GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY HÒA BÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 51

 

NGÀY 1/1/2018

 

 

 

 

"Thành Phần Di Dân và Tỵ Nạn là Những Con Người Nam Nữ Tìm Kiếm Hòa Bình"

 

 

 

 

1- Những chân nguyện ước hòa bình   

Hòa bình cho tất cả mọi dân tộc cũng như cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới! Hòa bình, được các thiên thần loan báo cho các mục đồng vào đêm Giáng Sinh (1) là một khát vọng sâu xa đối với hết mọi người, đối với mỗi người và mọi người, nhất là những ai nhức nhối khổ đau nhất bởi tình trạng vắng bóng của nó. Trong số những con người mà tôi liên lỉ nghĩ tưởng và cầu nguyện, một lần nữa, tôi muốn nói tới trên 250 triệu người di dân trên khắp thế giới, trong đó có 22 triệu rưỡi là những người tỵ nạn. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị tiền nhiệm thân yêu của tôi, đã nói về họ như là "những con người nam nữ, những trẻ em, giới trẻ và thành phần lão thành, đang tìm kiếm một nơi nào đó để sống bằng an" (2). Để tìm được bình an đó, họ sẵn sàng liều mạng bằng một cuộc hành trình thường lâu dài và nguy hiểm, chịu đựng gian nan khốn khó và khổ đau, và gặp phải các thứ rào cản và những bức tường ngăn chặn họ tiến đến những đích điểm của họ. 

Bằng một tinh thần thương cảm, chúng ta hãy gắn bó với tất cả những ai thoát khỏi chiến tranh và đói khổ, hay buộc phải xa lìa quê hương đất nước của họ bởi kỳ thị, bách hại, bần cùng và tình trạng thoái hóa môi sinh.

Chúng ta biết rằng việc mở lòng của chúng ta ra trước nỗi khổ đau của người khác vẫn chưa đủ. Còn nhiều điều khác nữa cần phải thực hiện trước khi anh chị em của chúng ta có thể trở lại sống an bình ở một ngôi nhà an toàn. Việc đón nhận những người khác đòi phải tỏ ra dấn thân một cách cụ thể, một công cuộc trợ giúp và thiện chí, một chú tâm thao thức và cảm thương, một điều hành hữu trách về những trường hợp mới mẻ và phức tạp, có những lúc cấu kết nhiều vấn đề đang xẩy ra, để chẳng đề cập gì tới các nguồn trợ giúp là những gì bao giờ cũng hạn hẹp. Bằng việc thực hành nhân đức khôn ngoan, các vị lãnh đạo chính quyền cần phải thực hiện các biện pháp cụ thể trong việc tiếp nhận, cổ võ, bảo vệ và hội nhập, và "trong giới hạn cho phép theo sự hiểu biết đúng đắn về công ích, cho phép họ được thuộc về một xã hội mới" (3). Các vị lãnh đạo rõ ràng là có trách nhiệm đối với các cộng đồng riêng của mình, thành phần có các quyền lợi hợp pháp, cùng với việc phát triển hòa hợp các vị cần bảo đảm, kẻo các vị trở nên như thành phần kiến thiết viên cẩu thả, tính toán sai lầm nên thất bại việc hoàn tất cái tháp mà các vị đã cất công xây dựng (4).

  

2- Tại sao lại có rất ư là nhiều người tỵ nạn và di dân? 

Khi nhìn đến Đại Năm Thánh đánh dấu giai đoạn 2000 năm từ lời Thiên Thần loan báo hòa bình ở Bêlem, Thánh Gioan Phaolô II đã vạch ra cho thấy con số gia tăng về những người di tản như là một trong những hậu quả của "tình trạng liên tục xẩy ra các cuộc chiến tranh, các cuộc xung đột, các cuộc diệt chủng và thanh lọc chủng tộc" (5) làm nên đặc tính của thế kỷ 20. Cho đến nay, thế kỷ mới này đã cho thấy vẫn chưa thực sự thay đổi: các cuộc xung đột vũ trang cùng với những hình thức bạo động có hệ thống khác vẫn tiếp tục thúc đẩy tình trạng di chuyển của dân chúng bên trong giới tuyến quốc gia cũng như bên ngoài quốc gia của họ.

Tuy nhiên, dân chúng di tản vì các lý do khác nữa, chính yếu là vì họ "muốn có một đời sống tốt đẹp hơn, và không phải là không thường xuyên cố gắng bỏ lại đằng sau 'nỗi vô vọng' về một tương lai vô hứa hẹn" (6). Họ lên đường để đoàn tụ với các gia đình của họ, hay để tìm kiếm những cơ hội về nghề nghiệp hay học vấn, vì những ai không thể hoan hưởng những quyền lợi này thì sống không được bình an. Hơn nữa, như tôi đã đề cập đến trong Thông Điệp Laudato Si', là đã từng xẩy ra "tình trạng gia tăng thê thảm về con số di dân tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo khổ gây ra bởi tình trạng thoái hóa môi sinh" (7).

Hầu hết dân chúng di dân theo các cách thức bình thường. Tuy nhiên, có một số lại theo những nẻo đường khác, chính yếu là vì tuyệt vọng, khi mà xứ sở của họ chẳng còn được an toàn hay cơ hội nữa, và hết mọi đường lối hợp pháp trở nên bất khả thi, bị ngăn chặn hay quá trì trệ.

Nhiều xứ sở đích nhắm đã gặp phải đầy những lời nói dèm pha về những thứ nguy cơ xẩy ra cho nền an ninh của quốc gia, hay phải trả giá mắc mỏ cho việc tiếp nhận những con người mới tới, và vì thế làm ô nhục phẩm giá con người xứng hợp với tất cả những người con nam nữ của Thiên Chúa. Những con người này, bất kể lý do chính trị nào, đang làm dậy lên nỗi sợ hãi về thành phần di dân, thay vì xây dựng hòa bình, là họ đang gieo rắc bạo lực, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại, những vấn đề rất đáng quan tâm đối với tất cả những ai chú trọng tới sự an toàn của hết mọi con người (8).

Tất cả những dấu hiệu sẵn có cho cộng đồng quốc tế cho thấy rằng việc di dân toàn cầu sẽ tiếp tục xẩy ra trong tương lai. Một số người coi đó là một mối đe dọa. Về phần mình, tôi xin anh chị em hãy tin tưởng coi nó là một cơ hội để xây dựng hòa bình. 

3- Bằng một ánh mắt chiêm ngắm 

Cái khôn ngoan của đức tin là những gì nuôi dưỡng một thứ ánh mắt chiêm ngắm nhận biết rằng tất cả chúng ta đều "thuộc về một gia đình duy nhất, thành phần di dân và dân chúng địa phương tiếp nhận họ, tất cả đều có quyền hoan hưởng những sự vật trên trái đất này, những sự vật có tính chất phổ quát đại đồng, như học thuyết về xã hội của Giáo Hội dạy. Tình liên đới và việc chia sẻ được thiết lập ở chỗ đó" (9). Những lời này gợi lại hình ảnh thánh kinh về một tân Giêrusalem. Sách tiên tri Isaia (đoạn 60) và sách Khải Huyền (đoạn 21) diễn tả thành này với những cổng thành luôn mở ra cho dân chúng của hết mọi quốc gia vào, thành phần dân chúng tỏ ra ngỡ ngàng trước thành ấy và làm cho thành ấy đầy những phong phú. Hòa bình là những gì tối hậu chi phối thành ấy, và công lý là nguyên tắc quản trị cho việc chung sống trong thành này.

Chúng ta cũng cần phải có ánh mắt chiêm ngắm này đối với những thành đô chúng ta đang sống, "một ánh mắt đức tin thấy được Thiên Chúa đang ở trong những ngôi nhà của chúng ta, ở nơi những đường phố và gốc phố, [...] khi nuôi dưỡng mối đoàn kết, tình huynh đệ và ước muốn những gì là thiện hảo, chân thật và công lý" (10) - nói cách khác, hoàn trọn hứa hẹn hòa bình.

Khi chúng ta hướng ánh mắt ấy về những người di dân và tị nạn, chúng ta khám phá thấy rằng họ không đến với bàn tay trắng. Họ mang theo lòng can đảm của họ, các năng khiếu, nghị lực và những hứng khởi, cùng với các kho tàng quí báu của văn hóa họ; nhờ đó họ làm phong phú đời sống của những quốc gia đón nhận họ. Chúng ta cũng thấy được cả tính chất sáng tạo, bền chí và tinh thần hy sinh của vô số cá nhân, gia đình và cộng đồng trên khắp thế giới mở cửa và mở lòng ra cho người di dân và tị nạn, cho dù nguồn lợi khan hiếm.

Ánh mắt chiêm ngắm cũng cần phải hướng dẫn việc nhận thức của những ai có trách nhiệm đối với ích chung và phấn khích họ theo đuổi những chính sách tiếp nhận, "trong giới hạn được phép bằng một ý thức đứng đắn về công ích" (11) - khi nhớ rằng, đó là các nhu cầu của tất cả mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại và phúc lợi của từng người.

Những ai nhìn các sự vật như thế mới có thể nhìn nhận những hạt giống hòa bình đã nẩy nở và nuôi dưỡng đà phát triển của chúng. Các thành đô của chúng ta, thường bị chia cắt và phân cực bởi những xung khắc về sự hiện diện của thành phần di dân và tị nạn, nhờ đó mới trở thành những công xưởng của hòa bình.  

4- Bốn Cọc Mốc Hành Động

Khi cống hiến cho thành phần tìm kiếm nơi cư trú, thành phần tị nạn, thành phần di dân và các nạn nhân của nạn buôn người có được một cơ hội để gặp được hòa bình họ tìm kiếm là những gì đòi phải có một sách lược bao gồm 4 việc làm: đón nhận, bảo vệ, cổ võ và hội nhập (12).

"Việc đón nhận" đòi phải nới rộng những cách thức hợp pháp cho việc đi vào mà không còn đẩy những người di dân và thành phần di tản về lại các xứ sở họ đang đối diện với tình trạng bách hại và bạo lực. Việc này cũng đòi hỏi phải làm sao cân bằng giữa mối quan tâm của chúng ta về tình hình an ninh của quốc gia với mối quan tâm đối với những quyền căn bản làm người. Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta rằng: "Đừng quên tỏ ra hiếu khách với những người xa lạ, vì làm như thế là một số người đã tỏ ra hiếu khách với các thiên thần mà không biết" (13).

"Việc bảo vệ" cần phải thực hiện theo nghĩa vụ của chúng ta trong việc nhìn nhận và bênh vực phẩm giá bất khả xúc phạm của những ai thoát khỏi những nguy hiểm thực sự để tìm kiếm nơi trú ngụ và an ninh, và làm sao ngăn ngừa họ khỏi bị khai thác. Tôi đặc biệt nghĩ đến nữ giới và trẻ em là những con người bị rơi vào những trường hợp nguy hiểm và bị lạm dụng, thậm chí cho đến độ trở thành nô lệ. Thiên Chúa là Đấng không kỳ thị: "Chúa trông coi kẻ ngoại kiều và nâng đỡ cô nhi quả phụ" (14).

"Việc cổ võ" bao gồm việc nâng đỡ vấn đề phát triển toàn diện con người của thành phần di dân và tị nạn. Trong số những phương tiện khả thể để thực hiện điều ấy, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo đảm làm sao có thể tiến đến chỗ trẻ em và giới trẻ được giáo dục ở mọi cấp. Điều này sẽ giúp cho họ chẳng những vun trồng và nhận ra khả năng của mình mà còn trang bị tốt hơn cho họ trong việc gặp gỡ những người khác và nuôi dưỡng một tinh thần đối thoại hơn là loại trừ hay đối chọi. Thánh Kinh dạy rằng Thiên Chúa "yêu thương kẻ ngoại kiều ở giữa các ngươi, bằng cách ban cho họ của ăn áo mặc. Các ngươi cũng phải thương yêu kẻ ngoại kiều, vì chính các ngươi đã từng là ngoại kiều bên Ai Cập" (15). 

"Việc hội nhập", sau hết, nghĩa là giúp cho những người tị nạn và di dân được hoàn toàn tham dự vào đời sống của xã hội tiếp nhận họ, như một phần của tiến trình phong phú lẫn nhau và hợp tác tốt đẹp giúp vào việc phát triển toàn vẹn con người của cộng đồng địa phương. Thánh Phaolô diễn tả điều này ở những lời lẽ như sau: "Anh em không còn là những người ngoại kiều và khách lạ, mà là đồng bào với dân Chúa" (16).

5- Một Đề Nghị cho Hai Thỏa Hiệp Quốc Tế

Tôi tha thiết hy vọng rằng tinh thần này sẽ hướng dẫn tiến trình mà trong giai đoạn của năm 2018 sẽ khiến cho Liên Hiệp Quốc soạn thảo và chấp nhận Hai Thỏa Thuận Toàn Cầu, một thỏa thuận về việc di dân một cách an toàn, trật tự và bình thường, và một Thỏa Thuận cho những người tị nạn. Là những hiệp định chung ở tầm mức toàn cầu, những thỏa thuận này sẽ cung cấp một khuôn mẫu cho những dự thảo qui định và những biện pháp thực tiễn. Đó là lý do chúng cần được tác động bởi lòng cảm thương, nhìn xa trông rộng và lòng can đảm, hầu lợi dụng hết mọi cơ hội để đẩy mạnh tiến trình xây dựng hòa bình này. Chỉ theo cách thức ấy chủ nghĩa hiện thực cần thiết của các chính sách quốc tế mới tránh được tình trạng chào thua trước chủ nghĩa yếm thế cũng như trước tính cách toàn cầu hóa tính chất dửng dưng lãnh đạm.

Việc đối thoại và hợp tác là những gì cần thiết và là một phận sự đặc biệt đối với cộng đồng quốc tế. Nếu việc hợp tác quốc tế bảo đảm ngân quĩ cần thiết thì ở bên ngoài các biên giới quốc gia sẽ có được một con số tị nạn nhân cao hơn được đón nhận - hay được đón nhận một cách tốt đẹp hơn - bởi cả những xứ sở ít giầu có hơn.

Phần Vụ về Di Dân và Tị Nạn thuộc Phân Bộ Cổ Võ Phát Triển Toàn Diện Con Người đã phát hành một loạt 20 điểm hành động để cung cấp những hướng dẫn cụ thể cho việc áp dụng 4 động từ này nơi chính sách chung cũng như nơi các thái độ cùng hoạt động của những cộng đồng Kitô hữu (17). Mục đích của việc làm này cũng như các đóng góp khác là để bày tỏ mối quan tâm của Giáo Hội Công Giáo nơi tiến trình dẫn tới việc chấp nhận hai Thỏa Thuận Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc. Mối quan tâm này là dấu hiệu của một mối quan tâm mục vụ tổng quát hơn là những gì trở về với chính cội nguồn của Giáo Hội và đã tiếp tục nơi nhiều việc làm của Giáo Hội cho tới ngày nay. 

6- Vì Ngôi Nhà Chung của chúng tôi

Chúng ta hãy lấy cảm hứng từ những lời của Thánh Gioan Phaolô II: "Nếu 'giấc mơ' về một thế giới bình an đều được mọi người chia sẻ, nếu việc góp phần của những người tị nạn và di dân được thẩm định thích đáng, thì nhân loại có thể càng ngày càng trở thành một gia đình đại đồng hơn, và trái đất của chúng ta trở thành một 'ngôi nhà chung' thực sự" (18). Dọc suốt giòng lịch sử, nhiều người đã tin vào 'giấc mơ' ấy, và những đạt thành của họ là một chứng từ cho thấy rằng nó không phải chỉ là một lý tưởng thuần túy.

Trong số những con người ấy chúng ta nhớ đến Thánh Frances Cabrini trong năm ghi dấu 200 năm cái chết của thánh nhân. Vào ngày 13/11 này, nhiều cộng đồng Giáo Hội cử hành lễ nhớ thánh nữ. Người nữ đáng kể này, vị đã hiến đời mình cho việc phục vụ những người di dân và đã trở nên vị quan thày của họ, đã dạy chúng ta biết tiếp nhận, bảo vệ, cổ võ và hội nhập anh chị em của chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của ngài, xin Chúa giúp cho tất cả chúng ta có thể cảm nghiệm thấy rằng "mùa gặt công chính được những ai đi làm hòa bình gieo trong an bình" (19). 

Tại Vatican ngày 13/11/2017

Lễ Nhớ Thánh Frances Xavier Cabrini, Quan Thày Những Người Di Dân

 

Phanxicô

[1 Luke 2:14.

[2] Angelus, 15 January 2012.

[3] JOHN XXIII, Encyclical Letter Pacem in Terris, 106.

[4] Luke 14:28-30.

[5] Message for the 2000 World Day of Peace, 3..

[6] BENEDICT XVI, Message for the 2013 World Day of Migrants and Refugees.

[7] No. 25.

[8] Cf. Address to the National Directors of Pastoral Care for Migrants of the Catholic Bishops’ Conferences of Europe, 22 September 2017.

[9] BENEDICT XVI, Message for the 2011 World Day of Migrants and Refugees.

[10] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 71.

[11] JOHN XXIII, Encyclical Letter Pacem in Terris, 106.

[12] Message for the 2018 World Day of Migrants and Refugees.

[13] Hebrews 13:2.

[14] Psalm 146:9.

[15] Deuteronomy 10:18-19.

[16] Ephesians 2:19.

[17] “Twenty Pastoral Action Points” and “Twenty Action Points for the Global Compacts” (2017); cf. also U.N. Document A/72/528.

[18] Message for the World Day of Migrants and Refugees 2004,, 6.

[19] James 3:18.


http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/peace/documents/papa-francesco_20171113_messaggio-51giornatamondiale-pace2018.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu