GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô

Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Người Nghèo tiên khởi

Chúa Nhật 33 Thường Niên ngày 19/11/2017

 

 

Chúng ta hãy yêu thương bằng việc làm chứ không phải bằng lời nói

 

 

1- "Hỡi các con nhỏ bé, chúng ta đừng yêu thường bằng lời nói mà là bằng việc làm và trong chân lý" (1Gioan 3:18). Những lời này của Thánh Gioan là những gì làm vang lên một mệnh lệnh mà không một Kitô hữu nào được bỏ qua. Tính cách nghiêm chỉnh mà "người môn đệ được yêu" này truyền lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho thời đại của chúng ta thậm chí còn được sáng tỏ hơn bởi cái tương phản giữa những lời sáo rỗng quá thường xuyên trên môi miệng của chúng ta với những việc làm cụ thể nhờ đó chúng ta được kêu gọi để đo lường bản thân mình. Tình yêu không có vấn đề viện cớ cáo lỗi. Bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu yêu thương như Chúa Giêsu đã thương yêu, là chúng ta đều phải lấy Chúa làm gương; nhất là khi cần phải yêu thương người nghèo khổ. Đường lối yêu thương của Người Con Thiên Chúa là những gì đã quá rõ ràng, và Thánh Gioan đã hiển nhiên vạch ra cho thấy. Đường lối này có hai trụ cột: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước (xem 1Gioan 4:10,19), và Ngài đã yêu thương chúng ta bằng việc hoàn toàn hy hiến bản thân mình, cho dù có phải bỏ mạng sống của mình (xem 1Gioan 3:16).

 Một tình yêu như thế thì không thể nào lại không được đáp trả. Cho dù tình yêu này đã được cống hiến vô điều kiện, chẳng xin gì đền đáp, nó vẫn làm cho các tâm can bừng cháy khiến tất cả những ai cảm thấy nó đều bị thúc đẩy đáp trả, bất chấp những hạn hữu và tội lỗi của họ. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xẩy ra nếu chúng ta biết đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, đức ái nhân hậu của Ngài, tràn đầy bao nhiêu có thể trong lòng của chúng ta, nhờ đó ý muốn của chúng ta và thậm chí các cảm xúc của chúng ta được thúc đẩy yêu mến cả Thiên Chúa lẫn tha nhân. Có thế, lòng thương xót vọt lên từ trái tim của Ba Ngôi mới có thể hình thành cuộc đời của chúng ta và mang lại cả lòng thương cảm lẫn các việc làm thương xót cho lợi ích của những người anh chị em đang cần thiết của chúng ta.

2- "Người nghèo này đã kêu lên và Chúa đã nghe lời họ" (Thánh Vịnh 34:6). Giáo Hội luôn hiểu tầm quan trọng của tiếng kêu ấy. Chúng ta có được một chứng từ nổi bật về điều này ở những trang đầu tiên của Sách Tông Vụ, khi Thánh Phêrô yêu cầu 7 nam nhân, "đầy Thần Linh và khôn ngoan" (6:3), được chọn vào thừa tác vụ chăm sóc người nghèo. Đó thật sự là một trong những dấu hiệu đầu tiên của việc cộng đồng Kitô hữu tiến lên khấu trường thế giới: việc phục vụ người nghèo. Cộng đồng sơ khai đã nhận thức được rằng là một người môn đệ của Chúa Giêsu nghĩa là chứng tỏ tình huynh đệ và tình đoàn kết, hợp với lời công bố của Vị Sư Phụ về người nghèo là thành phần có phúc và là những kẻ được thừa hưởng Nước Trời (xem Mathêu 5:3).

"Họ đã bán đi những gì họ có cùng các thứ sản vật mà phân phát cho tất cả mọi người tùy theo nhu cầu" (Tông Vụ 2:45). Nơi những lời này, chúng ta thấy mối quan tâm sống động của thành phần Kitô hữu tiên khởi được thể hiện một cách tỏ tường. Thánh ký Luca, vị nói về lòng thương xót hơn bất cứ ai khác, không quá đáng khi ngài diễn tả việc thực hành chia sẻ này trong cộng đồng sơ khai. Ngược lại, những lời của ngài được ngỏ cùng các tín hữu ở mọi thế hệ, bởi thế cũng ngỏ cùng chúng ta nữa, để duy trì việc chúng ta làm chứng và phấn khích việc chúng ta chăm sóc cho những ai đang thiếu thốn cần thiết. Sứ điệp này cũng được Tông Đồ Giacôbê truyền đạt bằng một niềm xác tín như vậy. Trong Bức Thư của mình, ngài không tiếc lời nói: "Xin hãy lắng nghe, hỡi anh em yêu dấu của tôi. Thiên Chúa đã chẳng chọn những ai nghèo khổ trên thế giới này để được nên giầu có về đức tin và là thành phần thừa hưởng vương quốc Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài hay sao? Thế nhưng anh em đã bất kính với người nghèo. Không phải là kẻ giầu đàn áp anh em và lôi anh em ra tòa hay sao?... Thưa anh em vậy thì đâu là lợi ích nếu có ai nói họ không có đức tin nhưng có việc làm? Đức tin của họ có cứu họ hay chăng? Nếu một người anh em hay chị em ăn mặc nghèo nàn và thiếu thốn lương thực hằng ngày, và một người nào đó trong anh em nói với họ rằng: 'Chúc đi bình an, ăn no mặc ấm', mà chẳng cho họ những gì họ cần cho thân xác; thì nào có lợi chi? Tự đức tin cũng thế, nếu không có việc làm là đức tin chết" (2:5-6.14-17).  

3- Tuy nhiên đã từng có những lúc Kitô hữu không hoàn toàn lắng nghe lời kêu gọi này, và chiều theo cách suy nghĩ của thế gian. Nhưng Thánh Linh vẫn không ngừng kêu gọi họ hãy gắn ánh mắt của mình vào những gì là thiết yếu. Ngài đã làm nổi lên những con người nam nữ cống hiến cuộc đời của mình một cách khác nhau cho việc phục vụ người nghèo. Trên hai ngàn năm qua, biết bao nhiêu là trang sử đã được viết lên bởi những Kitô hữu, một cách hoàn toàn giản dị và khiêm hạ, và bằng một đức ái quảng đại cùng sáng tạo, đã phục vụ những người anh chị em nghèo nhất trong các người nghèo của mình!

  Tấm gương nổi bật nhất là gương của Thánh Phanxicô Assisi, một tấm gương được dõi theo bởi nhiều con người nam nữ thánh thiện qua các thế kỷ. Ngài không mãn nguyện trong việc ôm lấy những con người phong cùi và làm phúc cho họ, mà đã chọn đi đến Gubbio để ở với họ. Ngài đã coi cuộc gặp gỡ này như là khúc quanh của việc ngài hoán cải: "Khi tôi sống trong tội lỗi thì dường như quá đắng cay chua xót khi nhìn thấy những người phong cùi, và chính Chúa đã dẫn tôi đến ở giữa họ và tôi đã tỏ lòng thương xót họ. Khi tôi rời họ thì điều đã dường như chua xót cay đắng ấy đã được biến thành ngọt ngào của tâm trí lẫn xác thân" (Text 1-3: FF 110). Chứng từ này cho thấy quyền năng biến đổi của đức ái và lối sống của Kitô hữu.

Chúng ta có thể nghĩ đến người nghèo thuần túy như là thành phần hưởng lợi của hoạt động tự nguyện tùy lúc của chúng ta, hay là của những tác động quảng đại theo hứng cho nguôi ngoai lương tâm của chúng ta. Tuy nhiên, những tác động tốt lành và hữu ích như vậy có thể làm cho chúng ta trở thành nhậy cảm với các nhu cầu của dân chúng và những bất công thường là căn  nguyên của các nhu cầu ấy, chúng vẫn cần phải dẫn đến một cuộc hội ngộ thật sự với người nghèo và một sự chia sẻ như là một lối sống. Việc chúng ta cầu nguyện và cuộc hành trình của chúng ta làm môn đệ và hoán cải là những gì được khẳng định bởi tính chất trung thực phúc âm nơi chính đức ái và việc chia sẻ như vậy. Lối sống này làm phát sinh niềm vui và an bình trong tâm hồn, vì chính bàn tay chúng ta đụng chạm đến xác thịt của Chúa Kitô. Nếu chúng ta thực sự muốn gặp gỡ Chúa Kitô chúng ta cần phải chạm đến thân thể của Người nơi những tấm thân đau thương của người nghèo, như là một đáp ứng cho mối hiệp thông về bí tích được ban cho trong Thánh Thể. Thân Mình của Chúa Kitô, được bẻ ra nơi phụng vụ thánh, có thể được thấy, qua đức ái và việc chia sẻ, nơi các dung nhan và con người của những người anh chị em mềm yếu dễ bị tổn thương nhất của chúng ta. Lời cảnh giác của Thánh Gioan Kim Khẩu vẫn hằng hợp thời: "Nếu anh em muốn tôn kính thân mình của Chúa Kitô, thì đứng khinh bỉ thân thể ấy khi nó bị trần trụi; đừng tôn kính Đức Kitô Thánh Thể bằng những lễ phục lụa là gấm vóc để rồi ra khỏi nhà thờ thì bỏ bê Đức Kitô khác đang khổ đau vì lạnh lẽo và trần trụi" (Hom. in Matthaeum, 50.3: PG 58). 

Vậy chúng ta được kêu gọi đến gần với người nghèo, để gặp gỡ họ, để nhìn vào ánh mắt của họ, để ôm lấy họ và để họ cảm thấy cái ấm áp của tình yêu xuyên suốt cảnh lẻ loi cô độc của họ. Bàn tay giang rộng của họ cũng là một lời mời gọi hãy bước ra ngoài những gì là bảo đảm an toàn và thoải mái dễ chịu, và nhìn nhận cái giá trị của bản chất nghèo khổ.

4- Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, đối với người môn đệ của Chúa Kitô, thanh bần là tiếng gọi trên hết theo Chúa Giêsu sống đời nghèo khổ của Người. Nghĩa là bước đi theo Người và bên Người, một cuộc hành trình dẫn đến phúc đức của Nước Trời (xem Mathêu 5:3; Luca 6:20). Thanh bần nghĩa là có một tấm lòng khiêm hạ viết chấp nhận những hạn hữu của tạo vật và tội lỗi, nhờ đó chúng ta có thể thắng vượt được khuynh hướng cảm thấy mình toàn năng và bất tử. Thanh bần là một thái độ nội tâm tránh nhìn đến tiền bạc, nghề nghiệp và những gì là sang trọng như là đích điểm của đời mình và là điều kiện mang lại hạnh phúc cho mình. Trái lại, thanh bần là những gì tạo điều kiện để được thảnh thơi gánh vác các thứ trách nhiệm bản thân và xã hội, bất chấp những hạn hẹp của chúng ta, bằng lòng tin tưởng vào sự gần gũi cận kề của Thiên Chúa cùng với sự hỗ trợ của ân sủng Ngài. Thanh bần, hiểu như thế, là một thứ thước đo giúp chúng ta nhận định phải sử dụng các sản vật chất thể làm sao cho tốt đẹp nhất và xây dựng các mối liên hệ ra sao vừa không vị kỷ cũng chẳng chiếm hữu (cf. Catechism of the Catholic Church, Nos. 25-45).

Bởi vậy chúng ta hãy theo gương Thánh Phanxicô và chứng từ của ngài về đức thanh bần chân chính. Chính vì đã gắn mắt vào Chúa Kitô mà Thánh Phanxicô đã có thể thấy và phục vụ Người nơi người nghèo. Nếu chúng ta muốn giúp vào việc làm thay đổi lịch sử và phát động việc phát triển thực sự, chúng ta cần nghe tiếng kêu của người nghèo và dấn thân chấm dứt tình trạng sống bên lề xã hội của họ. Đồng thời tôi xin người nghèo ở các thành phố của chúng ta và ở các cộng đồng của chúng ta đừng đánh mất cái cảm quan về đức thanh bần phúc âm vốn làm nên đời sống hằng ngày của họ.

5- Chúng ta biết rằng, đối với thế giới hiện nay của chúng ta thật là khó khăn biết bao để thấy được đức thanh bần ra sao. Tuy nhiên, nghèo khổ là những gì hằng ngày thách đố chúng ta bằng muôn ngàn cách, nơi những khuôn mặt đượm đau thương, nơi tình trạng sống bên lề xã hội, nơi cảnh bị đàn áp, nơi bạo lực, nơi việc hành hạ và tù đầy, nơi chiến tranh, nơi hoàn cảnh bị tước mất quyền tự do và phẩm giá, nơi tình trạng dốt nát và mù chữ, nơi những việc cấp cứu về bệnh lý và nơi tình trạng thiếu việc làm, nơi việc buôn người và nô lệ, nơi việc đầy ải, nơi cảnh bần cùng và buộc phải di dân. Nghèo khổ có khuôn mặt của những ngưòi phụ nữ, của những nam nhân và của những trẻ em bị khai thác bởi những lợi lộc đê hèn, bị nghiền tán bởi những guồng máy quyền lực và tiền của. Bản liệt kê cay đắng thật dài này chúng ta cần phải thêm vào tình trạng nghèo khổ xuất phát từ cái bất công xã hội, từ cái tụt hậu về luân lý, từ lòng tham lam của một thiểu số ưu tú, và từ thái độ lãnh đạm tổng quan hóa!

Thảm thương thay, trong thời đại của chúng ta, ngay cả khi mà tình trạng phô trương giầu thịnh chồng chất trong tay của một thiểu số thành phần đặc quyền đặc lợi, thường liên hệ tới những hoạt động bất hợp pháp và việc khai thác kinh khiếp phẩm giá con người, thì lại đang diễn ra tình trạng gia tăng nghèo khổ một cách tệ hại ở phần lớn xã hội trên khắp thế giới. Đối diện với thảm kịch này, chúng ta không thể khoanh tay làm ngơ, lại càng không được rút lui. Có một thứ nghèo khổ đang dập tắt đi tinh thần khởi động của rất nhiều người trẻ bằng việc cản trở họ tìm kiếm việc làm. Có một thứ nghèo khổ đang làm cùn nhụt đi cái cảm quan trách nhiệm cá nhân, để mặc những người khác làm việc trong khi chúng ta tìm kiếm những gì là ân huệ. Có một thứ nghèo khổ đang đầu độc những nguồn hứng thú dự phần và chỉ giành một chút chỗ đứng cho tính chất chuyên nghiệp; như thế là nó hạ giá công trạng của những ai thực sự làm việc và sản xuất. Chúng ta cần phải đáp ứng tất cả các hình thức nghèo khổ này bằng một nhãn quan mới về cuộc sống và xã hội.

Tất cả mọi người nghèo - như Chân Phước Phaolô VI đã thích nói - đều thuộc về Giáo Hội bởi "quyền lợi phúc âm - evangelical right" (Address at the Opening of the Second Session of the Second Vatican Ecumenical Council, 29 September 1963), và đòi chúng ta vì họ mà phải có một chọn lựa căn bản. Bởi thế mới phúc thay những bàn tay rộng mở ôm lấy kè nghèo khổ và giúp đáp họ: họ là những bàn tay mang lại hy vọng. Phúc thay những bàn tay vươn ra ngoài hết mọi ngăn trở về văn hóa, tôn giáo và quốc tịch, và đổ dầu an ủi trên các vết thương của nhân loại. Phúc thay những bàn tay cởi mở không đòi gì đáp trả, chẳng có những thứ "nếu" hay "nhưng" hoặc "có thể": chúng là những bàn tay kéo ân phúc của Thiên Chúa xuống trên những người anh chị em của họ.

6- Vào lúc kết thúc Năm Thánh Thương Xót, tôi đã muốn cống hiến Giáo Hội một Ngày Thế Giới Người Nghèo, để khắp thế giới các cộng đồng Kitô hữu có thể trở nên một dấu hiệu lớn lao cao cả hơn nữa về đức ái của Chúa Kitô đối với những ai hèn mọn nhất và những ai thiếu thốn nhất. Thêm vào những Ngày Thế Giới được các Vị Tiền Nhiệm của tôi thiết lập đã trở thành truyền thống trong các cộng đồng của chúng ta, tôi muốn cả ngày này nữa, một ngày làm cho những ngày ấy tăng hơn cái tầm vóc viên trọn tuyệt vời của phúc âm, đó là tình yêu thương ưu ái của Chúa Giêsu đối với người nghèo.

Tôi mời gọi toàn thể Giáo Hội, cùng con người nam nữ thiện tâm khắp nơi, vào ngày này hãy hướng mắt của mình tới tất cả những ai đang giơ tay của họ ra để xin chúng ta giúp đỡ và tình liên kết. Họ là những người anh chị em của chúng ta, được tạo nên và được yêu thương bởi một Cha Trên Trời. Ngày này trên hết là để phấn khích các tín hữu hãy phản ứng lại một thứ văn hóa loại trừ và hoang phí, và hãy bám lấy thứ văn hóa gặp gỡ. Đồng thời, hết mọi người, bất kể theo đạo nào, cũng được mời gọi cởi mở và chia sẻ với người nghèo bằng những dấu hiệu cụ thể của tình đoàn kết và huynh đệ. Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất cho tất cả mọi người; thế mà, buồn thay, có một số đã dựng nên những rào cản, những bức tường và những hàng rào, phản lại tặng ân nguyên thủy nhắm đến toàn thể nhân loại, không loại trừ một ai.

7- Tôi mong muốn rằng, vào tuần lễ trước Ngày Thế Giới Người Nghèo, một ngày năm nay rơi vào 19/11, Chúa Nhật 33 Thường Niên, các cộng đồng Kitô hữu sẽ hết sức nỗ lực để tạo nên những giây phút gặp gỡ và hữu nghị, đoàn kết và hỗ trợ cụ thể. Họ có thể mời người nghèo và các tình nguyện viên cùng nhau tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật ấy, như một cách thức thực hiện một cuộc cử hành thậm chí chân thực hơn Lễ Trọng Kính Đức Giêsu Kitô của chúng ta, Vua Vũ Trụ, ở Chúa Nhật sau đó. Vai trò làm vua của Chúa Kitô hiển nhiên nhất ở trên Đồi Golgota, khi Đấng Vô Tội, bị đóng đinh vào thập giá, nghèo khổ, bần cùng, trần trụi và bị tước lột tất cả, nhập thể và tỏ ra cho thấy tất cả tình yêu thương của Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu hoàn toàn phó mình cho Chúa Cha là những gì cho thấy tất cả cái nghèo khổ của Người và cho thấy cái quyền lực của một Tình Yêu làm Người bừng lên sự sống mới vào ngày Phục Sinh.

Ngày Chúa Nhật này, nếu có người nghèo ở nơi chúng ta sống, thành phần tìm kiếm sự bao che và trợ giúp, thì chúng ta hãy đến gần họ: Nó sẽ là một giây phút hồng phúc để gặp gỡ Vị Thiên Chúa chúng ta tìm kiếm. Theo giáo huấn của Thánh Kinh (cf. Gen 18:3-5; Heb 13:2), chúng ta hãy đón nhận họ như các vị khách danh dự ở bàn tiệc của chúng ta; họ có thể là những thày dạy giúp chúng ta sống đức tin nhất trí hơn. Bằng lòng tin tưởng của họ và việc họ sẵn sàng chấp nhận sự giúp đỡ, họ cho chúng ta thấy một cách âm thầm và thường hoan hỉ sự thiết yếu ra sao trong việc sống một cách đơn sơ giản dị và phó mình cho việc quan phòng của Thiên Chúa.

8- Ở tâm điểm của tất cả những khởi xướng cụ thể được thi hành vào ngày này bao giờ cũng là cầu nguyện. Chúng ta đừng quên rằng Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của người nghèo. Việc chúng ta xin bánh diễn tả việc chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa về các nhu cầu căn bản của chúng ta trong cuộc đời. Hết mọi sự Chúa Giêsu dạy chúng ta trong lời cầu nguyện này đều bày tỏ và qui tụ lại tiếng kêu của tất cả những ai đau khổ bởi những bất định của cuộc đời và thiếu thốn những gì họ cần. Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho các vị cầu nguyện, thì Người đã trả lời bằng những lời được người nghèo sử dụng để thân thưa cùng Người Cha duy nhất của chúng ta, Đấng mà trong Ngài tất cả mọi người đều nhìn nhận mình là anh chị em với nhau. Kinh Lạy Cha là một kinh nguyện được đọc ở số nhiều: bánh chúng ta xin là "của chúng con", và là thứ bánh bao gồm việc chia sẻ, tham dự và đồng trách nhiệm. Nơi kinh nguyện này, tất cả chúng ta đều nhận thấy cần phải thắng vượt hết mọi hình thức vị kỷ, để tiến vào niềm vui của việc chấp nhận nhau.

9- Tôi xin chư huynh Giám Mục, và tất cả mọi linh mục cùng phó tế, thành phần theo ơn gọi của mình có sứ vụ nâng đỡ người nghèo, cùng với tất cả mọi con người tận hiến cũng như tất cả mọi hội đoàn, phong trào và tình nguyện viên khắp nơi, giúp làm cho Ngày Thế Giới Người Nghèo này trở thành một truyền thống cụ thể đóng góp cho việc truyền bá phúc âm hóa trong thế giới ngày nay.

Bởi thế, Ngày Thế Giới mới này cần phải trở nên một lời kêu gọi mạnh mẽ lương tâm của chúng ta là các tín hữu, giúp chúng ta có thể càng thêm xác tín rằng việc chia sẻ với người nghèo giúp chúng ta hiểu được chân lý sâu xa nhất của Phúc Âm. Người nghèo không phải là một vấn đề: họ là một nguồn lợi cần được kín múc khi chúng ta nỗ lực chấp nhận và thực hành trong đời sống của mình cái thiết yếu của Phúc Âm.

Tại Vatican ngày 13/6/2017

Lễ Nhớ Thánh Antôn Padua

Phanxicô

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/poveri/documents/papa-francesco_20170613_messaggio-i-giornatamondiale-poveri-2017.html