GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017
ĐTC PHANXICÔ: HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG 10-12-2017
"Chúa Nhật thứ hai của thời điểm dọn mừng Lễ Giáng Sinh hôm nay, Phụng Vụ vạch ra những nội dung thích hợp đó là thời điểm nhận ra những cái trống rỗng để lấp đầy chúng đi trong đời sống của chúng ta, để san bằng những cái gập ghềnh của lòng kiêu hãnh mà dọn đường cho Chúa Giêsu đang đến"
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Chúa Nhật vừa rồi chúng ta đã bắt đầu bằng việc mời gọi tỉnh thức, Chúa Nhật thứ hai của thời điểm dọn mừng Lễ Giáng Sinh hôm nay, Phụng Vụ vạch ra những nội dung thích hợp đó là thời điểm nhận ra những cái trống rỗng để lấp đầy chúng đi trong đời sống của chúng ta, để san bằng những cái gập ghềnh của lòng kiêu hãnh mà dọn đường cho Chúa Giêsu đang đến.
Tiên tri Isaia ngỏ cùng dân chúng khi loan báo việc chấm dứt cuộc lưu đầy và trở về Giêrusalem. Ông tiên báo rằng: "Có một tiếng kêu vang lên rằng: 'Hãy dọn đường của Chúa trong hoang địa [...] Hãy san bằng các thung lũng'" (40:3). Các thứ thung lũng cần phải được san bằng tiêu biểu cho tất cả những gì là trống rỗng nơi tác hành của chúng ta trước Thiên Chúa, tất cả mọi tội lỗi bỏ qua không làm của chúng ta. Một thứ trống rỗng trong đời sống của chúng ta có thể là sự kiện chúng ta không cầu nguyện hay cầu nguyện chút xíu thôi. Bởi thế, Mùa Vọng là thời điểm thuận lợi để thiết tha cầu nguyện hơn nữa, để giành cho đời sống thiêng liêng một chỗ đứng xứng đáng. Một thứ trống rỗng khác có thể là việc chúng ta thiếu bác ái đối với tha nhân của chúng ta, nhất là với những ai cần giúp đáp nhất, chẳng những về vật chất mà còn về tinh thần nữa. Chúng ta được kêu gọi ý thức hơn nữa về các nhu cầu của người khác, được kêu gọi gần gũi với họ hơn. Bởi thế cho nên, như Gioan Tẩy Giả, chúng ta có thể mở ra những con đường hy vọng ở trong sa mạc nơi những cõi lòng cằn cỗi của rất nhiều con người ta.
Tiên tri Isaia tiếp tục huấn dụ rằng "hết mọi núi đồi cần phải bạt xuống" (câu 4). Các thứ núi đồi cần phải bạt xuống là lòng kiêu hãnh, là tính kiêu căng và thái độ ngạo mạn. Ở đâu kiêu hãnh, kiêu căng, ngạo mạn ở đó Chúa không thể nào tới được vì tấm lòng đó đầy những kiêu hãnh, kiêu căng, ngạo mạn. Bởi thế chúng ta cần phải bạt xuống cái kiêu hãnh này. Chúng ta cần phải mặc lấy những thái độ hiền lành và khiêm nhượng, không trách móc, biết lắng nghe, nói năng cách dịu dàng, nhờ đó dọn đường cho Đấng Cứu Thế của chúng ta đến, Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (xem Mathêu 11:29). Thế rồi chúng ta được mời gọi để loại trừ đi tất cả những gì là ngãng trở chúng ta gây ra cho mối hiệp nhất của chúng ta với Chúa, đó là "đất đai gồ ghề cần phải trở nên bằng phẳng và những chỗ lồi lõm cần phải được thẳng ngay. Bấy giờ vinh quang Chúa mới được tỏ hiện - tiên tri Isaia nói - và tất cả mọi xác phàm mới được cùng nhau thấy vinh quang ấy" (40:4-5). Tuy nhiên, các hành động này cần phải được thực hiện một cách vui tươi, vì chúng thúc đẩy việc sửa soạn cho Chúa Giêsu tới. Khi chúng ta mong đợi một người thân yêu thăm viếng nhà mình thì chúng ta sửa soạn mọi sự một cách cẩn thận và hân hoan. Chúng ta cũng muốn dọn mình như vậy để đón Chúa tới: để chăm chú chờ đợi Người hằng ngày, để được tràn đầy ân sủng của Người khi Người đến.
Đấng Cứu Thế mà chúng ta đang đợi chờ có thể biến đổi đời sống của chúng ta bằng quyền lực của Thánh Linh, bằng quyền năng của yêu thương. Thật vậy, Thánh Thần làm cho tâm can của chúng ta thấm nhiễm tình yêu của Thiên Chúa, một nguồn mạch vô tận của việc thanh tẩy, của sự sống mới và của tự do. Đức Trinh Nữ Maria đã sống trọn vẹn thực tại này, để cho mình được "thanh tẩy" bởi Thánh Linh là Đấng làm cho Mẹ được ngập tràn quyền năng của Ngài. Xin Mẹ, vị đã sửa soạn cho Chúa Kitô đến bằng tất cả cuộc đời của Mẹ, giúp chúng ta biết noi theo gương của Mẹ và hướng dẫn bước chân của chúng ta đến chỗ gặp gỡ Chúa là Đấng đang đến.
https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-theme-of-the-second-sunday-of-advent/
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý
bằng mầu
Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giải Nobel Hòa Bình sẽ được trao tặng cho Cuộc Vận Động Quốc Tế Loại Trừ Các Thứ Vũ Khí Hạt Nhân. Việc công nhận này xẩy ra trùng hợp với Ngày Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền, và điều này nhấn mạnh đến mối liên hệ mãnh liệt giữa nhân quyền và việc giải giới nguyên tử. Thật thế, để dấn thân bảo về phẩm vị của tất cả mọi người, đặc biệt là thành phần yếu kém nhất và bất hạnh nhất, cũng có nghĩa là cương quyết hoạt động để xây dựng một thế giới phi các thứ vũ khí nguyên tử. Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng đệ hợp tác trong việc xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta: chúng ta có tự do, có trí thông minh và có khả năng điều hành kỹ thuật, để giới hạn quyền năng của chúng ta vào việc phục vụ hòa bình và tiến bộ (xem Thông Điệp Laudato Si' 78, 112, 202).
"Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Hành Tinh Của Chúng Ta" sẽ được tổ chức ở Paris vào ngày kia. Hai năm sau Bản Hiệp Định về khí hậu được chuẩn nhận, với mục đích để lập lại việc dấn thân áp dụng bản hiệp định này và để củng cố một chính sách hợp tác trong việc đương đầu với hiện tượng quan ngại về vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi tha thiết hy vọng rằng Thượng Nghị này, cũng như các thứ sáng kiến khác cùng chiều hướng như vậy, sẽ nuôi dưỡng một ý thức rõ ràng về việc cần phải chấp nhận các quyết định thực sự hiệu lực trong vấn đề đương đầu với việc biến đổi khí hậu, và đồng thời, trong cả vấn đề chống lại nghèo khổ cũng như cổ động việc phát triển toàn diện con người.
Cụ bà Setsuko Thurlow, người sống sót sau quả bom nguyên tử Hiroshima, đại diện tổ chức ICAN nhận giải Nobel Hòa Bình 2017, Oslo, ngày 10/12/2017.
Về vấn đề nguyên tử đang gia tăng đến độ đe dọa mới đây và hiện nay, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong chuyến bay từ Banladesh về lại Roma hôm Thứ Bảy mùng 2/12/2017, ngài đã trả lời một trong những câu hỏi liên quan đến hiện tượng nguyên tử như sau:
Vấn: Đức Gioan Phaolô II vào năm 1982 đã nói rằng việc ngăn cản nguyên tử là những gì 'đáng chấp nhận về luân lý'. Đức Thánh Cha mới đây nói rằng cấn phải lên án việc sở hữu các thứ vũ khí nguyên tử. Tại sao lại có sự thay đổi này? Phải chăng là do ảnh hưởng bởi tình trạng căng thằng và đe dọa giữa Tổng thống Trump và Kim Yoing Un?
Đáp: Những gì đã thay đổi đây? Đó là cái phi lý. Tôi nghĩ đến Thông Điệp Laudato Si', đến việc bảo quản thiên nhiên tạo vật. Nhiều năm đã qua đi từ thời của Đức Gioan Phaolô II, và quyền năng của nguyên tử lực đã vượt xa thế nữa. Hôm nay đây chúng ta đang ở ngay cái giới hạn này. Điều này có thể được bàn thảo, thế nhưng theo ý nghĩ xác tín của tôi thì chúng ta đang ở ngay cái giới hạn được phép của việc sở hữu và sử dụng các thứ vũ khí nguyên tử. Bởi vì, ngày nay, với một kho nguyên tử tinh vi như thế thì chúng ta đang có nguy cơ hủy diệt nhân loại, hay ít là một phần lớn nhân loại. Cái đã thay đổi đó là việc gia tăng các thứ võ trang, các thứ khí giới tinh vi nhất, có khả năng hủy diệt dân chúng mà không cần chạm tới những thứ chế tạo ấy. Chúng ta đang ở ngay giới hạn ấy, và tôi tự hỏi mình vấn nạn này. Nó không phải là huấn quyền của giáo hoàng, mà là một câu hỏi được vị Giáo Hoàng tự đặt ra cho mình, đó là có được phép giữ những kho nguyên tử này như chúng hiện có hôm nay hay chăng? Hay không cần phải từ bỏ để cứu lấy thiên nhiên tạo vật và nhân loại? Chúng ta hãy nghĩ đến Hiroshima và Nagasaki là những nơi đã xẩy ra 70 năm trước. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì xẩy ra khi nguyên tử lực bùng nổ. Hãy nghĩ đến tai nạn đã xẩy ra ở Ukraine. Đó là lý do, về các thứ vũ khí giúp chiến thắng bằng hủy hoại này tôi xin nói rằng: chúng ta đang ở ngay giới hạn của những gì được phép rồi vậy.