TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2017

 

Trong mục này bao gồm các bài sau đây:

Ngoại giao Mỹ "đang chết dần" (7/12/2017)

Hiu hắt ngành ngoại giao Mỹ những ngày đầu dưới thời Trump

Ngoại giao Mỹ: Quan điểm của Donald Trump quay ngoặt 180°

Mỹ: Rex Tillerson ngày càng bị cô lập trong bộ Ngoại Giao

Mối nguy hiểm của sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại Mỹ

Hình ảnh nước Mỹ xấu đi trong mắt thế giới dưới chính quyền TT Trump

Donald Trump và trò may rủi trong chính sách đối ngoại

 

 

Ngoại giao Mỹ "đang chết dần"

 

media

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại New York, ngày 02/12/2017.

« Ngoại giao Mỹ đang chết dần » là nhận định của ông Jeffrey Hawkins - cựu đại sứ Mỹ tại Trung Phi - trong bài viết trên chuyên mục « Tranh luận và phân tích » của báo Le Monde. Ông Jeffrey Hawkins từ chức hồi tháng 09/2017 : Ông không muốn tiếp tục đại diện cho tổng thống vì ông có lý tưởng chính trị khác xa ông Trump.

 

Theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ Jeffrey Hawkins, Washington đang mất đi các nhà ngoại giao cao cấp nhất, kỳ cựu nhất, dày dặn kinh nghiệm nhất, các chuyên gia về nhân quyền, khủng bố, Trung Quốc, cũng như các chuyên gia về nhiều lĩnh vực quan trọng mà một cường quốc như nước Mỹ phải đương đầu.

Mới đây, bà Barbara Stephenson, lãnh đạo American-Foreign Service Association, một nghiệp đoàn ngoại giao, đã cảnh báo « Đội ngũ lãnh đạo (trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ) đã biến mất với tốc độ nhanh chóng mặt ». 33 quan chức với cấp bậc tương đương tướng ba sao đã giảm xuống còn 19 người. 431 quan chức tương đương cấp bậc tướng hai sao nay chỉ còn có 369 người. Tuần nào cũng có những người ra đi. Lý do thì rất nhiều. Còn bản thân nhà ngoại giao Jeffrey Hawkins rời bộ Ngoại Giao Mỹ vì ba lý do chính.

Chính sách ngoại giao mới của tổng thống Donald Trump mang tính biệt lập, bảo hộ và dựa vào « sự ban phát » hơn là vào « lòng tin lẫn nhau ». Với chính sách đó, Washington dè chừng hơn với các đồng minh truyền thống của Mỹ, nhưng lại thoải mái hơn với các chế độ độc tài ; tập trung hơn vào các « chiến thắng » trước mắt hơn là các giá trị cơ bản, chú ý tới sức mạnh nhiều hơn là đối thoại.

Không chỉ vậy, từ khi Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ngành ngoại giao Mỹ mất dần uy tín. Tổng thống Donald Trump giao các nhiệm vụ ngoại giao quan trọng cho các vị tướng, là không đoái hoài gì đến ý kiến các nhà ngoại giao. Bộ Ngoại Giao dường như bị nhắm đến trực tiếp sau đó. Chỉ một thời gian ngắn sau khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã đề nghị cắt giảm 30% ngân sách cho bộ Ngoại Giao. Đề xuất của ngoại trưởng sau đó đã bị Quốc Hội bác bỏ. Bản thân Rex Tillerson, người dường như ít có ảnh hưởng tới tổng thống, cũng ít lắng nghe các nhà ngoại giao kỳ cựu dưới quyền. Và ngày càng có nhiều lời đồn đại về việc ông Rex Tillerson phải ra đi.

Và cuối cùng, vấn đề nằm ở tổng thống. Những người ủng hộ Donald Trump cho rằng tổng thống không tránh né tranh luận, thích « chiến đấu » và sẵn sàng đề cập tới các « đề tài cấm kỵ ». Nhưng theo nhà ngoại giao Jeffrey Hawkins, chửi rủa kẻ thù, thậm chí cả đồng minh ; can thiệp vào các mâu thuẫn phức tạp, chẳng hạn xung đột giữa Qatar và các nước vùng Vịnh, mà không suy nghĩ kỹ hay có sự chuẩn bị trước, đột ngột rút lui khỏi các thỏa thuận mà nước Mỹ đã mất nhiều năm mới đạt được hay đe dọa làm như vậy, và thường là chỉ bằng một tin nhắn trên mạng Twitter…, tất cả đều không phù hợp với ngoại giao.

Ông Jeffrey Hawkins nói với báo Le Monde rằng ông từng là đại diện cho tổng thống Mỹ tại Trung Phi, nhưng ông thấy khó theo được ông Donald Trump và giải thích với các nhà lãnh đạo Trung Phi về chính sách của tổng thống Donald Trump còn phức tạp hơn nhiều.

Trong bối cảnh như vây, nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu đã ra đi « tìm chân trời mới ». Điều đó có nghĩa là Wasington mất đi nhiều chuyên gia về các khu vực, mất đi các nhà tư vấn khôn ngoan, dày dặn kinh nghiệm về chiến lược ngoại giao cho các vấn đề phức tạp, các vấn đề mà rất hiếm khi chỉ cần giải pháp quân sự đơn thuần. Và quan trọng hơn, theo ông Jeffrey Hawkins, điều đó có nghĩa là trong nhiều trường hợp, nước Mỹ sẽ không còn chính sách ngoại giao. Tổng thống Donald Trump đã từng nói, người giữ vai trò quan trọng trong ngoại giao của Mỹ không phải là tổng thống, không phải là ngoại trưởng mà là các trợ lý, đại sứ, chuyên gia… Nhưng đáng tiếc là không còn nhiều người như vậy ở lại bộ Ngoại Giao Mỹ. Và nếu không có người thay thế đủ khả năng, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ rất khó được duy trì.

Jerusalem: Israel hài lòng, nhưng lo sợ bạo lực từ Palestine

Một chủ đề nóng bỏng trong các báo Pháp hôm nay liên quan tới việc tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 06/12/2017 chính thức công nhận thành phố Jerusalem  thủ đô của Israel, đồng thời tuyên bố kế hoạch dời sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem.

Báo công giáo La Croix gọi thông báo của Donald Trump là « quyết định gây bùng nổ ». Les Echos dẫn nhận định của bà Leslie Vinjamuri, chuyên gia về Hoa Kỳ thuộc cơ quan tư vấn Chatham House của Anh Quốc: « Hoa Kỳ có thể làm suy yếu vai trò hòa giải ở Trung Đông ». Báo Le Figaro cho biết: « Từ Teheran tới Ryad, Matxcơva và cả Liên Hiệp Châu Âu, cả thế giới phản đối quyết định của nước Mỹ ». Trong khi đó, báo Libération coi hành động « thổi bùng ngọn lửa » của Donald Trump chẳng qua chỉ là để đánh lạc hướng dư luận về vụ cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông nói dối FBI.

Còn thông tín viên Piotr Smolar củabáo Le Monde tại Jérusalem cho biết « Israel hài lòng (về quyết định của tổng thống Mỹ), nhưng lo sợ về bạo lực từ phía người Palestine ». Thị trưởng thành phố Jerusalem, ông Nir Barkat, đã cảm ơn chính quyền Donald Trump về quyết định mà ông coi là « một bước đi lịch sử ». Ông Ron Dermer, đại sứ Israel tại Mỹ, đánh giá quyết định của ông Donald Trump là để sửa chữa « một sai lầm kinh khủng » tồn tại trong suốt 70 năm qua. Tuy nhiên, thủ tướng Israel Netanyahou hiện đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: đảm bảo an ninh trước nguy cơ bạo lực từ người Palestine và đáp ứng các đề xuất trong tương lai của Hoa Kỳ nhằm phục hồi một tiến trình hòa bình mà thực ra không hề tồn tại.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171207-ngoai-giao-my-%C2%AB-dang-chet-dan-%C2%BB

 

 

 

Hiu hắt ngành ngoại giao Mỹ những ngày đầu dưới thời Trump

 

media

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đọc diễn văn trước các nhân viên bộ Ngoại Giao tại Washington, ngày 02/02/2016.

Đối ngoại vốn được coi là ngành trụ cột của chính quyền Mỹ, nhưng từ khi Donald Trump chính thức điều hành đất nước, các hoạt động ngoại giao không còn nhộn nhịp hối hả như thường thấy trước đây. Ngoại trưởng gần như vắng bóng , trong khi tổng thống tiếp tục độc quyền lên tiếng về các hồ sơ liên quan đến chính sách đối ngoại, chủ yếu qua … Twitter một cách bộc phát.

Được thành lập từ năm 1789, bộ Ngoại Giao Mỹ là một cơ quan cực kỳ quan trọng, đầy uy tín, với một cơ cấu tổ chức đồ sộ gắn liền với rất nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Từ trước tới nay, dư luận quốc tế vẫn quen nhìn nhận hoạt động của ngoại giao Mỹ như là thước đo vai trò, tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới.

Chính thức nhậm chức từ ngày 01/02/2017, ngoại trưởng Mỹ thứ 69 của Hoa Kỳ, ông Rex Tillerson, cựu chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil vẫn cửa đóng then cài ngồi trong văn phòng làm việc trên tầng 7 của tòa trụ sở bộ hoành tráng ở phía nam thủ đô Washington.

Sự im hơi lặng tiếng của ông tân ngoại trưởng khiến dư luận phải đặt câu hỏi : Phải chăng vị kỹ sư 64 tuổi người gốc Texas không hề có kinh nghiệm chính trường đang lần mò học việc trong lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với ông hay chính sách đối ngoại mới của nước Mỹ chẳng có gì để nói lúc này ?

Ngoài bài diễn văn mang tính hình thức hôm thứ Năm, 02/02 trước 2000 nhân viên mới tại cơ quan bộ, tân ngoại trưởng Mỹ chưa có phát biểu nào trước công chúng. Trong diễn văn nội bộ, ngoài việc nhắc nhở những giá trị « trách nhiệm » và « trung thực » trong công việc đối với 70 000 nhân viên ngoại giao đang thực thi nhiệm vụ tại 250 sứ quán và cơ quan lãnh sự trên khắp thế giới, tân lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ không hề có một dòng nào nói đến chính sách đối ngoại của cường quốc số một thế giới trong thời gian tới.

Ông Rex Tillerson cũng mới chỉ có vài cuộc điện đàm ngắn ngủi mang tính xã giao với các đồng cấp ngoại quốc. Lịch hoạt động trong tuần của ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ ghi gọn lỏn «các cuộc họp tại bộ Ngoại Giao » mà không có thêm chi tiết nội dung nào. Những thói quen vốn có của ngoại giao Mỹ là liên tiếp ra thông cáo về những sự kiện thời sự quốc tế dù nhỏ hay lớn cũng bị mất hẳn.

Cũng từ sau ngày Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng, báo chí không còn được tiếp cận với phát ngôn viên ngoại giao. Đây là hoạt động thường nhật vẫn được truyền trực tiếp trên truyền hình đã tồn tại từ nhiều thập kỷ như một thông lệ. Các buổi tiếp xúc báo chí như vậy chính là dịp để ngành ngoại giao Mỹ đưa ra quan điểm, lập trường về các cuộc khủng hoảng hay xung đột trên thế giới.

Mặc dù chức danh phát ngôn viên ngoại giao hiện nay do Mark Toner, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng nhiều năm phục vụ chính quyền Obama đảm trách, nhưng bản thân ông cũng không biết bao giờ mới lại có được các buổi họp báo. Được AFP hỏi, ông Toner chỉ biết trả lời : « Chúng tôi tiếp tục làm việc với Nhà Trắng để có thể mở lại nhanh nhất các buổi tiếp xúc báo chí hàng ngày ».

Trên thực tế, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ do Nhà Trắng cùng Hội Đồng An Ninh Quốc Gia quyết định và chính quyền Trump cũng không thể là ngoại lệ. Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ mới nhậm chức được 2 tuần đã làm dư luận choáng váng với những chủ trương đầu tiên, cho dù những đường hướng ngoại giao của chính quyền Trump vẫn còn rất mù mờ.

Tổng thống Mỹ đã có các cuộc điện đàm với một số nguyên thủ quốc gia, trong đó đặc biệt có tổng thống Nga Vladimir Putin, nhân vật mà Trump đang muốn xích lại gần. Trong khi đó, tổng thống Mỹ cũng không ngần ngại chọc vào các điểm nóng căng thẳng của quốc tế, đặt ngoại trưởng Rex Tillerson vào vị thế khó xử.

Ông Trump liên tục đưa ra các tuyên bố sốc, chủ yếu qua Twitter, nhằm vào những quốc gia đối thủ của Hoa Kỳ như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Iran và cả với các nước được coi là đồng minh của Mỹ như Úc, Mêhicô hay Đức.

Quyết sách đầu tiên của tổng thống Mỹ làm dấy lên sự phản kháng chưa từng có của bộ Ngoại Giao, đó là sắc lệnh về nhập cư, cấm kiều dân bẩy nước Hồi Giáo nhập cảnh vào Mỹ. Nghị định này tuy nhiên đang bị tư pháp đình chỉ thi hành. Hơn một nghìn nhà ngoại giao Mỹ đã ký một kháng nghị thư nội bộ lên án gay gắt sắc lệnh cấm nhập cư của tổng thống. Dư luận Mỹ đánh giá đây như là một hành động « nổi dậy hành chính ». Dù sự phản kháng đó không thể làm đình trệ hoạt động của bộ Ngoại Giao, nhưng các lãnh đạo trong bộ này thừa nhận sự vận hành của cơ quan không còn được sôi động như trước.

Một cựu phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Jeffrey Rathke, nhớ lại vào thời kỳ chuyển tiếp chính quyền giữa Bill Clinton và George W. Bush năm 2001 cũng như giữa Bush và Obama năm 2009, bộ Ngoại Giao đã nối lại hoạt động họp báo chỉ vài ngày sau lễ nhậm chức tổng thống mới.

Phát ngôn viên Nhà Trắng vốn độc quyền về chính sách đối nội, không thể thay thế phát ngôn viên ngoại giao, ông Rathke, nhấn mạnh. Nhà ngoại giao này phê phán: « Mỗi ngày, khắp nơi trên thế giới, có rất rất nhiều chủ đề từ nhỏ đến lớn liên quan đến lợi ích của Hoa Kỳ. Không xử lý công khai các vấn đề đó tức là tự mình đánh mất ảnh hưởng ».

Trong khi đó người ta vẫn không quên là ông Trump được bầu làm tổng thống Mỹ với những hứa hẹn « làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại » và tất cả vì quyền lợi của người Mỹ. Với một vị tổng thống đã không ít lần tuyên bố tiền hậu bất nhất và hành động bất tuân nguyên tắc như ông Donald Trump thì ngành ngoại giao Mỹ quả thực là cũng khó ăn khó nói. Phải chăng đó cũng lý giải phần nào cho sự vắng bóng ngoại giao Mỹ trong những tuần qua ?

( Theo AFP )

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170208-heo-hat-nganh-ngoai-giao-my-nhung-ngay-dau-duoi-thoi-trump

 

Ngoại giao Mỹ: Quan điểm của Donald Trump quay ngoặt 180°

media

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) họp báo chung với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (T), tại Nhà Trắng, ngày 12/04/2017.

 

Từ chủ trương đối với NATO, cho đến lập trường đối với Trung Quốc hay là Nga, trong những ngày qua, chính tổng thống Mỹ Donald Trump đã biểu thị những quan điểm đối nghịch hoàn toàn với những gì ông đã hô hào trong thời gian qua hơn một năm qua. Ngày 13/04/2017, hãng tin Pháp AFP đã trích dẫn giới quan sát cho rằng đó là những dấu hiệu phản ánh đà « bình thường hóa » đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ.

Thay đổi được AFP đánh giá là « hoành tráng » nhất liên quan đến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, và nhiều tuần lễ đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Donald Trump đã liên tục mệnh danh NATO là một khối đã « lỗi thời », bao gồm các đồng minh chủ yếu là châu Âu chuyên ăn bám vào Mỹ, cho nên cần bị buộc phải chia sẻ « gánh nặng tài chính » với Washington bằng cách gia tăng chi tiêu quân sự.

Thế nhưng, hôm 12/04 vừa qua, tại một cuộc họp báo với tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg, ông đã thay đổi hẳn thái độ, và công khai rút lại từ ngữ « lỗi thời » từng khiến cho NATO bực bội : « Tôi từng nói (là NATO) lỗi thời, nhưng (giờ đây NATO) không còn lỗi thời nữa ».

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn yêu cầu là toàn bộ 28% thành viên NATO phải nâng chí phí quân sự của mình lên mức tối thiểu là 2% GDP, một yêu cầu vốn đã được toàn khối đồng ý từ lâu.

Dẫu sao thì thay đổi đánh giá 180° của tổng thống Mỹ trên tính chất gọi là « lỗi thời » của NATO đã dự báo tốt cho chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Trump trong tư cách chủ nhân Nhà Trắng sẽ đưa ông đến Bruxelles ngày 25/05 tới đây để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO.

Thay đổi cũng đáng chú ý không kém là lập trường đối với Trung Quốc, nước đã bị ông Donald Trump tố cáo thậm tệ là một kẻ « thao túng ngoại hối », ghìm giá đồng nhân dân tệ để gây hại cho nước Mỹ. Ông Trump đồng thời tuyên bố sẵn sàng trừng phạt thương mại Bắc Kinh bằng cách áp thuế cao trên hàng nhập từ Trung Quốc. Một trong những tuyên bố gây sốc của ông Trump là sẽ ký ngay lệnh quy định Trung Quốc là nước lũng đoạn ngoại tệ ngay ngày đầu tiên nhậm chức.

Thế nhưng mới đây, trong cuộc phỏng vấn ngày 12/04 dành cho nhật báo tài chánh Mỹ Wall Street Journal, ông Trump đã cho rằng Trung Quốc không hề phá giá đồng tiền của họ trong thời gian qua, và xác định rõ ràng : « Không, họ (tức là Trung Quốc) không phải những kẻ thao túng tiền tệ ». Dĩ nhiên là lệnh quy định rằng Trung Quốc là quốc gia lũng đoạn ngoại tệ mà ứng cử viên Trump từng hứa ban hành đã không hề xuất hiện.

Thay đổi lập trường đối với Nga cũng được ghi nhận trong bối cảnh là trước đây ông Donald Trump không hề che giấu ý muốn xích lại gần Mátxcơva hơn, không ngừng khen ngợi tổng thống Nga Putin mà ông cho là một lãnh đạo « mạnh » và « thông minh ».

Thế nhưng mới đây ông đã bớt hẳn những tuyên bố phấn khởi về Nga, thậm chí vào hôm qua, 14/04, ông còn nhấn mạnh rằng ông không hề « quen biết » ông Putin, rằng quan hệ giữa hai bên « có lẽ đang ở mức xấu nhất từ trước đến nay », và khả năng hòa giải khó thực hiện.

Đối với phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer, thay đổi quan điểm của ông Trump không có gì là lạ vì « bối cảnh đã thay đổi ». Nhận định này tương ứng với một lập luận rất phổ biến là một khi đã ngồi vào Phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng, bất kỳ một tổng thống Mỹ nào cũng nhìn sự việc bằng một con mắt khác.

Ngoài ra, theo AFP, thay đổi quan điểm 180° của ông Trump cũng một phần bắt nguồn từ việc giàn cố vấn thân cận của ông đã thay đổi, với những nhân vật cực đoan như Steve Bannon, Mike Flynn và KT McFarland đã bị gạt ra, thay vào bằng tướng McMaster có cái nhìn truyền thống hơn.

Trong lãnh vực kinh tế, sự vươn lên của các nhân vật chuộng toàn cầu hóa trong chính quyền Trump cũng không xa lạ gì với thay đổi lập trường của tân tổng thống Mỹ. Trong số này phải kể đến ba người : Con gái Ivanka, và con rể Jared Kushner của ông Trump, cũng như là cố vấn kinh tế hàng đầu Gary Cohn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170414-ngoai-giao-my-quan-diem-cua-donald-trump-quay-ngoat-180%C2%B0

 

Mỹ: Rex Tillerson ngày càng bị cô lập trong bộ Ngoại Giao

media

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (T) và tổng thống Donald Trump trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 12/06/2017REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang phải giải quyết nhiều hồ sơ quan trọng, thế nhưng ông lại ra các quyết định mang tính chính trị, bất chấp những lời tư vấn của giới chuyên gia. Do vậy, ông ngày càng đơn độc tại bộ Ngoại Giao và tình trạng này bắt đầu làm cho Nhà Trắng khó chịu.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình:

«Xin hẹn gặp Rex Tillerson khó gần như xin gặp Donald Trump. Hiếm khi nào một ngoại trưởng Mỹ lại khó gặp đến như vậy. Hầu như không có cuộc các tiếp xúc của ông với các giới chức ngoại giao.

Mọi tiếp xúc với ngoại trưởng Mỹ đều phải qua chánh văn phòng, bà Margaret Peterlin. Thậm chí, bà có thể còn ngăn cản cả cấp trên của mình là tổng thư ký Nhà Trắng, Reince Priebus.

Ngoại trưởng Tillerson sống như trong một pháo đài với một nhóm cộng sự thân cận. Nhà Trắng trách cứ ngoại trưởng chậm trễ trong việc bố trí người vào những vị trí còn trống. Donald Trump có một danh sách các nhà tài trợ và giờ đây, tổng thống Mỹ muốn trả ơn bằng cách bổ nhiệm một số người làm việc trong các sứ quán ở nước ngoài. Thế nhưng, mong muốn của tổng thống Mỹ phải có được sự hậu thuẫn của bộ Ngoại Giao. Trong khi đó, Tillerson lại muốn đích thân phỏng vấn các ứng viên và mỗi vị trí thì có hai ứng viên.

Cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí Exxon-Mobile chưa quen với các đòi hỏi của thế giới chính trị. Với tư cách là một nhà quản trị tốt trong lĩnh vực tư nhân, ngoại trưởng Mỹ rất chú ý đến việc tái cơ cấu bộ Ngoại Giao để hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng, trước mắt, chưa chắc ông có đủ nhân sự để bảo đảm sự vận hành của bộ Ngoại Giao».

*********

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170625-my-rex-tillerson-ngay-cang-bi-co-lap-trong-bo-ngoai-giao

 

 

Mối nguy hiểm của sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại Mỹ

Minh Anh

media

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo chung với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Nhà Trắng, Washington, 26/06/2017.

Kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ vừa khó hiểu, vừa khó lường.  cái sự mù mờ, không biết đường nào lần ấy, nhà báo Renaud Girard, trong mục Ý kiến của báo Le Figaro (27/06/2017) điểm ra "Những mối nguy hiểm của sự thiếu mạch lạc trong chính sách đối ngoại Mỹ ".

Mù mờ vì không ai có thể xác định được là Hoa Kỳ sẽ có chính sách ra sao trong quan hệ quốc tế trong số những dòng Tweet của Donald Trump được tung lên mạng vào ban đêm, những thông cáo của ba "người thành niên" (mà một số báo chí Pháp còn gọi hài hước là ba "bảo mẫu" của Trump là ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc Phòng và cố vấn an ninh quốc gia) vào ban ngày, hay những nghị quyết của Quốc Hội Mỹ.

Trong quan hệ với Nga, khi mới vào Nhà Trắng, Donald Trump cho rằng cần hợp tác với Matxcơva để tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, kẻ thù duy nhất của Mỹ. Do đó cần tập trung chính sách đối ngoại vào mục tiêu khử trừ tổ chức này. Vậy mà giờ đây, quan hệ Mỹ-Nga xuống đến mức thấp nhất.

Do bị điều tra về khả năng quan hệ giữa Matxcơva và nhóm cộng sự thân cận của ông, để "chạy tội", tổng thống Mỹ buộc phải gia tăng trừng phạt Nga. Bộ Tài Chính Mỹ còn tuyên bố là các trừng phạt này gắn với việc Nga chấm dứt chiếm đóng Crimée.

Le Figaro mỉa mai, nếu nghĩ rằng một ngày nào đó Nga trả lại Crimée cho Ukraina thì thật là thiếu thực tế, giống như nghĩ rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đồng ý trả Kosovo cho Serbia.

Hoa Kỳ đã tự hạn chế khả năng hành động của mình qua những tuyên bố như vậy. Bởi vì về lâu dài, với lập trường của Mỹ như thế, thì quốc tế chỉ còn một giải pháp duy nhất về Ukraina : Nga rút quân và không can thiệp vào miền Đông Ukraina, thừa nhận nền độc lập của Kosovo. Đổi lại, phương Tây công nhận Crimée là của Nga.

Hiện nay, khả năng hòa giải giữa Mỹ và Nga trở nên khó khăn và Washington đã để lỡ một cơ hội bằng vàng để đạt đồng thuận với Matxcơva trong việc giảm đáng kể hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược.

Tại Trung Đông, Hoa Kỳ đã vụng về và không kiểm soát được các chư hầu của mình. Khi khuyến khích tính hoang tưởng tự đại của Ả Rập Xê Út, Hoa Kỳ đang đùa với lửa. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Ả Rập Xê Út và các đồng minh với Qatar, Mỹ có lợi ích gì khi để Qatar buộc phải ngả vào vòng tay Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Mối bất hòa giữa các cường quốc Ả Rập chỉ tạo thuận lợi cho thánh chiến Hồi Giáo phát triển.

Với Trung Quốc, Donald Trump đã cam kết có thái độ cứng rắn, đặc biệt là chống lại chính sách thương mại hung hăng của Bắc Kinh. Thế nhưng, khi rút ra khỏi hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP, Mỹ đã tự tước bỏ một vũ khí chủ chốt để đối mặt với Trung Quốc.

Le Figaro kết luận, Hoa Kỳ là đồng minh lâu đời, Pháp chẳng vui mừng gì trước việc Mỹ mâu thuẫn và không rõ ràng trong chính sách đối ngoại. Thế nhưng, Pháp chẳng có sự lựa chọn nào khác là đành chuẩn bị tinh thần trước hoàn cảnh này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170627-nguy-hiem-thieu-mach-lac-chinh-sach-doi-ngoai-my-db

 

Hình ảnh nước Mỹ xấu đi trong mắt thế giới dưới chính quyền TT Trump

Ủng hộ viên của ông Trump tổ chức biểu tình chống cuộc tuần hành "100 Ngày Thất bại" ở New York hôm Thứ Bảy 29/4/2017, để phản đối ông Trump vào dịp 100 ngày ông lên làm Tổng Thống.

Ủng hộ viên của ông Trump tổ chức biểu tình chống cuộc tuần hành "100 Ngày Thất bại" ở New York hôm Thứ Bảy 29/4/2017, để phản đối ông Trump vào dịp 100 ngày ông lên làm Tổng Thống.

Hình ảnh nước Mỹ trong mắt thế giới đã xấu đi rõ rệt dưới chính quyền Tổng thống Trump, theo một cuộc khảo sát thực hiện tại 37 quốc gia.

Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, cho thấy cái nhìn thiện cảm về Hoa Kỳ trong phần còn lại của thế giới đã tuột dốc, từ 64% xuống còn 49%. Riêng tại Mexico, nước láng giềng phía Nam nước Mỹ, chỉ có 30% người đươc khảo sát nói họ có quan điểm tích cực về Hoa Kỳ.

Hình ảnh nước Mỹ đã xấu đi trên khắp thế giới từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Một đa số áp đảo người dân ở các nước khác không tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của ông Trump, theo kết quả cuộc khảo sát của Trung tâm Pew.

5 tháng sau khi ông Trump lên nhậm chức, cuộc nghiên cứu trải rộng trên 37 quốc gia cho thấy tỷ lệ tán thành Hoa Kỳ trong phần còn lại của thế giới sụt giảm xuống còn 49%, so với 64% vào lúc cuối nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhì của người tiền nhiệm, tức là sau 8 năm cầm quyền của Tổng Thống Barack Obama.

Tỷ lệ đối tượng có quan điểm tiêu cực về nước Mỹ cao hơn nhiều tại các nước đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, kể cả hai nước láng giềng là Mexico và Canada, và các đối tác ở Âu Châu, như Đức và Tây Ban Nha.

Ông Trump lên cầm quyền hồi tháng Giêng năm nay, cam kết sẽ đặt “Nước Mỹ Trên Hết.” Từ đó, ông đã xúc tiến kế hoạch thăm dò để xây một bức tường dọc theo biên giới giáp với Mexico, loan báo rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, đồng thời tố cáo nhiều nước kể cả Canada, Đức và Trung Quốc, về những đường lối làm ăn không công bằng đối với Hoa Kỳ.

Tỷ lệ đối tượng không tin tưởng vào khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ hành xử đúng đắn trong các vấn đề quốc tế vô cùng cao. Tại Canada, tỷ lệ này là 75%, ngang với nước Anh, Đức: 87%, Pháp: 86%. Tây Ban Nha: 92%. Tại Châu Á, tỷ lệ người không tin tưởng ở khả năng lãnh đạo của Tổng thống Trump là 78%, Nhật Bản: 72%, Úc: 70%, Indonesia: 57%.

Đi ngược với xu hướng hầu như toàn cầu này, các đối tượng Việt Nam và Philippines có cái nhìn tích cực hơn về đương kim Tổng thống Mỹ. Tỷ lệ không tin tưởng vào ông Trump tại Việt Nam chỉ ở mức 29%, trong khi tỷ lệ tán thành ông Trump đạt 58%.

Tại Philippines, tỷ lệ tán thành ông Trump lên tới 69%, tỷ lệ không tin tưởng chỉ ở mức 23%.

Vẫn dựa trên cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Tổng thống Mỹ Donald Trump hình như chiếm được cảm tình nhiều hơn tại các nước nằm dưới quyền cai trị của các chế độ độc tài, đặc biệt ở Châu Phi.

Phúc trình của Trung tâm Pew nói hiện tượng tỷ lệ đối tượng có cái nhìn thiện cảm với nước Mỹ tuột dốc từ khi ông Trump lên nắm quyền rất phổ biến, từ Châu Mỹ La tinh, Bắc Mỹ, Âu Châu, Á Châu và Châu Phi.

Cuộc khảo sát được thực hiện dựa trên câu trả lời của hơn 40,000 người trong thời gian từ ngày 16/2 tới ngày 8/5 năm nay.

Trên toàn cầu, 75% đối tượng được khảo sát mô tả ông Trump là “kiêu ngạo”, 65% cho rằng ông Trump là “bất khoan dung”, và 62% cho rằng ông “nguy hiểm”. Nhưng đa số 55% cũng mô tả ông là một “lãnh đạo mạnh mẽ.”

 

https://www.voatiengviet.com/a/hinh-anh-nuoc-my-trong-mat-the-gioi-xau-di-duoi-chinh-quyen-trump/3918530.html

 

 

Donald Trump và trò may rủi trong chính sách đối ngoại

media

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng, Washington, ngày 30/06/2017.

Tính khí khó lường của Donald Trump đe dọa thế giới. Tầm nhìn chiến lược của ông không vượt quá khuôn khổ một nền « ngoại giao theo kiểu giao dịch », mà ở đó lợi ích của Hoa Kỳ luôn được đặt lên trên hàng đầu. Trên trang nhất, Les Echos (04/07/2017) khẳng định « Trump, một mối đe dọa cho thế giới ».

Vì sao ? Ông Jacques Hubert-Rodière, cây bút xã luận về quan hệ quốc tế, trong bài phân tích đề tựa : « Trump và trò may rủi trong đối ngoại », cho rằng lên cầm quyền từ 6 tháng nay, nhưng vẫn chưa có ai đoán được chính sách đối ngoại của Donald Trump là gì.

Quả thật, trong sáu tháng qua, kể từ khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã có những chính sách đối ngoại hoàn toàn khác hẳn với những người tiền nhiệm. Ông thực hiện một đường lối ngoại giao gần như theo kiểu « giao dịch » nhằm phục vụ cho mục tiêu chính « nước Mỹ trước hết » và làm thế nào đạt được tối đa các lợi ích từ những đối tác với các « thỏa thuận tốt nhất có thể ».

Nhưng bên cạnh đó, người ta cũng có cảm giác tổng thống Mỹ đang đi theo một đường lối zigzag trên nhiều hồ sơ quốc tế. Ông có thái độ quay ngoắt so với những cam kết ban đầu đưa trong suốt cuộc vận động tranh cử từ mối quan hệ với Nga, trao đổi mậu dịch với Trung Quốc, hồ sơ khủng hoảng Syria hay như với NATO…

Chuyên gia Laurence Nardon, phụ trách chương trình Bắc Mỹ, Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), đặt câu hỏi : « Liệu ông Trump có một tư duy chặt chẽ hay không ? ». Thật khó mà tiên đoán được ngày mai mối quan hệ giữa Donald Trump với Vladimir Putin sẽ ra sao trong khi mà điều tra về sự thông đồng giữa những người thân cận của ông Trump với Nga chỉ mới được bắt đầu.

Hiện tại, Donald Trump dường như không mấy bận tâm đến việc định hình chính sách đối ngoại, chỉ quan tâm nhiều đến vụ tai tiếng « Russiagate » và cho chính bản thân nước Mỹ. Do vậy, người ta không khỏi thắc mắc ai đang dẫn dắt chính sách ngoại giao nước Mỹ.

Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và bộ trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson ? Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Nikki Haley ? Hay cố vấn riêng Steve Bannon ?

Đương nhiên, trong vòng sáu tháng, ông Donald Trump đưa ra hai trục đối ngoại chính : chống khủng bố và Iran. Đến mức tham gia cùng với Ả Rập Xê Út và các nước Vùng Vịnh cô lập Qatar nhưng theo một cách mơ hồ và khó hiểu. Bởi vì, không những Hoa Kỳ có một căn cứ quân sự tại Qatar mà còn vội vã bán vũ khí cho tiểu quốc Ả Rập này, mà Mỹ cáo buộc ủng hộ khủng bố.

Thái độ kiên quyết phá tan những di sản của người tiền nhiệm Barack Obama là một điểm khó hiểu khác. Từ việc ông lên án Hiệp Ước Khí Hậu Paris, cho đến việc đòi thương lượng lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay như hủy bỏ chính sách mở cửa đối với Cuba…

Nhưng có lẽ điều khó hiểu lớn nhất chính là bản thân Donald Trump, và tính chất khó lường của ông. Cựu đại sứ Mỹ tại NATO, ông Ivo Daadler khẳng định : « Rủi ro xảy ra tai nạn và leo thang bất ngờ dẫn đến chiến tranh kể từ giờ ở mức cao nhất từ nhiều thập niên nay, không chỉ ở châu Âu mà cả Trung Đông và Châu Á ». Chuyên gia Laurence Nardon lưu ý, quan hệ căng thẳng với Bắc Triều Tiên rất có thể suy biến trong trường hợp Donald Trump cố tìm cách lấp liếm vụ « Russiagate ».

Bài viết kết luận Donald Trump đang tạo cảm giác thúc ép thế giới chơi trò may rủi mà ở đó điều có thể đoán trước được chính là tính khí khó lường của ông.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170704-trump-va-tro-may-rui-trong-chinh-sach-doi-ngoai