GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

HUẤN TỪ LẠY NỮ VƯƠNG LỄ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH 23/4/2017

 

 

Angelus 30 August 2015

 

"Lòng thương xót mở cửa trí tuệ để hiểu hơn nữa về mầu nhiệm Thiên Chúa cũng như về việc hiện hữu riêng của chúng ta. Lòng thương xót làm cho chúng ta hiểu rằng bạo lực, hiềm thù, trả hận là những gì vô nghĩa, và nạn nhân đầu tiên là những ai sống những cảm thức ấy, vì họ tự đánh mất đi phẩm giá của họ".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Mỗi Chúa Nhật chúng ta đều tưởng nhớ cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu, thế nhưng trong mùa này, sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật đây có một ý nghĩa thậm chí ngời sáng hơn nữa. Theo truyền thống của Giáo Hội thì Chúa Nhật này là Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh, được gọi là "in albis". Có nghĩa là gì? Thành ngữ này có ý nhắc lại nghi thức được thi hành bởi tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa trong Đêm Vọng Phục Sinh. Mỗi người trong họ được trao cho một tấm áo trắng - "alba" - "trắng" - ám chỉ phẩm vị mới của họ là con cái của Thiên Chúa. Điều này cũng được thực hiện cả ngày nay nữa: những bé mới sinh được trao cho một y phục tiêu biểu nhỏ, trong khi người lớn mặc lấy một bộ áo trắng thực sự và thích hợp, như chúng ta thấy trong Đêm Vọng Phục Sinh. Trong quá khứ, tấm áo trắng được mặc cả tuần lễ cho đến Chúa Nhật này, và vì thế mới được gọi là in albis deponendis, tức là Chúa Nhật cởi tấm áo trắng ra. Như thế, tấm áo trắng được cởi ra, thành phần tân tòng bắt đầu đời sống mới của họ trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội.

Còn một điều khác nữa. Trong Năm Thánh 2000, Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập Chúa Nhật đây thành Chúa Nhật giành cho Lòng Thương Xót Chúa. Thật là một trực giác tuyệt vời: chính Thánh Linh đã tác động ngài về điều này. Một ít tháng trước đây chúng ta đã kết thúc Năm Thánh Ngoại Lệ về Lòng Thương Xót, và Chúa Nhật này mời gọi chúng ta hãy mạnh mẻ tiếp tục ân sủng xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay là bài trình thuật về việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ đang qui tụ ở Nhà Tiệc Ly (xem Gioan 20:19-31). Thánh Gioan viết rằng, sau khi chào các môn đệ của mình, Chúa Giêsu đã nói cùng họ rằng: "Như Cha đã sai Thày thế nào thì Thày cũng sai các con như vậy". Khi nói như vậy thì Người làm một cử chỉ là thở hơi trên các vị mà nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội lỗi của họ được tha" (các câu 21-23). Đấy, ý nghĩa của lòng thương xót được hiện diện thực sự vào ngày Chúa Giêsu Phục Sinh như ơn tha thứ tội lỗi. Chúa Giêsu Phục Sinh đã truyền đạt cho Giáo Hội của Người, như công việc đầu tiên của Giáo Hội, sứ vụ như của Người trong việc mang đến cho tất cả mọi người việc loan báo cụ thể ơn tha thứ. Đó là công việc đầu tiên: việc loan báo ơn tha thứ. Dấu hiệu hữu hình này của lòng thương xót Người mang theo nó niềm an bình cho tâm can cùng niềm vui của một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Chúa.

Trong ánh sáng của Lễ Phục Sinh thì lòng thương xót được nhận thấy như là một hình thức thực sự của sự nhận biết. Đây là điều quan trọng: lòng thương xót là một hình thức thực sự của sự nhận biết. Chúng ta biết rằng người ta biết bằng nhiều cách thức. Người ta biết nhờ các giác quan, người ta biết nhờ trực giác, nhờ trí khôn và cả những cách thức khác nữa. Bởi thế người ta cũng có thể biết bằng cảm nghiệm lòng thương xót, vì lòng thương xót mở cửa trí tuệ để hiểu hơn nữa về mầu nhiệm Thiên Chúa cũng như về việc hiện hữu riêng của chúng ta. Lòng thương xót làm cho chúng ta hiểu rằng bạo lực, hiềm thù, trả hận là những gì vô nghĩa, và nạn nhân đầu tiên là những ai sống những cảm thức ấy, vì họ tự đánh mất đi phẩm giá của họ. Lòng thương xót cũng mở cửa cõi lòng và giúp chúng ta có thể bày tỏ sự gần gũi đặc biệt với tất cả những ai lẻ loi cô độc và sống bên lề xã hội, vì nó làm cho họ cảm thấy những người anh em và con cái của cùng một Cha. Nó nuôi dưỡng việc nhận thấy tất cả những ai đang cần được an ủi, và làm cho chúng ta có được những lời nói thích đáng để an ủi họ.

Anh chị em thân mến, lòng thương xót sưởi ấm con tim và làm cho nó nhậy cảm với các nhu cầu của anh em bằng việc chia sẻ và dự phần. Tóm lại, lòng thương xót làm cho tất cả mọi người dấn thân làm dụng cụ của công lý, hòa giải và bình an. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng lòng thương xót là viên giữ chìa khóa trong đời sống đức tin, và là đường lối cụ thể nhờ đó chúng ta cống hiến tính chất hữu hình cho việc phục sinh của Chúa Giêsu.

Xin Mẹ Maria là Mẹ của Lòng Thương Xót giúp chúng ta tin tưởng và hân hoan sống tất cả những điều ấy.

https://zenit.org/articles/regina-coeli-address-divine-mercy-sunday/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu