GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016
"Mối nguy hiểm là ở chỗ vào những lúc bị khủng hoảng
chúng ta tìm kiếm một vị cứu tinh"
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn dài 1 tiếng 15 phút hôm 20/1/2017 ở Nhà Trọ Matta, về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến thế giới, đến Hoa Kỳ, đến Âu Châu, đến Giáo Hội cũng như đến chính bản thân của ngài, do nhật báo El Pais Tây Ban Nha thực hiện qua hai phóng viên Pablo Ordaz và Antonio Canõ, và cuộc phỏng vấn hào hứng ấy đã được tờ nhật báo này phổ biến hôm Chúa Nhật 22/1/2017.
Vấn: Tâu Đức Thánh Cha, sau gần 4 năm ở Vatican, cái gì không còn nơi một vị linh mục đến Roma từ Buenos Aires bằng một cái vé khứ hồi trong túi của mình?
Đáp: Ngài vẫn là một vị linh mục đường phố. Vì ngay khi có thể, tôi vẫn ra ngoài đường phố để chào hỏi dân chúng ở những buổi triều kiến chung, hay khi tôi đang du hành... đặc tính của tôi không hề thay đổi. Tôi không nói rằng đó là một điều được thận trọng cân nhắc: nó đã từng là một tiến trình tự nhiên. Thật là không đúng chút nào khi các bạn đến đây các bạn cần phải thay đổi. Việc thay đổi là những gì trái tự nhiên. Thay đổi ở vào tuổi 76 giống như chuyện trang điểm. Có lẽ tôi không thể nào làm được hết mọi sự tôi muốn, nhưng cái hồn sống đường phố của tôi vẫn còn đó, và các bạn có thế thấy được nó.
Vấn: Vào những ngày cuối cùng làm giáo hoàng của mình, Đức Benedict XVI đã nói về những năm cuối cùng của mình với tư cách là vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo: "Những giòng nước chảy đục ngầu mà Thiên Chúa thì dường như thiếp ngủ". ĐTC có cũng cảm thấy cái lẻ loi cô độc ấy hay chăng? Phải chăng phẩm trật của Giáo Hội đang thiếp ngủ trước những vấn đề của dân chúng, cả mới lẫn cũ?
Đáp: Trong phẩm trật của Giáo Hội, hay trong số các tác nhân mục vụ của Giáo Hội Công Giáo (giám mục, linh mục, nữ tu, giáo dân), tôi cảm thấy lo sợ về những ai bị tê mê hơn là những ai thiếp ngủ. Tôi đang nói về những ai bị tê mê bởi những công chuyện trần thế. Họ đang đắt hàng với những gì là trần thế. Đó là những gì làm tôi lo ngại. Hết mọi sự dường như lắng đọng, hết mọi sự dường như tĩnh lặng, hết mọi sự đang diễn tiến ngon lành... có quá nhiều thủ tục. Khi các bạn đọc Sách Tông Vụ, đọc các Thư của Thánh Phaolô, các bạn thấy được những gì là hỗn độn, thấy có những trục trặc, thấy dân chúng vẫn tiến bước. Biến chuyển xẩy ra và việc giao tiếp với dân chúng được thực hiện. Một con người tê mê (an anesthetized person) là thành phần không giao tiếp với dân chúng. Họ tự bảo vệ bản thân mình trước thực tại. Họ bị tê mê. Ngày nay có rất nhiều cách thức gây mê bản thân mình trước cuộc sống hằng ngày phải không? Có lẽ cái bệnh nguy hiểm nhất đối với một vị mục tử đó là chứng bệnh được sản xuất bởi thuốc tê, và đó là chủ nghĩa duy giáo quyền. Tôi thì ở đây và dân chúng thì ở kia. Thế nhưng bạn là vị mục tử của những con người đó! Nếu bạn không coi sóc những người ấy, nếu bạn bỏ cuộc không chăm sóc cho những người ấy thì bạn cần phải thu đồ về hưu cho rồi.
Vấn: Phải chăng một phần nào đó của Giáo Hội Công Giáo đang bị tê mê?
Đáp: Nó là một nguy cơ mà tất cả chúng ta đang gặp phải. Nó là một mối nguy hiểm, nó đang là một chước cám dỗ nghiêm trọng. Bị tê mê là những gì xẩy ra một cách dễ dàng.
Vấn: Nó là một đời sống tốt đẹp hơn, một đời sống thoải mái hơn.
Đáp: Đó là lý do tại sao thà có những con người thiếp ngủ còn hơn, tôi lo âu về những ai đang bị tê mê gây ra bởi tinh thần thế tục. Một thứ thế tục thiêng liêng. Tôi luôn bị ấn tượng bởi sự kiện là Chúa Giêsu Kitô, trong bữa tối cuối cùng, khi Người cầu cùng Cha của Người cho các môn đệ của Người, Người không xin Cha "giữ họ cho khỏi lỗi Điều Răn Thứ Năm, khỏi giết người, cho khỏi lỗi Điền Răn Thứ Bảy, khỏi trộm cắp". Không, Người xin Cha "gìn giữ họ khỏi các sự dữ của thế gian, giữ họ khỏi thế gian". Tinh thần thế tục gây ra một thứ tác dụng tê liệt. Khi điều đó xẩy ra thì vị mục tử trở thành một người tôi tớ dân sự. Và đó là chủ nghĩa duy giáo quyền, một thứ sự dữ tệ hại nhất có thể đang ảnh hưởng đến Giáo Hội ngày nay.
Vấn: Những thứ trục trặc mà Đức Benedict XVI phải đương đầu vào cuối giáo triều của ngài, và những điều đó được đựng trong một cái hộp trắng ngài trao cho ĐTC ở Castel Gandolfo, chúng là những gì vậy?
Đáp: Một mẫu rất bình thường về đời sống hằng ngày trong Giáo Hội bao gồm các vị thánh và các tội nhân, người chân thành và người gian manh. Hết mọi sự đều có ở trong đó! Có những người bị đặt vấn đề và đã tỏ ra trong sạch, có những nhân viên .... Vì ở đó, trong Giáo Triều Roma, có một số vị thánh thực sự. Tôi muốn nói lên điều này. Chúng ta cũng quá dễ dàng nói đến mức độ băng hoại ở Giáo Triều Roma. Có những con người băng hoại. Thế nhưng cũng có nhiều vị thánh. Nhiều người đã sống cả đời mình để phục vụ dân chúng một cách ẩn dật, đằng sau cái bàn, hay bằng cuộc trao đổi, hoặc bằng việc nghiên cứu... Ở đó có những vị thánh và tội nhân. Hôm ấy, điều làm tôi ấn tượng nhất đó là trí nhớ của Đức Benedict thánh hảo. Ngài nói: "Này, đây là những hồ sơ về các vụ kiện tụng ở trong cái hộp này". "Và đây là phán quyết về tất cả những cá nhân. Người này bị bấy nhiêu". Ngài đã nhớ hết mọi sự. Ngài vẫn còn như thế.
Vấn: Về sức khỏe ngài có cảm thấy được hay chăng?
Đáp: Cái đầu của ngài vẫn tốt. Vấn đề của ngài là cặp giò của ngài. Ngài cần được giúp để bước đi. Ngài có một trí nhớ đồ sộ, thậm chí một cách nhịp nhàng. Tôi có thể nói một điều nào đó nhưng ngài lại bảo rằng: "Không, không phải là năm đó, mà là năm khác".
Vấn: Đâu là những quan tâm chính yếu của ĐTC liên quan đến Giáo Hội và đến chung thế giới?
Đáp: Liên quan đến Giáo Hội, tôi xin nói là tôi hy vọng rằng Giáo Hội không bao giờ ngừng gần gũi với dân chúng. Một Giáo Hội không gần gũi với dân chúng thì không phải là một Giáo Hội. Mà là một NGO (Non-Governmental Organization) cơ quan phi chính phủ tốt. Hay là một tổ chức đạo đức được làm nên bởi những con người tốt lành gặp gỡ nhau uống trà và hoạt động bác ái... Cái dấu mốc của Giáo Hội là sự cận kề của Giáo Hội. Tất cả chúng ta là Giáo Hội. Bởi thế, vấn đề chúng ta cần phải tránh đó là đánh mất đi sự gần gũi ấy. Trở thành gần gũi đó là chạm tới, chạm tới Chúa Kitô bằng huyết nhục nơi tha nhân của các bạn. Khi Chúa Giêsu nói với chúng ta chúng ta sẽ bị phán xét ra sao, ở Phúc Âm Thánh Mathêu đoạn 25, Người luôn nói về việc vươn tới tha nhân của các bạn: Ta đói, Ta bị ngục tù, Ta bị bệnh.... Bao giờ cũng phải cận kề với các nhu cầu của tha nhân các bạn. Không phải chỉ là bác ái. Còn nhiều hơn thế nữa.
Còn đối với những gì làm tôi lo âu về thế giới thì đó là chiến tranh. Chúng ta đã có Thế Chiến Thứ Ba rồi từng chút một và từng mảnh một. Gần đây lại còn nói đến chuyện một chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra nữa, như thể nó là một ván bài: họ đang chơi bài với nhau. Đó là điều quan tâm lớn nhất của tôi. Tôi lo âu về tình trạng bất quân bình về kinh tế trên thế giới này, ở chỗ, một nhóm nhỏ con người ta nắm trong tay 80% cái giầu thịnh của thế giới, với tất cả những gì bao hàm trong đó cho một thứ tương lai về tiền tệ coi trọng tiền tệ như một vị thần linh thay vì con người nam nữ. Bởi thế mới có thứ văn hóa sa thải.
Vấn: Tâu Đức Thánh Cha, trở về với các vấn đề của hoàn cầu Đức Thánh Cha vừa đề cập tới, Ông Donald Trump giờ đây mới tuyên thệ làm tổng thống của Hiệp Chủng Quốc, và toàn thế giới vì thế trở nên căng thẳng. Đức Thánh Cha nghĩ sao?
Đáp: Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải chờ xem. Tôi không thích đoán bừa đi cũng không thích phán đoán người ta một cách bất khôn. Chúng ta sẽ thấy cách thức ông ta tác hành, những gì ông ta làm, sau đó tôi mới có ý kiến. Thế nhưng tỏ ra lo sợ hay hân hoan ngay từ trước vì một điều gì đó có thể xẩy ra thì theo tôi là hoàn toàn bất khôn. Nó giống như các vị tiên tri tiên đoán các thứ tai ương hay những điều may mắn bất ngờ không xẩy ra vậy. Chúng ta sẽ thấy những gì ông ta làm và sẽ theo đó mà phán xét. Bao giờ cũng phải làm việc một cách rõ ràng. Kitô giáo một là rõ ràng hai là không phải là Kitô giáo.
Điều đáng chú ý là lạc thuyết đầu tiên trong Giáo Hội đã xẩy ra ngay sau cái chết của Chúa Giêsu Kitô, đó là lạc thuyết bất khả thần tri, bị tông đồ Gioan lên án. Nó là cái tôi gọi là một thứ tính chất tôn giáo sơn phết, một thứ tôn giáo không rõ ràng... không có gì là cụ thể. Không, không phải thế. Chúng ta cần rõ ràng minh bạch. Rồi từ cái minh bạch này chúng ta mới có thể rút ra những thành quả. Chúng ta đang mất đi cái cảm giác của mình về những gì là cụ thể. Có lần một tư tưởng gia đã nói với tôi rằng thế giới này bị đảo lộn đến độ nó cần một điểm nhất định. Những điểm ấn định ấy xuất phát từ các hành động cụ thể. Các bạn đã làm gì, các bạn quyết định điều chi, các bạn đã thực hiện những chuyển biến nào? Đó là lý do tôi thích đợi xem.
Vấn: Đức Thánh Cha có lo âu về những điều chúng ta đã nghe thấy cho tới lúc này hay chăng?
Đáp: Tôi vẫn đang chờ xem. Thiên Chúa đã chờ đợi tôi quá lâu, với tất cả tội lỗi của tôi...
Vấn: Đối với thành phần truyền thống nhất, thì bất cứ thay đổi nào, thậm chí chỉ thay đổi về ngôn từ, cũng chỉ là phản bội. Còn ở cực bên kia, thậm chí đối với những ai chưa bao giờ tha thiết với đức tin Công Giáo, thì chẳng có thay đổi nào là đủ hết. Chính Đức Thánh Cha đã nói rằng hết mọi sự đã được viết về yếu tính của Kitô giáo. Vậy thì phải chăng chúng ta đang nói về một thứ cách mạng tình trạng bình thường?
Đáp: Tôi luôn cố gắng - tôi không biết tôi có luôn thành công hay chăng - để làm những gì Phúc Âm nói. Đó là những gì tôi cố gắng. Tôi là một tội nhân và không luôn thành đạt, nhưng đó là những gì tôi cố gắng. Lịch sử của Giáo Hội chưa từng được lèo lái bởi các thần học gia, hay các vị linh mụd, hoặc các nữ tu, hay các vị giám mục. .. Có thể một phần nào thôi, nhưng những vị anh hùng thực sự của Giáo Hội là các thánh nhân. Tức là những con người nam nữ này cống hiến đời mình để làm cho Phúc Âm trở thành hiện thực. Họ là những con người đã cứu chúng ta: những vị thánh. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng một vị thánh là một nữ tu nhìn lên trời và tròn xoe đôi mắt. Các vị thánh là những tấm gương rõ ràng về Phúc Âm trong cuộc sống hằng ngày! Khoa thần học mà các bạn học được từ đời sống của một vị thánh thì bao la. Chắc chắn là cần phải có các thần học gia và các vị mục tử. Họ là một phần của Giáo Hội. Thế nhưng chúng ta cần phải trở về với Phúc Âm. Ai là sứ giả khá nhất của Phúc Âm? Các thánh nhân. Các bạn sử dụng chữ "cách mạng". Đó là một cuộc cách mạng! Tôi không phải là một thánh nhân. Tôi chẳng thực hiện một cuộc cách mạng nào. Tôi chỉ cố gắng đẩy Phúc Âm về phía trước. Một cách bất toàn, vì tôi thực hiện những cái ngớ ngẩn của tôi hết lần này đến lần khác.
Vấn: Đức Thánh Cha có tin rằng nhiều tín hữu Công giáo có thể cảm thấy một cái gì đó giống như một hội chứng về người anh em của người con hoang đàng, và có thể nghĩ rằng Đức Thánh Cha chú trọng đến những ai xa lìa hơn là những ai vẫn còn trung thành tuân giữ các điều luật của Giáo Hội? Con nhớ là ở một trong những chuyến tông du của Đức Thánh Cha, một phóng viên người Đức đã hỏi Đức Thánh Cha rằng tại sao Đức Thánh Cha không bao giờ nói về thành phần trung lưu, về những ai phải trả thuế...
Đáp: Có hai vấn đề được đặt ra ở đây. Hội chứng về người con cả: Tôi biết rằng những ai cảm thấy thoải mái trong một cấu trúc Giáo Hội không đòi hỏi họ quá nhiều, hay những ai có các thái độ bảo vệ họ khỏi quá nhiều giáo tiếp bên ngoài, sẽ cảm thấy không dễ dàng gì với bất cứ đổi thay nào, với bất cứ dự tính nào xuất phát từ Phúc Âm. Tôi thích nghĩ về một vị chủ nhân của cái khách sạn mà người Samaritano đem nạn nhân bị bọn cướp đánh giật dọc đường. Người chủ này đã biết được câu chuyện, người Samaritanô đã nói với ông ta: một tư tế đi ngang qua, nhìn đồng hồ, thấy rằng ông ta lên đền thờ trễ nên bỏ nạn nhân ở đó, ông ta không muốn bị vấy máu vì là điều làm ông ngăn trở việc hành lễ theo luật. Một vị luật sĩ đi ngang qua, nhìn thấy thì nói: "Tôi chớ có nhúng tay vào, kẻo bị trễ, ngày mai tôi phải làm chứng ở tòa án và... Thôi tốt hơn đừng đụng tới". Như thể sinh ra ở Buenos Aires, vị này quay lưng đi bằng câu nói quen thuộc ở thành phố này: "Đừng có mà pha mình vào". Thế rồi sau đó xuất hiện một người không phải Do Thái, mà là dân ngoại, là một tội nhân, được coi như là cặn bã của trái đất này, nhưng người này lại động lòng thương trước cảnh khốn khổ của nạn nhân và đã giúp vực dậy nạn nhân. Người chủ khách sạn quá sức là bàng hoàng vì đó là những gì bất thường.
Cái mới mẻ của Phúc Âm là những gì lạ lùng vì nó thực sự là những gì chướng hại. Thánh Phaolô nói với chúng ta về cái gương mù của thập tự giá, cái gương mù về Người Con Thiên Chúa hóa thân làm người. Nó là một thứ gương mù tốt đẹp, vì Chúa Giêsu lên án điều gây tổn thương đến cả trẻ em nữa. Thế nhưng cái yếu tính của Phúc Âm trở thành gương mù trước những tiêu chuẩn ở những thời điểm ấy. Trước bất cứ một tiêu chuẩn trần thế nào thì nó là một thứ yếu tính chướng hại. Bởi thế mà hội chứng đứa con cả là thứ hội chứng của bất cứ ai quá ổn định ở trong Giáo Hội, người có được những ý nghĩ rõ ràng về hết mọi sự, người biết những gì cần phải làm nhưng không muốn nghe những bài giảng lạ. Đó là những gì cho thấy về những vị tử đạo của chúng ta: các vị đã hiến mạng sống mình vì rao giảng một điều gì đó đảo lộn.
Đó là vấn đề thứ nhất của bạn. Đối với vấn đề thứ hai: tôi đã không muốn trả lời cho người phóng viên Đức ấy ngay, nhưng tôi bảo anh ta rằng: tôi sẽ suy nghĩ về nó, bạn có thể đúng một cách nào đó... Tôi luôn nói về thành phần trung lưu, cho dù không đề cập đến nó. Tôi sử dụng một từ ngữ được tiểu thuyết gia Malègue người Pháp tạo ra về "thành phần trung lưu thánh thiện". Tôi luôn nói về các vị phụ huynh, ông bà, y tá, thành phần sống để phục vụ người khác, những người nuôi dưỡng con cái của mình, những người đi làm việc... Những con người này thật là thánh đức! Và họ cũng là những ai đưa Giáo Hội tiến lên: những con người kiếm sống một cách xứng đáng, những con người nuôi dưỡng con cái, những con người chôn xác kẻ chết, những con người chăm sóc cho thân nhân già lão của mình thay vì đưa các vị vào một nhà dưỡng lão: đó là thành phần trung lưu thánh thiện của chúng ta.
Theo quan điểm về kinh tế, những ngày này thành phần trung lưu càng có khuynh hướng biến khuất, và xẩy ra nguy cơ là chúng ta sẽ ẩn nấp vào những thứ hạng động ý hệ của chúng ta. Thế nhưng, "thành phần trung lưu thánh đức" ấy: người làm cha, người làm mẹ chắm sóc cho gia đình của họ, với các tội lỗi của họ và nhân đức của họ, người làm ông, người làm bà, lấy gia đình làm chính, đó là "thành phần trung lưu thánh đức". Đó là một minh thức cao cả nơi Malègne, người viết một câu thật là ấn tượng. Ở một trong những cuốn tiểu thuyết của mình là Augustine, một người vô thần hỏi rằng: "Thế nhưng ông có tin rằng Giêsu Kitô là Thiên Chúa hay chăng?" Vấn đề được đặt ra là: Ông có nghĩ rằng con người Nazarét này là Thiên Chúa hay chăng? Câu trả lời của vai chính trong câu chuyện là: "Đối với tôi, đó không phải là vấn đề, vấn đề là ở chỗ Thiên Chúa phải chăng đã không trở thành Đức Kitô". Đó là "thành phần trung lưu thánh đức".
Vấn: Tâu Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã đề cập đến những thứ hang động ý hệ. Đức Thánh Cha muốn nói gì ở chỗ này? Đâu là những quan tâm của Đức Thánh Cha về vấn đề này?
Đáp: Đó không phải là một mối quan tâm. Tôi đang nói đến các sự kiện. Người ta luôn cảm thấy thoải mái nơi cái hệ thống ý hệ do họ tạo nên cho mình, vì nó là những gì trừu tượng.
Vấn: Phải chăng nó đã gia tăng trong những năm gần đây?
Đáp: Nó luôn hiện hữu. Tôi không nói rằng nó đã từng gia tăng, cũng có nhiều bất đồng liên quan đến lời phát này. Tôi nghĩ rằng đã xẩy ra sự phân cựu hơn vào giai đoạn trước Thế Chiến Thứ Hai. Tôi nghĩ thế. Tôi không nghĩ đến nó nhiều. Tôi đang ghép các thứ lại với nhau... Trong một nhà hàng của đời sống, bạn bao giờ cũng có nhiều món ý hệ. Bạn có lẽ bao giờ cũng tựa vào nó. Chúng là những nơi trú ẩn ngăn ngừa bạn khỏi liên hệ với thực tại.
Vấn: Thưa Đức Thánh Cha, trải qua những năm này, trong các chuyến tông du của Đức Thánh Cha, chúng con thấy Đức Thánh Cha tỏ ra cảm động bởi những người khác, trái lại, Đức Thánh Cha cũng làm cho nhiều người nghe Đức Thánh Cha cảm động... Có 3 trường hợp cụ thể: một ở Lampedusa, khi Đức Thánh Cha đặt vấn đề là chúng ta có khóc với những người phụ nữ bị mất đi con cái của mình nơi biển cả hay chăng; ở Sardinia, khi Đức Thánh Cha nói về vấn đề thất nghiệp và những nạn nhân của một guồng máy tài chính toàn cầu; ở Phi Luật Tân, về thảm trạng của trẻ em bị khai thác lạm dụng. Giáo Hội có thể làm gì về vấn đề này, những gì đang được thực hiện, và những gì đang được các chính phủ làm?
Đáp: Cái biểu hiệu tôi đề ra cho văn phòng Di Trú mới - tôi đã trực tiếp tiếp quản phân bộ Di Trú và Tỵ Nạn có hai văn phòng thành cấu trúc mới này - là một chiếc áo cứu đắm mầu cam, như những chiếc tất cả chúng ta đều biết. Trong một buổi triều kiến chung, có một nhóm người hoạt động để cứu những người tỵ nạn ở Địa Trung Hải. Tôi đang băng ngang qua, chào hỏi dân chúng, thì một nam nhân có một trong những áo này trong tay và anh ta bắt đầu la lên trên vai của tôi mà khóc: "Con đã không thể làm được điều ấy, con đã không cứu được bé gái ấy kịp thời, con đã không thể làm được điều ấy". Và khi lắng đọng xuống một chút anh ta đã nói với tôi rằng: "Bé ấy chưa đầy 4 tuổi. Bé đã chìm xuống. Con xin trao lại áo này cho Đức Thánh Cha". Đó là biểu hiệu của cái thảm trạng chúng ta đang sống.
Vấn: Các chính quyền có động đậy gì về trường hợp này hay chăng?
Đáp: Mọi người đều làm những gì có thể hay những gì họ muốn làm. Rất khó đế đưa ra phán quyết. Chắc chắn một điều sự kiện Địa Trung Hải đã trở thành một bãi tha ma là những gì cần phải suy nghĩ.
Vấn: Đức Thánh Cha có cảm thấy rằng đường lối mà Đức Thánh Cha vươn tới các bờ mép, tới những ai khổ đau và xa lạc, là một thái độ đáng đón nhận, khi thấy nó được kèm theo bởi một động lực có lẽ quen với một nhịp bước rất khác biệt? Đức Thánh Cha có cảm thấy rằng Đức Thánh Cha và Giáo Hội đi ở một nhịp bước khác nhau hay chăng? Đức Thánh Cha có cảm thấy được nâng đỡ hay chăng?
Đáp: Tôi nghĩ rằng, may mắn thay, chung chung có những đáp ứng tốt, rất tốt. Khi tôi xin các giáo xứ và các học đường ở Roma chấp nhận những người di dân thì nhiều người nói rằng sẽ bị thất bại. Nhưng không đúng! Không thất bại tí nào! Đa số các giáo xứ ở Roma, khi họ không có nhà lớn hay họ có một phòng rất nhỏ thì họ có các giáo dân của họ thuê một căn chung cư cho một gia đình di dân. Ở các học đường dòng nữ, khi nào có phòng thì họ đón nhận một gia đình di dân... Câu trả lời đó là chúng tôi đã thực hiện được nhiều hơn các bạn biết nữa, vì chúng tôi không hề quảng cáo điều này. Vatican có hai giáo xứ và mỗi giáo xứ đều có một gia đình di dân. Một căn chung cư ở Vatican cho một gia đình, căn khác cho gia đình khác. Việc đáp ứng liên tục xẩy ra. Không phải là trăm phần trăm, tôi không biết tỷ lệ là bao nhiêu, tôi nghĩ có lẽ là 50%.
Thế rồi đến vấn đề hội nhập. Mỗi một người di dân tạo nên một vấn đề rất nghiêm trọng. Họ thoát chạy khỏi xứ sở của họ, vì đói hay vì chiến tranh. Họ bị khai thác. Chẳng hạn Phi Châu: Phi Châu là biểu hiệu cho tình trạng bị khai thác. Thậm chí có được độc lập chăng nữa thì ở một số xứ sở họ chỉ là chủ nhân đất đai của họ ở bề mặt thôi chứ không phải ở dưới lòng đất (biệt chú của người dịch: ở đây ĐTC có thể ám chỉ đến tình trạng những đất nước này bị các nước tân tiến về kỹ nghệ khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ ở dưới lòng đất). Bởi thế họ luôn bị sử dụng và làm dụng ...
Chính sách tiếp nhận người di dân có một vài giai đoạn. Có giai đoạn khẩn cấp: các bạn cần phải đón nhận họ, bằng không họ sẽ chết chìm. Điển hình là Ý và Hy Lạp. Thậm chí hiện nay, Ý quốc, cho dù có gặp đủ thứ vấn đề gây ra bởi động đất, vẫn tiếp tục cung cấp việc chăm sóc. Họ đến Ý dĩ nhiên là vì Ý là bến bờ gần nhất. Tôi nghĩ họ cũng đến cả Tây Ban Nha qua ngả Ceuta. Thế nhưng thay vì ở lại Tây Ban Nha thì họ hầu hết có khuynh hướng lên miền bắc để tìm kiếm những cơ hội tốt đẹp hơn.
Vấn: Thế nhưng Tây Ban Nha có một hàng rào ở Ceura và Melilla nên họ không thể nào vượt qua được.
Đáp: Phải, tôi biết. Họ muốn tiến lên miền bắc. Bởi vậy vấn đề là ở chỗ đón nhận họ, phải, qua một vài tháng, cung cấp cho họ chỗ ăn chỗ ở. Thế nhưng tiến trình hội nhập cần phải bắt đầu ở một lúc nào đó. Hãy tiếp nhận và hội nhập. Mẫu gương của vai trò này cho toàn thế giới đó là Thụy Điển. Thụy Điển chỉ có 9 triệu dân, Trong số đó có 890 ngàn "người Thụy Điển mới", con em của những người di dân hay những người di dân có công dân Thụy Điển. Vị Bộ trưởng Nước Ngoài - tôi nghĩ là bà, người đã đến từ giã tôi - là một phụ nữ trẻ trung, có mẹ là người Thụy Điển và cha là người Gabon. Những người di dân hội nhập. Vấn đề là việc hội nhập. Khi vấn đề hội nhập không có thì sẽ xuất hiện các ổ chuột. Tôi không trách bất cứ một ai, thế nhưng có những ổ chuột là một sự thật. Những nam nhân trẻ trung gây ra hành động tán ác ở phi trường Zaventem là những người Bỉ, họ sinh ra ở Bỉ. Tuy nhiên, họ sống ở một vùng lân cận của người di dân, một vùng lân cận khép kín. Bởi vậy mà giai đoạn thứ hai là giai đoạn then chốt, giai đoạn hội nhập. Thế nên hiện nay vấn đề lớn đối với Thụy Điển là gì? Không phải là họ không muốn thêm những người di dân nữa, không phải! Họ không thể có đủ những chương trình hội nhập! Họ suy nghĩ họ có thể làm thế nào khác để nhận thêm người di dân. Thật là kỳ diệu. Đó là một tấm gương cho toàn thế giới. Nó không phải là cái gì mới mẻ. Tôi đã nói ngay từ đầu sau Lampedusa... Tôi đã biết Thụy Điển, vì tất cả những người Á Căn Đình, Uruguayan, Chí Lợi đều đến đó trong các thời kỳ độc tài quân sự và đã được ở đó đón nhận. Tôi có những người bạn đến đó như là những người tỵ nạn và sống ở đó. Các bạn đến Thụy Điển và họ cung cấp cho các bạn chương trình chăm sóc sức khỏe, giấy tờ, phép tắc trú ngụ... Sau đó các bạn có nhà cửa, và tuần sau các bạn đến trường học ngôn ngữ, và làm việc một chút, rồi các bạn cứ thế mà tiến.
Theo đó thì Sant'Egidio ở Ý là một mẫu gương đáng noi theo khác. Vatican nhận 22 người di dân và chúng tôi đang chăm sóc họ, và họ đang từ từ trở nên độc lập. Ngày thứ hai, các con em của họ đến trường học. Mới ngày thứ hai thôi! Cha mẹ của các em dần dần được ổn định ở một căn chung cư, kèm một một ít việc làm đây đó... Họ có những hướng dẫn viên dạy ngôn ngữ cho họ...Sant'Egidio có cùng một thái độ. Bởi vậy, vấn đề khẩn cấp dĩ nhiên là giải cứu cho hết mọi người. Sau đó là tiếp nhận, đón tiếp hết sức có thể. Rồi tới vấn đề hội nhập.
Vấn: Tâu Đức Thánh Cha, một nửa thế kỷ đã qua đi kể từ khi có nhiều biến cố quan trọng xẩy ra, như Công Đồng Chung Vaticanô II, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tông du Thánh Địa và việc ngài ôm hôn Đức Thượng Phụ Athenagoras. Có một số người nói rằng để biết được Đức Thánh Cha người ta cần phải viết Đức Phaolô VI. Ngài đã lên tới mức độ thành vị Giáo Hoàng không được ưa chuộng. Đức Thánh Cha có cảm thấy như vậy hay chăng, như là một vị Giáo Hoàng không dễ chịu?
Đáp: Không đâu, không đâu. Tôi nghĩ rằng tôi cần phải ít được hiểu rõ hơn do bởi tội lỗi của tôi. Đức Phaolô VI là một vị tử đạo không được ưa chuộng. (...) Niềm Vui Phúc Âm - Evangelii Gaudium, một tông huấn phác họa các nguyên tắc mục vụ mà tôi muốn gửi cho Giáo Hội, là một văn kiện cập nhật hóa Tông Huấn Evangelii Nuntiandi - Truyền Bá Phúc Âm của Đức Phaolô VI. Ngài là một con người đi trước lịch sử. Và Ngài chịu đựng rất nhiều. Ngài là một vị tử đạo. Có nhiều điều ngài không thể làm, ngài là một con người thực tiễn và ngài biết rằng ngài bất khả nên vì thế mà ngài đã chịu đựng, nhưng ngài đã cống hiến cho chúng ta cái khổ của ngài. Ngài đã làm những gì ngài có thể. Và điều hay nhất đó là ngài đã gieo hạt giống. Những thứ hạt giống về những điều được lịch sử gặt hái được sau đó. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm là một văn kiện hỗn hợp của Tông Huấn Truyền Bá Phúc Âm và văn kiện Aparecida (biệt chú của người dịch: văn kiện Aparecida là văn kiện đức kết khóa họp thứ V của Chư Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu Latinh va Caribbian ở Aparecida Ba Tây từ 13-31/5/2007, một văn kiện được nói là do chính ĐHY Bergoglio TGM TGP Buenos Aires là ĐTC Phanxicô hiện nay soạn thảo). Những điều được khai triển từ dưới lên. Tông Huấn Truyền Bá Phúc Âm là một văn kiện mục vụ hay nhất hậu Công Đồng Chung Vaticanô II, và vẫn còn nguyên giá trị của nó. Tôi không cảm thấy tôi là người không được cảm nhận. Tôi cảm thấy được hỗ trợ bởi đủ mọi thứ người, trẻ có, già có... Dĩ nhiên là có một số không đồng ý và họ có quyền không đồng ý, vì nếu tôi cảm thấy xấu xa bởi có người không đồng ý với tôi thì trong mình tôi có cái mầm của một thứ độc tài. Họ có quyền bất đồng. Họ có quyền nghĩ rằng đường lối ấy nguy hiểm, rằng thành quả ấy có thể tệ hại, họ có quyền ấy. Thế nhưng nếu họ nói thì họ đừng nấp ở đằng sau những người khác. Không ai có quyền làm như thế. Nấp ở đằng sau những người khác là những gì phi nhân, là một tội ác. Ai cũng có quyền tranh cãi, và tôi muốn tất cả tranh cãi hơn nữa, vì nó tạo nên một thứ liên hệ êm trôi hơn giữa chúng ta. Việc tranh cãi liên kết chúng ta. Một cuộc tranh cải thiện chí chứ không phải bằng phỉ báng hay những gì giống như thế.
Vấn: Đức Thánh Cha có cảm thấy bất thoải mái với quyền lực hay chăng?
Đáp: Nhưng tôi đâu có quyền lực. Quyền lực là điều được chia sẻ. Quyền lực hiện hữu khi chúng ta thực hiện những quyết định đã được suy nghĩ, đã được bàn đến, và đã được cầu nguyện; cầu nguyện giúp tôi rất nhiều, cầu nguyện là một hỗ trợ lớn lao đối với tôi. Tôi không cảm thấy chẳng thoải mái với quyền lực. Tôi cảm thấy mất tự nhiên với một số nghi lễ, thế nhưng đó là vì tôi xuất thân từ đường phố.
Vấn: Đức Thánh Cha không xem TV cho đến nay là 25 năm, và Đức Thánh Cha được cho biết là chưa bao giờ tỏ ra thật thân thiện với các ký giả. Thế mà Đức Thánh Cha đã tái sáng tạo toàn bộ hệ thống truyền thông của Vatican, Đức Thánh Cha đã chuyên nghiệp hóa nó và biến nó thành một phân bộ của Giáo Triều Roma. Phải chăng truyền thông đại chúng là những gì quan trọng đối với Vị Giáo Hoàng? Phải chăng đang có một mối đe dọa đối với quyền tự do của báo chí? Có thể nào vấn đề truyền thông xã hội lại trở thành bất lợi cho quyền tự do cá nhân?
Đáp: Tôi không coi TV. Tôi chỉ cảm thấy rằng Thiên Chúa muốn điều đó nơi tôi. Vào ngày 16/7/1990, tôi đã thực hiện lời hứa đó, và tôi đã không lỗi hứa. Tôi chỉ ở trung tâm truyền hình gần tòa tổng giám mục để coi một số phim tôi lưu ý mà tôi nghĩ rằng sẽ thích hợp cho sứ điệp của tôi. Tôi thường yêu thích phim ảnh, tôi đã nghiên cứu nhiều về phim ảnh, hầu hết là phim về giai đoạn hậu chiến, về duy thực chủ nghĩa Ý quốc, và về vị giám đốc Wajda người Balan, và Kurosawa, cũng như về một vài vị giám đốc người Pháp. Thế nhưng việc không coi TV đã không ngăn cản tôi khỏi truyền thông. Không coi TV là một quyết định riêng tư, ngoài ra không còn gì khác. Việc truyền thông xuất phát từ Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền đạt. Thiên Chúa đã truyền đạt với chúng ta dọc suốt giòng lịch sử. Thiên Chúa không hiện hữu một cách lẻ loi. Thiên Chúa truyền đạt và đã nói, và đã hỗ trợ chúng ta, đã thách thức chúng ta, đã làm chúng ta biến đổi, và Ngài vẫn ở với chúng ta. Các bạn không thể hiểu thần học Công giáo mà lại thiếu vấn đề truyền đạt của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bất động ở trên ấy, nhìn xem dân chúng vui thú hay tự tiêu rụi. Thiên Chúa nhập cuộc, qua lời nói và qua xác thịt của Người. Và đó là khởi điểm của tôi. Tôi cảm thấy hơi sợ khi truyền thông đại chúng không thể hiện bản thân mình theo đặc tính riêng của mình. Chẳng hạn có những cách thức truyền thông thay vì giúp đỡ thì lại làm yếu kém đi mối hiệp nhất. Một trường hợp điển hình đó là gia đình dùng bữa tối mà không nói chuyện, vì họ xem TV hay những đứa trẻ sử dụng điện thoại, gửi tin nhắn cho người ta ở đâu khác. Khi truyền thông bị mất đi yếu tố xác thịt, yếu tố con người mà trở thành lỏng lẻo thì rất nguy hiểm. Các gia đình rất cần phải thông đạt, con người rất cần phải truyền đạt, cũng có thể bằng cách thức khác. Vấn đề truyền thông ảo thì rất phong phú, thế nhưng có nguy cơ nếu nó thiếu việc truyền đạt nhân bản, bình thường, trực diện. Yếu tố cụ thể của truyền thông đó là những gì sẽ làm cho yếu tố ảo đi đúng hướng. Chúng ta không phải là các vị thiên thần, chúng ta là những cá vị cụ thể. Truyền thông là những gì then chốt và cần phải tiến lên. Tôi đã nói về những thứ tội của truyền thông trong một bài thuyết trình ở Buenos Aires tại ADEPA, một hiệp hội qui tụ các nhà xuất bản Á Căn Đình. Vị chủ tọa mời tôi đến tham dự một bữa tối để tôi trình bày bài thuyết trình ấy. Tôi đã báo hiệu những thứ tội của vấn đề truyền thông mà nói rằng: đừng phạm những tội ấy, vì các bạn có cả một kho tàng lớn lao trong bàn tay của các bạn. Ngày nay, việc truyền đạt là những gì thần linh, bao giờ cũng thế, vì Thiên Chúa truyền đạt, đồng thời cũng là những gì nhân loại, vì Thiên Chúa đã truyền đạt theo cách thức loài người. Bởi vậy, đối với các mục đích về phần vụ thì có một phân bộ để truyền đạt tất cả những điều ấy. Thế nhưng nó là một điều về phần hành. Truyền thông là những gì thiết yếu cho loài người, vì nó thiết yếu với Thiên Chúa.
Vấn: Guồng máy ngoại giao của Vatican hoạt động với tất cả khả năng của mình. Cả ông Barack Obama lẫn ông Raul Castro đều công khai tỏ lòng biết ơn hoạt động của bộ ngoại giao Vatican trong chuyện họ tái thiết lập mối hữu nghị. Tuy nhiên, còn những trường hợp khác như Venezuela, Colombia hay Trung Đông vẫn bị tắc nghẽn. Trong trường hợp thứ nhất thì đôi bên thậm chí lại còn phê phán vai trò điều đình của Vatican nữa. Đức Thánh Cha có sợ rằng hình ảnh của Vatican bị tác hại bởi đó hay chăng? Đâu là những điều ngài muốn chỉ dẫn trong những trường hợp này?
Đáp: Tôi xin Chúa ban cho tôi ơn đừng sử dụng bất cứ cách thức nào chỉ vì hình ảnh này nọ. Chân thành và phục vụ là những tiêu chuẩn cần phải thể hiện. Các bạn có thể đôi khi lầm lẫn, hình ảnh của các bạn sẽ gánh chịu hậu quả, thế nhưng chẳng sao cả nếu đã làm theo thiện chí. Lịch sử sau này sẽ phán quyết. Có một nguyên tắc, một nguyên tắc rất rõ ràng đối với tôi, đó là cần phải quản trị hết mọi sự cả về hoạt động mục vụ lẫn về ngoại giao của Vatican: chúng tôi là những người điều đình hơn là thành phần trung gian môi giới. Chúng tôi dựng lên những chiếc cầu nối chứ không phải là xây lên những bức tường ngăn. Cái khác nhau giữa một người điều đình và một người trung gian là gì? Người trung gian là một người làm địa ốc chẳng hạn, tìm kiếm ai đó muốn bán nhà và ai muốn mua nhà, thì giúp họ tiến đền chỗ đồng ý với nhau để được một thứ hoa hồng nào đó, họ cung cấp dịch vụ tốt nhưng họ bao giờ cũng nhận được cái gì đó, và thực sự là như thế bởi đó là việc làm ăn của họ. Người điều đình là người muốn phục vụ cho cả đôi bên và muốn cho cả đôi bên đều thắng cho dù họ có bị thua. Công việc ngoại giao của Vatican cần phải là một điều đình viên chứ không phải là tay trung gian. Nếu, trong giòng lịch sử, đôi khi nó điều động hay điều hành một cuộc gặp gỡ để đút cho đầy túi của nó thì đó là một tội rất trầm trọng. Người điều đình thì thiết lập những cây cầu nối, không phải cho mình mà là cho người khác băng ngang qua. Họ không lấy lệ phí. Họ thiết lập chiếc cầu nối và rồi bỏ đi. Đối với tôi đó là hình ảnh về vai trò ngoại giao của Vatican. Là những người điều đình hơn là thành phần trung gian môi giới. Là những người thiết lập chiếc cầu nối.
Vấn: Vấn đề ngoại giao của Vatican sẽ sớm vướn tới Trung Hoa hay chăng?
Đáp: Thật vậy, đang có một ủy ban làm việc qua năm tháng với Trung Hoa, họ gặp nhau 3 tháng một lần, lúc thì ở đây lúc thì ở Bắc Kinh. Có nhiều chuyện nói với Trung Hoa. Trung Hoa luôn có một hương sắc nhiệm mầu thật kỳ diệu. Hai ba tháng trước đây họ đã trưng bày ở Bắc Kinh những thứ của Bảo Tàng Viện Vatican, và họ cảm thấy rất hân hoan về việc trưng bày ấy. Năm tới họ sẽ đến Vatican với những thứ trưng bày của họ.
Vấn: Đức Thánh Cha sẽ sớm đến Trung Hoa phải không?
Đáp: Bao giờ họ ngỏ lời mời tôi. Họ biết điều ấy mà. Ngoài ra, ở Trung Hoa các nhà thờ thì đầy người. Ở Trung Hoa họ có thể tự do thờ phượng.
Vấn: Cả ở Âu Châu lẫn ở Mỹ Châu, những gì dội lại của cuộc khủng hoảng không bao giờ chấm dứt, tình trạng bất quân bình gia tăng, tình trạng thiếu vắng vai trò lãnh đạo mạnh mẽ đang nhường bước cho những nhóm chính trị phản ảnh cái khó chịu của những người công dân. Một số trong họ - được gọi là chính sách phản chống hay dân túy - vớ được cơ hội nhờ những nỗi lo sợ về một tương lai bấp bênh để thực hiện một sứ điệp đầy tính cách bài ngoại và thù ghét đối với người ngoại quốc. Trường hợp của ông Trump là trường hợp đáng kể nhất, thế nhưng xẩy ra cả ở những trường hợp khác nữa như ở Áo hay Thụy Sĩ. Đức Thánh Cha có lo ngại trào lưu này hay chăng?
Đáp: Đó là những gì họ gọi là chủ nghĩa dân túy ở đây. Nó là một từ ngữ mập mờ, vì ở Mỹ Châu Latinh dân túy có một ý nghĩa khác. Ở Mỹ Châu Latinh nó có nghĩa là dân chúng - chẳng hạn các phong trào của dân chúng - là thành phần đóng vai chính. Họ được tổ chức riêng. Khi tôi bắt đầu nghe thấy chủ nghĩa dân túy ở Âu Châu tôi không biết nó như thế nào cho đến khi tôi nhận thấy rằng nó có những ý nghĩa khác. Các cuộc khủng hoảng gây ra lo sợ, gây ra báo động. Theo tôi nghĩ thì trường hợp điển hình nhất về dân túy theo nghĩa Âu Châu của từ ngữ này là ở Đức vào năm 1933. Sau Hindenburg, sau cuộc khủng hoảng 1930, nước Đức bị đổ vỡ, nó cần chỗi dậy, tìm lại căn tính của nó, cần một nhà lãnh đạo, một người có thể phục hồi đặc tính của nó, và có một con người trẻ là Adolf Hitler là người đã nói: "Tôi có thể, tôi có thể". Thế là người Đức bầu cho Hitler. Hitller không cướp giật quyền lực, nhân dân của ông bầu cho ông, để rồi ông hủy diệt nhân dân của mình. Đó là một thứ nguy cơ. Trong những lúc bị khủng hoảng, chúng ta thiếu phán đoán, và đó là một nhắc nhở liên lỉ cho tôi. Chúng ta hãy tìm kiếm một vị cứu tinh có thể cống hiến cho chúng ta căn tính của chúng ta và chúng ta hãy tự vệ bằng những bức tường, bằng hàng rào kẽm gai, bằng bất cứ cái gì, khỏi những người khác là thành phần có thể đánh cắp mất căn tính của chúng ta. Đó là một điều rất trầm trọng. Đó là lý do tôi luôn cố gắng nói rằng: hãy nói chuyện nơi chính các bạn, hãy nói chuyện với nhau. Thế nhưng trường hợp ở Đức năm 1933 là những gì tiêu biểu, một dân tộc bị chìm đắm trong một cuộc khủng hoảng, thành phần tìm kiếm căn tính của mình cho đến khi vị lãnh đạo đầy lôi cuốn của họ xuất hiện và hứa trả lại cho họ căn tính của họ, và ông đã trả cho họ một thứ căn tính méo mó, để rồi chúng ta tất cả đều biết những gì đã xẩy ra. Ở đâu không có trao đổi truyện trò ... Những biên giới có thể được kiểm soát hay chăng? Có chứ, mỗi quốc gia đều có quyền kiểm soát biên giới của mình, người vào kẻ ra, và những xứ sở có nguy cơ bị khủng bố hay những điều giống như vậy thì lại càng có quyền kiểm soát chúng, thế nhưng không một xứ sở nào có quyền làm cho công dân của mình không còn cơ hội để nói chuyện với tha nân của họ.
Vấn: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có thấy bất cứ dấu hiệu nào như Đức năm 1933 ở Âu Châu hiện nay hay chăng?
Đáp: Tôi không phải là một chuyên gia, nhưng liên quan tới Âu Châu ngày nay, xin cho tôi chuyển các bạn tới 3 bài nói tôi đã bày tỏ, hai bài ở Strasbourg và bài thứ ba vào dịp nhận giải Charlemagne, giải duy nhất tôi đã nhận vì nó nhấn mạnh nhiều đến tình hình Âu Châu đang trải qua, và tôi đã nhận nó như là một việc phục vụ. Ba bài nói này chất chứa những gì tôi nghĩ về Âu Châu.
Vấn: Phải chăng băng hoại là tội cả thể của thời đại chúng ta đây?
Đáp: Nó là một tội lớn. Thế nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta không được nghĩ về bản thân chúng ta như một trường hợp ngoại trừ về lịch sử. Đã luôn xẩy ra băng hoại. Luôn luôn và ở ngay tại nơi đây. Nếu các bạn đọc về lịch sử của các vị Giáo Hoàng, các bạn sẽ thấy một số gương mù gương xấu tế nhị... Đó là mới chỉ đề cập đến ngôi nhà riêng của tôi thôi chứ nói đến những chỗ khác. Có những tấm gương ở các xứ sở lân cận là nơi không có băng hoại, thế nhưng tôi sẽ vẫn nói đến ngôi nhà riêng của tôi. Đã có băng hoại ở nơi đây. Có nhiều. Chỉ cần nghĩ đến Đức Giáo Hoàng Alexander VI, và Lucrezia với "những thứ trà" bỏ độc của bà. (biệt chú của người dịch: Lucrezia là người con gái thứ 3 trong 4 người con 2 anh trai và 1 em gái, cả 4 đều là con của vị giáo hoàng này trước khi làm giáo hoàng và sau khi làm giáo hoàng ngài mới công khai công nhận cả 4 là con của ngài, trước đó ngài đã khéo léo che giấu).
Vấn: Đâu là những tin tức Đức Thánh Cha nhận được từ Tây Ban Nha? Đức Thánh Cha nhận được phản hồi ra sao về cách thức đón nhận ở Tây Ban Nha đối với sứ điệp của Đức Thánh Cha, sứ vụ của Đức Thánh Cha, hoạt động của Đức Thánh Cha?
Đáp: Cái tôi vừa nhận được từ Tây Ban Nha là một số polvorones (bánh bơ) và turrón de Jijona (kẹo nuga) tôi sẽ chia cho những bé trai.
Vấn: Ha ha. Ở Tây Ban Nha có một cuộc tranh cãi rất sôi động về chủ nghĩa thế tục và tính chất tôn giáo, như Đức Thánh Cha đã biết...
Đáp: Thật sự là rất sôi động...
Vấn: Đức Thánh Cha nghĩ gì về nó? Có thể nào tiến trình của chủ nghĩa thế tục cuối cùng sẽ đẩy Giáo Hội Công Giáo ra rìa hay chăng?
Đáp: Các bạn hãy nói chuyện với nhau. Đó là lời khuyên tôi cống hiến cho hết mọi xứ sở. Xin hãy nói chuyện. Hãy thực hiện một cuộc trao đổi huynh đệ, nếu các bạn cảm thấy có khả năng ấy hay ít là bằng một đường lối dân sự hóa. Đừng xỉ nhục nhau. Đừng lên án trước khi nói chuyện. Nếu, sau khi trao đổi chuyện trò, các bạn vẫn muốn xỉ nhục người khác, cũng được đi, nhưng trước hết phải nói chuyện đã. Nếu, sau khi trao đổi chuyện trò, các bạn vẫn muốn lên án kẻ khác, cũng được đi, nhưng trước hết phải nói chuyện đã. Ngày nay, ở cấp phát triển nhân bản của chúng ta mà chính trị lại không nói chuyện trao đổi thì là chuyện không thể nào tượng tượng nổi. Điều ấy áp dụng cho Tây Ban Nha và nơi khác. Vậy nếu các bạn hỏi tôi lời khuyên cho nhân dân Tây Ban Nha thì tôi xin nói rằng: hãy nói chuyện. Nếu có các vấn đề thì hãy nói chuyện trước đã.
Vấn: Chẳng lạ gì khi những lời của Đức Thánh Cha và những quyết định của Đức Thánh Cha được Mỹ Châu Latinh hào hứng theo đuổi. Đức Thánh Cha thấy miền châu lục này ra sao? Đức Thánh Cha thấy xứ sở của Đức Thánh Cha như thế nào?
Đáp: Cái trục trặc ở đây đó là Mỹ Châu Latinh đang phải chịu những tác dụng - được tôi nhấn mạnh trong Thông Điệp Laudato Si - của một bộ máy kinh tế lấy tiền bạc như vị thần linh chính yếu của mình, và nhắm đến các chính sách bao gồm nhiều thứ loại trừ. Gây ra nhiều khổ đau. Hiển nhiên là Mỹ Châu Latinh ngày nay đang là mục tiêu của một cuộc tấn công mãnh liệt bởi chủ nghĩa tự do kinh tế, thứ chủ nghĩa tôi đã lên án trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm khi tôi bảo rằng "nền kinh tế này sát hại". Nó sát hại bằng đói khổ. Nó sát hại bằng thiếu văn hóa. Giòng người di dân không chỉ từ Phi Châu đến Lampedusa hay Lesbos. Giòng người di dân xẩy ra từ Panama đến biên giới Mễ Tây Cơ và Hiệp Chủng Quốc. Dân chúng di tản để tìm kiếm một điều gì đó, vì những chế độ tự do này không cống hiến cho họ cơ hội làm việc và nuôi dưỡng nạn tội ác. Ở Mỹ Châu Latinh có nạn tổ chức tội ác buôn bán ma túy, những thứ ma túy được tiêu thụ ở Hiệp Chủng Quốc và Âu Châu. Họ chế tạo ma túy cho các xứ sở giầu có ở đó, và họ bị mất mạng sống của họ trong tiến trình này. Có những người sẵn sàng làm điều ấy. Ở quê hương của tôi, chúng tôi có một từ ngữ diễn tả họ: cipayos. Nó là một chữ văn chương cổ điển được bao gồm trong thi thơ đất nước của chúng tôi. Cipayo là người bán xứ sở của mình cho quyền lực ngoại bang nào trả giá cao nhất cho họ. Trong lịch sử Á Căn Đình chẳng hạn, bao giờ cũng có một thứ cipayo này nơi thành phần chính trị gia. Hoặc một vai trò chính trị nào đó đáng là những cipayos. Luôn là như thế. Bởi vậy Mỹ Châu Latinh cần phải tự mình tái võ trang với các nhóm chính trị sẽ phục hồi sức mạnh của dân chúng. Mẫu gương lớn nhất đối với tôi là Paraguay thời hậu chiến. Xứ sở này thua Trận Liên Minh Tay Ba và hầu hết đã ở trong tay phụ nữ. Nữ giới Paragua cảm thấy rằng họ cần phải tái thiết quốc gia, bênh vực đức tin của mình, bênh vực văn hóa của mình và bênh vực ngôn ngữ của mình, và họ đã đạt được. Nữ giới Paragua không phải là một tay cipaya, họ bênh vực những gì là của họ, và họ đã tái sinh xứ sở này. Tôi nghĩ rằng họ là thành phần nữ giới vinh quang nhất Châu Mỹ. Đó là một mẫu gương về một người không bỏ cuộc. Về tính chất anh hùng. Ở Buenos Aires có một vùng lân cận trên bờ sông Rio de la Plata, nơi có những con đường mang tên của những người nữ ái quốc, những người nữ đã chiến đấu cho nền độc lập, cho quê hương đất nước của họ. Những người nữ có một cảm quan khá hơn. Có lẽ là tôi quá đáng. Xin chỉnh sửa cho tôi nếu tôi quá đáng. Thế nhưng họ có một bản năng mãnh liệt hơn đối với việc bênh vực quê hương đất nước vì họ là những người mẹ. Họ không phải là những tên cipayas mấy. Họ càng ít có nguy cơ trở thành những tên cipayas.
Vấn: Đó là lý do tại sao thật là đau lòng khi chứng kiến thấy tất cả những bạo động phạm đến những người phụ nữ, một tại họa ở Mỹ Châu Latinh cũng như ở rất nhiều nơi khác...
Đáp: Hết mọi nơi. Ở Âu Châu... Ở Ý chẳng hạn, tôi đã đến thăm những tổ chức cứu vớt những cô gái điếm bị lợi dụng bởi những người Âu Châu. Một người trong số đó đã nói cùng tôi rằng họ đã mua cô ta từ Slovakia ở đằng sau xe. Họ bảo cô ta rằng cô ta cần phải kiếm được bằng này bằng nọ hôm nay, bằng không chúng tao sẽ đánh mày. Họ đánh cô ta. Ở Roma? Các hoàn cảnh của những người phụ nữ này, ở Roma, mới khiếp chứ. Ở cái nhà mà tôi đến thăm, có một người nữ bị cắt mất một tai. Khi các cô không kiếm được đủ thì bị họ hành hạ. Các cô gái này bị gài bẫy bởi nỗi khiếp sợ, thành phần lạm dụng các cô bảo các cô rằng chúng sẽ giết cha mẹ của các cô. Có những người Albany, Nigeria, thậm chí là người Ý. Một điều rất tốt mà hiệp hội này làm đó là ra ngoài đường, tiến đến với các người phụ nữ, và thay vì hỏi cô muốn đòi bao nhiêu, cô cho giá bao nhiêu, thì hỏi: Cô khổ đến thế nào? Rồi đem các cô đến một cộng đoàn an toàn để các cô hồi phục. Năm ngoái, tôi đã đến thăm một trong những cộng đoàn này có những người con gái đang phục hồi, và có hai nam nhân ở đó, hai tình nguyện viên. Một người nữ đã nói với tôi rằng: con đã gặp thấy chàng. Cô ta đã cưới người đàn ông đã giải cứu cô và họ đã hào hứng có một đứa con. Việc sử dụng nữ giới để kiếm lợi lộc là một trong những điều xấu xa nhất đang xẩy ra ngày nay, cả ở Rôma nữa. Đó là thứ nô lệ nữ giới.
Vấn: Đức Thánh Cha có nghĩ rằng sau khi nỗ lực về Thần Học Giải Phóng bị thất bại ở Mỹ Châu Latinh thì Giáo Hội Công Giáo đã bị mất nhiều cho những giáo phái khác và thậm chi là những bè phái? Đâu là lý do xẩy ra như thế?
Đáp: Thần Học Giải Phóng là những gì rất tích cực đối với Mỹ Châu Latinh. Tòa Thánh Vatican đã lên án phần chấp nhận thứ phân tích thực tại của Marx. Đức Hồng Y Ratzinger đã thực hiện hai cuộc điều tra khi ngài còn là Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Một về việc phân tích thực tại của Marx. Và lần hai là lần tái phục hồi một vài khía cạnh tích cực. Thần Học Giải Phóng có những khía cạnh tích cực cũng như những sai lệnh, chính yếu là những gì liên quan tới vấn đề phân tích về thực tại của Marx.
Vấn: Về vấn đề liên hệ của Đức Thánh Cha với Á Căn Đình, trong 3 năm vừa rồi Tòa Thánh vatican đã trở thành một mốc điểm hành hương cho các chính trị gia thuộc đủ mọi mầu sắc. Đức Thánh Cha có cảm thấy mình bị sử dụng hay chăng?
Đáp: Ồ, có chứ. Có người nói: chúng ta hãy chụp hình với nhau, như một lưu niệm vậy, và tôi hứa nó sẽ chỉ để cho tôi sử dụng riêng tư mà thôi, tôi sẽ không phổ biến nó. Thế rồi trước khi họ bước ra khỏi cửa thì nó đã được phổ biến rồi. [Ngài mỉm cười]. Thôi, nếu điều ấy làm cho họ cảm thấy vui thì đó là vấn đề của họ. Phẩm chất là người của họ bị sút giảm đi. Tôi có thể làm gì đây? Đó là vấn đề của họ chứ không phải của tôi. Ở Á Căn Đình luôn có nhiều cuộc du hành, nhưng ngày nay thì việc đến dự buổi triều kiến chung với Đức Giáo Hoàng hầu như là những gì bó buộc. [Ngài cười ra tiếng]. Có những người bạn bè của tôi đến nữa - tôi đã sống ở Á Căn Đình 76 năm - đôi khi là gia đình, các cháu nam nữ. Thế nhưng, đúng thế, tôi cảm thấy bị sử dụng. Có những người đã sử dụng tôi, sử dụng các hình ảnh của tôi, sử dụng các lời nói của tôi, như thể là tôi đã nói những điều ấy với họ, và bất cứ khi nào có ai hỏi tôi, tôi luôn đáp lại rằng: đó không phải là vấn đề của tôi, tôi chẳng nói gì với họ hết. Thế nhưng đối với mỗi người thì tùy lương tâm của họ.
Vấn: Một chủ đề thường xuyên là vai trò của giáo dân, nhất là vai trò của nữ giới trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha mong muốn họ có được ảnh hưởng lớn hơn, thậm chí là một vai trò nào đó trong việc thực hiện quyết định. Đức Thánh Cha nghĩ rằng Đức Thánh Cha có thể đạt được điều này bao xa nữa?
Đáp: Chúng ta không được nhìn vào vai trò của nữ giới theo quan điểm hành sự, vì như thế, cuối cùng, nữ giới, hay phong trào nữ giới trong Giáo Hội, sẽ trở thành một thứ chủ nghĩa ủng hộ nữ giới thái quá. Khía cạnh hành sự thì cũng chẳng có gì sai. Phó giám đốc văn phòng Báo Chí ở Vatican là một người nữ, giám đốc các Bảo Tàng Viện ở Vatican là một người nữ. Thế nhưng điều mà tôi muốn đó là vì nữ giới cống hiến cho chúng ta ý nghĩ của họ, vì Giáo Hội là người nữ, Giáo Hội là hôn thê của Chúa Giêsu Kitô, và đó là nền tảng thần học về nữ giới. Điều gì quan trọng hơn vào ngày Lễ Hiện Xuống, Đức Trinh Nữ hay là các vị tông đồ? Đức Trinh Nữ. Tuy nhiên, con đường trước mặt vẫn còn xa, và chúng ta cần phải làm việc để nữ giới có thể cống hiến cho Giáo Hội tính chất tươi mới nơi bản chất của họ và ý nghĩ của họ.
Vấn: Ở một số chuyến tông du, Đức Thánh Cha đã nói cùng các chức sắc trong Giáo Hội, cả ở Giáo Triều Rôma lẫn ở các phẩm trật địa phương hoặc ngay cả những vị linh mục và nữ tu nói chung, yêu cầu các vị dấn thân hơn nữa, gần gũi hơn nữa, thậm chí dịu dàng hơn nữa. Đức Thánh Cha thấy các vị ấy nhận lấy lời khuyên như khiển trách này ra sao?
Đáp: Tôi luôn chú trọng đến vấn đề gần gũi, kề cận. Nói chung thì nó được chấp nhận một cách tốt đẹp. Bao giờ cũng có những nhóm chính thống hơn ở hết mọi xứ sở, cả ở Á Căn Đình nữa. Họ là những nhóm nhỏ và tôi trân trọng họ, họ là những người tốt, thích sống đức tin của họ như thế. Tôi giảng dạy những gì tôi cảm thấy Chúa muốn cho tôi giảng dạy.
Vấn: Ở Âu Châu đang gia tăng con số linh mục và nữ tu xuất xứ từ Thế Giới Thứ Ba. Đâu là lý do cho sự kiện này?
Đáp: Một trăm năm mươi năm trước đây, ở Mỹ Châu Latinh, đã có con số linh mục và nữ tu Âu Châu gia tăng, tương tự như ở Phi Châu và Á Châu. Các giáo hội trẻ trung lan rộng. Ở Âu Châu ngày nay không còn sinh sản nữa. Ý quốc ở mức độ dưới không. Tôi nghĩ rằng Pháp quốc hiện nay đang dẫn đầu, nhờ tất cả các thứ luật về tỷ lệ sinh đẻ. Thế nhưng chẳng có sinh sản gì. Tình trạng an sinh ở Ý những năm trước đây đã cắt giảm sinh sản. Tốt hơn thì chúng ta đi nghỉ hè, có một con chó, một con mèo, chúng ta không có trẻ em, và nếu không sinh sản thì cũng không có ơn gọi.
Vấn: Trong các mật nghị hồng y của mình, Đức Thánh Cha đã thiết lập các vị hồng y ở trên khắp thế giới. Đức Thánh Cha muốn mật nghị hồng y tới đây ra sao , mật nghị sẽ tuyển chọn vị thừa kế Đức Thánh Cha? Tâu Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có nghĩ rằng Đức Thánh Cha sẽ chứng kiến thấy mật nghị hồng y tới đây hay chăng?
(Biệt chú của người dịch: Ở đây vị ký giả này đã hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô một câu thoạt tiên nghe dường như ngớ ngẩn, vì thường vị giáo hoàng tiền nhiệm phải chết rồi mới có vị giáo hoàng kế nhiệm; mà vì giáo hoàng tiền nhiệm chết rồi thì làm sao thấy được mật nghị hồng y bầu vị giáo hoàng kế nhiệm của mình chứ. Tuy nhiên, vị ký giả này hỏi một câu cũng rất chí lý, vì chúng ta đã từng nghe thấy mấy lần Đức Phanxicô nhắc qua đến chuyện ngài có thể về hưu như vị tiền nhiệm của mình. Lần quan trọng nhất và dứt khoát nhất xẩy ra cuối thánh lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Balan năm 2016 khi mà chính ngài đã khẳng định rằng ngài không đến tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần tới vào năm 2019 ở Panama là nơi chính ngài đã chọn).
Đáp: Tôi muốn nó phải có tính chất Công giáo. Một mật nghị hồng y Công giáo chọn bầu vị thừa kế của tôi.
Vấn: Đức Thánh Cha sẽ được chứng kiến thấy mật nghị này hay chăng?
Đáp: Tôi không biết. Điều ấy để cho Chúa quyết định. Khi tôi cảm thấy rằng tôi không thể tiếp tục được nữa thì vị đại sư phụ Biển Đức của tôi đã dạy tôi phải làm thế nào rồi. Và nếu Thiên Chúa muốn mang tôi đi trước khi đó thì tôi sẽ thấy nó ở đời sau. Tôi hy vọng rằng không phải từ Hỏa ngục... Thế nhưng tôi muốn nó là một mật nghị Công giáo.
Vấn: Đức Thánh Cha có vẻ rất vui là một vị Giáo Hoàng.
Đáp: Chúa là Đấng tốt lành đã không lấy mất cái tính hài hước tốt lành của tôi.
http://elpais.com/elpais/2017/01/21/inenglish/1485026427_223988.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu