GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN 19/2/2017

 

 

"Chúa Giêsu không xin môn đệ của Người chịu đựng sự dữ mà là xin họ phản ứng không phải bằng một sự dữ khác mà bằng sự thiện... sự dữ là 'một thứ trống khuyết' (a void), một thứ trống khuyết sự thiện, và vì thế nó không thể nào được điền khuyết bằng một thứ trống khuyết khác mà chỉ bằng 'sự viên trọn' (fullness), tức là bằng sự thiện"

"Những gì Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là một thứ phân biệt rõ ràng giữa công lýviệc trả thù - phân biệt giữa công lý và việc trả thù. Trả thù không bao giờ là công lý; chúng ta được phép đòi công lý; chúng ta có phận sự phải thực thi công lý. Trái lại, chúng ta không được tự bào chữa và âm mưu trả thù một cách nào đó, bằng cách tỏ lòng hận thù và việc bạo động".

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần này (Mathêu 4:38-48) - một trong những đoạn diễn tả "cuộc cách mạng" Kitô giáo tuyệt nhất - Chúa Giêsu cho thấy cách thức công chính đích thực ở nơi lề luật yêu thương, một lề luật thắng vượt lề luật trả đũa, tức là lề luật "mắt đền mắt răng đền răng". Qui luật cũ này đã áp đặt lên những kẻ vi phạm các thứ hình phạt tương xứng với những tác hại họ gây ra: cái chết giành cho kẻ giết người, cắt xẻo cơ thể cho kẻ nào gây thương tích cho người khác v.v. Chúa Giêsu không xin môn đệ của Người chịu đựng sự dữ mà là xin họ phản ứng không phải bằng một sự dữ khác mà bằng sự thiện. Chỉ có thế mới bẻ gẫy cái xích sự dữ: một sự dữ gây ra sự dữ khác, sự dữ này gây ra sự dữ nọ... Cái xích sự dữ này bị bẽ gẫy thì các sự việc mới được đổi thay. Thực vậy, sự dữ là "một thứ trống khuyết" (a void), một thứ trống khuyết sự thiện, và vì thế nó không thể nào được điền khuyết bằng một thứ trống khuyết khác mà chỉ bằng "sự viên trọn" (fullness), tức là bằng sự thiện. Các cuộc trả thù không bao giờ giải quyết được những thứ xung đột. "Mày làm điều ấy cho tao thì tao cũng làm như thế cho mày": điều này không bao giờ giải quyết được xung khắc, nó không có tính cách Kitô giáo.

Đối với Chúa Giêsu thì việc loại bỏ bạo lực cũng bao gồm cả việc từ bỏ quyền lợi hợp pháp nữa; và Người cho thấy một số thí dụ, chẳng hạn chìa cả má bên kia, cho cả áo khoác của mình hay tiền bạc của mình, chấp nhận các thứ hy sinh khác (xem các câu 39-42). Tuy nhiên, việc từ bỏ này không có nghĩa là coi thường hay mâu thuẫn với các đòi hỏi của công lý; trái lại, tình yêu thương của Kitô giáo, một tình yêu thể hiện một cách đặc biệt nơi lòng thương xót, cho thấy một thể hiện cao cả hơn về công lý. Những gì Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là một thứ phân biệt rõ ràng giữa công lýviệc trả thù - phân biệt giữa công lý và việc trả thù. Trả thù không bao giờ là công lý; chúng ta được phép đòi công lý; chúng ta có phận sự phải thực thi công lý. Trái lại, chúng ta không được tự bào chữa và âm mưu trả thù một cách nào đó, bằng cách tỏ lòng hận thù và việc bạo động.

Chúa Giêsu không muốn đề ra một qui luật dân sự mới, hơn là nêu lên một giới răn yêu thương tha nhân của chúng ta, bao gồm cả kẻ thù của chúng ta: "Các con hãy yêu thương kẻ thù của các con và cầu nguyện cho những ai bách hại các con" (câu 44). Điều này không dễ. Không được hiểu câu này như là một thứ chấp nhận sự dữ gây ra bởi kẻ thù, mà như là một lời mời gọi đến một quan niệm cao cả hơn, cao thượng hơn, giống như quan điểm của Cha trên trời là Đấng - như Chúa Giêsu nói - "làm cho mặt trời chiếu soi trên cả kẻ dữ lẫn người lành, và làm mưa xuống cho cả người lành lẫn kẻ bất lương" (câu 45). Thật vậy, kẻ thù cũng là một con người, cũng được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nữa, cho dù hình ảnh này bấy giờ bị méo mó đi bởi tác hành bất xứng.

Khi chúng ta nói về thành phần "kẻ thù" chúng ta có lẽ không nên nghĩ đến những con người khác với chúng ta và xa biệt chúng ta; chúng ta cũng nói về chính bản thân mình nữa, kẻ có thể nhập cuộc xung khắc với tha nhân của chúng ta, đôi khi với thân nhân của chúng ta. Biết bao nhiêu là thù hắn xẩy ra trong các gia đình! Thành phần thù địch là những kẻ nói xấu chúng ta, những ai vu khống chúng ta và phạm đến chúng ta. Không dễ để mà bỏ qua điều ấy. Chúng ta được kêu gọi để đáp ứng tất cả những điều ấy bằng sự thiện, theo cách thức của nó, được tình yêu tác động.

Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta theo Chúa Giêsu nơi đường lối gay go này, một đường lối thật sự thăng hóa phẩm giá con người và làm cho chúng ta sống như con cái của Chúa chúng ta trên Trời. Xin Mẹ giúp chúng ta thực hành nhẫn nại, đối thoại, tha thứ, nhờ đó trở thành những thủ công viên của mối hiệp thông, những thủ công viên của tình huynh đệ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nhất là trong gia đình của chúng ta.

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-loving-our-enemies/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu     

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay

 

 

Bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu Năm A hôm nay tiếp ngay sau Bài Phúc Âm của cùng vị thánh ký Chúa Nhật VI tuần trước về Bài Giảng Trên Núi nói chung của Chúa Giêsu giảng dạy cho riêng các vị tông đồ và về cách thức so sánh giữa luật cũ với giáo huấn mới của Người nói riêng. Sở dĩ Người tiếp tục sử dụng đường lối so sánh này là vì, cũng trong bài Phúc Âm tuần trước, ở ngay đầu bài, Người đã khẳng định "đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn".

 

Nên ngay sau đó, Người đã so sánh về 3 vấn đề tiêu biểu liên quan đến 3 trong 10 điều răn Chúa đó là "sát nhân", "ngoại tình" và "thề nguyền" theo luật cũ với giáo huấn mới của Người, một giáo huấn mới thật là sâu xa và siêu việt hợp với tinh thần và ý nghĩa hàm xúc của lề luật Thiên Chúa ban qua trung gian Moisen. Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật VII Thường Niên Năm A hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục so sánh, nhưng không phải về 3 điều tiêu cực như trong Bài Phúc Âm tuần trước mà là 2 điều tích cực liên quan đến chính đức bác ái trọn hảo - perfectae caritatis, một đoạn Phúc Âm được kết thúc ở lời kêu gọi là tâm điểm và cốt lõi của Bài Giảng Trọn Lành Trên Núi: "Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".

 

Nếu 3 điều tiêu cực trong bài Phúc Âm tuần trước liên quan đến chính bản thân của người giữ luật thì 2 điều được Chúa Giêsu mang ra so sánh trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến tha nhân, đến bác ái yêu thương: điều thứ nhất về hành động bác ái theo công bằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'", và điều thứ hai về đối tượng bác ái là tha nhân: "Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch".

 

Trước hết, về hành động bác ái theo công bằng thì Chúa Giêsu dạy các tông đồ "là muối đất... là ánh sáng thế gian", như Người đã khẳng định trong Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật V Thường Niên Năm A, phải đối xử một cách trọn lành hơn nữa, vượt trên những gì là công bằng hay công lý, như thể lấy lành báo oán vậy: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ".

 

Ở đây, trong lời giáo huấn trọn lành này, Chúa Giêsu không ngăn cấm chống lại điều gian ác xấu xa tai hại mà chỉ nhấn mạnh đến chuyện nạn nhân vẫn phải thương thành phần phạm nhân của mình: "đừng chống cự lại với kẻ hung ác". Ở những chỗ nào: ở 3 điều căn bản chính yếu liên quan đến toàn thể con người của nạn nhân, bao gồm danh giá về tinh thần, sở hữu về thể chất và đến công khó về việc làm. Về danh giá: "Ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa"; về sở hữu: "Ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa"; và về công khó: "Ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm". Nghĩa là sẵn sàng nhường nhịn tha nhân trong hết mọi sự: "ai xin cứ cho (- có là để chia sẻ), ai mượn đừng chối (- nợ là để tha thứ)".

 

Sau nữa, về đối tượng bác ái là tha nhân, giáo huấn trọn lành của Chúa Giêsu dạy các tông đồ phải đối xứ trọn lành như Cha trên trời như thế này: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương".

 

Ở đây, đối với chính đối tượng của đức ái trọn lành là tha nhân, thành phần cho dù "hung ác" đến đâu, theo giáo huấn của Chúa Giêsu, cũng "đừng chống cự lại", thậm chí, còn phải "yêu thương thù địch" của mình nữa, tức là phải yêu thương, chứ không được hận ghét, thù hằn, trả đũa v.v., những thành phần "thù địch" được Chúa Giêsu liệt kê tiêu biểu là "những kẻ ghét các con"  "những kẻ bắt bớ và vu khống các con". Ở chỗ, "làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con". Có nghĩa là lấy đức bác ái mà bù đắp cho những vấp phạm của nhau, chứ đừng biến thân phận cao cả làm con cái của Chúa trên trời là Đấng trọn lành thành thân phận tầm thường của những kẻ "thu thuế" tội lỗi hay "dân ngoại" nhơ bẩn.

 

Chỉ khi nào chung con người và riêng thành phần môn đệ Chúa Kitô sống giáo huấn trọn lành này của Người họ mới sống đúng với ý muốn của Thiên Chúa tạo dựng nên họ và tuyển chọn họ, như Ngài đã tỏ ra trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi", một nỗ lực thánh hóa cho xứng với thân phận làm con cái của mình liên quan đến đức ái trọn hảo đúng như giáo huấn của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay:

 

"Ðừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa", Đấng được Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay cảm nhận và tuyên xưng "là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi" (câu 3).

 

Giáo huấn trọn lành của Chúa Kitô ở Bài Giảng Trên Núi nói chung và trong bài Phúc Âm hôm nay nói riêng tự bản chất là tất cả những gì khôn ngoan thần linh được truyền đạt cho con người qua thành phần môn đệ của Người, một thứ khôn ngoan siêu việt mà thế gian vốn thấp hèn và hướng hạ đầy những gương mù không thể nào hiểu được và chấp nhận chứ chưa nói đến thi hành. Đó là lý do trong bài Đọc 2 hôm nay, Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã vừa bày tỏ cảm nghiệm thần linh của ngài vừa khuyên dạy tín hữu thuộc giáo đoàn Corintô lắm thứ rắc rối như sau:

 

"Ðừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: 'Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ'. Lại có lời khác rằng: 'Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền'. Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người".

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL