TÌNH HÌNH THỜI CUỘC
2017
ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VIẾNG THĂM MIẾN ĐIỆN VÀ
BANGLADESH
(26/11 - 2/11/2017)
Các bài viết thứ tự theo thời gian từ mới đến cũ như
sau:
Ngày 29/11
Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô gởi thông điệp đến người dân Miến Điện
Ðức giáo hoàng: Cần ‘lòng khoan dung’ ở Myanmar
Ngày 28/11
Tại Miến Điện, Đức giáo hoàng kêu gọi tôn trọng mọi sắc tộc
Giáo hoàng kêu gọi Myanmar tôn trọng nhân quyền và khác biệt sắc tộc
Thành phố Oxford tước giải đã trao cho Suu Kyi vì khủng hoảng Rohingya
Nghịch Lý của Myanmar
Ngày 27/11
Giáo hoàng Francis thăm Miến Điện
Giáo Hoàng Francis thăm Myanmar
Đức Giáo Hoàng thăm Myanmar
Đức giáo hoàng tông du Miến Điện, trong bối cảnh khủng hoảng Rohingya
Chuyến tông du Miến Điện, thông điệp của Đức giáo hoàng cho Trung Quốc
Giáo hoàng Francis gặp tướng Miến Điện
Các Bài Viết Ngày 29/11
Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô gởi thông điệp đến người dân Miến Điện
Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô trong buổi thánh lễ cử hành tại công viên
Kyaikkasan, thành phố Yangon, Thủ đô Miến Điện trước hơn 150 ngàn người dự
lễ hôm 29/11/2017.
Đó là thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô trong buổi thánh lễ mà Ngài cử
hành tại công viên Kyaikkasan, thành phố Yangon, Thủ đô Miến Điện trước hơn 150
ngàn người dự lễ.
Nhiều người đã đến dự sự kiện trọng đại này là những người theo Công giáo thuộc
các sắc tộc thiểu số sống ở những vùng núi biên giới xa xôi, và có cả những tín
đồ Công giáo đến từ Thái Lan, Campuchia, và Việt Nam.
Đức Thánh Cha đã nói chuyện bằng tiếng Ý rồi được thông dịch sang tiếng Miến
Điện và tiếng Karen cho những người dự lễ. Ngài nói rằng Ngài biết đất nước Miến
Điện đã trải qua nhiều cơn bạo lực với những vết thương thấy được và cả những
thương tổn hằn sâu bên trong. Nhưng những vết thương ấy không thể chữa lành bằng
sự trả thù, đó không phải là cách mà Chúa Jesus đã làm khi xuống thế làm người
để chuộc tội cho nhân loại.
Cộng đồng Công giáo tại Miến Điện chỉ có khoảng 660 ngàn người, chiếm vỏn vẹn
chỉ hơn 1% dân số của một đất nước mà đại đa số là Phật tử.
Tuy nhiên chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến Miến Điện lại có một tầm quan trọng
khác vì nó diễn ra giữa lúc đang có cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya ở bang
Rakhine miền Tây, khi mà hơn 600 ngàn người Hồi giáo Rohingya đã bỏ chạy sang
Bangladesh để trốn sự thanh lọc sắc tộc được cho là đang được thực hiện một cách
bài bản bởi quân đội Miến.
Trong buổi nói chuyện ngày hôm qua với nhà lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu
Kyi, Đức Giáo Hoàng nói rằng tương lai của Miến Điện được đặt trên nhân quyền
của tất cả mọi người, không ngoại trừ một ai cả, tuy ông không nhắc đến tên
Rohingya.
Những người Rohingya tuy sinh sống lâu đời ở Miến nhưng không được chính quyền
Miến Điện công nhận là công dân Miến, mà là những người Bangladesh nhập cư bất
hợp pháp.
Bangladesh hiện đang phải rất nỗ lực để chăm sóc cho hơn nửa triệu người tị nạn
Rohingya, và cũng là nơi mà Đức Giáo hoàng Phan Xi Cô viếng thăm vào ngày mai,
thứ Năm, 30 tháng 11, trước khi kết thức chuyến công du Châu Á kéo dài một tuần
lễ của Ngài.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/pope-preaches-forgiveness-in-first-public-mass-in-myanmar-11292017094141.html
Ðức giáo hoàng: Cần ‘lòng khoan dung’ ở Myanmar
Ðức giáo hoàng Phanxicô bắt tay Chủ tịch Bhaddanta Kumarabhivasma của Ủy ban nhà
nước Sangha Maha Nayaka trong cuộc họp với Ủy ban Phật giáo ở Yangon, Myanmar,
ngày 29/11/2017.
Ðức giáo hoàng Phanxicô nói về sự cần thiết của “lòng khoan nhượng” và tránh
“thù oán” tại thánh lễ với hàng chục ngàn người tham dự ở thành phố Yangon của
Myanmar.
Một lần nữa, ngài tránh nói trực tiếp đến nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya bị đàn
áp trong chuyến thăm Myanmar bốn ngày này, sau khi đã kêu gọi chung về lòng vị
tha tôn giáo trong cuộc họp với các nhà ngoại giao hôm thứ Ba 28/11.
Khoảng 150.000 tín đồ Công giáo từ nhiều nơi trên cả nước đã tập trung về sân
vận động Kyaikkasan để dự lễ, nhiều người đã đến đó từ đêm hôm trước để giữ chỗ.
Sơ Lucy, 22 tuổi, từ bang Chin xa xôi đã đến đây từ lúc 5 giờ sáng, nói: "Tôi
được nhiều ơn phước, không chỉ riêng tôi, mà cả Myanmar. Chúng tôi chưa bao giờ
mơ đến sẽ gặp được Đức thánh cha, nhưng hôm nay chúng tôi thực sự được gặp
ngài.”
Trong thánh lễ đầu tiên tại Myanmar, Ðức giáo hoàng Phanxicô nói rằng nhiều
người dân ở đất nước này “mang trong người những vết thương của bạo động, những
vết thương bên ngoài có thể thấy được, và những vết thương hằn sâu trong trong
lòng. Chúng ta nghĩ rằng trả thù sẽ chữa lành vết thương. Nhưng trả thù không
phải là cách của Chúa Giêsu chữa lành vết thương.”
Ðức giáo hoàng Phanxicô, người thường lớn tiếng bênh vực người tị nạn, đã không
chú ý đến sự trông đợi của nhiều người ở phương Tây muốn ngài công khai nói về
cuộc khủng hoảng của người thiểu số Rohingya.
Hơn 620.000 người thiểu số Hồi giáo Rohingya bị ngược đãi đã trốn chạy sang
Bangladesh sau một một chiến dịch đàn áp quân sự hồi tháng 8.
Myanmar nói những đồn đoán về hãm hiếp tập thể và giết người là phóng đại, và
quân đội nước này phủ nhận mọi cáo buộc đàn áp.
Trước đây Ðức giáo hoàng Phanxicô đã từng lên tiếng bênh vực cho nhóm người
thiểu số này và gọi họ là “các anh chị em Rohingya của chúng ta.”
Nhưng các nhà cố vấn khuyên ngài đừng nói về vấn đề này ở Myanmar vì sợ rằng làm
như vậy sẽ ảnh hưởng đến 650.000 tín đồ Công giáo ở nước này.
Ông Robert Nathan, một tín đồ Công giáo Myanmar, nói: “Đây là lần đầu tiên Ðức
giáo hoàng đến thăm Myanmar. Ngài không đề cập đến cuộc khủng hoảng người
Rohingya là đúng. Chính phủ cần phải giải quyết vấn đề đó.”
Nhưng những người bênh vực nhân quyền kêu gọi ngài nói lên vấn đề này cho người
Rohingya, những người bị bị xem là di dân bất hợp pháp ngay trên lãnh thổ
Myanmar.
Ông Mark Farmaner, người đứng đầu Cuộc vận động Miến Ðiện ở Anh, viết trên
Twitter: “Nếu Ðức giáo hoàng không dùng từ Rohingya, những người phân biệt chủng
tộc xem đó là một chiến thắng, cò nếu ngài dùng từ đó, họ sẽ thất vọng và chống
đối. Đường nào tốt hơn.”
Nhiều người trong đám đông ở Yangon hài lòng là Ðức giáo hoàng đã chọn cách
không đề cập đến cuộc khủng hoảng. Ngài đã nói rằng mục đích chính của chuyến
thăm này là để ủng hộ giáo dân Công giáo ở quốc gia Ðông Nam Á vừa mới thiết lập
quan hệ ngoại giao với Vatican hồi gần đây.
https://www.voatiengviet.com/a/duc-giao-hoang-can-long-khoan-dung-o-myanmar/4141889.html
Các Bài Viết Ngày 28/11
Tại Miến Điện, Đức giáo hoàng kêu gọi tôn trọng mọi sắc tộc
Đức giáo hoàng Phanxico đọc diễn văn tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 28/11/2017.
Hôm nay, 28/11/2017, tại Naypyidaw, Đức giáo hoàng Phanxicô tuyên bố tương
lai của Miến Điện thông qua nền hòa bình, dựa trên « sự tôn
trọng mọi nhóm sắc tộc thiểu số », hàm ý nói đến người
Rohingya tuy ngài không nêu tên.
Trong bài phát biểu trước chính quyền dân sự Miến Điện và các nhà ngoại
giao, Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi tôn trọng tư pháp và nhân quyền. Ngài
hoan nghênh « những nỗ lực của chính phủ », trong
đó có giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi, trong việc khởi động tiến trình
đối thoại với nhiều sắc tộc khác nhau, để « cố gắng chấm dứt
bạo động, tạo dựng lòng tin và bảo đảm tôn trọng quyền lợi của tất cả những
ai coi mảnh đất này là ngôi nhà của mình ».
Trái với thói quen, người đứng đầu Giáo hội Công giáo tránh đề cập trực tiếp
nạn bạo động tại miền tây Miến Điện từ cuối tháng Tám, làm trên 620.000
người Rohingya theo đạo Hồi phải sang Bangladesh tị nạn. Liên Hiệp Quốc cho
rằng đây là trường hợp điển hình về « thanh lọc chủng tộc ».
Đức giáo hoàng Phanxicô đã có cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi, điểm nhấn
trong chương trình tông du châu Á lần này. Bà Suu Kyi tuyên bố : «
Chính phủ chúng tôi có mục tiêu bộc lộ nét đẹp của sự đa dạng và củng cố,
bảo vệ các quyền, khuyến khích sự dung thứ và bảo đảm an ninh cho tất cả mọi
người ».
Giáo hội Công giáo Miến Điện, vốn bênh vực giải Nobel Hòa bình, đang bị chỉ
trích dữ dội vì im lặng trước thảm cảnh của người Rohingya, đã vận động Đức
giáo hoàng không dùng từ « Rohingya », để
tránh đụng chạm cộng đồng Phật giáo đông đảo ở Miến Điện. Trong khi trước
đó, nhiều lần từ Roma, Đức giáo hoàng Phanxicô bày tỏ nỗi xúc động trước số
phận của những người thiểu số « bị tra tấn và sát hại chỉ vì
truyền thống và tín ngưỡng của họ ».
Một nhà hoạt động người Rohingya tại Rangun nói với AFP, họ vẫn hiểu rằng
Đức giáo hoàng đang hướng về họ, và hy vọng ngài sẽ dùng từ «
Rohingya » một khi đã sang Bangladesh.
Hôm qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gặp tổng tham mưu trưởng quân đội Min
Aung Hlaing. Nhân vật quyền lực nhất Miến Điện khẳng định «
không hề phân biệt tín ngưỡng » và quân đội hành động chỉ
vì « hòa bình và ổn định của đất nước ».
Sáng nay, Đức giáo hoàng tiếp riêng các lãnh đạo Phật giáo, Ấn Độ giáo, Cơ
Đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo tại Rangun. Sau bốn ngày thăm Miến Điện,
ngài sẽ đến Bangladesh, nước đang tiếp nhận 900 000 người Rohingya tị nạn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171128-tai-mien-dien-duc-giao-hoang-sac-toc-xh
Giáo hoàng kêu gọi Myanmar tôn trọng nhân quyền và khác biệt sắc tộc
Đức Giáo hoàng Francis (trái) và lãnh đạo Myanmar bà Aung San Suu Kyi tại
Naypyidaw. Hình do văn phòng báo chí tòa thánh Vatican cung cấp
Sáng nay trong bài diễn văn đọc tại thủ đô Naypidaw để chào mừng Đức Giáo Hoàng
Phan Xi Cô, bà Suu Kyi cho biết chính phủ do bà lãnh đạo nỗ lực bảo vệ nhân
quyền, tôn trọng quyền con người cho tất cả những ai đang sinh sống trên đất
Miến.
Bà Suu Kyi nói thêm rằng mục tiêu mà chính phủ Miến nhắm tới là xây dựng hòa
bình dựa theo các quy định về nhân quyền, cổ võ lòng vị tha và đảm bảo an ninh
cho mọi người.
Bà Suu Kyi cũng không nói gì đến vấn đề Rohingya, nhưng cho rằng tình hình bất
ổn ở bang Rakhine là một trong những thử thách mà chính phủ Miến đang phải tìm
cách giải quyết.
Vẫn theo bà Suu Kyi, khó khăn ở Rakhine xảy ra vì các cộng đồng cư ngụ trong
bang này không tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, do đó chưa thể xây dựng được một
cộng đồng sống chung hòa hài như mọi người trông đợi.
Đáp từ, Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô kêu gọi Miến Điện tôn trọng nhân quyền, luật
pháp và khác biệt sắc tộc.
Vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Ma nói rằng chỉ có hòa bình nếu luật pháp và
quyền con người được tôn trọng, nhấn mạnh mọi người đều có trách nhiệm phải tôn
trọng các sắc tộc thiểu số cũng như mọi tôn giáo đều phải được kính trọng.
Mặc dù Đức Thánh Cha cũng không dùng từ Hồi Giáo Rohingya, nhưng mọi người đều
hiểu Ngài muốn nói đến số phận của tập thể thiểu số đang bị đối xử không công
bằng, vẫn bị xem là một tập thể di trú bất hợp pháp, cho dù đã sinh sống ở Miến
suốt bao nhiêu năm qua.
Cũng cần nhắc lại chỉ trong 3 tháng qua, hơn 620,000 người Rohingya cư ngụ tại
bang Rakhine của Miến Điện phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, tố cáo binh sĩ Miến
lợi dụng danh nghĩa truy lùng khủng bố để đàn áp họ.
Những hình ảnh và các chứng cớ được đưa ra cho thấy người Rohingya bị đốt nhà,
cướp của, hãm hiếp, và cả chuyện bị quân đội Miến bắn giết vô cớ cũng đã xảy ra.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế gọi hành động đàn áp này là tội ác chống nhân loại, chính
phủ Hoa Kỳ cũng cáo buộc Miến thực hiện chính sách diệt chủng đối với người
Rohingya, đồng thời các quốc gia Tây Phương và những tổ chức tranh đấu cho nhân
quyền cùng lên tiếng chê trách lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi, nói rằng bà
Suu Kyi không thể hiện quyết tâm bảo vệ người Rohingya và không lên án những
hành động mà quân đội Miến đã làm với tập thể thiểu số này.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/pope-told-myanmar-leaders-to-respect-human-rights-11282017090850.html
Thành phố Oxford tước giải đã trao cho Suu Kyi vì khủng hoảng Rohingya
Bà Aung San Suu Kyi phát biểu tại Oxford
Bà Aung San Suu Kyi vừa chính thức bị tước bỏ Giải thưởng Tự do của thành phố
Oxford vì đã làm ngơ vụ đàn áp người Hồi giáo Rohingya.
Theo báo The Guardian, Hội đồng thành phố Oxford đã bỏ phiếu tán thành việc xóa
bỏ vĩnh viễn danh hiệu đã phong tặng cho bà Suu Kyi vào năm 1997. Bà Suu Kyi là
nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, người mà họ, và nói rằng họ không muốn
tôn vinh "những người nhắm mắt làm ngơ trước bạo lực."
Các thành viên của hội đồng thành phố Oxford trước đây đã bỏ phiếu ủng hộ một đề
nghị của đảng đối lập nhằm hủy bỏ giải thưởng này và đưa ra quyết định chính
thức vào tối thứ Hai 27/11.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra cùng ngày nhà lãnh đạo quân đội hùng mạnh của Myanmar nói
với Đức Giáo Hoàng Francis rằng "không có phân biệt tôn giáo" ở Myanmar.
Hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya đã bị buộc phải bỏ nhà cửa chạy khỏi bang
Rakhine ở phía tây Myanmar. Họ sang lánh nạn ở nước láng giềng Bangladesh sau
các đợt hoạt động quân sự mà LHQ miêu tả là "hành động thanh tẩy sắc tôc."
Năm 2012, bà Suu Kyi được trao bằng Tiến sĩ Danh dự của Oxford, và tiệc sinh
nhật lần thứ 67 của bà được tổ chức tại trường Đại học St Hugh, nơi bà từng theo
học các môn chính trị, triết học và kinh tế trong những năm 1964 -1967.
Tuy nhiên trong những tháng gần đây, bà Suu Kyi ngày càng bị chỉ trích nặng nề
về phản ứng của bà trước cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan tới người Rohingya.
Vào tháng 9, hội đồng quản trị trường St Hugh quyết định gỡ bỏ bức chân dung bà
Suu Kyi được trưng ngay lối đi chính vào trường.
Hồi tháng 10, sinh viên theo học trường St Hugh bỏ phiếu gỡ tên của nhà lãnh đạo
Myanmar khỏi hội trường của họ.
Cho đến nay, Đại học Oxford quyết định không tái xét bằng danh dự của bà Suu
Kyi. Tuy nhiên trường này bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về cách đối xử của chính
phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo đối với người thiểu số Rohingya ở Myanmar.
https://www.voatiengviet.com/a/thanh-pho-oxford-tuoc-giai-da-trao-cho-suu-kyi-vi-khung-hoang-rohingya/4140222.html
Nghịch Lý của Myanmar
Bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn toàn quốc ở Naypyidaw hôm 19/9/2017.
Thay vì tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, lãnh đạo Myanmar là
bà Aung San Suu Kyi phải ở nhà giải quyết vụ khủng hoảng về sắc tộc và sáng Thứ
Ba 18, bà đã lần đầu tiên đọc bài diễn văn chính thức về vụ khủng hoảng, bùng nổ
từ ngày 25 tháng trước khiến hơn 40 vạn người Rohingya theo Hồi giáo phải lánh
nạn qua xứ khác. Bài diễn văn vẫn không thỏa mãn nhiều người và các tổ chức quốc
tế kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế với Myanmar. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm
hiểu vì sao….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự
Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vụ khủng
hoảng về sắc tộc tại Myanmar kéo dài gần một tháng và gây xúc động cho dư luận
thế giới khi mấy chục vạn dân Rohingya phải lánh nạn sau khi mấy ngàn ngôi làng
của họ bị đốt cháy. Một số tổ chức quốc tế khiển trách người lãnh đạo là bà Aung
San Suu Kyi và kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế xứ này. Ông nghĩ sao về
chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng sự xúc
động khiến nhiều người đặt sai bài toán, trút trách nhiệm lên một vị nữ lưu và
càng gây thêm khó khăn cho xứ Mymanmar, mà ngày xưa ta gọi là Miến Điện. Muốn
hiểu tại sao thì ta cần trở ngược lên bối cảnh gần xa của vấn đề.
- Thứ nhất, dù có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, Myanmar là một quốc gia khó
cai trị nhất thế giới. Nằm giữa hai cường quốc có ảnh hưởng văn hóa chính trị
của Châu Á là Trung Hoa và Ấn Độ, Miến Điện chưa khi nào là một nước trong ý
nghĩa quốc gia dân tộc, nation-state. Lãnh thổ xứ này là một
thách đố cho lãnh đạo vì bị địa dư chia cắt thành hai vùng rừng núi hiểm trở của
nhiều sắc tộc và tôn giáo từ hai ngả Đông Tây nhìn xuống bình nguyên phì nhiêu
của sông Irrawaddy ở giữa. Các cường quốc cấp vùng, như Ấn Độ tại hướng Tây,
Trung Quốc ở mạn Bắc và cả Thái Lan ở phía Đông đều tìm cách khai thác tình
trạng bất thường ấy qua các sắc tộc thiểu số và góp phần gây thêm xung đột. Vì
vậy, sau khi có độc lập từ 70 năm trước, lãnh đạo Miến mới cần quân đội mạnh để
bảo vệ chính quyền trung ương và đối ngoại thì tìm cách tự cô lập để ngăn ngừa
ảnh hưởng ngoại bang. Thời Chiến tranh lạnh, từ 1949 trở đi, ảnh hưởng ngoại
bang còn là các nhóm dân quân cộng sản do Trung Quốc đào tạo và huấn luyện.
Những vụ xung đột đầu tiên mà bùng nổ là do hoạt động của các tổ chức cộng sản
đó.
Nguyên Lam: Ông,vừa nêu một nghịch lý
trong bối cảnh địa dư và lịch sử của Myanmar. Nhưng thưa ông, vì sao ông nói là
xứ này chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là về kinh tế chính trị,
Miến Điện còn lãnh một di sản dã man khác của Đế quốc Anh: trăm năm trước, nước
Anh đưa dân Ấn vào phụ trách phần vụ kinh tế, cho sắc dân đa số là người Miến
một ít quyền hạn chính trị và hành chánh, nhưng lại dùng các sắc dân thiểu số
vây quanh vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quân sự. Chỉ sau khi Anh bị Nhật đánh
bại trong Thế chiến II, dân Miến mới được quyền tham gia vào lĩnh vực quân sự và
từ đó mới dần dần xuất hiện các thế hệ sĩ quan hay tướng lãnh lên cầm quyền sau
này. Ách độc tài quân phiệt là hiện tượng đáng chê trách, nhưng có nguyên nhân
sâu xa trong lịch sử và dẫn tới hậu quả là càng bị quốc tế cô lập vì nạn độc tài
thì xứ này càng lệ thuộc vào một cường quốc có tham vọng bành trướng là Trung
Quốc!
Nguyên Lam: Tức là giới tướng lãnh phải
chấp nhận dân chủ hóa để khỏi bị quốc tế tẩy chay mà càng trôi vào quỹ đạo của
Bắc Kinh, nhưng phải chăng là họ vẫn không muốn bị mất quyền và vẫn giữ quân đội
trong tay?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, từ 1962 đến 2011,
Miến Điện trải qua nửa thế kỷ nội chiến giữa chế độ quân phiệt và lực lượng võ
trang của các sắc tộc đòi ly khai. Sau đấy, giới tướng lãnh nhượng bộ dần và đề
nghị ngưng bắn trên toàn quốc đổi lấy quyền lợi kinh tế và chính trị cho các sắc
tộc thiểu số. Nhưng tiến trình ấy còn nhiều bất trắc và sau khi Liên minh Quốc
gia cho Dân chủ (National League for Democracy) của mình đại thắng vào năm 2015,
bà Aung San Suu Kyi phải làm một lúc hai việc: thỏa hiệp với quân đội để từng
bước dân chủ hóa xứ sở trong khi xây dựng nền móng chính trị bền vững hơn cho
quốc gia qua việc hội nhập sắc tộc.
- Lãnh thổ xứ này có hơn hai chục nhóm thiểu số võ trang, với vài trăm tới vài
vạn tay súng, đang hùng cứ các vùng biên giới và coi đó là chủ quyền chính đáng
của họ. Từ cuối năm 2015, chế độ quân phiệt đề nghị một tạm ước ngưng bắn với
tám tổ chức, mà có bảy tổ chức vẫn từ chối tham gia, chưa kể nhiều lực lượng
mạnh nhất tại vùng biên giới Hoa-Miến thì không được mời vào vòng đàm phán vì họ
đang chiếm đóng các khu vực trọng yếu và rộng lớn nhất.
- Đa số các nhóm võ trang này đều có đặc tính sơn cước, giỏi du kích chiến, được
trang bị võ khí tinh nhuệ. Họ còn có ưu thế địa dư là có thể vượt biên giới để
bảo toàn lực lượng khi bị tấn công và lợi thế kinh tế là kinh doanh ma túy để
tìm nguồn tài trợ. Trong hoàn cảnh đó, một số lực lượng võ trang này chưa thấy
sự nhượng bộ của Chính quyền trung ương, từ các tướng lãnh hay từ bà Aung San
Suu Kyi, là đủ hấp dẫn. Khi so sánh các tướng lãnh thì đảng đa số hiện nay là
Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi tương đối đáng tin cậy hơn
trong đề nghị hòa giải. Hậu thuẫn của quốc tế cho vị nữ lưu này cũng là sức mạnh
đáng kể. Vì vậy, trong khung cảnh vẫn còn tranh tối tranh sáng, nhiều nhóm thiểu
số đang suy tính lợi hại. Họ có thể tham gia sinh hoạt chính trị thay vì dùng
giải pháp bạo động quân sự.
Nguyên Lam: Bây giờ lại bùng nổ vụ khủng
hoảng vì dân Rohingya và bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế khiển trách. Thưa ông,
đầu đuôi của vụ khủng hoảng này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Miến Điện có 135 sắc dân, gom
thành tám nhóm lớn, theo các tôn giáo khác nhau, như Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ
giáo và cả Thiên Chúa giáo. Đa số dân Miến thì theo Phật giáo Nguyên thủy, bên
trong nhiều người cực đoan chủ trương là chỉ Phật giáo mới có tinh thần dân tộc
và biết bảo vệ bản sắc quốc gia. Trong các sắc dân, người Rohingya có vài triệu,
đa số theo Hồi giáo, nhưng cũng theo tôn giáo khác, và sống tập trung trong tỉnh
Rachine tại vùng Tây-Bắc bên cạnh xứ Bangladesh nhìn ra Vịnh Bengal. Nghịch lý ở
đây là họ không được luật pháp coi là công dân Miến Điện như các sắc dân kia.
- Từ thành phần này mới có lực lượng xưng danh là “Giải phóng quân Rohingya tại
Arakan”, viết tắt là ARSA, họ đấu tranh võ trang để được công nhận quy chế công
dân. Lực lượng ấy chỉ có chừng 500 tay súng, nhưng cuối Tháng Tám lại tấn công
30 đồn binh của Miến nên gặp sự trả đũa dữ dội của quân đội. Xã hội Miến có
nhiều người không ưa và thậm chí kỳ thị dân Rohingya, nhưng họ có quyền bỏ
phiếu. Bà Aung San Suu Kyi lâm thế kẹt là nếu đả kích tinh thần cuồng tín này
thì họ dồn phiếu cho tổ chức chính trị của giới tướng lãnh là đảng Liên minh
Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party - USDP), gọi là
để bảo vệ quyền lợi và bản sắc dân tộc khiến cho tiến trình dân chủ hóa chính
trị rồi tư nhân hóa kinh tế theo đuổi từ 25 năm nay sẽ gặp trở ngại.
Nguyên Lam: Nếu vậy thì có lẽ thính giả
của chúng ta hiểu ra vì sao ông nghĩ rằng việc trừng phạt kinh tế Miến Điện chưa
chắc là đã có lợi. Ông kết luận thế nào về chuyện rắc rối này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ biện pháp trừng
phạt kinh tế ít công hiệu khi có quá nhiều kẽ hở và rốt cuộc nạn nhân sau cùng
vẫn là người dân thấp cổ bé miệng. Thứ hai, nhiều lãnh đạo Hồi giáo nhảy vào đả
kích Miến Điện do nhu cầu chính trị ở nhà chứ cũng chưa có giải pháp cụ thể nào
cho dân Rohingya. Trong khi đó, có ba cường quốc lại tỏ vẻ bênh vực Miến Điện là
Liên bang Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là do an ninh và quyền lợi của họ. Nga thì sợ
nạn Hồi giáo ly khai ngay bên trong lãnh thổ. Trung Quốc thì muốn kéo Miến Điện
vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa của họ, trong khi Ấn Độ muốn tranh thủ Miến Điện
để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc vào Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Kết luận
của tôi là sự bi quan dành cho dân Rohingya trong thời gian tới.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự
Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân
tích kỳ này.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/myanmar-s-paradoxes-09202017090305.html
Các Bài Viết Ngày 27/11
Giáo hoàng Francis thăm Miến Điện
Giáo hoàng Francis và bà Aung San Suu Kyi trong cuộc gặp ở Vatican hồi tháng Năm
năm nay
Giáo hoàng Francis sẽ thăm Miến Điện vào ngày 27/11, và đây sẽ là chuyến công du
khá nhạy cảm tới quốc gia bị Mỹ cáo buộc là “thanh trừng sắc tộc” đối với người
Hồi giáo Rohingya.
Sau Miến Điện, người đứng đầu Vatican cũng sẽ tới Bangladesh, nơi hơn 600 nghìn
người đã bỏ chạy tới lánh nạn, trước điều tổ chức Ân xá Quốc tế gọi là “tội ác
chống nhân loại” như giết người, hãm hiếp, mà quân đội Miến Điện đã bác bỏ.
Lịch trình của Giáo hoàng Francis không bao gồm chuyến thăm một trại tị nạn,
nhưng ông dự kiến sẽ gặp một nhóm nhỏ người Rohingya ở Dhaka, thủ đô Bangladesh.
Người tị nạn Rohingya.
Theo Reuters, chuyến đi này nhạy cảm tới mức một số cố vấn của Giáo hoàng
Francis đã cảnh báo ông không được sử dụng từ “Rohingya” vì lo ngại sự cố ngoại
giao này sẽ khiến quân đội và chính phủ Miến Điện chuyển hướng nhắm mục tiêu vào
các tín đồ Công giáo thiểu số.
Hãng tin này còn nhận định rằng những thời khắc căng thẳng nhất của chuyến công
du từ ngày 26/11 tới 2/12 có lẽ là các cuộc gặp riêng với người đứng đầu quân
đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing cũng như với lãnh đạo dân sự Aung San Suu
Kyi.
Trong những tuần gần đây, Bangladesh và Miến Điện đã đồng ý về việc hồi hương
hàng trăm nghìn người Rohingya đã bỏ chạy sang Bangladesh để tránh tình trạng
bạo lực ở bang Rakhine ở Miến Điện, theo VOA News.
https://www.voatiengviet.com/a/giao-hoang-francis-tham-mien-dien/4137341.html
Giáo Hoàng Francis thăm Myanmar
Giáo Hoàng Francis được chào đón tại Sân bay Quốc tế Yangon, Myanmar vào ngày
27/11
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Giáo hoàng Francis tới Myanmar, đất nước có đa
số dân theo Phật giáo nhưng hiện bị cáo buộc thực hiện thanh lọc sắc tộc nhắm
vào người Rohingya.
Giáo Hoàng dự kiến gặp bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo quân sự nước này.
Sau đó, ông dự kiến thăm Bangladesh nơi ông sẽ gặp một nhóm người tỵ nạn
Rohingya.
Người thiểu số Kachin trong trang phục truyền thống chờ đợi Giáo Hoàng dọc theo
một con phố ở Yangon vào ngày 27/11
Vị Giáo hoàng 80 tuổi nổi tiếng với quan điểm ôn hòa và sẵn sàng lên án tình
trạng bất công trên toàn cầu.
Giới quan sát tập trung vào khả năng liệu Giáo Hoàng có dùng từ 'Rohingya' để mô
tả dân tộc thiểu số Hồi giáo của nước này hay không.
Giáo Hoàng Francis gặp bà Suu Kyi tại Vatican tháng 5/2017
Giới chức Myanmar đã bác bỏ từ này, làm gia tăng mối lo ngại bùng nổ bạo lực nếu
nó được Giáo Hoàng sử dụng.
Giới chức Myanmar nói người Rohingya di cư bất hợp pháp từ Bangladesh nên không
được coi là một trong những nhóm sắc tộc của đất nước. Họ nói rằng cuộc đàn áp
quân sự ở Rakhine là để triệt hạ các phần tử nổi dậy, nhưng Liên Hiệp Quốc mô tả
đây là 'cuộc thanh lọc sắc tộc điển hình' - các nhà bình luận quốc tế cho hay.
Đức Giáo Hoàng từng dùng thuật ngữ "anh chị em Rohingya của chúng ta" và phản
đối các cuộc bức hại, nhưng Đức Hồng y Myanmar yêu cầu Giáo Hoàng tránh sử dụng
cụm từ này trong chuyến thăm do lo ngại việc kích động vấn đề nhạy cảm có thể
dẫn tới bạo lực ở quốc gia Phật giáo này.
Hơn 600.000 người Rohingya chạy sang nước láng giềng Bangladesh từ hồi tháng Tám
sau khi các vụ tấn công vào trụ sở cảnh sát làm bùng nổ đàn áp quân sự tai bang
Rakhine.
Giáo Hoàng rời Vatican hôm Chủ Nhật 26/11
Tuần trước, Myanmar và Bangladesh ký một thỏa thuận trao trả hàng trăm ngàn
người trốn qua biên giới. Tuy nhiên các cơ quan cứu trợ bày tỏ lo ngại về sự an
toàn của những người bị buộc phải trở về.
Được biết trong chuyến thăm dài sáu ngày, Giáo Hoàng sẽ khuyến khích đối thoại
và hòa giải sau các thỏa thuận ban đầu đạt được vào tuần trước.
Chuyến viếng thăm Myanmar của Giáo Hoàng được chuẩn bị trước khi nổ ra khủng
hoảng tại Myanmar, cụ thể là vào hồi tháng Năm khi ông gặp bà Suu Kyi tại
Vatican. Người từng đoạt giải Nobel Hòa bình hiện phải đối mặt với những lời chỉ
trích gay gắt về sự im lặng của bà trong cuộc bức hại người Rohingya.
Khoảng 660.000 người Công giáo thiểu số ở Myanmar trông đợi được nhìn thấy Giáo
Hoàng ở Yangon.
Giáo Hoàng Francis là lãnh đạo Công giáo đầu tiên đến thăm Bangladesh từ năm
1986.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42133514
Đức Giáo Hoàng thăm Myanmar
Hình chụp do văn phòng báo chí tòa thánh Vatican cung cấp hôm 27/11/2017:
Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon chào Đức Giáo hoàng Francis
(trái)
Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô đã đến Miến Điện, khởi đầu chuyến viếng thăm Đông Nam
Á và Nam Á kéo dài 1 tuần lễ của Ngài.
Đây là lần đầu tiên một vị chủ chăn Giáo Hội Công Giáo La Mã, đến thăm Miến
Điện, một quốc gia đại đa số dân theo Phật Giáo.
Lịch trình do Tòa Thánh Vatican và chính phủ Miến cùng phổ biến cho thấy trong
thời gian có mặt tại Ranggon, Ngài sẽ gặp lãnh tụ Aung San Suu Kyi và Tư Lệnh
Quân Đội Miến là Tướng Min Aung Hlaing.
Bên cạnh 2 cuộc gặp gỡ quan trọng này, Đức Giáo Hoàng sẽ có những buổi gặp gỡ
với tập thể giáo dân công giáo, nhưng chưa rõ Ngài có gặp các vị đại diện của
những tôn giáo khác hay không.
Mặt dù đến thăm quốc gia Phật Giáo Miến Điện với tư cách người lãnh đạo Giáo Hội
Công Giáo La Mã, nhưng mọi chú ý đều được dành cho những phát biểu Đức Thánh Cha
sẽ nói đến trong 4 ngày có mặt tại Miến, xem liệu Ngài có nói gì đến số phận của
hơn 620,000 người Hồi Giáo Rohingya sinh sống ở Miến phải bỏ nhà cửa chạy tỵ nạn
vì bị đàn áp hay không.
Trước đây, Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô từng gọi tập thể người Rohingya là anh chị
em của Ngài, ngay cả khi sửa soạn rời Vatican để sang thăm Rangoon, Ngài cũng
yêu cầu mọi người cùng dâng lời cầu nguyện để sự hiện diện của Ngài ở Miến Điện
là chỉ dấu của quan hệ và hy vọng.
Phát biểu này được xem là dấu hiệu cho thấy Ngài sẵn sàng góp sức giúp chính phủ
Miến giải quyết vấn đề Rohingya, tập thể đã sống ở Miến lâu đời nhưng vẫn bị xem
là tập thể di dân bất hợp pháp, không được hưởng những quyền lợi căn bản mà
người dân Miến được hưởng.
Chính vì thế nên trong các cuộc tiếp xúc với báo chí nước ngoài, những người
Rohingya đều nói rằng họ trông chờ Đức Giáo Hoàng kêu gọi chính phủ Miến cho họ
được nhập tịch, được đối xử công bằng, hưởng mọi quyền lợi mà công dân Miến đang
hưởng.
Những nguồn tin chưa được kiểm chứng cho hay dường như chính Giáo Hội Công Giáo
Miến Điện cũng không muốn Ngài dùng từ Rohingya trong các bài phát biểu hay bài
giảng, đề nghị Ngài nên dùng từ Bengalis, có nghĩa là những người di dân bất hợp
pháp đến từ Bangladesh.
Cũng có đồn dãi cho rằng Giáo Hội Công Giáo Miến Điện không muốn Đức Thánh Cha
dùng từ Rohingya vì e ngại sẽ gặp khó khăn khi tiếp xúc với tập thể người theo
Phật Giáo chiếm đa số, đặc biệt là những phần tử quá khích.
Hiện nay dân số Miến Điện là 53 triệu 500 ngàn người, gần 90% theo Phật Giáo,
chỉ có 700,000 người Công Giáo.
Cũng xin nói thêm khoảng 200,000 giáo dân Miến Điện từ khắp nơi đổ về Rangoon để
đón Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô. Sau Miến Điện, trạm dừng chân kế tiếp của Ngài sẽ
là Bangladesh.
Tại thủ đô Dhaka của quốc gia Nam Á này, Ngài sẽ gặp đại diện của người Hồi Giáo
Rohingya.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/pope-arrives-in-myanmar-on-high-stakes-visit-11272017082530.html
Đức giáo hoàng tông du Miến Điện, trong bối cảnh khủng hoảng Rohingya
Một nhà sư đi qua một tấm áp phích cỡ lớn có ảnh giáo hoàng Phanxicô, tại
Rangoon, Miến Điện, ngày 26/11/2017.
Hôm nay, 27/11/2017, đức giáo hoàng Phanxicô tới Miến Điện, bắt đầu chuyến
tông du 4 ngày trước khi sang Bangladesh. Đây là lần đầu tiên, một giáo
hoàng tới Miến Điện, nơi tín đồ Công Giáo chỉ chiếm có 1,2% dân số. Tại Miến
Điện, giáo hoàng Phanxicô sẽ gặp lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi và chỉ
huy quân đội, tướng Min Aung Hlaing.
Theo giới phân tích, chắc chắn cuộc khủng hoảng Rohingya với các vụ bạo hành
của quân đội Miến Điện, là một trong những yếu tố thúc đẩy lãnh đạo tòa
thánh Vatican tới Miến Điện và Bangladesh, hai quốc gia có đa số dân theo
đạo Phật và Hồi Giáo.
Theo thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou, hàng nghìn tín đồ Công Giáo đã tới
Rangoon để đón tiếp giáo hoàng Phanxico:
« Cùng với hàng chục người khác, Nonra đã trải chiếu ngủ ngay dưới đất,
phía trước Nhà Thờ Rangoon. Đối với một tín đồ Công Giáo như cô thì chuyến
tông du của đức giáo hoàng là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Cô nói : Đây là
một cơ may hiếm có được nhìn thấy đức giáo hoàng. Điều này chỉ có thể xẩy ra
một lần trong đời người. Cho dù tôi đã phải đi rất xa để tới đây, nhưng tôi
rất hài lòng và tôi tin rằng, sau chuyến công du của đức giáo hoàng, đất
nước này sẽ trở nên bình yên.
Các giáo dân có rất nhiều hy vọng vào chuyến đi của giáo hoàng Phanxicô.
Patricia, 25 tuổi, từ miền bắc tới. Cô sẽ dự thánh lễ dành cho giới trẻ, tại
nhà thờ Sainte Marie. Cô cho biết : Tôi rất phấn khích. Tôi nghe nói tại
Colombia, đức giáo hoàng đã cho một bạn trẻ đặt câu hỏi. Tôi hy vọng là đức
giáo hoàng sẽ chỉ định tôi và tôi sẽ hỏi : Vì sao đức thánh cha lại chọn
Miến Điện để tông du. Tôi nghĩ là ngài có tầm nhìn của đức chúa, bởi vì hiện
nay, Miến Điện đang trải qua khủng hoảng. Đức chúa đã phái ngài đến Miến
Điện để mang lại hòa bình cho chúng tôi.
Đó là cuộc khủng hoảng Rohingya, sắc dân thiểu số theo đạo Hồi. Đối với
giáo hội Công Giáo Miến Điện, đức giáo hoàng cần tránh nói tới từ Rohingya,
rất nhậy cảm tại Miến Điện. Nhiều tín đồ Công Giáo cho biết, nếu giáo hoàng
Phanxicô dùng từ này, các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan sẽ kiếm cớ gây
ra nhiều vấn đề ».
Chuyến tông du Miến Điện, thông điệp của Đức giáo hoàng cho Trung Quốc
Đức giáo hoàng Phanxicô và các trẻ em Miến Điện tại phi trường quốc tế Răngun,
ngày 27/11/2017.
Chuyến tông du Miến Điện của Đức giáo hoàng Phanxicô được hầu hết các báo
Paris hôm nay 27/11/2017 quan tâm. Trong bài « Chuyến đi
gian truân của Đức giáo hoàng đến Miến Điện và Bangladesh », Le
Figaro nhận định đây là sự kiện ngoại giao hết sức nhạy
cảm, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Rohingya.
Còn không đầy một tháng nữa là đến sinh nhật 81 tuổi, người đứng đầu Giáo
hội Công giáo, trung thành với truyền thống Dòng Tên, tối qua đã lên đường
sang châu Á. Ngài thăm Miến Điện, đất nước mà từ trước đến nay chưa hề có
Giáo hoàng nào đặt chân đến, và sau đó là Bangladesh. Bối cảnh căng thẳng
giữa Miến Điện Phật giáo và Bangladesh Hồi giáo sẽ đè nặng lên chuyến đi,
bên cạnh đó là hồ sơ Rohingya.
Sự nhân nhượng của Vatican ở Miến Điện
Le Figaro cho biết, chương trình tông du đã có nhiều
chỉnh sửa vào phút chót tại Roma, dưới ảnh hưởng của Hồng y Charles Bo, tổng
giám mục Răngun. Vị chủ chăn Miến Điện đã đích thân đến Vatican tuần trước
để thuyết phục vị Giáo hoàng – thường có những tuyên bố thẳng thừng về nhân
quyền – cần phải có một số nhượng bộ để tránh làm bốc lửa một tình hình vô
cùng nhạy cảm.
Trước hết, là không dùng từ « Rohingya » trong
chuyến thăm, thay vào đó là « người Hồi giáo ở bang Arakan
». Một nhân nhượng lớn nữa là không rời Miến Điện mà không
đến thăm nhân vật quyền lực thật sự, tướng Min Aung Hlaing, trước khi bay
sang Bangladesh. Cuối cùng, để tránh sự cố ngoại giao, Đức giáo hoàng chỉ
tiếp các đại diện người thiểu số Rohingya một khi đã ở trên lãnh thổ
Bangladesh.
Tờ báo đặt câu hỏi, Giáo hội lùi bước trước quyền lực quân sự chăng ? Theo
luật pháp Miến Điện, các tướng lãnh nắm ba bộ quan trọng là Quốc Phòng, Nội
Vụ và Biên Giới. Quân đội chiếm một phần tư số đại biểu Quốc Hội, cộng với
quyền đảo chính hợp pháp nếu sự đoàn kết quốc gia bị đe dọa. Thế nên sự tinh
tế ngoại giao phải đặt lên hàng đầu.
Đương nhiên là Đức giáo hoàng sẽ bênh vực cho sự sống chung hòa bình giữa
các tín ngưỡng và sắc tộc, tôn trọng nhân phẩm người tị nạn, người thiểu số,
mà trước hết là người Công giáo. Nhưng nếu coi chuyến tông du này là sự ủng
hộ của Giáo hoàng đối với người thiểu số theo đạo Hồi bị đàn áp, sẽ là một
sai lầm, vì ba lý do.
Trước tiên, chuyến tông du được quyết định cách đây hai năm, rất lâu trước
khi nổ ra cuộc khủng hoảng Rohingya. Tiếp đến, vì Tòa Thánh, dựa theo các
thông tin của giáo hội địa phương, quan ngại trước xu hướng Hồi giáo bạo
động. Và cuối cùng, các nhà ngoại giao Vatican cũng như Đức giáo hoàng đều
biết rằng giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, bị chỉ trích dữ dội do sự im
lặng trước thảm kịch Rohingya, có vị thế rất mong manh. Nếu bà bị gạt khỏi
chính phủ, giới quân sự sẵn sàng nắm lấy mọi quyền lực. Điều quan trọng với
Vatican là một sự chuyển đổi dần dà sang dân chủ tại Miến Điện.
Bóng dáng Bắc Kinh phía sau cuộc xung đột
Rohingya
La Croix dẫn lời ông Greg Burke, phụ trách báo chí ở Tòa
Thánh : « Còn hơn một chuyến tông du, đây là cả một cuộc
phiêu lưu ! ». Cha Bernado Cervellera, giám đốc hãng tin
AsiaNews của Ý nhận xét, cuộc tiếp xúc chiều thứ Tư tới giữa Đức giáo hoàng
và các nhà sư Phật giáo là rất quan trọng. « Cách đây mười
năm, chính các nhà sư đã khởi đầu những cuộc tuần hành vì dân chủ. Nhưng từ
vài năm qua, giới quân sự đã đưa người vào các thiền viện để kích động chủ
nghĩa dân tộc ».
Cũng theo linh mục Cervellera, cuộc xung đột « chỉ mang tính
tôn giáo ở ngoài mặt. Chính sách của giới Phật giáo dân tộc chủ nghĩa phù
hợp với quan điểm chính trị và nhất là kinh tế của các tướng lãnh ». Trong
đó có thể kể dự án cảng nước sâu để đón tiếp các tàu Trung Quốc tại bang
Rakhine, nơi người Rohingya sinh sống ; một đường ống dẫn dầu và một xa lộ
nối với Trung Quốc, chạy qua vùng đất của người thiểu số Công giáo ở miền
bắc Miến Điện. Cha Cervellera khẳng định : « Sự ủng hộ của
Đức giáo hoàng đối với bà Aung San Suu Kyi còn là một thông điệp cho Bắc
Kinh ».
Trong chuyến tông du châu Á lần này, Đức giáo hoàng Phanxicô muốn xúc tiến
đối thoại với người Phật giáo ở Miến Điện, người Hồi giáo ở Bangladesh và cả
Ấn giáo. Một chuyến thăm Ấn Độ tương lai đang vấp phải trở lực : những tuyên
bố dân tộc chủ nghĩa và chống Công giáo của đảng cầm quyền ở New Delhi. Như
vậy, từ hai nước nhỏ (giáo hội Công giáo chỉ chiếm 0,24% ở Bangladesh và
1,27% tại Miến Điện), Đức giáo hoàng muốn nhắn gởi đến hai người khổng lồ
châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ (tổng cộng 2,7 tỉ dân). Theo ông Greg Burke, «
đây sẽ là chuyến tông du thú vị nhất của ngài về mặt ngoại giao ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171127-chuyen-tong-du-mien-dien-thong-diep-cua-duc-giao-hoang-cho-trung-quoc
Giáo hoàng Francis gặp tướng Miến Điện
Chuyên cơ chở giáo hoàng Francis đáp xuống Miến Điện hôm 27/11
Giáo hoàng Francis hôm 27/11 hội đàm với người đứng đầu quân đội Miến Điện trong
chuyến công du nhạy cảm tới quốc gia gồm phần đông dân số theo đạo Phật, từng bị
Mỹ cáo buộc “thanh trừng sắc tộc” đối với các tín đồ Hồi giáo Rohingya.
Sau Miến Điện, người đứng đầu Tòa thánh Vatican cũng sẽ công du tới Bangladesh,
nơi hơn 630 nghìn người Rohingya đã tới lánh nạn để trốn chạy điều tổ chức Ân xá
Quốc tế gọi là “tội các chống lại nhân loại”.
Quân đội Miến Điện đã bác bỏ các cáo buộc về giết người, hãm hiếp, tra tấn và
buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa.
Theo Reuters, cuộc gặp đầu tiên của Giáo hoàng Francis ở Yangon là với tư lệnh
quân đội Miến Điện, Tướng Min Aung Hlaing, tại nhà thờ lớn St. Mary’s nằm ở
trung tâm thành phố lớn nhất Miến Điện.
Phát ngôn viên Vatican Greg Burke nói về cuộc hội đàm kéo dài 15 phút: “Họ thảo
luận về trách nhiệm lớn của chính quyền đất nước trong thời kỳ chuyển tiếp này”.
Theo tuyên bố đăng trên trang Facebook của ông Min Aung Hlaing, vị tướng này nói
với Giáo hoàng Francis rằng “không có tình trạng phân biệt đối xử tôn giáo ở
Miến Điện và hiện có tự do tôn giáo”.
Vị tổng tư lệnh quân đội Miến Điện cũng được Reuters trích lời nói rằng “mục
tiêu của mọi binh sĩ là xây dựng một quốc gia ổn định và hòa bình”.
Theo Reuters, chuyến đi này nhạy cảm tới mức một số cố vấn của Giáo hoàng
Francis đã cảnh báo ông không được sử dụng từ “Rohingya” vì lo ngại sự cố ngoại
giao này sẽ khiến quân đội và chính phủ Miến Điện chuyển hướng nhắm mục tiêu vào
các tín đồ Công giáo thiểu số.
Lịch trình của Giáo hoàng Francis không bao gồm chuyến thăm một trại tị nạn,
nhưng ông dự kiến sẽ gặp một nhóm nhỏ người Rohingya ở Dhaka, thủ đô Bangladesh,
theo Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/giao-hoang-francis-gap-tuong-mien-dien/4138465.html