Đức Thánh Cha Phanxicô

 

 

GIÁO LÝ VỀ SỰ SỐNG KITÔ GIÁO - PHÉP RỬA

 

INSTAGRAM.D4W-_0002470.JPG

 

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 16-5-2018

 

về

 

Phép Rửa: Áo Trắng và Nến Sáng

 

 

"Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về Phép Rửa. Các hiệu quả thiêng liêng của Bí Tích này, những gì vô hình trước con mắt loài người nhưng tác động trong lòng của con người trở nên một tạo vật mới, được tỏ hiện bởi việc trao ban chiếc áo trắng và cây nến sáng".

 

Pope Francis greeting pilgrims at General Audience in St Peter's Square

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về Phép Rửa. Các hiệu quả thiêng liêng của Bí Tích này, những gì vô hình trước con mắt loài người nhưng tác động trong lòng của con người trở nên một tạo vật mới, được tỏ hiện bởi việc trao ban chiếc áo trắng và cây nến sáng. Sau việc tẩy rửa tái sinh, một việc có khả năng tái tạo con người theo Thiên Chúa, trong sự thánh thiện thực sự (xem Epheso 4:24), thì dường như là những gì tự nhiên, ngay từ các thế kỷ đầu tiên, mặc cho những ai vừa mới lãnh nhận phép rửa một tấm áo trắng tương tự như ánh rạng ngời của sự sống có được trong Chúa Kitô và trong Thánh Linh. Tấm áo trắng thể hiện một cách biểu hiệu những gì đã xẩy ra nơi Bí Tích này, một tấm áo cho thấy thân phận của những ai được biến đổi trong vinh quang thần linh.

Thánh Phaolô nhắc lại ý nghĩa của việc mặc lấy Chúa Kitô, khi cho thấy các nhân đức mà người được rửa tội cần phải vun trồng: "Là những kẻ được Thiên Chúa chọn, thánh hảo và yêu dấu, anh em hãy mặc lấy lòng thương cảm, nhân ái, khiêm hạ, hiền lành và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và nếu có ai than phiền nhau thì hãy tha cho nhau; như Chúa đã thứ tha cho anh em thế nào, anh em cũng phải tha thứ như vậy. Trên hết hãy mặc lấy tình yêu thương là những gì thắt kết hết mọi sự lại với nhau một cách hòa hợp vẹn toàn" (Colose 3:12-14).

Nghi thức trao ngọn lửa được thắp từ cây nến Phục Sinh cũng nhắc lại hiệu quả của Phép Rửa nữa: "Hãy nhận lấy ánh sáng của Đức Kitô", vị linh mục nói. Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là ánh sáng, Chúa Giêsu Kitô mới là áng sáng (xem Gioan 1:9; 12:46), Đấng, sống lại từ trong cõi chết, đã chiến thắng bóng tối tăm của sự dữ. Chúng ta được kêu gọi để lãnh nhận ánh vinh quang rạng ngời của Người! Như ngọn lửa của cây nến Phục Sinh cống hiến ánh sáng cho từng cây nến khác thế nào thì đức ái yêu thương của Chúa Phục Sinh cũng thắp sáng lên tâm can của người chịu phép rửa như vậy, làm cho họ tràn đầy ánh sáng và nồng ấm. Thế nên từ các thế kỷ đầu tiên Phép Rửa mới được gọi là "việc chiếu rạng", và ai lãnh nhận phép rửa thì được gọi là "kẻ được soi chiếu".

Đó thực sự là ơn gọi của Kitô hữu, đó là "hãy luôn bước đi như con cái của ánh sáng, trong việc kiên trì sống đức tin" (Cf. Rite of Christian Initiation of Adults, n. 226; John 12:36).

Đối với trường hợp trẻ em thì đó là công việc của cha mẹ cùng với cha mẹ đỡ đầu, trong việc chăm sóc để duy trì ngọn lửa ân sủng của phép rửa nơi các em, giúp chúng kiên trì sống đức tin (Cf. Rite of the Baptism of Children, n. 73). "Việc giáo dục Kitô giáo là một quyền lợi của trẻ em; mục đích là để hướng dẫn các em từ từ nhận biết dự án của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô: nhờ đó bản thân của các em mới có thể chấp nhận đức tin mà vì thế các em đã chịu phép rửa" (Ibid., Introduction, 3). Sự hiện diện sống động của Chúa Kitô, để canh chừng, bênh vực và lan tỏa nơi chúng ta, là cây đèn soi bước chúng ta đi, là ánh sáng hướng dẫn những chọn lựa của chúng ta, là ngọn lửa sưởi ấm tâm can trong việc đi gặp gỡ Chúa, làm cho chúng ta có thể giúp cho những ai đang hành trình với chúng ta đến chỗ hiệp thông bất khả phân ly với Người. Ngày đó, theo Sách Khải Huyền lập lại, "chẳng còn đêm, và chúng ta không cần ánh sáng của đèn đuốc hay mặt trời, vì Chúa là Thiên Chúa sẽ là ánh sáng của chúng ta, và chúng ta sẽ cai trị đời đời kiếp kiếp" (xem 22:5).

Việc cử hành Phép Rửa kết thúc với kinh Lạy Cha, thích hợp với cộng đồng con cái Chúa. Thật vậy, thành phần con cái được tái sinh nơi Phép Rửa này sẽ lãnh nhận trọn vẹn tặng ân Thần Linh ở Bí Tích Thêm Sức, và họ sẽ tham phần vào Bí Tích Thánh Thể, ý thức được ý nghĩa của việc hướng về Thiên Chúa khi gọi Ngài là "Cha". 

Ở vào lúc kết thúc loạt bài giáo lý về Phép Rửa này, tôi xin lập lại với từng người trong anh chị em lời mời gọi trong Tông Huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ được tôi bày tỏ như thế này: "Hãy để cho ân sủng nơi Phép Rửa của anh chị em sinh hoa kết trái bằng một đời sống thánh thiện. Hãy hướng tất cả mọi sự về Thiên Chúa, và vì mục đích ấy hãy chọn Ngài, hãy chọn Thiên Chúa luôn mới mẻ. Đừng thất vọng, vì anh chị em có được quyền năng của Thánh Linh nhờ đó mới trở thành khả dĩ, nói cho cùng thì thánh thiện là hoa trái của Thánh Linh trong cuộc đời của anh chị em (xem Galata 5:22-23)" (Khoản 15).

  

https://zenit.org/articles/general-audience-on-baptism-part-vi-put-on-christ/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

 

Cuối Buổi Triều Kiến Chung: Hướng Về Thánh Địa

Cuối buổi triều kiến chung hôm nay, ĐTC hướng về Thánh Địa là nơi đang xẩy ra xung khắc và xung đột giữa hai dân tộc Do Thái và Palestin, nhất là vào chính Hoa Kỳ dời tòa đại sứ của mình, vào chính ngày tái lập quốc Do Thái 70 năm trước 14/5/1948. từ thủ đô Tel Avis của Do Thái đến Giêrusalem là nơi vốn tranh chấp giữa hai dân tộc. Ngài cảm thấy đau buồn lên tiếng như sau:

"Tôi rất lo lắng về tình trạng tồi tệ gây ra bởi các thứ căng thẳng ở Thánh Địa cũng như ở Trung Đông, và trước cơn lốc bạo động đang làm ly tán hơn nữa con đường hòa bình, đối thoại và thương thuyết.

"Tôi cảm thấy rất đau buồn đối với người chết và bị thương, và tôi liên kết với tất cả những ai đang chịu khổ đau bằng lời cầu nguyện và lòng cảm thương. Tôi xin khẳng định rằng việc sử dụng bạo lực không bao giờ dẫn đến hòa bình. Chiến tranh lôi kéo chiến tranh, bạo lực kéo theo bạo lực.

"Tôi mới gọi tất cả mọi bên liên quan và cộng đồng quốc tế hãy tái tấu việc dấn thân của mình, nhờ đó việc đối thoại, công lý và hòa bình được trân trọng.

"Chúng ta hãy kêu cầu cùng Đức Maria, Nữ Vương Hòa Bình. "Kính mừng Maria đầy ơn phúc..."

"Xin Chúa thương xót chúng con!"

  

Trước Buổi Triều Kiến Chung: Gặp gỡ liên tôn

ĐTC đã tiếp các tham dự viên Hội Nghị Liên Tôn do Hội Đồng Tòa Tháng về Đối Thoại Liên Tôn tổ chức, thuộc các tôn giáo Dharmic, thành phần ngài cũng đã gặp hôm qua, Thứ Ba 15/5, ở Sảnh Đường Phaolô VI và ngỏ cùng họ mấy lời vắn tắt như sau: 

"Các bạn thân mến,

"Tôi xin gửi lời chào đến tất cả các bạn, những người đã gặp gỡ nhau cho Hội Nghị 'Dharma and Logos - Đối Thoại và Hợp Tác trong một Thời Đại Phức Tạp', được diễn ra ở Roma hôm qua. Tôi rất biết ơn về những nỗ lực của những ai làm khả dĩ sáng kiến này, một sáng kiến qui tụ lại các tín đồ Kitô giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Jain và Sikh.

"Việc đối thoại và hợp tác là những gì thiết yếu ở vào thời điểm như của chúng ta đây, khi mà tình trạng phức tạp cùng với những yếu tố chưa hề có trước đây đã làm gia tăng tình trạng căng thẳng và xung khắc, kèm theo bạo lực ở cả tầm múc nhỏ cũng như lớn. Đó là lý do phải cảm tạ Thiên Chúa khi các vị lãnh đạo tôn giáo chủ động vun trồng thứ văn hóa gặp gỡ, bằng việc cống hiến một mẫu gương đối thoại hiệu quả, cũng như bằng việc cùng nhau hoạt động một cách hiệu quả phục vụ sự sống, nhân phẩm và chăm sóc thiên nhiên tạo vật.

"Tôi xin cám ơn các bạn về những gì các bạn đã làm bằng việc qui tụ lại với nhau, hợp với truyền thống tôn giáo riêng của mình, để cổ võ sự thiện trong thế giới của chúng ta đây, và tôi xin muôn vàn phúc lành của thần linh ban xuống cho các bạn cùng cộng đồng của các bạn".

Pope Francis meeting representatives of Dharmic religions in the Vatican on May 16, 2018.

 

Xin xem trọn Buổi Triều Kiến Chung hôm nay ở cái link video dưới đây:



General Audience