GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II MÙA CHAY 12/3/2017

 

 

"Mạc khải về Thiên Chúa quả thực đã bị đảo lộn, và cái dấu hiệu phản nghịch nhất của cuộc đảo lộn khổ nhục này là cây thập tự giá. Thế nhưng, chính nhờ cây thập tự giá này mà Chúa Giêsu đạt đến Cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người, một cuộc phục sinh vĩnh viễn chứ không như cuộc Biến Hình chỉ kéo dài trong chốc lát, một cách tức thời".

 

 

 

"Việc Chúa Giêsu biến hình trên Núi Tabor là những gì Người đã muốn tỏ cho các môn đệ của Người thấy vinh quang của Người, không phải để ngăn chặn các vị khỏi bước ngang qua thập giá, mà là để xác định nơi thập giá dẫn đến".

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

 

Phúc Âm của Chúa Nhật 2 Mùa Chay trình thuật cho chúng ta về cuộc Biến Hình của Chúa Giêsu (xem Mathêu 17:1-9). Mang 3 trong các Tông Đồ là Phêrô, Giacôbê và Gioan theo, Người đã dẫn các vị lên một núi cao, nơi đã diễn ra hiện tượng đặc biệt này, đó là dung nhan của Chúa Giêsu "sáng tỏ như mặt trời, và áo của Người trở nên trắng như ánh sáng" (câu 2). Vậy Chúa đã làm cho vinh hiển thần linh chiếu tỏ nơi bản thân của Người, Đấng được chấp nhận nhờ đức tin qua việc giảng dạy của Người cũng như qua các cử chỉ lạ lùng của Người. Thế rồi còn xuất hiện cả Moisen và Elia "nói chuyện với Người" (câu 3) trong cuộc Biến Hình trên núi này nữa.

 

"Việc chiếu tỏa" làm nên biến cố phi thường này đã được tiêu biểu cho mục đích chiếu sáng tâm trí của thành phần môn đệ, nhờ đó các vị rõ ràng hiểu được Thày của các vị là ai. Nó là một chớp sáng đã đột ngột lóe lên trên mầu nhiệm của Chúa Giêsu và tỏa chiếu trên tất cả bản thân của Người cũng như tất cả câu chuyện về Người.

Thật vậy, cương quyết lên Giêrusalem, nơi Người sẽ bị lên án tử giá, Chúa Giêsu muốn sửa soạn cho thành phần của Người về cái khổ nhục này - cái khổ nhục Thập Giá -, vì cái khổ nhục này quá ư là mãnh liệt đối với đức tin của các vị, đồng thời cũng loan báo trước cuộc Phục Sinh của Người, khi tỏ mình ra là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu dọn mình các vị cho giây phút buồn thảm quá đau thương ấy. Thật vậy, Chúa Giêsu đã tỏ mình là một Đấng Thiên Sai khác với những gì được trông đợi, một Đấng Thiên Sai như thế nào, đối với những gì các vị tưởng nghĩ về Đấng Thiên Sai: không phải là một vị vua quyền uy và vinh quang, mà là một Tôi Tớ thấp hèn và mềm yếu; không phải là một chúa tể đầy giầu sang phú quí, một dấu hiệu ân phúc, mà là một con người nghèo nàn không có chỗ dựa đầu; không phải là một vị Tổ Phụ có đông con lắm cháu, mà là một con người độc thân vô gia cư chẳng tổ ấm. Mạc khải về Thiên Chúa quả thực đã bị đảo lộn, và cái dấu hiệu phản nghịch nhất của cuộc đảo lộn khổ nhục này là cây thập tự giá. Thế nhưng, chính nhờ cây thập tự giá này mà Chúa Giêsu đạt đến Cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người, một cuộc phục sinh vĩnh viễn chứ không như cuộc Biến Hình chỉ kéo dài trong chốc lát, một cách tức thời.

Việc Chúa Giêsu biến hình trên Núi Tabor là những gì Người đã muốn tỏ cho các môn đệ của Người thấy vinh quang của Người, không phải để ngăn chặn các vị khỏi bước ngang qua thập giá, mà là để xác định nơi thập giá dẫn đến. Ai chết với Chúa Kitô thì sẽ sống lại với Chúa Kitô. Và thập tự giá là cửa ngỏ của Phục Sinh. Ai chiến đấu với Người thì sẽ cùng Người vinh thắng. Đó là sứ điệp hy vọng được chất chứa nơi Thánh Giá Chúa Kitô, sứ điệp Người muốn nhắn nhủ để kiên cường cuộc sống của chúng ta. Thánh Giá Kitô giáo không phải là một thứ đồ đạc trong nhà hay là một trang sức để đeo,  thánh giá Kitô giáo ấy trái lại là những gì nại đến chính tình yêu đã khiến Chúa Giêsu hy hiến Bản Thân để cứu độ nhân loại khỏi sự dữ và khỏi tội lỗi. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy sốt sắng chiêm ngưỡng hình ảnh tượng chịu nạn, hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá: đó là tiêu biểu của đức tin Kitô giáo; đó là cờ hiệu của Chúa Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Vậy chúng ta hãy coi Thánh Giá như là một dấu mốc cho các giai đoạn hành trình Mùa Chay của chúng ta, để nhờ đó chúng ta càng hiểu được cái tính chất trầm trọng nặng nề của tội lỗi, cũng như hiểu được cái giá trị của hy sinh mà Đấng Cứu Chuộc đã thực hiện để cứu độ tất cả chúng ta.

Đức Thánh Trinh Nữ đã có thể chiêm ngưỡng vinh hiển của Chúa Giêsu ẩn kín ở nơi nhân tính của Người. Xin Mẹ giúp chúng ta ở với Người trong thinh lặng nguyện cầu, và biết để mình được soi sáng bởi sự hiện diện của Người, biết ấp ủ trong lòng mình, qua màn đêm tối tăm nhất, vinh hiển phản chiếu của Người.

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-jesus-transfiguration-on-mount-tabor/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu                                                                        

 

 

TUẦN TĨNH TÂM MÙA CHAY CỦA ĐTC PHANXICÔ VÀ GIÁO TRIỀU RÔMA

 

 

 

 

 

Tuần 1 Mùa Chay: Từ Chúa Nhật đến Thứ Sáu 5-10/3/2017 tại The House of the Divine Teacher ở Ariccia.

Trước đây tuần phòng ở Vatican, nhưng ĐTC Phanxicô đã chuyển ra ngoài thành Roma - ở Nhà Tĩnh Tâm Ariccia

Mỗi ngày có 2 bài hướng dẫn của vị giảng phòng, ban sáng vào lúc 9:30 và ban chiều vào lúc 4:00

Đức Thánh Cha cùng tham dự viên tĩnh tâm hằng ngày nguyện kinh phụng vụ sáng tối và chầu Thánh Thể chung với nhau

Vị hướng dẫn tuần tĩnh tâm là Cha Giulio Michelini, O.F.M., về đề tài:

“Cuộc Khổ Nạn, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu theo Thánh Mathêu”

Trong lời cám ơn ngỏ cùng vị giảng phòng Mùa Chay 2017 này,

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến một câu chuyện làm cho mọi người hiện diện phì cười (bao gồm cả người dịch này) như sau:

"... Thực vậy: có cả một đống điều để suy nghĩ, thế nhưng Thánh I-Nhã nói rằng trong các Khóa Linh Thao khi người ta thấy được một điều gì đó an ủi hay phiền muộn thì họ cần phải dừng lại ngay ở đó chứ đừng tiến tới nữa. Chắc chắn là mỗi người trong chúng ta đều đã thấy được một hay hai điều gì đó trong tất cả những điều ấy. Nhưng những gì còn lại không bị hoang phí đâu; nó vẫn còn đó, nó sẽ bổ ích vào những lúc khác. Có lẽ những gì quan hệ nhất, mãnh liệt nhất, là chẳng nói gì cho ai đó nghe, và có lẽ chỉ một lời, một lời nho nhỏ thôi có thể còn nói một điều gì đó hơn thế nữa... Có một giai thoại về một vị đại giảng thuyết người Tây Ban Nha, vị mà sau bài giảng tuyệt vời được soạn dọn kỹ lưỡng, đã được một người, một tội nhân ai cũng biết đến gặp ngài - khóc lóc xin xưng tội; anh ta đã xưng thú cả một thác nước tội lỗi và nước mắt, tội lỗi và nước mắt. Vị giải tội, cảm thấy bàng hoàng - vì ngài đã biết đời sống của con người này - mới lên tiếng hỏi anh ta rằng: 'Thế nhưng hãy nói cho cha biết con đã cảm thấy rằng Thiên Chúa chạm đến cõi lòng của con vào lúc nào vậy? Bằng lời lẽ nào thế?...' - 'Khi mà cha nói rằng: nào chúng ta hãy chuyển sang một lập luận khác'. Đôi khi những lời lẽ đơn sơ bình dị nhất là những lời lẽ hữu ích cho chúng ta hay là những lời lẽ phức tạp hơn: Chúa là Đấng cống hiến lời lẽ hợp với từng người...".