Đức Thánh Cha Phanxicô

 

 

GIÁO LÝ VỀ SỰ SỐNG KITÔ GIÁO - PHÉP RỬA

 

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 18-4-2018

 

về

 

Phép Rửa: Tặng Ân và Dấu Thánh Giá

 

Pope Francis greets young artists at the Wednesday General Audience

 

"Dấu thánh giá, khi bắt đầu việc cử hành này là những gì ghi dấu Chúa Kitô nơi những ai sắp thuộc về Người và

biểu hiệu ơn cứu chuộc Chúa Kitô mang lại cho chúng ta bằng thánh giá của Người"

 

 

"Thánh giá là một nhãn hiệu cho thấy chúng ta là ai...

Việc làm dấu thánh giá khi chúng ta thức giấc, trước các bữa ăn, khi gặp nguy hiểm, như là một thứ tự vệ trước sự dữ"

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Trong Mùa Phục Sinh này chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về Phép Rửa. Ý nghĩa của Phép Rửa tỏ tường hiện lên nơi việc cử hành của bí tích này; bởi thế, chúng ta chú ý tới việc cử hành ấy. Lưu ý tới các cử chỉ và ngôn từ của phụng vụ chúng ta có thể lãnh nhận ân sủng và việc dấn thân là những gì hằng được tái nhận thức. Chúng ta nhớ lại bí tích ấy bằng việc vẩy nước thánh là nghi thức có thể được thực hiện ở đầu Lễ Chúa Nhật, cũng như ở việc lập lại các lời hứa rửa tội trong Đêm Vọng Phục Sinh. Thật vậy, những gì diễn ra nơi việc cử hành Bí Tích Rửa Tội khơi lên một thứ năng lực thiêng liêng trải dài suốt cuộc đời của kẻ lãnh nhận; bí tích này là khởi điểm của một tiến trình, giúp con người có thể sống liên kết với Chúa Kitô trong Giáo Hội. Bởi thế, việc trở về với nguồn mạch của sự sống Kitô giáo dẫn chúng ta đến chỗ hiểu biết hơn tặng ân chúng ta đã lãnh nhận nơi Phép Rửa, và canh tân việc dấn thân của chúng ta để đáp ứng tặng ân ấy nơi điều kiện chúng ta đang sống hiện nay - canh tân đổi mới việc dấn thân, để hiểu được tặng ân Phép Rửa này hơn nữa, và để tưởng nhớ ngày Rửa Tội của chúng ta. Thứ Tư tuần vừa rồi, tôi đã yêu cầu làm bài ở nhà và mỗi người chúng ta cần phải nhớ ngày Rửa Tội của mình - chúng ta được rửa tội ngày nào. Tôi biết một số anh chị em biết, một số khác thì không. Những ai không biết cần phải hỏi cha mẹ mình, hỏi cha mẹ đỡ đầu của mình... hỏi họ rằng: "Ngày con lãnh nhận Phép Rửa là ngày nào nhỉ?" Vì Phép Rửa là một cuộc tái sinh và được coi như thể là ngày sinh nhật thứ hai vậy. Anh chị em hiểu rồi phải không? Hãy làm bài này ở nhà nhé. Hãy hỏi "Ngày tôi chịu Phép Rửa là ngày nào?"

Trước hết, nơi nghi thức đón nhận, ứng sinh được hỏi tên của mình, vì tên nói lên căn tính của một con người. Khi chúng ta tự giới thiệu bản thân mình, chúng ta liền xưng tên của chúng ta: "Tôi được gọi tên là thế này thế kia" chứ không phải thứ nặc danh; kẻ vô danh là người không có tên gọi. Để ra khỏi tình trạng nặc danh hay vô danh thì chúng ta liền xưng tên của chúng ta. Không có tên gọi, con người còn vô danh, không có quyền lợi và nghĩa vụ gì hết. Thiên Chúa gọi đích danh mỗi người chúng ta, yêu thương chúng ta một cách riêng tư, một cách cụ thể theo cuộc đời của chúng ta. Phép Rửa nhen nhúm ơn gọi riêng của chúng ta để sống như là thành phần Kitô hữu, một ơn gọi được phát triển dọc suốt cuộc đời. Nó bao hàm một đáp ứng riêng chứ không vay mượn, chứ không "copy and paste - chụp và dán". Thật vậy, sự sống Kitô giáo được đan kết lại bằng một chuỗi ơn gọi và đáp ứng, ở chỗ Thiên Chúa tiếp tục gọi đích danh chúng ta qua những tháng năm, được âm vang bằng trăm ngàn cách trong việc nên giống Chúa Giêsu Con của Ngài. Bởi thế danh xưng là những gì quan trọng! Rất quan trọng! Cha mẹ nghĩ đến việc đặt tên cho đứa con trước khi nó được sinh ra: đó cũng là một phần cho thấy lòng mong đợi có được một đứa con, mà ở tên gọi của mình, cháu có được cái căn tính nguyên thủy của cháu, cho cả sự sống Kitô giáo của cháu liên quan đến Thiên Chúa nữa.

Việc trở thành Kitô hữu thực sự là một tặng ân từ trên cao (xem Gioan 3:3-8). Không thể nào mua được đức tin, thế nhưng có thể xin đức tin và lãnh nhận đức tin như là một tặng ân. "Lạy Chúa, xin ban cho con tặng ân đức tin", đó là một lời nguyện tuyệt vời! "Xin cho con đức tin" là một lời nguyện tuyệt vời. Đức tin cần phải được xin như là một tặng ân, chứ đức tin không thể nào mua được, mà phải xin. Thật vậy, "Bí Tích Thánh Tẩy là Bí Tích của đức tin, nhờ đó, con người, được soi sáng bởi ân sủng của Thánh Linh, đáp ứng Phúc Âm Chúa Kitô" (Nghi Thức Làm Phép Rửa cho Trẻ Em, Dẫn Nhập Chung, số 3). Việc đạo tạo thành phần dự tòng và việc dọn mình cho thành phần cha mẹ là những gì hướng tới chỗ khơi động và làm bừng lên một đức tin chân thành để đáp ứng Phúc Âm, khi lắng nghe Lời Chúa trong việc cử hành chính Phép Rửa.

Nếu thành phần dự tòng người lớn tự mình bày tỏ những gì họ muốn trong việc lãnh nhận như là một tặng ân từ Giáo Hội, thì cha mẹ, cùng với bố mẹ đỡ đầu, mới giới thiệu người con này. Cuộc đối thoại trao đổi với thành phần dự tòng này giúp cho họ có thể bày tỏ ước muốn cho những người con nhỏ ấy lãnh nhận Phép Rửa cùng ý hướng của Giáo Hội trong việc cử hành Phép Rửa. "Thể hiện tất cả những điều ấy là dấu thánh giá mà Vị Chủ Sự cùng với cha mẹ vạch trên trán của người con này" (Nghi Thức Làm Phép Rửa cho Trẻ Em, Dẫn Nhập Chung, số 16). "Dấu thánh giá, khi bắt đầu việc cử hành này là những gì ghi dấu Chúa Kitô nơi những ai sắp thuộc về Người và biểu hiệu ơn cứu chuộc Chúa Kitô mang lại cho chúng ta bằng thánh giá của Người" (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, khoản 1235). Theo nghi thức, chúng ta làm dấu thánh giá trên người con này. Tuy nhiên tôi muốn trở lại với vấn đề tôi đã từng nói với anh chị em. Đó là con cái của chúng ta có biết cách làm dấu thánh giá một cách đúng đắn không? Nhiều lần tôi đã thấy trẻ em không biết làm dấu thánh giá. Phần anh chị em là cha mẹ, ông bà, bố mẹ đỡ đầu cần phải dạy cho chúng làm dấu thánh giá đâu vào đấy, vì đó là việc lập lại những gì chúng ta đã làm nơi Phép Rửa. Anh chị em có hiểu rõ không? Hãy dạy cho con em của mình làm dấu thánh giá một cách đàng hoàng tử tế nhé. Nếu chúng học làm dấu thánh giá từ nhỏ, sau này khi lớn lên chúng sẽ làm dấu thánh giá một cách tốt đẹp.

Thánh giá là một nhãn hiệu cho thấy chúng ta là ai: việc chúng ta nói năng, nghĩ tưởng, ngắm nhìn, hành động đều theo dấu hiệu thánh giá, tức là theo dấu hiệu về tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu. Trẻ em được ghi dấu thánh giá trên trán. Thành phần dự tòng người lớn cũng được ghi dấu thánh giá ở các giác quan kèm theo những lời này: "Hãy nhận lấy dấu thánh giá trên tai để lắng nghe tiếng Chúa"; "trên mắt để thấy quang vinh dung nhan Thiên Chúa"; "trên miệng để đáp lại lời Chúa"; "trên ngực để nhờ đức tin Chúa Kitô ngự trong lòng con"; "trên vai để đỡ lấy cái ách êm ái của Chúa Kitô" (Nghi Thức Gia Nhập Kitô Giáo của Người Lớn, số 85).

Người ta trở thành một Kitô hữu ở mức độ thánh giá được in ấn nơi chúng ta như là một dấu hiệu "vượt qua" (xem Khải Huyền 14:1;22:4), một dấu hiệu, trở thành hữu hình, cả ở bề ngoài, cho thấy đường lối đối diện cuộc sống của Kitô hữu. Việc làm dấu thánh giá khi chúng ta thức giấc, trước các bữa ăn, khi gặp nguy hiểm, như là một thứ tự vệ trước sự dữ, lúc về đêm trước khi ngủ, nghĩa là tự nhủ với bản thân cũng như với người chúng ta thuộc về rằng chúng ta muốn mình là ai. Đó là lý do tại sao rất ư là quan trọng trong việc dạy cho trẻ em làm dấu thánh giá một cách tốt đẹp. Chúng ta làm dấu thánh giá khi bước vào nhà thờ, thì chúng ta cũng có thể làm như vậy ở nhà nữa, bằng cách giữ một ly nhỏ thích đáng chút nước thánh - có một số gia đình làm như vậy: làm dấu thánh giá với nước phép như vậy mỗi khi chúng ta ra vào, là chúng ta tưởng nhớ rằng chúng ta đã lãnh nhận Phép Rửa. Tôi xin lập lại, đừng quên dạy cho con cái làm dấu thánh giá.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-baptism-2-the-sign-of-the-christian-faith/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

Xin xem thêm đoạn video về Buổi Triều Kiến Chung hôm nay ở cái link dưới đây:

General Audience