Đức Thánh Cha Phanxicô

 

 

GIÁO LÝ VỀ SỰ SỐNG KITÔ GIÁO - PHÉP RỬA

 

Pope Francis during the General Audience in St. Peter's Square

 

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 9-5-2018

 

về

 

Phép Rửa: Nghi Thức Rửa Tội

 

"Việc tham dự vào thiên chức tư tế vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô đây nghiã là gì? Nghĩa là làm cho mình trở thành một lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa, làm chứng cho Ngài bằng một đời sống đức tin và đức ái, phục vụ người khác, theo gương mẫu của Chúa Giêsu"

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Giáo lý về Bí Tích Rửa Tội hôm nay dẫn chúng ta đến chỗ nói về việc thanh tẩy, được kèm theo bằng lời khẩn cầu cùng Ba Ngôi Chí Thánh, tức là nghi thức "rửa tội" thiết yếu một cách thích đáng - ở chỗ dìm mình - vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 1239). Thánh Phaolô nhắc nhở ý nghĩa của cử chỉ này với Kitô hữu Roma, trước hết ngài đã đặt vấn đề: "Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đều đã được chịu phép rửa trong Chúa Giêsu Kitô là được rửa trong cái chết của Người hay sao?" Sau đó ngài trả lời: "Bởi thế chúng ta đã được mai táng với Người bằng Phép Rửa trong sự chết, để như Chúa Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết thế nào... cả chúng ta cũng được bước đi trong sự sống mới như vậy" (Roma 6:3-4). Phép Rửa mở cửa cho chúng ta tiến vào một sự sống phục sinh, không phải là sự sống trần thế mà là một sự sống hợp với Chúa Giêsu.

Bể rửa tội là nơi mà ở đó Phục Sinh là được sống với Chúa Kitô! Con người cũ, với những đam mê giả dối của nó, đã được mai táng (xem Epheso 4:22), để một tạo vật mới được tái sinh; những gì cũ kỹ thực sự đã qua và những gì mới xuất hiện (xem 2Corinto 5:17). Trong các "Bài Giáo Lý" được cho là của Thánh Cyrilô thành Giêrusalem, thành phần tân tòng được giải thích cho biết những gì đã xẩy ra cho họ nơi nước của Phép Rửa. Lời giải thích này của Thánh Cyrilô là những lời đẹp đẽ: "Anh em vừa chết đi vừa được hạ sinh cùng một lúc, và cùng một đợt lợi ích đã trở thành cho anh em vừa là một nấm mộ vừa là một người mẹ" (n. 20, Mistagogica 2, 4-6: PG 33, 1079-1082). Việc tái sinh của một con người mới đòi con người bị băng hoại bởi tội lỗi phải được biến thành bụi đất. Hình ảnh ngôi mộ và cung dạ người mẹ ám chỉ bể rửa tội thật sự rất ư sâu sắc trong việc diển tả một điều cao cả biết bao xẩy ra qua các cử chỉ đơn sơ của Phép Rửa. Tôi xin trích lại một câu nói được khắc nơi Bể Rửa Tội của Đền Thờ Laterano ở Roma cũ, nơi người ta đọc thấy hàng chữ bằng Latinh diễn đạt được cho là của Đức Sixtus III: "Mẹ Giáo Hội hạ sinh một cách trinh nguyên, bằng nước, thành phần con cái được Mẹ thụ thai bởi hơi thở của Thiên Chúa. Những ai trong anh chị em được hạ sinh từ bể rửa tội này, hãy hy vọng Vương Quốc Quê Trời". Tuyệt vời: Giáo Hội đã hạ sinh chúng ta, Giáo Hội là cung dạ, là Mẹ của chúng ta nơi Phép Rửa.

Nếu cha mẹ của chúng ta đã cống hiến cho chúng ta sự sống trần gian, thì Giáo Hội hạ sinh chúng ta vào sự sống trường sinh. Chúng ta đã trở nên con cái nơi Chúa Giêsu Con của Ngài (Cf. Romans 8:15; Galatians 4:5-7). Trên mỗi một người chúng ta là thành phần được tái sinh bởi nước và Thánh Linh, Cha trên trời lập lại tiếng của Ngài bằng một tình yêu vô cùng rằng: "Con là con yêu dấu của Cha" (Mathêu 3:17). Tiếng của người cha này, bất khả nhận thức được với tai nghe thế nhưng lại rất thính với tâm can của ai tin tưởng, là những gì hỗ trợ chúng ta dọc suốt cuộc đời của chúng ta, không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Suốt đời Người Cha cứ nói với chúng ta rằng: "Con là con trai yêu dấu của Cha, con là con gái yêu dấu của Cha". Thiên Chúa yêu chúng ta rất nhiều, như là một Người Cha, và Ngài không để mặc chúng ta một mình. Đúng thế từ giây phút Rửa Tội. Được tái sinh làm con cái của Thiên Chúa, chúng ta muôn đời là thế đó! Thật vậy, Phép Rửa không được lập đi lập lại, vì Phép Rửa in ấn một dấu thiêng liêng bất khả xóa bỏ: "Không có một tội nào có thể xóa bỏ dấu ấn này, cho dù tội lỗi cho cản trở việc Phép Rửa sinh hoa trái cứu độ" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 1272). Dấu ấn Phép Rửa không bao giờ mất được! "Thưa cha, thế nhưng có người trở thành một tên cướp nổi tiếng nhất, kẻ sát nhân, làm những điều bất chính, dấu ấn này có bị mất đi hay chăng?" Không. Người con Thiên Chúa làm những điều này thì tự mình hổ thẹn, nhưng dấu ấn ấy vẫn không qua đi. Họ vẫn tiếp tục là người con của Thiên Chúa, kẻ phạm đến Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không bao giờ ruồng bỏ con cái của Ngài. Anh chị em có hiểu điều cuối cùng này hay chăng. Chúng ta có muốn cùng nhau lập lại lời ấy không? "Thiên Chúa không bao giờ ruồng bỏ con cái của Ngài". Xin nói lớn hơn nữa, vì tôi điếc và chẳng hiểu gì hết: [cộng đồng dân Chúa hô to hơn] "Thiên Chúa không bao giờ ruồng bỏ con cái của Ngài". Đó, được rồi.

Được tháp nhập vào Chúa Kitô qua Phép Rửa, người lãnh nhận bởi thế được liên hợp với Người, "trưởng tử trong nhiều anh em" (Roma 8:29). Bằng tác động của Thánh Linh, Phép Rửa thanh tẩy, thánh hóa, công chính hóa, để làm cho nhiều người trở nên một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô (Cf. 1 Corinthians 6:11; 12:13). Việc xức dầu này diễn tả Phép Rửa, "là dấu hiệu của hàng tư tế vương giả của con người được rửa tội cũng như của việc họ kết nạp với cộng đồng dân Chúa (Rite of the Baptism of Children, Introduction, n. 18, 3). Bởi thế, vị linh mục lấy dầu thánh xức trên đầu của từng người lãnh nhận Phép Rửa, sau khi công bố các lời nói lên ý nghĩa của nó như sau: "Chính Thiên Chúa thánh hiến con bằng dầu cứu độ, nhờ đó, được tháp nhập với Chúa Kitô, Tư Tế, Vương Gia và Ngôn Sứ, con luôn là phần tử của Thân Mình Người cho sự sống đời đời" (cùng nguồn vừa dẫn, khoản 71).

Hỡi anh chị em, toàn thể ơn gọi của Kitô hữu là ở chỗ này, đó là sống liên kết với Chúa Kitô trong Hội Thánh, trở thành các tham dự viên của cùng việc thánh hiến, để thi hành cùng một sứ vụ trên thế giới này, mang lại hoa trái tồn tại đến muôn đời. Được sinh động bởi cùng một Thần Linh duy nhất, dân Chúa thật sự tham phần vào các vai trò của Chúa Giêsu Kitô là "Tư Tế, Vương Gia và Ngôn Sứ", và có trách nhiệm truyền giáo cũng như phục vụ từ đó mà ra (xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 783-786). Việc tham dự vào thiên chức tư tế vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô đây nghiã là gì? Nghĩa là làm cho mình trở thành một lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa (xem Roma 12:1), làm chứng cho Ngài bằng một đời sống đức tin và đức ái (xem Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 12), phục vụ người khác, theo gương mẫu của Chúa Giêsu (Cf. Matthew 20:25-28; John 13:13-17). Cám ơn anh chị em.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-baptism-part-v-regeneration/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

Xin xem toàn bộ Buổi Triều Kiến Chung hôm nay ở cái link dưới đây:

General Audience