chúng ta là thành phần nạn nhân bị thống trị bởi cái mệt mỏi của hết mọi ngày sống, bao gồm các thứ bận tâm cùng với nỗi lo sợ về ngày mai. Việc gặp gỡ Chúa vào Chúa Nhật cống hiến cho chúng ta sức mạnh để sống ngày hôm nay bằng lòng tin tưởng và can đảm, để tiếp tục bằng niềm hy vọng. Đó là lý do tại sao Kitô hữu chúng ta đến gặp Chúa vào Chúa Nhật nơi việc cử hành Thánh Thể.

Việc hiệp lễ với Chúa Giêsu, Đấng đã Sống Lại và hằng Sống Động, là những gì ngưỡng vọng về một Chúa Nhật không có bóng chiều tà, một ngày không còn mệt mỏi, hay đớn đau, hoặc khóc thương, hay nước mắt, mà chỉ còn niềm vui của một cuộc sống viên mãn và mãi mãi với Chúa. Thánh Lễ Chúa Nhật cũng nói về việc nghĩ ngơi phúc hạnh này, khi dạy chúng ta, theo thời gian của tuần lễ, hãy phó mình vào bàn tay của Cha trên trời.

Chúng ta trả lời ra sao với ai nói rằng chẳng cần đi Lễ, cho dù là Chúa Nhật, vì vấn đề quan trọng là sống làm sao cho đàng hoàng, biết yêu thương tha nhân? Thật sự là phẩm chất của đời sống Kitô hữu được đo lường bằng khả năng yêu thương, như Chúa Giêsu đã phán: "Tất cả mọi người cứ dấu này mà nhận biết rằng các con là môn đệ của Thày: đó là nếu các con yêu thương nhau" (Gioan 13:35); thế nhưng làm sao chúng ta có thể thực hành Phúc Âm nếu không có được nghị lực cần thiết để làm như vậy, một nghị lực mà từ Chúa Nhật này đến Chúa Nhật kia, xuất phát từ mạch nguồn Thánh Thể bất tận chứ? Chúng ta không đi Lễ để dâng lên Thiên Chúa một điều gì đó, mà là để lãnh nhận từ Ngài những gì chúng ta thực sự cần. Kinh nguyện của Giáo Hội đã nhắc nhở chúng ta về điều ấy, khi dâng lời nguyện lên Thiên Chúa rằng: "Chúa không cần chúng con chúc tụng ngợi khen, mà kêu gọi chúng con dâng lời cảm tạ Chúa vì tặng ân của tình Chúa yêu thương; những bài ca chúc tụng ngợi khen của chúng con không tăng thêm sự uy nghi cao cả của Chúa, nhưng mang lại cho chúng con ân sủng cứu độ chúng con" (Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Thường Niên IV).

Tóm lại, tại sao đi Lễ Chúa Nhật? Câu trả lời vẫn chưa đủ khi nói rằng vì đó là qui định của Giáo Hội; qui định này giúp chúng ta giữ được giá trị của ngày ấy thế nhưng vẫn chưa đủ về phía chúng ta. Kitô hữu chúng ta cần tham dự vào Lễ Chúa Nhật bởi vì chỉ có ơn của Chúa Giêsu, chỉ có sự hiện diện sống động của Người nơi chúng ta và giữa chúng ta, chúng ta mới có thể mang ra thực hành giới răn của Người, và nhờ đó mới trở thành những chứng nhân khả tín của Người.

https://zenit.org/articles/popes-general-audience-on-why-to-go-to-sunday-mass/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu