TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2017

2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016

 

 

(xin xem nhiều bài khác bên dưới hợp nhan đề của bài đầu tiên dưới đây)

 

Mỹ : Quyền lực đối trọng có thể chống lại Trump ?

Trump thua kiện, Tòa từ chối khôi phục lệnh cấm

Hội thảo về các sắc lệnh mới của TT Trump ảnh hưởng đến người Việt sống tại Mỹ

Thất bại lớn của TT Trump trong cuộc vận động bãi bỏ Obamacare

Ba thất bại lớn của Trump trong hai tháng cầm quyền

Cải cách thuế tại Mỹ: Chông gai đón chờ tổng thống Trump?

Thế kẹt của Trump trong cuộc nội chiến đảng Cộng hòa

Làm thế nào phế truất Donald Trump ?

Giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz : « Với Donald Trump, Hoa Kỳ còn khổ sở »

Tuần hành tại Mỹ đòi phế truất Donald Trump

Khoảng trống quyền lực ở Washington sau nửa năm Trump lãnh đạo

Mỹ : Mớ bòng bong pháp lý trong vụ điều tra liên hệ với Nga

 

 

Mỹ : Quyền lực đối trọng có thể chống lại Trump ?

 

 

 

media

Hình mẫu của Donald Trump là tổng thống Mỹ Andrew Jackson (trái), người ủng hộ chế độ nô lệ.

 

Sắc lệnh đình chỉ nhập cư với công dân từ bảy nước Hồi Giáo, ngày thứ Sáu 27/01/2017, của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp tục gây giận dữ trên toàn thế giới. Nhật báo Le Monde có bài « Trump gây hỗn loạn và phẫn nộ ». Xã luận Le Monde cảnh báo : « Đối diện với Trump, cần các đối trọng quyền lực ». Libération đặc biệt có hồ sơ : « Còn lại quyền lực nào trong cơ chế đối trọng quyền lực (tại Hoa Kỳ, có thể ngăn chặn được Trump) ? ».

Xã luận Le Monde nhấn mạnh : « Sự vận hành của nền dân chủ Mỹ, với một hệ thống hành pháp mạnh của tổng thống, dựa trên cơ chế đối trọng quyền lực – checks and balances. Cơ chế này đã có, và chúng ta hy vọng các đối trọng quyền lực sẽ được thực thi cho đến cùng, bởi những gì diễn ra gây lo ngại sâu sắc. Sắc lệnh (về cấm dân từ bảy quốc gia Hồi Giáo nhập cảnh) đã được thảo luận chỉ trong một nhóm nhỏ, những giới chức quan trọng của chính phủ Mỹ có liên quan đã không được tham gia, trong khi đó cố vấn Steve Bannon, một nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, với quá khứ đầy bê bối, lại có vai trò ngày càng quan trọng ».

Trang nhất Libération chạy tựa : « Trump, liệu có phải là một nguy cơ với nền dân chủ ? ». Hồ sơ của Libération « Còn lại quyền lực nào trong cơ chế đối trọng quyền lực ? » nhấn mạnh đến phản ứng không chỉ của các nhánh quyền lực lập pháp và tư pháp, mà đồng thời của xã hội dân sự và truyền thông Hoa Kỳ, đang được thế giới theo sát. Để biết được là liệu nền dân chủ Mỹ có đủ « các kháng thể » để đối mặt với tân tổng thống hay không ?

Bài báo tóm lược các nỗ lực của xã hội dân sự và tư pháp Mỹ kháng cự lại « sắc lệnh chống Hồi Giáo » của Donald Trump.

Liên đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ ACLU ngay lập tức đã có đơn kiện chống lại sắc lệnh của tổng thống lên tòa án liên bang tại New York. Cũng ngay sau đó, một thẩm phán liên bang đã ra quyết định ngăn chặn việc áp dụng sắc lệnh trục xuất công dân bảy nước đã có mặt trên đất Mỹ. Tiếp bước New York, thẩm phán liên bang tại Boston, Seattle và Alexandria (Virginia) cũng ra quyết định ngăn chặn sắc lệnh nói trên. Bộ An Ninh Nội Địa Mỹ hôm Chủ nhật vừa qua cũng ra thông báo yêu cầu « thực thi các quyết định của tư pháp ».

Cuộc chiến lâu dài của tư pháp và lập pháp

Theo luật pháp Mỹ, các thẩm phán liên bang có quyền ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống, và Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ có thể tuyên bố là « vi hiến » một luật do Quốc Hội thông qua, và được tổng thống ban hành. Tuy nhiên, theo Libération, cuộc chiến tư pháp còn lâu mới kết thúc, bởi để một sắc lệnh của tổng thống bị hủy bỏ, Tòa Án Tối Cao phải chứng minh luật này đi ngược lại Hiến Pháp, cụ thể như đi ngược lại « quyền tự do tôn giáo » và « quyền được hưởng một thủ tục pháp lý công bằng ». Trong khi đó, « hôm nay thứ Ba, 31/01, Donald Trump sẽ bổ nhiệm thành viên thứ 9 của Tòa Án Tối Cao ». Thành viên thứ 9 là người rất có thể sẽ làm cán cân của tòa nghiêng về phía tân tổng thống.

Về phía Quốc Hội, một loạt sắc lệnh của ông Trump, nhất là sắc lệnh chống người nhập cư từ bảy nước Hồi Giáo bị nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa - chiếm đa số - lên án là tạo điều kiện cho khủng bố phát triển. Dù sao, đó cũng không phải là toàn bộ đảng Cộng Hòa. Giáo sư chính trị học Bruce Ackerman, đại học Yale, cảnh báo « rất ít khả năng phe Cộng Hòa sẽ đưa ra các biện pháp » điều chỉnh lại chính sách nói trên. Hiện tại lãnh đạo Hạ Viện Paul Ryan tỏ ra công khai ủng hộ quyết định của tân tổng thống.

Trong khi đó, nhà chính trị học Richard Arenberg, đại học Brown, nhấn mạnh nhiều hơn đến việc, nếu không được Quốc Hội ủng hộ, truyền thông và xã hội dân sự, tổng thống Mỹ khó lòng tiếp tục lâu dài các chính sách của mình, mà đây là « trường hợp hiện tại ».

Chống Trump : Hiệp hội bảo vệ dân nhập cư được nhiều ủng hộ

Phản ứng rõ ràng nhất chống lại sắc lệnh của Donald Trump là các tập đoàn tin học. Google quyết định lập quỹ 4 triệu đô la để ủng hộ bốn hiệp hội hỗ trợ người nhập cư, và lên án chính sách « ngăn chặn các tài năng trên thế giới » tới làm việc tại Hoa Kỳ. Ông chủ Apple gửi thông điệp đến toàn bộ các nhân viên của tập đoàn khẳng định, không có người nhập cư Apple không tồn tại (Steve Job – nhà sáng lập Apple - là con của một người nhập cư Syria). Lyft, tập đoàn cạnh tranh với Uber, thông báo tặng một triệu đô la cho Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ ACLU, hiệp hội trụ cột trong cuộc kháng cự chống lại Trump.

Hiệp hội ACLU, được thành lập từ năm 1920, hiện có khoảng 750.000 thành viên. Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, hiệp hội bảo vệ quyền tự do dân sự Mỹ đã nhận được đợt quà tặng chưa từng có, với tổng số 24 triệu đô la. Ngay sau khi Trump đắc cử, ACLU tuyên bố sẽ hết sức cảnh giác trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống này.

Về các phản ứng quốc tế, báo Le Monde đặc biệt chú ý đến các phản ứng chống Trump tại Anh Quốc. Kêu gọi hủy bỏ chuyến công du của tổng thống Mỹ, theo lời mời của thủ tướng Anh, đã nhận được hơn 500.000 chữ ký của dân Anh. Sau ba lần từ chối lên án chính sách chống dân nhập cư từ bảy nước Hồi Giáo, thủ tướng Anh Theresa May phải chấp nhận ra thông báo khẳng định : « Luân Đôn không hưởng ứng » cách làm của chính quyền Trump.

Chỉ riêng có thủ tướng Israel là ca ngợi tổng thống Trump, khi so sánh quyết định của ông Trump với việc Israel xây dựng bức tường phía nam với Palestine.

« Ý thức hệ quái vật » của Donald Trump

Theo một số nhà phân tích, như nhà báo Tony Schwartz, tác giả cuốn « Trump : The art of Deal » (Nghệ thuật mặc cả của Trump) thì Donald Trump không hề có ý thức hệ, các quyết định của ông Trump hoàn toàn dựa vào « nhân cách lấy cá nhân làm trung tâm và rất bản năng của ông ta ». Cuốn sách, xuất bản năm 1987, được sử dùng làm tư liệu cho bộ phim hài « Donald Trump's The Art of the Deal: The Movie », ra đời năm 2016. Tuy nhiên, theo Libération, « những hành xử triệt để của tổng thống Mỹ trong những quyết định đầu tiên cho thấy Donald Trump thừa hưởng một lập trường, ít nhiều được tiếp thu từ các lãnh đạo Mỹ trong quá khứ ».

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về nguồn gốc của tư tưởng chính trị gây sốc của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Libération có bài « Quái vật ý thức hệ (l'hydre idéologique) của Trump, chính trị gia dân túy ». Libération so sánh Trump với một loạt tổng thống Mỹ, trước hết là tổng thống Andrew Jackson.

So sánh Donald Trump với tổng thống Andrew Jackson cũng chính là điều mà « chiến lược gia » của tổng thống Mỹ, Steve Bannon, khẳng định. Theo cánh tay phải của tân tổng thống Mỹ, Donald Trump đã lấy cảm hứng từ tư tưởng của tổng thống thứ bảy, cũng là tổng thống dân túy đầu tiên của Hoa Kỳ. Phó tổng thống Mike Pence cũng cùng một nhận xét.

Theo Libération, Andrew Jackson, cầm quyền từ năm 1829 đến 1837, với tư tưởng lấy quyền lực ở Washington để chuyển giao cho dân chúng « đã để lại một dấu ấn sâu sắc và đau đớn » trong lịch sử nền dân chủ Mỹ. Trên thực tế, hứa hẹn bảo vệ an ninh cho người Mỹ, nhưng tổng thống Andrew Jacskon, chính là người đã tiến hành cuộc đày ải người Da Đỏ, với chiến dịch được mệnh danh là « con đường nước mắt », làm diệt vong các bộ lạc Da Đỏ lớn ở miền đông nước Mỹ. Ủng hộ chủ trương kinh tế tự do, tổng thống Jackson đã để mặc cho chế độ nô lệ phát triển, mà bản thân ông ta là người hưởng lợi.

Di sản chính trị của Andrew Jackson bị lên án rất mạnh tại Mỹ. Năm 2016 đã nổ ra một chiến dịch lớn yêu cầu xóa bỏ hình ảnh ông Jackson trong tờ giấy bạc 20 đô la Mỹ từ năm 2020, để thay vào đó là hình ông Harriet Tubman, một nhà tranh đấu da đen chống chế độ nô lệ. Bộ Tài Chính Mỹ thời Obama đã chấp nhận yêu cầu này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170131-my-quyen-luc-doi-trong-co-the-chong-lai-trump

 

 

Trump thua kiện, Tòa từ chối khôi phục lệnh cấm

 

 

trump

Tòa phúc thẩm Mỹ bác lập luận của chính quyền ông Donald Trump đòi khôi phục lại lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ bảy nước có đông dân Hồi giáo.

Tòa phúc thẩm Khu vực 9 của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không ngăn phán quyết về việc dừng sắc lệnh của ông Trump.

Ông Trump giận dữ đáp trả bằng một dòng trên Twitter nói an ninh quốc gia đang bị đe dọa và "hẹn gặp quý vị tại tòa".

Ba thẩm phán ra phán quyết nhất trí cho rằng chính phủ đã không chứng minh được mối đe dọa khủng bố khi đòi phục hồi lệnh cấm.

Phán quyết này có nghĩa rằng những người đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen với visa hợp lệ có thể tiếp tục nhập cảnh Mỹ.

Và những người tỵ nạn từ khắp nơi trên thế giới, cũng là đối tượng của lệnh cấm tạm thời, không còn bị ngăn chặn vào Mỹ.

Vụ kiện nhiều khả năng kết thúc ở Tòa Tối cao Hoa Kỳ.

Ba thẩm phán Tòa phúc thẩm nói gì?

Họ bác bỏ lập luận của Bộ Tư pháp thay mặt cho chính phủ Hoa Kỳ, rằng tổng thống có toàn quyền thiết lập chính sách nhập cư.

Tòa cũng cho biết "không có bằng chứng cho thấy bất kỳ người nước ngoài từ bất kỳ các quốc gia được nêu trong sắc lệnh" gây ra một cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ.

"Một mặt, công chúng quan tâm đến an ninh quốc gia và năng lực ban hành chính sách của tổng thống."

"Mặt khác, công chúng cũng quan tâm đến việc tự do đi lại và không muốn thấy sự phân biệt đối xử."

Họ nói rằng lệnh cấm đã tước các quyền của những người nước ngoài theo Hiến pháp.

Ông Trump phản ứng với phán quyết bằng cách viết trên Twitter và sau đó đưa ra tuyên bố nói rằng đó là một quyết định mang tính chính trị.

Thông cáo của Bộ Tư pháp, đại diện Nhà Trắng tại tòa, cho biết "đang xem xét phán quyết của tòa và cân nhắc các lựa chọn".

Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson, người kiện chống lại lệnh cấm, cho biết đó là thắng lợi hoàn toàn cho bang này.

Thị trưởng New York Bill De Blasio cho biết: "Tại New York - thành phố lớn an toàn nhất của Mỹ - chúng tôi sẽ luôn bảo vệ những người đến đây, không phân biệt họ đến từ đâu hoặc khi nào."

Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Washington, cho hay: "Các luật sư của ông Donald Trump đã không đưa ra được lập luận thuyết phục. Thay vì giải thích lý do tại sao lệnh cấm đi lại là cần thiết, chính quyền lập luận rằng tổng thống có toàn quyền về việc nhập cảnh.

Các luật sư đại diện các bang khởi kiện đã thuyết phục các thẩm phán rằng việc khôi phục lệnh cấm tại thời điểm này sẽ tạo ra sự hỗn loạn hơn nữa và xâm phạm các quyền hợp pháp của những người nước ngoài trên đất Mỹ, bất kể tình trạng di trú của họ.

Một trong ba thẩm phán ở Tòa phúc thẩm Khu vực 9 là người của đảng Cộng hòa.

Ông Trump viết trên Twitter "HẸN GẶP QUÝ VỊ TẠI TÒA" - nhưng tòa nào?

Nhiều khả năng chính quyền Trump sẽ có kháng cáo lên Tòa tối cao.


http://www.bbc.com/vietnamese/world-38903416

 

 

Hội thảo về các sắc lệnh mới của TT Trump ảnh hưởng đến người Việt sống tại Mỹ
- Cộng Đồng Việt hiện có 12,000 người đã nằm trong danh sách bị trục xuất
- Những thường trú nhân hay về VN có thể bị trục xuất
- Những thường trú nhân bị phát giác lạm dụng các chương trình trợ cấp xã hội sẽ bị trục xuất

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Vào lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, ngày 9 tháng 2, 2017, hội BPSOS, Hiệp Hội Phát Huy Công Lý Người Mỹ gốc Á Châu (Advancing Justice - OC), Đoàn Luật Sư Người Mỹ Gốc Á Châu Tại Quận Cam (APABA), Đoàn Luật Sư Người Mỹ Gốc Việt Tại Miền Nam Cali (VABASC), đã cùng tổ chức buổi hội thảo về các Sắc Lệnh mới ban hành của Tổng Thống Donal Trump, nhằm giúp cộng đồng người Việt tại Quận Cam biết chi tiết của mỗi sắc lệnh hầu tránh bị ảnh hưởng nặng nề bởi các sắc lệnh chi phối. Buổi hội thảo diễn ra tại hội trường báo Người Việt với gần 50 người tham dự.
Hai thuyết trình viên là cô Kim Lưu Nguyễn, Esq (Founder/Managing Partner) của KLN Firm và cô Jacqueline Dan (Đan Thanh Giang) của Advancing Justice - OC. Hai thuyết trình viên đều là người Mỹ gốc Việt nhưng thuyết trình bằng Anh ngữ với sự thông dịch của cô Trang Khanh và anh Công. Một số luật sư người Mỹ gốc Việt ngồi ở các bàn phía sau để ai có vấn đền riêng tư muốn tham khảo với luật sư thì sau khi thuyết trình chấm dứt, các luật sư sẽ trả lời từng người.
Cô Kim Lưu Nguyễn, người thuyết trình trước tiên, trình bày chi tiết về ba Sắc Lệnh:
Sắc lệnh 1: Vấn Đề An Ninh Biên Giới. Ngoài việc xây bức tường giữa Mỹ và Mễ Tây Cơ, Tổng Thống Trump ra lệnh xây một số nhà tạm giữ mới ở các nơi xa, vì những nhà giam ở California đã không còn chỗ chứa. Nên nếu chúng ta có người thân ở trong tình trạng chờ bị trục xuất thì sẽ phải tạm giữ ở các nơi rất xa. Tổng thống cũng ra lệnh cho các tiểu bang cũng như địa phương có quyền thi hành lệnh trục xuất. Chính phủ sẽ mướn 5,000 người canh giữ biên giới và mướn 10,000 nhân viên di trú để truy xét các người nhập cư vi phạm pháp luật dù chi là tội nhẹ cũng bị trục xuất.
Sắc Lệnh thứ 2: trước thời Tổng Thống Obama, chỉ những tội nặng như giết người, cướp của, hiếp dâm mới bị trục xuất, nay Tổng Thống Trump thay đổi như sau:
-Tất cả cá nhân không cần biết lớn hay nhỏ nếu vi phạm là bị trục xuất.
-Các cá nhân nào sắp bị tuyên án sẽ bị chú tâm đưa vào danh sách trục xuất.
-Những người nào từ trước đến nay chưa bị bắt nhưng bị xem là có vi phạm cũng bị trục xuất, (thí dụ ăn cắp một vật nhỏ trong siêu thị).

Từ bên phải là hai thuyết trình viên Jacqueline Đan và Kim Lưu Nguyễn, và cô thông dịch viên Trang Khanh trong buổi hội thảo được tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt chiều thứ Năm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
-Những cá nhân nào gian lận với chính phủ như làm nhiều tiền mà khai ít để hưởng các chương trình trợ cấp xã hội như Food Stamp, Medical; dụng cụ y tế; những người ở nhà sang trọng đi xe Lexus mà xin trợ cấp gia cư housing sẽ bị truy xét trục xuất.
-Những cá nhân nào trước đây bị kêu án trục xuất, nay những người đó sẽ là những thành phần ưu tiên bị trục xuất trước. Một chứng minh cụ thể là một bà mẹ ở Arizona có lệnh trục xuất 8 năm trước thì ngày hôm qua, 8 tháng 2, 2017 đã bị trục xuất. Họ không quan tâm đến gia đình cô ta, cũng không cần biết cô ta đã có gia đình ở Mỹ, họ chỉ thi hành sắc lệnh cuả TT Trump.
Sắc Lệnh thứ 3 liên quan đến du lịch: Ngoài sắc lệnh cấm người ở bảy quốc gia nhập cảnh Hoa Kỳ như mọi người đều biết, TT Trump còn ra lệnh tạm hoãn chương trình tỵ nạn, tính luôn cả người tỵ nạn Việt Nam. Mặc dù sắc lệnh này đã bị một số tiểu bang kháng nghị, và trong cùng ngày thứ Năm, một quan toà đã tuyên bố sắc lệnh này không thể thi hành nên những người đã có hồ sơ nhập cảnh chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên cũng chỉ là tạm thời, nhưng đã gây hỗn loạn, lo âu trong hai tuần qua. Vì thế, theo cô, chúng ta sẽ bị trở ngại khi đi du lich.
Thuyết trình viên nói tiếp: Rất nhiều người Việt muốn về thăm gia đình, bạn bè và quê hương nhưng lúc này không phải là thời điểm tốt để về Việt Nam. Khi thật sự cần thiết thì mới đi. Những người có thẻ xanh mà về VN nhiều lần, ở lâu quá hết tháng này sang tháng khác, theo luật mới sẽ bị truy nã. Họ sẽ đưa đến một nơi để thẩm vấn và sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi. Nếu nêu lý do chính đáng để xin hủy quốc tịch Hoa Kỳ, người đó vẫn phải trở lại Mỹ, và Sở Di Trú sẽ đưa tên vào danh sách bị trục xuất.
Nên nhớ, các nhân viên Sở Di Trú Canada và Mexico có rất nhiều quyền hạn và quyền lực để truy xét, cho dù họ chỉ nghi ngờ họ vẫn có quyền làm thủ tục trục xuất, lúc đó quý vị phải tốn rất nhiều tiền cho luật sư can thiệp để được ở lại Mỹ. Tốt hơn hết, ai về Việt Nam nên làm một lá đơn xin “tái nhập cảnh.” Nếu quý vị đi lại VN nhiều lần, họ có lý do để đặt vấn đề với quý vị.
Có những người đã bị tạm giữ 24 tiếng đồng hồ mà không cho ăn uống gì hết; có người bị tạm giữ bảy, tám tiếng rồi họ mới cho đi, nên quý vị cần cẩn thận khi đi du lịch để tránh mọi bất trắc có thể xảy ra. Những điều trên chỉ áp dụng với các thường trú nhân có thẻ xanh. Người có quốc tịch Hoa Kỳ không bị ảnh hưởng.
Thuyết trình viên thứ hai là cô Jacquelin Dan. Cô cho biết những điều như sau.
Hiện tại cộng đồng mình có 12,000 người nằm trong danh sách bị trục xuất. Có người đã bị giam cả 10 năm vì Việt Nam không chịu nhận họ. Nhưng Mỹ và Việt Nam đã ký Nghị Định nhận người bị trục xuất. Việt Nam đặt điều kiện chỉ nhận những người đã từng sống ở Việt Nam, có Chứng Minh Nhân Dân. Không nhận người sanh ở các trại tỵ nạn hay nước ngoài. Tuy nhiên chính phủ Trump có thể gây áp lực với nhà cầm quyền CSVN buộc phải nhận thêm người bị trục xuất, vì thế 12,000 người này theo sắc lệnh mới cuả TT Trump họ sẽ bị ưu tiên trục xuất.
Có một số người không nhận được giấy tờ của Sở Di Trú do gia đình lục đục, bị người nhà giấu thư không đưa nên không biết để trả lời Sở Di Trú, không biết ngày gọi đi thi quốc tịch v.v.. Những ai nghĩ mình có vấn đề với Sở Di Trú hãy nhanh chóng tìm gặp Luật Sư Di Trú để can thiệp.
Thuyết trình viên nói, ở đây mình có rất nhiều văn phòng luật sư nhưng một số văn phòng không có luật sư chuyên về luật di trú. Những người làm cố vấn di trú không phải luật sư, họ không thể làm những việc của một luật sư di trú được, cũng giống như mình không muốn một y tá mổ tim cho mình thì việc cần một luật sư chuyên về di trú cũng quan trọng như vậy.
Quý vị cũng cần cảnh giác, nếu quý vị đã có quốc tịch Mỹ, nếu khi có người mặc quần áo, mang phù hiệu của Sở Di Trú đến gõ cửa, mình đừng vội mở, phải nói với họ đưa giấy tờ của toà án qua cưả sổ hay dưới cửa chính cho mình xem trước. Nếu là giấy tòa án thì phải có chữ ký cuả chánh án, và tên họ, điạ chỉ cuả mình phải đúng. Nếu không, mình không phải trả lời cũng không phải mở cửa.
Hiện nay, người có quốc tịch Hoa Kỳ vẫn có thể bảo lãnh cha mẹ, con cái chưa lập gia đình, người có quốc tịch Mỹ có quyền bảo lãnh vợ, chồng, hôn thê, hôn phu nhưng các nghị sĩ Cộng Hòa đang dự định đưa ra một số thay đổi liên quan đến việc bảo lãnh cha mẹ, con cái.
Nếu quý vị là nạn nhân buôn người, nạn nhân bạo hành trong gia đình, hay nghĩ rằng khi về Việt Nam sẽ bị chính quyền cộng sản đàn áp, bắt bớ, bạn có thể làm đơn xin tỵ nạn chính trị, nhưng việc này không đơn giản.
Nếu ai đang có thẻ xanh, thuyết trình viên khuyên hãy gấp rút xin thi quốc tịch, và mọi vấn đề liên quan đến di trú, xin nhớ hãy tìm đến các luật sư di trú. Bạn có thể vào trang mạng cuả Luật Sư Đoàn Hoa Kỳ để biết ai là luật sư di trú.
Vì luật di trú còn rất mới mẻ mà chính quyền lại rất mạnh tay, nên nhiều kẻ xấu đang lợi dụng để làm tiền quý vị. Nếu có các vấn đề mà hai thuyết trình viên vừa nêu, xin hãy gặp luật sư di trú.
Quý vị cũng có thể gọi các số điện thoại sau đây để được giúp đỡ:
-Hiệp Hội Phát Huy Công Lý Người Mỹ gốc Á Châu: TiếngViệt 1-800-267-7395, tiếng Anh 1-888-349-9695.
-Đan Thanh Giang (Jacqueline Dan) (714) 587-2050 ext. 821
-Kim Lưu Nguyễn, Esq số (626) 656-3578.
-BPSOS số (714) 897-2214

 

 

 

Thất bại lớn của TT Trump trong cuộc vận động bãi bỏ Obamacare

TT Trump trao đổi với báo giới tại Phòng Bầu Dục - sau khi dự luật AHCA nhằm bãi bỏ Obamacare bị rút lại.

TT Trump trao đổi với báo giới tại Phòng Bầu Dục - sau khi dự luật AHCA nhằm bãi bỏ Obamacare bị rút lại.

Việc Hạ viện do Đảng Cộng hoà kiểm soát không vận động được đa số phiếu cần thiết để thông qua luật chăm sóc y tế mới và bãi bỏ Obamacare là một thất bại lớn đối với cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo giới phân tích.

Khỏảng một tiếng đồng hồ trước khi dự luật thay thế được mang ra biểu quyết vào chiều Thứ Sáu, 24 tháng Ba, ông Paul Ryan rút dự luật thay thế đạo luật Chăm sóc Y tế Giá Phải chăng- Obamacare, ra khỏi chương trình nghị sự Quốc Hội.

Bãi bỏ Obamacare là một cam kết chủ yếu của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử. Kết quả đầy kịch tính hôm qua có thể là một dấu hiệu về những gì có thể xảy ra cho ông Trump và nghị trình tương lai của ông, theo Thông tín viên VOA Katherine Gypson.

Thành hay bại trong nỗ lực thay thế Obamacare có tầm quan trọng rất lớn đối với Đảng Cộng hoà. Tổng thống Trump đã dồn hết nỗ lực để vận động từng lá phiếu, nhưng vẫn thất bại, không đạt được đa số cần thiết. Ông nói:

“Còn chút xíu nữa là chúng ta đã thành công. Nhưng khi không được bất cứ lá phiếu nào từ ‘phía bên kia’, thì đây là điều rất khó.”

Trong khi Tổng thống Trump đổ lỗi cho ‘phía bên kia’, ám chỉ Đảng Dân chủ, thì chính những sự chia rẽ trong Đảng Cộng hoà của ông đã đưa đến kết quả thất bại này.

Nhóm dân biểu bảo thủ cực hữu tự xưng là Nhóm Tự Do bác bỏ những thương lượng giờ chót tại một cuộc họp với Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence tại Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ.

Trong khi nhiều thành viên Đảng Cộng hoà dùng mạng xã hội để bày tỏ sự phân vân của họ, Chủ tịch Hạ viện Ryan sau cùng đã chấp nhận thất bại, và đích thân tới Toà Bạch Ốc để báo tin xấu.

Ông Trump và ông Ryan đã hợp tác chặt chẽ với nhau để thực hiện lời hứa trong thời gian vận động tranh cử, là sẽ lật ngược và thay thế Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ Giá phải chăng Obamacare. Hai ông nói thất bại này không thay đổi mối quan hệ giữa hai ông.

Giáo sư Donald Kettl thuộc Đại học Maryland nói đây là một thất bại của cá nhân Tổng thống Trump. :

“Ông Trump đã tuyến bố ông ta sẽ chứng minh rằng ông là một nhà thương thuyết đại tài. Thế mà ông đã thất bại ngay trong cuộc thương lượng đầu tiên.”

Chủ tịch Hạ viện Ryan tìm cách giảm thiểu tối đa tác động của thất bại này đối với Tổng thống Trump. Ông Ryan nói:

“Tổng thống đã cố gắng hết sức trong nỗ lực này. Ông đã làm tất cả những gì có thể làm để giúp mọi người thấy được cơ hội trong dự luật này.”

Nhưng ông Ryan còn có nhiệm vụ tập hợp lại những thành viên trong chính đảng của ông.

Dân biểu Mike Coffman nói:

“Đây là một thất bại rõ ràng, và mọi người đều cảm thấy đau lòng, vấn đề ở đây là làm cách nào để lấy lại tinh thần.”

Các thành viên Đảng Cộng hoà rời buổi họp tối hôm qua với nét mặt u sầu, nhưng vẫn cố bày tỏ lạc quan về những bước hành động kế tiếp của Tổng thống Trump.

Dân biểu Coffman nói ông tin rằng ông Trump sẽ bỏ nhiều thời gian hơn và bắt đầu sớm hơn khi phát động những sáng kiến quan trọng khác trong chương trình nghị sự của ông trong những ngày tới.

Nhưng các dân biểu Đảng Cộng hoà thừa nhận thực tế rằng họ sẽ phải cật lực làm việc để hoàn thành nhiệm vụ trong khi phải đối mặt với Đảng Dân chủ, đang được tăng sức sau thất bại của Tổng thống Trump.

 

http://www.voatiengviet.com/a/that-bai-lon-tt-trump-du-luat-bo-obamacare-bi-gat-ra-chuong-trinh-nghi-su/3781579.html

 

Ba thất bại lớn của Trump trong hai tháng cầm quyền

 

ba-that-bai-lon-cua-trump-trong-hai-thang-cam-quyen

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Việc phe Cộng hòa rút dự luật y tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump là thất bại mới nhất trong vòng hai tháng đứng đầu nước Mỹ của ông.

 

Các nghị sĩ đảng Cộng hoà hôm nay rút dự luật y tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trước khi lấy phiếu để thay thế Obamacare. Tổng thống Trump tuyên bố "thất vọng" và "có chút bất ngờ" bởi kết quả này. Nó cũng đánh dấu thất bại lớn thứ ba chỉ trong hai tháng nắm quyền của ông, AFP đưa tin.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh

Chỉ một tuần sau lễ nhậm chức, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân từ 7 quốc gia có số đông là người Hồi giáo, cũng như ngừng tiếp nhận người nhập cư. Sắc lệnh này được đưa ra mà không thông báo, gây ra sự hỗn loạn tại các sân bay, đồng thời làm nổ ra nhiều làn sóng phản đối ở Mỹ và thế giới.

Tuy nhiên, tòa án bang Washington đã chặn sắc lệnh này với lý do nó vi phạm điều khoản chống phân biệt tôn giáo trong hiến pháp Mỹ. Đây được đánh giá là một thất bại đáng xấu hổ với Tổng thống Trump.

Sau đó, chính quyền Trump đưa ra lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi, cho rằng nó sẽ tuân thủ luật pháp chặt chẽ hơn. Mỹ vẫn áp dụng phương án cấm nhập cảnh với công dân từ Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày, đồng thời không nhận người tị nạn trong ít nhất 120 ngày. Iraq được loại khỏi danh sách cấm trong sắc lệnh sửa đổi.

Nhưng tòa án bang Maryland và Hawaii tiếp tục chặn sắc lệnh này hồi giữa tháng 3. Thẩm phán khẳng định lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi vẫn phân biệt đối xử và chống lại đạo Hồi. Tòa án cho rằng phát biểu của Trump khi chạy đua tổng thống, đó là khởi đầu nhiệm kỳ bằng lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh, đã định hình cách tiếp cận của ông. Vụ việc này sẽ được kháng cáo tại tòa án liên bang ở bang Virginia.

Vấn đề với Nga

Các cơ quan tình báo Mỹ đã công khai cáo buộc Nga tìm cách gây ảnh hưởng có lợi cho Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Điều này khiến nhiều người đặt ra nghi vấn liệu chiến dịch tranh cử của Trump có liên hệ với Nga hay không.

Có ít nhất 4 cuộc điều tra độc lập đang được tiến hành với vấn đề này. Phe Dân chủ cho rằng Moscow đã tiến hành đợt tấn công mạng khiến nhiều thư điện tử của họ bị rò rỉ, dẫn tới thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton.

Sự việc còn nghiêm trọng hơn khi Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn phải từ chức vì gặp gỡ Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak trước khi nhậm chức. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions bác bỏ mọi câu hỏi liên quan tới Nga, sau khi việc ông gặp Đại sứ Kislyak trước khi Trump lên nắm quyền bị phát hiện.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 20/3, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey xác nhận cơ quan này đang điều tra liệu các cố vấn tranh cử của Trump có hợp tác với phía Nga hay không. Ông cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng cựu tổng thống Obama đã tổ chức nghe lén tháp Trump.

Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức nhiều buổi điều trần công khai về vấn đề này trong những tuần tới.

Chương trình chăm sóc sức khỏe

Tổng thống Trump buộc phải rút dự luật chăm sóc sức khỏe ngay trước khi lấy phiếu để thay thế chương trình Obamacare. Điều này khiến cam kết loại bỏ Obamacare của ông không được hoàn thành.

Kế hoạch này dự kiến làm giảm giá dịch vụ y tế cao cấp cho hầu hết người Mỹ, nhưng lại cắt giảm sự hỗ trợ với những người không có bảo hiểm. Nhiều nhà phân tích cho rằng 14 triệu người Mỹ sẽ mất bảo hiểm y tế từ đầu năm sau.

Trump đã dồn toàn lực vào dự luật này, cũng như bỏ nhiều thời gian để thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, dự luật này có vẻ đã phá sản với việc phe Cộng hòa kêu gọi xây dựng một kế hoạch mới. Về phần mình, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ nhanh chóng tập trung vào việc cải cách thuế, một mục tiêu dài hạn khác của đảng Cộng hòa.

Tử Quỳnh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/ba-that-bai-lon-cua-trump-trong-hai-thang-cam-quyen-3560649.html

 

Cải cách thuế tại Mỹ: Chông gai đón chờ tổng thống Trump?

 

media

Bộ trưởng Ngân Khố Mỹ Steven Mnuchin (t) từng cho rằng cải cách y tế sẽ dễ được thông qua hơn dự luật bảo hiểm y tế. Ảnh chụp ngày 13/03/2017 tại Washington (Mỹ).

 

Bị thất bại trong vấn đề dự luật chống obamacare, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/03/2017 đã lên tiếng trấn an, dự báo rằng obamacare "sắp vỡ tung". Theo giới quan sát, tân tổng thống sẽ lao vào vấn đề cải cách thuế, được cho là sẽ dễ dàng hơn, nhưng trong thực tế rất có thể sẽ gai góc không kém việc cải tổ luật bảo hiểm y tế.

Sau thất bại nặng nề hôm thứ Sáu 24/03 của kế hoạch bãi bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare, ngay từ sáng thứ Bảy, tổng thống Donald Trump đã phản công. Trong một tin nhắn Tweeter, ông lại tiên đoán rằng luật Obamacare sắp vỡ tung, và sẽ được thay thế bằng một đạo luật tuyệt vời cho NHÂN DÂN Mỹ. Và ông kết luận : « Đừng nên lo lắng ! ».

Theo thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet tại Washington, cho dù đã ra một lời trấn an như vậy, tổng thống Mỹ vẫn sẽ gác vấn đề y tế gai góc qua một bên trong một thời gian, để tập trung vào một hồ sơ khác có thể cũng khó khăn không kém : Cải cách thuế.

Donald Trump muốn chuyển qua kế hoạch lớn thứ hai trong chương trình hành động của ông: cải tổ chế độ thuế. Đây là điều mà ông từng tỏ ý rất muốn đích thân giải quyết trước tiên hết. Ông đã phác thảo nét chính của kế hoạch này trong bài phát biểu trước Quốc Hội. 

Theo ông, đấy sẽ là một cải cách « lịch sử », cho phép giảm thuế suất đối với các doanh nghiệp Mỹ để có thể cạnh tranh ở bất cứ nơi nào, đồng thời cho phép « ồ ạt giảm thuế » cho tầng lớp trung lưu.

Bộ trưởng Ngân Khố Mỹ Steven Mnuchin cho rằng kế hoạch cải cách thuế sẽ dễ được chấp nhận và thông qua hơn, so với cải cách y tế, nhưng chưa chắc !

Trên nguyên tắc, luật bảo hiểm y tế - mà ông Trump đã phải rút lại - cho phép tiết kiệm được một nghìn tỷ đô la để bù đắp cho chương trình giảm thuế. Nếu không có phần bù đắp này, thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên, điều mà cánh bảo thủ trong đảng Cộng Hòa ghét cay ghét đắng. Đảng Dân Chủ thì chắc chắn sẽ phản đối một hệ thống có lợi cho những thành phần giàu có. 

Bị suy yếu sau thất bại của dự luật bảo hiểm y tế, Donald Trump rất có thể sẽ lại phải đối mặt với những khó khăn tương tự trong Quốc Hội Mỹ, với một kế hoạch cải cách thuế mà chưa một tổng thống nào cho thông qua được, kể từ thời ông Reagan vào năm 1986 đến nay.

 

Thế kẹt của Trump trong cuộc nội chiến đảng Cộng hòa

Cuộc đấu đá nội bộ ở đảng Cộng hòa, nguyên nhân chính khiến dự luật y tế của Donald Trump bị rút, đang đặt Tổng thống Mỹ vào thế bí trước các bước đi sắp tới.

the-ket-cua-trump-trong-cuoc-noi-chien-dang-cong-hoa

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hôm 24/3. Ảnh: New York Times

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi mào rất nhiều cuộc chiến chính trị nhưng thất bại trong việc bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) là cú vấp ngã lớn nhất kể từ khi ông lên cầm quyền Nhà Trắng. Đây được cho là kết quả bắt nguồn từ cuộc nội chiến của đảng Cộng hòa, diễn ra từ lâu trước khi Trump đến Washington. Là một tổng thống coi thường các quy tắc và tin rằng quy tắc thông thường ở Washington không thích hợp với ông nhưng giờ đây, Trump đã nhận thấy bản thân mình cũng không thể tránh khỏi bị trói buộc bởi chúng, theo New York Times.

Bãi bỏ Obamacare, di sản tự hào nhất của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, là ưu tiên mà đảng Cộng hòa công khai thể hiện suốt 7 năm qua. Tuy nhiên, với động thái ngăn chặn cuộc bỏ phiếu thay thế Obamacare tại Hạ viện, nhóm hạ nghị sĩ cực hữu nổi loạn thuộc đảng Cộng hòa đã thành công trong việc đánh bại nhóm cầm quyền Trump dẫn dắt, chuyên gia nhận định.

Lựa chọn khó khăn

Hai cây bút Maggie Haberman và Glenn Thrush từ New York Times cho rằng ông Trump giờ đây phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: củng cố hay tái tổ chức đảng Cộng hòa.

Liệu ông nên nhường quyền lực cho phe chống lại nhóm cầm quyền của đảng hay tìm hướng đi khác để điều hành hiệu quả, bằng cách gạt bỏ nguyên tắc đảng phái và xây dựng liên minh với các nghị sĩ Dân chủ, những người ông từng chỉ trích là gây ra hạn chế cho đảng Cộng hòa?

"Đây thực sự là vấn đề đảng chúng ta phải đối mặt, đó là điều mà Trump cần giải quyết để tiến lên phía trước", hạ nghị sĩ Cộng hòa Tom Cole, người sát cánh với Trump trong cuộc chiến bảo vệ dự luật cải cách y tế AHCA (hay còn gọi là Trumpcare) do Tổng thống Mỹ khởi xướng, nói.

"Tôi nghĩ ông ấy đã nỗ lực hết sức. Ông ấy gặp gỡ hàng chục hạ nghị sĩ và đưa ra rất nhiều thỏa hiệp nhưng rốt cục, có một nhóm người trong đảng Cộng hòa vẫn không đồng tình. Đôi khi, tôi nghĩ ta phải thu hút ủng hộ từ bên ngoài tổ chức đảng. Tổng thống Trump là một chuyên gia đàm phán và cựu tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Ronald Reagan cũng từng dàn xếp thành công một thỏa thuận quan trọng với phe Dân chủ", Cole cho biết thêm.

Trước khi trở thành ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng, Trump dường như là người ít kiên định về lý tưởng. Nhưng với tư cách tổng thống, ông phải điều hành dựa vào sách lược thông lệ của đảng Cộng hòa, ủng hộ nhiều lập trường mà Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan và nhóm cầm quyền theo đuổi.

Dù đang giận dữ và khát khao trả đũa, Trump có lẽ đã quyết định ngậm nỗi đau thất bại với hy vọng tập hợp đủ sự ủng hộ trong đảng để thúc đẩy các dự luật chi tiêu, một dự luật cải tổ thuế vẫn chưa thành hình và một dự luật về gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD. Chúng có thể giành được sự đồng tình đáng kể từ phe Dân chủ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ đảng Cộng hòa.

Tìm người đổ lỗi

the-ket-cua-trump-trong-cuoc-noi-chien-dang-cong-hoa-1

Reince Priebus, chánh văn phòng Nhà Trắng, người điều phối chiến lược ban đầu để soạn thảo dự luật. Ảnh: AFP

Tối 24/3, vẫn sốc sau khi dự luật AHCA bị rút, Trump lui về tư dinh ở Nhà Trắng để gặm nhấm nỗi phiền não và quy kết trách nhiệm, New York Times bình luận. Nhằm tìm kiếm kẻ giơ đầu chịu báng, ông nhiều lần hỏi các cố vấn của mình: Thất bại này do lỗi của ai?

Ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Trump dường như muốn quy tội cho Reince Priebus, chánh văn phòng Nhà Trắng, gương mặt điều phối chiến lược ban đầu soạn thảo dự luật AHCA cùng Chủ tịch Hạ viện Ryan, một người bạn thân thiết đối với ông, theo ba nguồn tin am hiểu vấn đề.

Dù công khai bày tỏ đoàn kết với Ryan nhưng Trump cùng đội ngũ dưới quyền ông giờ đây cũng dần thấy hối hận vì trông cậy quá nhiều vào Ryan trong giai đoạn đầu soạn thảo dự luật.

Ông Trump hôm 24/3 nói với một cố vấn rằng dự luật AHCA bị rút chỉ giống như cú vấp nhẹ trên con đường dài và Nhà Trắng sẽ hồi phục.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn cùng ngày với phóng viên New York Times, Tổng thống Trump xác nhận chính quyền đang "rung chuyển", phần nào do mối chia rẽ giữa các thành viên đảng Cộng hòa.

"Có rất nhiều đối thủ với quan điểm thực sự trái ngược. Ngay trong đảng Cộng hòa, có những người theo trường phái tự do và có cả những người mang tư tưởng bảo thủ", Trump nói.

Theo các nguồn tin, Stephen K. Bannon, chiến lược gia trưởng cho ông Trump, miêu tả quyết định rút dự luật AHCA là một thất bại rõ ràng, có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới nhiệm kỳ ở Nhà Trắng của ông dù Bannon tin rằng quốc hội, chứ không phải Trump, chịu phần lớn trách nhiệm.

Bannon và giám đốc phụ trách các vấn đề lập pháp ở Nhà Trắng Marc Short đã thúc giục ông Trump cứ để Hạ viện bỏ phiếu như cách để xác định, bêu xấu và gây áp lực cho những hạ nghị sĩ nói không với dự luật AHCA.

Một người tham gia những cuộc đàm phán dự luật AHCA vào phút cuối cho hay Bannon và Short muốn lên danh sách kẻ thù. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Ryan được cho là đã tư vấn Tổng thống không nên tìm cách trả đũa, ít nhất cho đến thời điểm ông thông qua được các dự luật chi tiêu và tăng mức trần nợ công nhằm duy trì hoạt động của chính phủ.

Cuối cùng, Trump quyết định thoái lui. Song các cố vấn cho ông đang lo lắng về một tương lai khó khăn khi quyền lực của Trump bị "đè bẹp" bởi nạn phe phái giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Nhiều thành viên trong đội ngũ trợ lý của Trump đã né tránh tham gia nỗ lực thúc đẩy dự luật AHCA. Gary D. Cohn, cố vấn kinh tế trưởng, ban đầu được giao nhiệm vụ giám sát dự luật từ phía Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông trở nên hoài nghi và Nhà Trắng ghi nhận rằng Cohn, cựu chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs, một người theo phe Dân chủ, không phải sứ giả tốt để ứng phó với các hạ nghị sĩ bảo thủ cứng đầu trong đảng Cộng hòa.

Suốt nhiều tuần qua, Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn chủ chốt cho Tổng thống Trump, vẫn duy trì quan điểm ủng hộ dự luật là sai lầm. Kushner đi trượt tuyết cùng gia đình ở Aspen, bang Colorado, từ cuối tuần trước và không trở về Washington đến tận hôm 24/3. Sự việc trên khiến Trump bực bội bởi ông cho rằng Kushner đáng lẽ phải có mặt ở Washington trong tuần mà Hạ viện bỏ phiếu dự luật AHCA.

Trump cũng chỉ trích các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ vì góp phần khiến AHCA bị rút sau khi ông phớt lờ đề nghị từ họ về việc thương lượng một gói thỏa thuận giúp khắc phục những thiếu sót trong dự luật nhưng vẫn giữ các quy định cốt lõi bảo vệ bệnh nhân nghèo hay người thuộc tầng lớp lao động.

Tổng thống Trump đã để trống hàng chục chức vụ quan trọng trong chính quyền, gạt bỏ các ứng viên đảng Cộng hòa mà ông xem là không đủ trung thành. Giờ đây, ông lên án sự phản bội của khoảng 20 đến 30 hạ nghị sĩ bảo thủ trong đảng, những người không ủng hộ dự luật AHCA.

"Chúng tôi học được rất nhiều. Chúng tôi học được rất nhiều về lòng trung thành", Trump trịnh trọng nói trước các phóng viên ngày 24/3.

Song vào sáng 26/3, ông Trump lại cố tỏ vẻ lạc quan. "Obamacare sẽ nổ tung và chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một kế hoạch chăm sóc y tế vĩ đại cho người dân. Đừng lo lắng", Tổng thống Mỹ viết trên Twitter.

Hồng Vân

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/the-ket-cua-trump-trong-cuoc-noi-chien-dang-cong-hoa-3562010.html

 

Làm thế nào phế truất Donald Trump ?

Thụy My

media

Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, liệu Donald Trump thực sự có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ tổng thống hay không, và đến bao giờ. Financial Timesnhận định về mặt luật pháp, thủ tục impeachment đối với Donald Trump ngày càng trở thành hiện thực. Nhưng vấn đề là về chính trị : liệu phe Cộng Hòa rốt cuộc có sẽ bỏ rơi ông Trump hay không ? The New York Times kêu gọi « Tống ông Trump đi bằng mọi cách ». Tờ báo nêu ra Tu chính án số 25 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, cho phép bãi chức tổng thống vì thiếu năng lực.

L’Obs chạy tựa « Khủng bố : Sự mù quáng ngu ngốc của chúng ta », với những bài phân tích về thánh chiến kiểu mới, « lực lượng đặc nhiệm » của Emmanuel Macron. Nếu Le Point nói về « Jupiter Macron », L’Express cũng đăng ảnh tổng thống Pháp, dự báo trong kỳ bầu cử Quốc Hội lần này đảng của ông sẽ thắng lớn, với hàng tựa « Hiện tượng hâm mộ Macron ».

Trên trang bìa của Le Courrier International tuần này, tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngồi duỗi dài chân, hai tay cầm hai khẩu súng lục đang bốc khói, những vết đạn lỗ chỗ trên hai chiếc giày của chính ông với dòng tựa « Trump – Ông ta sẽ còn đi đến đâu ? ». Ở trang trong, là hình vẽ ông Donald Trump đang ngồi trên lưng voi mang màu cờ Mỹ tượng trưng cho đảng Cộng Hòa, với câu hỏi « Ai có thể dừng Trump lại ? »

Trong lúc cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 đang đe dọa Nhà Trắng, Donald Trump liên tục có những quyết định và phát biểu gây tranh cãi : sa thải giám đốc FBI, rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, viết vô tội vạ trên Twitter…Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, liệu ông Trump thực sự có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ tổng thống hay không, và đến bao giờ.

Làm thế nào phế truất Donald Trump ?

« Thêm một bước tiến đến phế truất », Financial Times, có trụ sở tại Luân Đôn, nhận định. Theo tờ báo, về mặt luật pháp, thủ tục impeachment đối với Donald Trump ngày càng trở thành hiện thực. Nhưng vấn đề là về chính trị : liệu phe Cộng Hòa rốt cuộc có sẽ bỏ rơi ông Trump hay không ?

Những tuần lễ gần đây, khả năng Donald Trump bị truất phế không còn là ảo tưởng của cánh tả, mà đã trở thành hiện thực, dù hãy còn xa vời. Financial Times cho biết các luật gia như Laurence Tribe của Havard đã bắt đầu nghiên cứu các điều khoản của Hiến Pháp.

Điều khoản đầu tiên liên quan đến « cản trở tư pháp » như vụ Watergate năm 1974. Bản thân ông Trump đã nhìn nhận cách chức giám đốc FBI vì James Comey điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, còn Comey đang giữ các ghi chép cho thấy ông Trump muốn Comey « bỏ qua » cho Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia. Đây là những chứng cứ ban đầu.

Thứ hai là "xung đột lợi ích và tham nhũng". Donald Trump không công bố bản khai thuế, không giữ khoảng cách cần thiết với các cơ sở kinh doanh như khách sạn, sân gôn, sẽ hưởng lợi lớn trong nhiệm kỳ. Chẳng hạn ông đã tăng gấp đôi phí gia nhập câu lạc bộ ở Mar-a-Lago (200.000 đô la). Cái giá cao mà các nhà ngoại giao phải trả cho Trump International Hotel, chỉ cách Nhà Trắng có vài con đường, cũng có thể coi là « bổng lộc ». Hiến Pháp Mỹ cấm các quan chức cao cấp liên can đến tiền bạc từ các chính phủ ngoại quốc.

Khái niệm « tội phạm » cũng được nhắc đến : ông Noad Feldman, dạy luật ở đại học Havard nhấn mạnh, khi tổng thống vu cáo ông Barack Obama nghe lén thì đã phạm một khinh tội (tuy không phải trọng tội) để có thể bị phế truất, cũng như khi vu khống báo chí một cách thù địch. Và tuy tổng thống có quyền tiết lộ các thông tin được cho là không cần thiết phải bảo mật, nhưng việc nói quá nhiều làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng phải được xét đến.

Tuy nhiên, thủ tục phế truất mang tính chính trị hơn là pháp lý, và một khi phe Cộng Hòa còn thống trị Hạ Viện, thì điều này khó diễn ra. Các dân biểu rất ý thức về lợi ích chính trị của chính mình. Chỉ khi nào họ cảm thấy nếu tiếp tục hỗ trợ ông Trump sẽ phải trả giá đắt, thì họ mới bắt đầu rời khỏi con tàu - trong khi tỉ lệ ủng hộ tổng thống trong phe Cộng Hòa hiện nay vẫn khoảng 80%. Các lãnh đạo đảng bảo thủ hiểu rằng sự ra đi quá sớm của ông Trump sẽ bất lợi cho họ.

Khả năng truất phế sẽ cao hơn nếu phe Dân Chủ giành phần thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, nhưng như vậy cần đến 2/3 số phiếu của Thượng Viện để ông Trump phải ra đi. Như vậy việc Donald Trump ở lại Nhà Trắng vẫn nằm trong tay của Cộng Hòa.

Trump, chú bé trên ngai vàng tổng thống

The New York Times kêu gọi « Tống ông Trump đi bằng mọi cách ». Tờ báo nêu ra Tu chính án số 25 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, cho phép bãi chức tổng thống vì thiếu năng lực, và đây là lúc để vận dụng điều khoản này.

Thái độ gần đây của Donald Trump khiến New York Times càng cảm thấy cần phải nhắc nhở phe Cộng Hòa về bổn phận phục vụ đất nước. Đừng quên rằng chiếc ghế tổng thống Mỹ có quyền lực chi phối đến sự sống chết của nhiều người trên thế giới. Không cần thiết phải là siêu nhân, chỉ cần những giá trị cơ bản : một mức độ thông minh hợp lý, tính nghiêm túc, khả năng quản trị, ý thức đạo đức, khả năng tự kềm chế. Tất cả hình như thiếu vắng nơi ông Trump.

Theo tờ báo, tổng thống Trump giống như một đứa trẻ ngồi bảnh chọe trên ngai vàng. Một đứa trẻ tiết lộ thông tin mật để khoe với khách, hỏi giám đốc FBI vì sao không bỏ qua cho bạn mình…Một đứa trẻ không thể là tổng thống. New York Times cho rằng nên viện đến Tu chính án 25 trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, dự kiến phế truất nếu phó tổng thống và đa số quan chức Nhà Trắng thông báo với Hạ Viện là tổng thống « không có khả năng nắm quyền », và 2/3 Hạ Viện đồng ý với chính phủ.

Được thảo ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tu chính án này không dự trù trường hợp như Donald Trump. Tuy không bị ám sát, không bị Alzheimer, nhưng ông không thể lãnh đạo, không thực hiện được những nhiệm vụ phức tạp. Bứng ông Trump đi, bà Hillary Clinton vẫn không thể trở thành tổng thống và Neil Gorsuch, thẩm phán Tối cao Pháp viện do Donald Trump bổ nhiệm vẫn tại vị, nghĩa là Cộng Hòa không thiệt gì nhiều. Theo tờ báo, để cho một nhân vật xuẩn ngốc và bất tài giữ chức vụ có quyền hành to lớn như vậy là một sai lầm lớn.

Không khí độc đoán tại Nhà Trắng

« Một chuyên gia tự hại mình », đó là nhận xét của Tony Schwartz, người chấp bút cuốn sách đầu tay của ông Trump, cuốn The Art of the Deal (Nghệ thuật thương lượng). Bài viết được minh họa bằng những hình vẽ ông Trump mặc tã như một em bé, cổ quấn chiêc cà-vạt dài quá khổ và tự ngã gây thương tích. Tác giả khẳng định, Donald Trump vẫn là một đứa trẻ lớn xác, thích được nịnh nọt.

Tony Schwartz cho biết cách đây 30 năm, ông biết Donald Trump rất rõ vì dành cả năm trời cùng với ông Trump soạn ra cuốn sách trên. Cả trăm giờ đồng hồ, ông lắng nghe và quan sát ông Trump hành động. Cho nên những gì xảy ra trong bốn tháng qua không làm ông ngạc nhiên chút nào.

Schwartz hiểu rằng ông Trump thường xuyên cảm thấy bị đe dọa, và phản ứng bằng cách sáng tác ra điều gì đó để biện minh, luôn đổ trách nhiệm cho người khác. Lúc nào Trump cũng thấy phải chiến đấu : hoặc là thống trị, hoặc là bị trị. Cả đời, Donald cố gắng lấn lướt người khác, bất kể cái giá phải trả. Trump chưa hề tỏ mặc cảm tội lỗi, hối hận, và dường như không gắn bó với một giá trị nào như lòng thương cảm, sự đại lượng, khả năng phân biệt thiện ác, và không có lý tưởng.Chính ông Trump mới đây xác nhận, cậu bé lớp 1 trước đây và Trump bây giờ không khác nhau.

Đa số các dự án nêu ra trong The Art of the Deal là những thất bại nặng nề (như các casino, lập liên đoàn bóng đá riêng…) nhưng theo lệnh của Trump, Schwartz phải vẽ vời thành các thành công vang dội. Ba mươi năm trước đây, từng nhận giùm hàng trăm cuộc gọi, tham dự hàng chục cuộc họp với Donald Trump, Schwartz chưa hề thấy ai dám phản đối Trump. Và giờ đây không khí sợ hãi này cũng đang ngự trị tại Nhà Trắng.

Không có Trump, trái đất vẫn quay

Le Courrier International trích dịch bài báo của Washington Post mang tựa đề « Thế giới phải tiếp tục tiến tới mà không có ông Trump », cho rằng việc rút lui khỏi hiệp định khí hậu một cách mù quáng chứng tỏ Hoa Kỳ đã từ chối vai trò chiến lược và tầm vóc của mình.

Theo tờ báo, chừng như Donald Trump đã làm mọi cách để thành công trong một việc chừng như bất khả, đó là tách rời nước Mỹ ra khỏi những tiến bộ trên thế giới. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chỉ là một ví dụ. Trump muốn phát triển than đá – một ngành gặp khó khăn vì sự tiến triển của thị trường, cũng như dầu khí, trong khi phần còn lại của thế giới đã đầu tư đáng kể vào năng lượng sạch.

Tổng thống Trump còn gây lo ngại hơn khi đặt lại vấn đề cam kết của Hoa Kỳ trong NATO, liên minh mà trong 70 năm qua đi đầu trong việc giữ gìn hòa bình và là động cơ chính của thịnh vượng trên thế giới. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định « Thời kỳ có thể trông cậy vào nước Mỹ đã qua rồi », trong khi bà Merkel vốn không phải là người thiếu cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Điều nghịch lý là Brexit và « Nước Mỹ trước hết » của ông Trump khiến các thành viên Liên Hiệp Châu Âu gắn bó với nhau hơn. Hơn nữa, châu Âu cho rằng đây là một cách để Donald Trump lấy lòng Vladimir Putin, người đang đe dọa một số nước NATO.

Ông Trump được đón tiếp nhiệt tình hơn và có thái độ đàng hoàng hơn tại Trung Đông. Bài diễn văn ông đọc trước các lãnh đạo Hồi giáo tuy không phải thật hay, nhưng lẽ ra có thể tệ hơn. Trump giao phó tiến trình hòa bình Israel-Palestine cho một người hoàn toàn nghiệp dư, là Jared Kushner, con rể. Tổng thống Mỹ từ chối bảo vệ dân chủ, nhân quyền, ủng hộ các nhà độc tài ở Ả Rập Xê Út, Ai Cập. Với Donald Trump, Hoa Kỳ đã đánh mất mọi ảnh hưởng và giá trị đạo đức. Thế giới không có cách nào khác là tiến bước mà không cần có ông Trump.

Trump, « kẻ đần độn hữu ích » cho Tập Cận Bình

Trong bài « Trump và những cuộc phiêu lưu biện chứng » đăng trên Le Point, tác giả Bernard-Henri Lévy cho rằng việc ra khỏi hiệp định khí hậu Paris cũng như Brexit, còn phải mất nhiều năm, ít nhất là toàn bộ nhiệm kỳ của Donald Trump. Rất có thể chỉ đơn giản là tổng thống Mỹ không có đủ thời gian để phá hoại tiến trình đã được thỏa thuận ở Paris cách đây hai năm. Ngược lại, chính trị không thích có những khoảng trống, và đối thủ đáng ngại là Trung Quốc sẽ lợi dụng để khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới.

Tác giả nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn đang là nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới. Thế mà nay Bắc Kinh dám ngang nhiên đóng vai « người tốt việc tốt », muốn làm người ta quên đi thực tế. Gần như đồng thời, 64 nước họp tại Bắc Kinh bàn về dự án « Con đường tơ lụa mới ». Ông Trump đã tạo cho địch thủ cơ hội bằng vàng để bước lên hàng siêu cường lãnh đạo thế giới. Theo tác giả Bernard-Henri Lévy, Donald Trump đã là « kẻ đần độn hữu ích » cho Putin, nay lại đóng đúng vai trò này với Tập Cận Bình.

Mỹ rút lui, nhưng Bắc Kinh không đột ngột thành "anh cả" thế giới

Nhưng « Trung Quốc không thể thay thế được Hoa Kỳ », đó là nhận xét của tờ Tài Kinh (Caijing) có trụ sở tại Bắc Kinh. Người Trung Quốc mừng rỡ trước quyết định của Donald Trump, tuy nhiên theo tác giả Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), nguyên phó tổng biên tập tạp chí Học Tập (Xuexi Shibao) của đảng Cộng sản Trung Quốc, thì chỉ có châu Âu mới lãnh đạo được quốc tế trên lãnh vực môi trường, vì Bắc Kinh còn phải nỗ lực rất nhiều ngay tại nước mình.

Trung Quốc chưa hoàn toàn công nghiệp hóa, còn lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển. Tuy nhiên, là nền kinh tế thứ nhì thế giới, Trung Quốc phải chấp nhận các nghĩa vụ quốc tế. Bên cạnh đó, nhân dịp này cũng tìm cách nâng cấp công nghệ - một điều mà nếu không bị hiệp định Paris thúc hối thì không tiến bộ được.

Về sức mạnh quân sự và kinh tế, cũng như quyền lực mềm của các giá trị Mỹ, Trung Quốc không thể nào so sánh được với Hoa Kỳ. Tác giả tỉnh táo nhắc nhở, dù người Mỹ đang co cụm lại, nhưng không vì vậy mà bỗng chốc Bắc Kinh trở thành « anh cả » của thế giới.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170610-lam-the-nao-phe-truat-donald-trump

 

Giải Nobel Kinh tế Joseph Stiglitz : « Với Donald Trump, Hoa Kỳ còn khổ sở »

Anh Vũ

media

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 14/06/2017.

Từ khi vào Nhà Trắng đến nay mới chưa được nửa năm, tổng thống Donald Trump đã khiến dư luận báo chí tốn không ít giấy mực về những tác phong, phát ngôn đến đường lối chính trị. Ông Trump không những là nỗi thất vọng của những ai vốn vẫn quen nhìn Hoa Kỳ như là cường quốc lãnh đạo thế giới mà sẽ còn làm cho nước Mỹ khổ sở.

Nhật báo kinh tế Les Echos ngày 15/06/2017 có bài viết của Joseph E. Stiglitz, giải thưởng Nobel Kinh Tế và hiện là giáo sư Đại học Columbia, New York. Bài báo lấy tựa đề : « Đã đến lúc hành động chống lại Donald Trump ».

Mở đầu bài viết, nhà kinh tế Mỹ khẳng định : « Donald Trump đã ném quả bom vào cấu trúc kinh tế thế giới được xây dựng với muôn vàn khó khăn từ sau Thế Chiến Thứ II ». Theo tác giả thì việc tổng thống Trump quyết định « rút Hoa Kỳ ra khỏi Thỏa thuận về khí hậu Paris vừa qua chỉ là màn mới nhất tấn công vào nền tảng giá trị của chúng ta, vào các thể chế của chúng ta ».

Giải Nobel Kinh Tế đã vạch ra tất cả những cách nghĩ, cách làm của ông Donald Trump đều phủ nhận tất cả những gì đã có, phục vụ lợi ích riêng chứ không hề vì quyền lợi chung của nước Mỹ, dân Mỹ. Tác giả Joseph Stiglitz viết : « Việc phủ nhận khoa học của ông ta, đặc biệt trong lĩnh vực khí hậu đang đe dọa những tiến bộ công nghệ….Ông Trump đang đe dọa sự vận hành của xã hội Mỹ và nền kinh tế Mỹ ».

Theo giải Nobel Kinh Tế, ông Trump đã lợi dụng nỗi bất bình trong người dân Mỹ về kinh tế trì trệ trong nhiều năm qua.Thế nhưng, chương trình thuế khóa và bảo hiểm y tế cho thấy thực chất mục tiêu của ông, đó là : « Làm giàu cho bản thân, tạo đặc quyền đặc lợi cho những người đã ủng hộ ông ». Dẫn chứng là : « Trong một đất nước tuổi thọ giảm, cải cách bảo hiểm y tế của ông ta đã để mặc thêm 23 triệu người khánh kiệt trước bệnh tật .» Tác giả nhận định : « Với Trump, nước Mỹ sẽ còn phải khổ sở ».

Trump chấm dứt vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ

Trong những điều kiện như vậy, tác giả đặt câu hỏi, « phải làm gì trước một loại bạo chúa tính khí thất thường muốn tất cả thuộc về mình ? Thế giới có thể hành động thế nào trước một nước Mỹ đang trở thành Nhà nước lưu manh ? »

Tác giả nhận thấy, riêng vấn đề khí hậu toàn cầu, « bây giờ chúng ta đã biết thế giới không thể tin vào Hoa Kỳ để đối mặt với những đe dọa hiện hữu của quá trình khí hậu ấm lên. Châu Âu và Trung Quốc đã đúng khi khẳng định cam kết ủng hộ một tương lai biết tôn trọng môi trường. Đó là sự lựa chọn tốt cho hành tinh và cho cả kinh tế …. Châu Âu và châu Á rồi sẽ bỏ cách xa Hoa Kỳ trên lĩnh vực công nghệ xanh. Các nước còn lại của thế giới không nên ngần ngại đánh thuế các-bon vào những hàng xuất khẩu Mỹ không tôn trọng chuẩn mực thế giới ».

Cuối cùng tác giả kết luận : « Đối với ông Trump, rõ ràng là một cuộc tranh luận có lý lẽ không làm ông ta thay đổi ý. Đã đến lúc phải hành động ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170615-gia%CC%89i-nobel-kinh-te%CC%81-joseph-stiglitz-%C2%AB-vo%CC%81i-donald-trump-hoa-ky%CC%80-co%CC%80n-kho%CC%89-so%CC%89-%C2%BB

 

Donald Trump : Tổng thống bị « án treo »

Trọng Thành

media

Ông Rober Mueller, công tố viên đặc trách điều tra nghi án tổng thống Trump ngăn cản tư pháp. Ảnh chụp năm 2013.

Báo L’Obs tuần này có bài phân tích về tình trạng bên bờ vực thẳm của tổng thống Mỹ Donald Trump với tựa đề : « Một tổng thống bị án treo ». Tình hình đặc biệt trở nên tồi tệ với ông Trump kể từ khi cựu giám đốc FBI ra điều trần trước Quốc Hội. Tuy nhiên vấn đề là Donald Trump không chỉ dính vào một, mà nhiều bê bối cùng một lúc, thêm vào đó nhân vật này thường « không bỏ lỡ dịp khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn ».

Chưa đầy năm tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Donald Trump trở thành một người chịu « án treo ». Người ta đặt câu hỏi : Liệu ông Trump sẽ còn trụ được đến khi nào ? Tổng thống Mỹ không những chìm ngập trong bê bối, mà tốc độ chìm xuồng đang diễn ra ngày càng mau lẹ.

Theo L’Obs, một điều chắc chắn là công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang trực tiếp hướng mũi điều tra vào Donald Trump. Những bằng chứng mà cựu giám đốc FBI James Comey thu thập được có thể dẫn đến việc truy tố tổng thống, trước hết với cáo buộc « cản trở tư pháp ».

Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan biện minh rằng vấn đề của tổng thống Trump là do « thiếu kinh nghiệm ». Tuy nhiên, lập luận này « không trụ nổi một giây » khi phải đối diện với những sự kiện cụ thể, như việc tổng thống Mỹ đã chủ động ra lệnh cho tất cả ra ngoài, để một mình đối thoại với giám đốc FBI James Comey tại phòng Bầu Dục.

Cho đến nay, Donald Trump hoàn toàn phủ nhận đã yêu cầu James Comey ngưng điều tra về Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia vào thời điểm đó, về các quan hệ mờ ám với Nga. Tuy nhiên, hai llãnh đạo an ninh thân cận với tổng thống, giám đốc CIA Dan Coats và giám đốc NSA Mike Rogers, đều từ chối trả lời trước Thượng Viện, khi bị chất vấn : Có được (tổng thống) yêu cầu tác động đến một cuộc điều tra đang diễn ra hay không ? Các chuyên gia ngờ rằng, do không trực tiếp tác động được đến đối tượng, tổng thống Mỹ đã dùng hai lãnh đạo CIA và NSA làm trung gian gây ảnh hưởng.

Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt cũng có thể đưa ra ánh sáng những quan hệ bí ẩn có thể có với Nga của bảy nhân vật thân cận với tổng thống, trong đó có bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, điều mà ông Sessions từng thề thốt là không có.

Sự sụp đổ từ từ

Theo L’Obs, tình hình càng nghiêm trọng hơn khi Donald Trump đã tiêu tốn toàn bộ năng lượng của chính phủ vào các bê bối, trong lúc cơ may tiến hành các cải cách quan trọng thì « ngày càng teo lại ». Barry Ritholtz, một trong những nhà báo Mỹ nhiều ảnh hưởng nhất, từng tin tưởng Trump có thể thực hiện được 96% chương trình cải cách, nay chỉ cho rằng được đến 25% đã là may mắn.

Về viễn cảnh tương lai của tổng thống đang chịu « án treo », L’Obs so sánh thái độ của cánh tả Dân Chủ với cánh hữu Cộng Hòa. Về phía cánh hữu, sự ủng hộ tổng thống ngày càng co lại, trước viễn cảnh đen tối của « một cú sụp đổ đang từ từ diễn ra ».

Càng gần đến thời điểm bầu Quốc Hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, phe Cộng Hòa càng lo đại bại, khi không một cải cách đáng kể nào được thực hiện. Phía phe Dân Chủ, thì một mặt chờ kết quả điều tra tiến triển, có bằng cớ vững chắc mới yêu cầu phế truất, mặt khác, khôn khéo để bất bình trong dân chúng gia tăng. Trong trường hợp này, nếu để phó tổng thống Mike Pence thay thế ông Trump sớm chưa chắc đã hay.

Liệu Donald Trump có lựa chọn « kịch bản lý tưởng » là từ chức để cứu vãn uy tín của đảng Cộng Hòa ? L’Obs tỏ ra nghi ngờ, với nhận xét đầy vẻ châm biếm : Việc phế truất cũng có mặt hay của nó, đó là tạo dịp để Donald Trump lập kỷ lục về mặt thu hút khán thính giả truyền hình.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170617-donald-trump-tong-thong-bi-%C2%AB-an-treo-%C2%BB

 

Tuần hành tại Mỹ đòi phế truất Donald Trump

media

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, ngày 30/06/2017.

Hôm nay 02/07/2017, trên khắp nước Mỹ, dự kiến sẽ có nhiều cuộc tuần hành để đòi phế truất tổng thống Donald Trump. Việc phế truất tổng thống tại Hoa Kỳ theo thủ tục "impeachment" trên thực tế chưa bao giờ xảy ra. Tuy nhiên xã hội dân sự Mỹ ngày càng phẫn nộ, họ hy vọng Donald Trump sẽ là tổng thống đầu tiên bị hạ bệ.

Mục tiêu của cuộc tuần hành ngày Chủ nhật là yêu cầu Hạ Viện bỏ phiếu thông qua một bản « cáo trạng », nêu chi tiết các tội danh quy cho tổng thống, gọi là « impeachment », để mở đường cho thủ tục phế truất.

Ông John Bonifaz, đồng tổ chức ngày tuần hành Impeach Donald Trump Now giải thích : « Tổng thống đã vi phạm hai điều khoản chống tham nhũng trong Hiến pháp. Còn bây giờ rõ ràng là ông Donald Trump đã ngăn cản tư pháp trong cuộc điều tra có thể vạch ra các sai phạm của chính ông ấy và các cộng sự trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 ».

Ban tổ chức đã quyên góp được chữ ký của hơn một triệu người ủng hộ. Tuy nhiên khó tưởng tượng được là việc phế truất Donald Trump có thể xảy ra trong những tháng tới, theo ông Corentin Sellin, một chuyên gia về chính trị Mỹ : « Có rất ít cơ may, thậm chí hoàn toàn không có hy vọng gì là điều này sẽ xảy ra trước cuối năm 2018 (tức thời điểm bầu lại Hạ Viện và một phần Thượng Viện), bởi phe Cộng Hòa đang có đa số tại lưỡng viện Quốc Hội. Khó mà tưởng tượng được là 22 dân biểu và 15 thượng nghị sĩ Cộng Hòa sẽ chống lại phe mình, để bỏ phiếu cho bản cáo trạng, truất phế tổng thống cùng phe ».

Trong khi chờ đợi thay đổi tại Quốc Hội, hôm nay, dự kiến sẽ có khoảng 40 cuộc tuần hành tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, với sự tham gia của hàng chục nghìn người.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170702-tuan-hanh-lon-tai-my-doi-phe-truat-donald-trump

 

Xuống đường tại nhiều thành phố đòi phế truất TT Trump

Nhiều người xuống đường tại Austin, Texas, đòi truất phế Tổng Thống Donald Trump. (Hình: Joshua Guerra /Austin American-Statesman via AP)

WASHINGTON, DC (NV) – Người dân tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ hôm Chủ Nhật tập hợp kêu gọi Quốc Hội phế truất Tổng Thống Donald Trump.

Theo đài NBC News, hàng ngàn người tham gia cuộc “Diễn Hành Phế Truất” vào ngày Chủ Nhật, tại New York, Philadelphia, Austin, New Orleans, Los Angeles, San Francisco, và hàng chục địa điểm khác.

Trang mạng của sự kiện này viết: “Ông Donald Trump từng vi phạm trắng trợn bản Hiến Pháp từ ngày tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Nay là lúc mà các đại diện Quốc Hội làm công việc của họ và bắt đầu tiến trình phế truất vị tổng thống này.”

Tại Austin, Texas, hàng trăm người tề tựu tại tòa nhà lập pháp tiểu bang rồi tuần hành đến tòa thị chính đòi phế truất ông Trump, trong khi hàng chục người ủng hộ ông tìm cách làm gián đoạn cuộc xuống đường.

Ở New York, những người chống đối tập trung bên ngoài Trump International Hotel & Tower.

Nhiều người biểu tình với khẩu hiệu cầm trên tay tụ tập tại Piedmont Park, Atlanta.

Và ở Los Angeles, hơn 12,000 người nói trên Facebook rằng họ sẽ tham dự cuộc tuần hành tại trung tâm thành phố.

Tại New Orleans, người chống đối tề tựu tại Duncan Plaza trước khi kéo xuống đường, miệng hô và giơ cao khẩu hiệu, kể cả vẫy cờ sắc cầu vồng của giới đồng tính. (TP)

http://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/xuong-duong-tai-nhieu-thanh-pho/

 

Khoảng trống quyền lực ở Washington sau nửa năm Trump lãnh đạo

Sa đà vào những lùm xùm không liên quan đến chính sách trong nửa năm đầu cầm quyền, ông Trump dường như đánh mất vai trò lãnh đạo ở Washington.

 

 

 

khoang-trong-quyen-luc-o-washington-sau-nua-nam-trump-lanh-dao

Ông Donald Trump phát biểu trước lưỡng viện quốc hội Mỹ ngày 28/2. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây lo lắng ở Washington khi ông tỏ ra không toàn tâm toàn ý với công việc lãnh đạo đất nước, theo Boston Globe.

Ngay cả những đồng minh từ đảng Cộng hòa dường như cũng cảm thấy sốt ruột khi ông chủ Nhà Trắng vướng vào hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, liên tục viết những dòng bình luận bốc đồng trên mạng xã hội Twitter, không thể đưa ra những thông điệp nhất quán và thẳng thừng tuyên chiến với truyền thông.

Trump đã cho thấy khả năng hạn chế trong việc tập hợp ủng hộ cho các sáng kiến chính sách tại quốc hội dù nó được kiểm soát bởi chính đảng Cộng hòa của ông. Ông cũng chưa làm gì nhiều để cung cấp cho công chúng một tầm nhìn về những hoạch định tương lai, chuyên gia đánh giá.

Khoảng trống quyền lực lãnh đạo

Trump mới chỉ đưa ra một bài phát biểu trước toàn quốc trên truyền hình vào giờ vàng kể từ ngày ông nhậm chức, đó là bài phát biểu trước lưỡng viện quốc hội hồi tháng 2.

Các thành viên cấp cao đảng Cộng hòa tại quốc hội đã cho thấy họ không có khả năng sử dụng quyền kiểm soát đa số để giải quyết những công việc trọng đại và không sẵn sàng thách thức một Nhà Trắng đang rối loạn để giành quyền kiểm soát chương trình nghị sự ở Washington. Trong khi đó, những thành viên đảng Dân chủ hiện có rất ít ảnh hưởng.

Trước bối cảnh nước Mỹ đối diện hàng loạt vấn đề quốc tế và nội tại hệ trọng, Washington đang chứng kiến một khoảng trống quyền lực lãnh đạo, chưa từng xảy ra ở bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử hiện đại, theo giới học giả và các chuyên gia phân tích chính trị.

"Tôi thậm chí không thể nghĩ đến tình huống một tổng thống kiểm soát lưỡng viện quốc hội lại có một khởi đầu hỗn loạn, khó đoán và khác thường như vậy", David Gergen, người từng làm cố vấn Nhà Trắng cho 4 đời tổng thống Mỹ, nhận xét về ông Trump.

"Công bằng mà nói, Trump đang lãnh đạo một đảng Cộng hòa với nhiều rạn nứt... Nhưng tổng thống là người phải đối mặt với thách thức trong những hoàn cảnh khó khăn. Đó là lý do tại sao làm tổng thống là một công việc vĩ đại. Tổng thống Trump, nếu nói theo lối ẩn dụ, đang cưỡi ngựa chạy quanh giống như một kỵ sĩ không đầu", Gergen nói.

Không nắm chi tiết chính sách

khoang-trong-quyen-luc-o-washington-sau-nua-nam-trump-lanh-dao-1

Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì họp báo một mình duy nhất hồi tháng 2. Ảnh: CNBC.

Điều đáng lo hơn cả là việc guồng máy rối loạn ở Washington không có dấu hiệu cải thiện, cây bút Matt Viser từ Boston Globe nhận định.

"Hệ thống chính trị Mỹ dựa trên nền tảng tổng thống đưa ra sáng kiến và quốc hội phản hồi. Nhưng với Tổng thống Trump, nền tảng này hoạt động theo chiều ngược lại", H.W. Brands, giáo sư tại Đại học Texas, bình luận. "Ông ấy không nắm các chi tiết chính sách nên không thể là một người bảo vệ chính sách thuyết phục. Khi một tổng thống không nắm vững chính sách, ông ta sẽ không thể trở thành một nhà lãnh đạo thực sự hiệu quả".

Nhiều học giả và các chuyên gia chính trị cho biết Washington chưa bao giờ rơi vào tình trạng thiếu người chèo lái như hiện nay trong khi còn vô vàn công việc cần tiến hành.

Hệ thống tàu điện ngầm ở các thành phố Mỹ đang xuống cấp, các con đường, mạng lưới cầu cống liên tục hư hỏng. Những công ty bảo hiểm y tế đang rút khỏi các thị trường bảo hiểm quan trọng vì lo ngại trước tình trạng không chắc chắn xung quanh số phận của Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) cũng như việc đảng Cộng hòa không thông qua được một đạo luật thay thế và hủy bỏ Obamacare như cam kết từ lâu.

Hầu hết mọi người đều nhất trí rằng bộ luật thuế quá phức tạp nhưng triển vọng cải tổ nó dường như đang tắt dần. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã thống nhất luật nhập cư cần thay đổi nhưng không ai dám đặt cược đảng Cộng hòa có thể sử dụng quyền kiểm soát quốc hội để thông qua bất cứ đạo luật cải cách nào hoặc tiến đến thỏa hiệp với đảng Dân chủ trong vấn đề nhập cư.

"Một đảng đang kiểm soát quốc hội và liệu ai nghĩ được rằng họ không có chương trình nghị sự, không có tầm nhìn và không có khả năng hoàn thành công việc", John Weaver, chiến lược gia kỳ cựu thuộc đảng Cộng hòa, nói. "Phần lớn trách nhiệm này nằm ở tổng thống".

Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ những kết quả công việc của Trump và chỉ ra rằng ông góp phần mang đến sự lạc quan cho các nhà sản xuất trong nước, giảm bớt những luật lệ hành chính cũng như thông qua không ít đạo luật tạo điều kiện dễ dàng cho tái cấu trúc và cải cách.

"Nếu một nhà lãnh đạo được định nghĩa là người thường xuyên đưa ra các bài phát biểu hay cuộc họp báo vào giờ vàng trên truyền hình thì định nghĩa ấy có vấn đề. Một lãnh đạo giỏi phải là người bảo vệ an ninh và kinh tế đất nước", phát ngôn Nhà Trắng Tyler Ross nhấn mạnh.

"Bằng cách đặt các lợi ích Mỹ lên trước tiên, Tổng thống Trump đang chủ trì nỗ lực giảm một lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp, xóa bỏ những quy định không khuyến khích việc làm trị giá hàng tỷ USD và theo đuổi các hiệp định thương mại công bằng mang lại lợi ích tốt hơn cho công nhân Mỹ. Chúng ta đang sống giữa một đất nước an toàn và mạnh mẽ hơn về kinh tế", ông Ross nói.

Tổng thống ít chủ trì họp báo nhất

Các cuộc họp báo Nhà Trắng dưới thời ông Trump thường ngắn gọn nhưng gây tranh cãi. Những dòng tweet Tổng thống Mỹ đăng tải không đề cập đến các trọng tâm chính trị, như vấn đề chăm sóc y tế hay nhập cư, mà chỉ tập trung vào cách ông cư xử với phụ nữ, cuộc chiến giữa ông với giới truyền thông hoặc bất cứ điều gì khác không liên quan đến chính sách. Ông thậm chí không thể nhất trí với những người Cộng hòa, từ chối công khai chỉ trích Nga và không ủng hộ điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Trump đã tham gia 11 cuộc họp báo nhưng trong đó, có đến 10 cuộc là họp báo chung với lãnh đạo nước ngoài. Chỉ có một cuộc họp báo ông chủ trì, diễn ra cách đây 5 tháng.

Điều đó khiến Trump trở thành tổng thống Mỹ ít chủ trì họp báo một mình nhất trong gần một thế kỷ, theo website Dự án Nghiên cứu Tổng thống Mỹ (ADD). Ở năm cầm quyền đầu tiên, tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức 11 cuộc họp báo một mình. Con số trên với tổng thống George W. Bush và Bill Clinton lần lượt là 5 và 12.

Trump cũng hầu như không đưa ra bất kỳ phát biểu chính sách quan trọng nào dù đây là công cụ quan trọng để một nhà lãnh đạo thúc đẩy chương trình nghị sự hoặc góp phần giúp công chúng nắm rõ những thách thức trong và ngoài nước.

"Vào giai đoạn này dưới thời chính quyền tổng thống Ronald Reagan, ông đã có 2 bài phát biểu quan trọng, nêu quan điểm cơ bản về chính sách và giải thích tại sao cần đưa một dự luật cụ thể nào đó vào thi hành. Các tổng thống John F. Kennedy, Lyndon Johnson, Bill Clinton hay Barack Obama đều làm như vậy. Họ đủ am hiểu về chính sách để thúc đẩy chính sách riêng của họ. Thật khó có thể nói ông Trump thực sự đã xây dựng được một chính sách chăm sóc y tế", Brands bình luận.

Ông Trump thậm chí còn bỏ qua khía cạnh quan trọng nhất của chính sách ngoại giao, đó là việc quyết định bổ sung bao nhiêu lính Mỹ cho các chiến dịch an ninh ở nước ngoài. Ông đã giao lại cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis quyền quyết định triển khai thêm bao nhiêu bộ binh đến Afghanistan.

Mặt khác, Trump cũng không tổ chức cuộc họp báo nào để trình bày kế hoạch tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dù ông từng tuyên bố công khai vào ngày 21/5 rằng sẽ họp báo về vấn đề trên trong vòng 2 tuần sau đấy.

Ông chưa đặt ra chương trình nghị sự cụ thể cho cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tuần này ở Hamburg, Đức.

Người Mỹ bất an

khoang-trong-quyen-luc-o-washington-sau-nua-nam-trump-lanh-dao-2

Hình ảnh cắt từ video chế đăng trên tài khoản Twitter của Trump cho thấy ông tấn công một người có khuôn mặt bị che đi bởi logo CNN. Ảnh: Twitter.

Các cuộc khảo sát cho thấy việc thiếu nỗ lực đồng bộ để tập hợp người dân Mỹ ủng hộ một triết lý quản trị hay một tầm nhìn cho tương lai đang tạo ra tác động tiêu cực.

Khi được hỏi cảm nghĩ về những vấn đề xảy ra ở Washington hiện nay, chỉ 11% người Mỹ nói họ cảm thấy thú vị, theo kết quả cuộc khảo sát do USA Today/Đại học Suffolk công bố tuần trước. 1/3 số người được hỏi cho biết họ thấy bất an, trong khi 42% nói họ cảm thấy tình hình ở mức báo động.

"Thời cơ để lãnh đạo là có nhưng Nhà Trắng dường như không quan tâm đến bất kỳ chuẩn mực truyền thống nào hay cách tiếp cận để huy động sự ủng hộ nhằm thông qua các dự luật", Meena Bose, giám đốc Trung tâm Peter S. Kalikow về Nghiên cứu Tổng thống Mỹ thuộc Đại học Hofstra, New York, nhận xét.

"Đây thực sự là điều khác thường vì không có cuộc luận tội nào, không có cuộc khủng hoảng quốc tế nào và nước Mỹ đang nằm dưới quyền thống trị của một đảng", Edward G. Rendell, cựu thống đốc bang Pennsylvania, nói.

Theo giới quan sát, trong quãng thời gian vận động tranh cử tổng thống, Trump thường xuyên tự hào tuyên bố ông thừa khả năng thuyết phục mọi người và dàn xếp các thỏa thuận nhưng những chiến thuật ông thực hiện đến nay dường như lại tạo ra hiệu ứng ngược.

"Vì Trump luôn thay đổi quyết định nên những người Cộng hòa không muốn cam kết bất cứ điều gì bởi họ không tin tưởng ông. Và niềm tin có lẽ là điều quan trọng nhất mà một lãnh đạo phải tìm cách đạt được để thuyết phục người khác", Linda Fowler, giáo sư từ Đại học Dartmouth, bang New Hampshire, nhấn mạnh.

Hồng Vân

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/khoang-trong-quyen-luc-o-washington-sau-nua-nam-trump-lanh-dao-3608636.html

 

Mỹ : Mớ bòng bong pháp lý trong vụ điều tra liên hệ với Nga

media

Tổng thống Donald Trump tại căn cứ quân sự Andrews, Maryland ngày 28/07/2017. Giông tố pháp lý vẫn không ngớt đổ xuống tổng thống Trump và các cộng sự thân tín của ông.

Tại Mỹ, cuộc điều tra của tư pháp về các mối liên hệ có thể với Nga tiếp tục đè nặng lên tổng thống Donald Trump và các cộng sự thân cận  và sẽ còn kéo dài. Đây là chủ đề tranh luận hàng ngày của dư luận Mỹ. Nhật báo Le Monde ra cuối tuần này (30 - 31/08) đăng bài phân tích của thẩm phán Mỹ Jeffrey Rosen về các tranh luận pháp chế xung quanh vụ việc này. RFI xin trích dịch nội dung chính của bài viết.

Ngày 24/07, Jared Kushner, con rể đồng thời là cố vấn của tổng thống Mỹ Donald Trump, trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện đã phủ nhận mọi thông đồng với Nga. Nhưng ngoài chủ đề của cuộc điều tra, tuyên bố trên đã làm dấy lên tại Mỹ cuộc tranh luận sôi nổi về những nguy cơ pháp lý mà Kushner có thể phải đối mặt.

Trong khi đó bản thân con trai tổng thống Donald Trump Junior và ngay cả bản thân Donald Trump cũng đang lần lượt là đối tượng của cuộc điều tra dính dáng đến Nga, Thượng Viện Mỹ và thẩm phán đặc biệt Robert Mueller đang điều tra về khả năng có thông đồng giữa ê-kíp tranh cử của Trump với Nga.

Nếu như ông Mueller chứng minh được Kushner, Donald Trump, cựu cố vấn an ninh của tổng thống Michael Flynn, và Paul Manafort giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump phạm tội, thì ông có thể truy tố họ. Các cáo buộc đối với họ có thể sẽ là vi phạm các điều luật của Mỹ, theo đó, cấm mọi sự thông đồng với chính phủ ngoại quốc, cản trở tư pháp vì khai man với các nhà điều tra. Ở Washington, người ta vẫn quen nói rằng tìm ra thủ phạm nói dối dễ hơn là tìm ra tội để truy tố.

Điều gì xảy ra nếu ông Mueller truy tố Kushner, Trump Jr hay M. Flynn ? Tổng thống Trump có thể quyết định tha bổng cho họ về các tội phạm trong quá khứ và tương lai. Toà Án Tối Cao đã cho phép tổng thống quyết định quyền miễn trừ cho mọi cá nhân về những tội trước khi mở điều tra hoặc sau kết án.

Người ta còn nhớ sau khi tổng thống Richard Nixon từ chức năm 1974, tổng thống kế nhiệm Gerald Ford đã ân xá trong suốt nhiệm kỳ của ông cho cựu tổng thống R. Nixon mọi tội mà « ông đã và có thể đã phạm phải ».

Có thể truy tố Trump ?

Bản thân tổng thống Trump có thể gặp rắc rối pháp lý do đã dùng quyền miễn tội vì dụng ý xấu. Trên một diễn đàn của nhật báo New York Times, hai giáo sư luật của Đại học Chicago giải thích rằng nếu Trump dùng quyền ân xá với dụng ý ngăn cản cuộc điều tra của thẩm phán Robert Mueller, ông có thể bị truy tố vì tội cản trở tư pháp.

Tuy vậy ít có khả năng cá nhân tổng thống Trump bị truy tố khi còn đương nhiệm. Luật pháp Mỹ cho rằng tổng thống không thể bị truy tố trong nhiệm kỳ và giải pháp duy nhất trong trường hợp nghi ngờ phạm tội thì có thể mở thủ tục phế truất.

Trái lại, trong quá khứ, khi điều tra nhằm phế truất tổng tống Clinton, công tố viên đặc biệt Kenneth Starr đã ghi nhận, tổng thống Bill Clinton có thể bị truy tố ngay cả khi đương nhiệm vì theo ông, « trong đất nước này, không một ai ngay cả tổng thống Clinton, đứng trên pháp luật ». Tuy nhiên, ông Starr đã không làm theo kết luận đó.

Như vậy từ trước tới nay, chưa hề có một vị tổng thống nào bị truy tố khi đương nhiệm. Chính vì thế mà phần lớn các nhà bình luận đều kết luận giải pháp khả dĩ nhất, trong trường hợp tổng thống Trump mắc tội, chỉ có thể là phế truất, hoặc nếu truy tố thì chỉ sau khi ông đã rời chức vụ tổng thống.

Vậy trong trường hợp ông Trump sợ bị thẩm phán buộc tội, ông có thể tự ân xá cho mình hay không ? Vấn đề này đáng được xem xét. Hiến Pháp Mỹ cấm tổng thống sử dụng quyền ân xá để ngăn cản Quốc Hội phế truất mình. Nhưng Hiến Pháp không cấm rõ ràng tổng thống dùng quyền ân xá để tự bảo vệ trước việc bị truy tố một khi đã rời khỏi chức vụ.

Nếu ông Trump có ý định tự ân xá cho mình, nhưng một thẩm phán không chấp nhận và vẫn quyết định truy tố ông sau khi rời khỏi chức vụ, thì khi đó Tòa Án Tối Cao có thể có câu trả lời cuối cùng.

Trump có thể bị phế truất không ?

Nếu thẩm phán Mueller phát hiện thấy chính ông Trump vi phạm luật (trong các vụ sa thải giám đốc FBI James Comey hay trong các cuộc tiếp xúc với Nga) giải pháp khả dĩ nhất sẽ không phải là truy tố mà là khởi động thủ tục phế truất.

Hiến Pháp Mỹ quy định tổng thống vẫn có thể bị khởi tố qua bỏ phiếu ở Hạ Viện và bị bãi nhiệm nếu 2/3 Thượng Viện bỏ phiếu thông qua. Hai chuyên gia pháp lý nổi tiếng, một theo cánh tả, một theo hữu, nhấn mạnh rằng « việc khởi tố không phải là biện pháp để trừng phạt các quan chức chính phủ chỉ vì không làm tốt nhiệm vụ. Việc khởi tố là nhằm ngăn chặn lạm dụng quyền hạn. Nhưng ranh giới giữa không đủ năng lực và lạm dụng chức quyền rất mù mờ».

Song song với việc bị điều tra (do thẩm phán Robert Mueller tiến hành) đeo bám, tổng thống Trump và các cố vấn của ông còn có thể bị kiện dân sự. Ông Trump đã từng là đối tượng bị kiện dân sự với số lần bằng cả ba người tiền nhiệm gộp lại.

Trong vụ Clinton năm 1997, Tòa Án Tối Cao đã đánh giá là tổng thống được quyền miễn trừ trước các vụ kiện dân sự nhắm vào vụ việc khi đương chức, nhưng tổng thống sẽ không được bảo vệ về các vụ việc xảy ra trước khi nhậm chức.

Điều này có nghĩa là tổng thống Trump vẫn mong manh trước các vụ kiện dân sự vì những vụ việc trước khi ông bước vào Nhà Trắng. Trong trường hợp nếu ông Trump bị buộc tội nói dối trong các vụ kiện dân sự xảy ra từ thời ông chưa làm tổng thống, thì các chi tiết đó có thể cấu thành lý do để phế truất.

Cho dù không thể dự báo trước tiến trình điều tra sắp tới của thẩm phán Robert Mueller, nhưng lịch sử cho thấy cuộc điều tra có thể sẽ mở ra những vụ việc khác, xa hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu, như ở trường hợp cuộc điều tra của tư pháp Mỹ hiện nay là xem xét các mối liên hệ giữa ê kíp tranh cử của tổng thống của Donald Trump với nước Nga.

Lấy thí dụ như cuộc điều tra tổng thống B.Clinton, ban đầu được mở ra chỉ quan tâm đến các điều kiện đáng ngờ trong dự án bất động sản Whitewater, nhưng sau đó lại phát giác ra mối quan hệ của ông với cô thực tập sinh của Nhà Trắng, Monica Lewinsky.

Tổng thống Trump đã đánh tiếng ông có thể bãi nhiệm Robert Mueller nếu cuộc điều tra của thẩm phán này chuyển hướng sang vụ nghi ngờ tài chính bất minh của tập đoàn Trump Organization chứ không phải mối liên hệ với Nga. Cho dù ông Trump có quyền thải hồi thẩm phán Mueller, nhưng nếu ông ta làm như vậy thì sẽ có thể dấy lên thêm nhiều lời kêu gọi phế truất tổng thống.

(Trích dịch từ Le Monde ngày 30/07/2017)

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170731-my-mo-bong-bong-phap-ly-trong-vu-dieu-tra-lien-he-voi-nga