GIÁO HỘI HIỆN THẾ
GIÁO LÝ VỀ SỰ SỐNG KITÔ GIÁO - - PHÉP RỬA
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 11-4-2018
về Bí Tích Thánh Tẩy
"Năm mươi ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh là thời điểm thuận lợi để chia sẻ về sự sống Kitô giáo,
một sự sống tự bản chất của mình là một sự sống xuất phát từ chính Chúa Kitô".
"Bởi Thánh Linh, Phép Rửa trầm mình chúng ta vào Cái Chết và Phục Sinh của Chúa, con người cũ bị đuối chìm trong bể rửa tội,
một con người cũ bị tội lỗi thống trị, tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa, và làm phát sinh một con người mới, được tái tạo trong Chúa Giêsu"
"Nếu chúng ta mừng ngày sinh nhật của chúng ta thì
tại sao chúng ta lại không mừng - ít là tưởng nhớ đến - ngày tái sinh của chúng ta chứ?"
Xin chào anh chị em thân mến!
Năm mươi ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh là thời điểm thuận lợi để chia sẻ về sự sống Kitô giáo, một sự sống tự bản chất của mình là một sự sống xuất phát từ chính Chúa Kitô. Thật vậy, chúng ta là thành phần Kitô hữu cho đến độ chúng ta để cho Chúa Giêsu Kitô sống sự sống này nơi chúng ta. Bởi thế mà chúng ta, không phải hay sao, cần phải bắt đầu tái ý thức lại từ ban đầu, từ Bí Tích thắp lên sự sống Kitô giáo này nơi chúng ta? Đó là Bí Tích Thánh Tẩy. Lễ Phục Sinh của Đức Kitô, với sứ vụ canh tân đổi mới của mình, tiến đến với chúng ta nhờ Phép Rửa để biến đổi chúng ta thành hình ảnh của Người: Người lãnh nhận bí tích này thì thuộc về Đức Giêsu Kitô; Người là Chúa của cuộc sống chúng ta. Bí Tích Thánh Tẩy là "nền tảng của toàn thể đời sống Kitô giáo" (Sách GLGHCG, 1213). Phép Rửa là bí tích đầu tiên trong các Bí Tích, như cửa ngõ để cho Chúa Kitô có thể ngự trị trong con người của chúng ta và chúng ta có thể dìm mình trong mầu nhiệm của Người.
Động từ Hy Lạp "rửa tội - to baptize" nghĩa là "trầm mình - to immerse" (xem Sách GLGHCG, 1214). Bể nước là nghi thức chung cho một số tôn giáo, bày tỏ một cuộc vượt qua từ một thân phận này đến thân phận kia, một dấu hiệu thanh tẩy cho khởi điểm mới. Tuy nhiên, đối với Kitô hữu chúng ta cần phải lưu ý rằng nếu thân thể được trầm mình vào nước thì chính linh hồn được trầm mình trong Chúa Kitô để lãnh nhận ơn tha thứ tội lỗi và được rạng ngời bằng ánh sáng thần linh (Cf. Tertullian, On the Resurrection of the Dead, VIII, 3: CCL 2, 931; PL 2, 2806). Bởi Thánh Linh, Phép Rửa trầm mình chúng ta vào Cái Chết và Phục Sinh của Chúa, con người cũ bị đuối chìm trong bể rửa tội, một con người cũ bị tội lỗi thống trị, tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa, và làm phát sinh một con người mới, được tái tạo trong Chúa Giêsu. Tất cả con cái của Adong được kêu gọi sống một sự sống mới. Phép Rửa hiển nhiên là một cuộc tái sinh. Tuy nhiên, tôi chất vấn, một cách khả nghi làm sao ấy, và tôi xin hỏi anh chị em: mỗi người trong anh chị em có nhớ ngày Rửa Tội của mình hay chăng? Một số thưa có - OK. Tuy nhiên, dường như thưa có hơi yếu làm sao ấy, vì có lẽ nhiều người không nhớ đến ngày ấy. Dù sao thì nếu chúng ta mừng ngày sinh nhật của chúng ta thì tại sao chúng ta lại không mừng - ít là tưởng nhớ đến - ngày tái sinh của chúng ta chứ? Tôi sẽ cho anh chị em bài làm ở nhà, một việc cần phải làm hôm nay. Những ai trong anh chị em không nhớ ngày Rửa Tội của mình thì hãy hỏi mẹ, dì, chú, cháu rằng "(họ) có biết ngày Rửa Tội của (mình) hay chăng?", và đừng bao giờ quên ngày này. Vào ngày đó hãy cảm tạ Chúa, vì nó là chính ngày Chúa Giêsu đến với tôi; Thánh Linh đến với tôi. Anh chị em có hiểu rõ việc làm anh chị em cần làm ở nhà hay chăng? Tất cả chúng ta đều phải biết ngày Rửa Tội của mình. Nó là một ngày sinh nhật khác: ngày sinh nhật tái sinh. Xin làm ơn đừng quên làm điều này nhé.
Chúng ta hãy nhớ lại những lời nói cuối cùng của Đấng Phục Sinh với các Vị Tông Đồ; chúng chính là một lệnh truyền: "Thế nên các con hãy đi tuyển mộ môn sinh ở khắp mọi dân nước, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mathêu 28:19). Nhờ việc thanh tẩy của phép rửa, ai tin vào Chúa Kitô được trầm mình vào chính sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thật vậy, nước của Phép Rửa không phải chỉ là nước, mà là thứ nước được Thần Linh sử dụng để "ban sự sống" (Kinh Tin Kính). Chúng ta nghĩ đến những gì Chúa Giêsu nói với nghị viên Nicodemo để giải thích cho ông về việc sinh vào sự sống thần linh: "Ai được sinh lại bởi nước và Thần Linh thì được vào vương quốc của Thiên Chúa. Cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và cái gì sinh bởi Thần Linh là thần linh" (Gioan 3:5-6). Bởi thế, Phép Rửa cũng được gọi là "tái sinh", ở chỗ, chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta "bằng lòng thương xót của Ngài, với một thứ nước tái sinh và canh tân trong Thần Linh" (Titô 3:5).
Bởi vậy, Phép Rửa là một dấu hiệu hiệu năng của việc tái sinh, để tiến vào một sự sống mới. Thánh Phaolô nhắc lại điều này với Kitô hữu Giáo Đoàn Roma rằng: "Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đều được thanh tẩy nơi Đức Giêsu Kitô là được thanh tẩy trong cái chết của Người hay sao? Bởi vậy chúng ta đã được mai táng với Người nhờ phép rửa trong sự chết để như Đức Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết bởi vinh quang của Chúa Cha thế nào thì chúng ta cũng bước đi trong sự sống mới như vậy" (Roma 6:3-4).
Bằng việc trầm mình chúng ta trong Chúa Kitô, Phép Rửa cũng làm cho chúng ta trở thành phần tử của Thân Mình Người là Giáo Hội, và là những tham dự viên vào sứ vụ của Người trên trần gian này (xem Sách GLGHCG, 1213). Chúng ta, thành phần đã lãnh nhận phép rửa, không bị lẻ loi cô độc, vì chúng ta là phần tử của Thân Mình Chúa Kitô. Sức sống xuất phát từ bể rửa tội được diễn giải ở những lời Chúa Giêsu nói sau đây: "Thày là cây nho, các con là cành nho. Ai ở trong Thày, và Thày ở trong họ, họ mới sinh nhiều hoa trái" (xem Gioan 15:5). Cùng một sự sống, sự sống của Thánh Linh, xuất phát từ Đức Kitô cho thành phần lãnh nhận phép rửa, liên kết họ nên một Thân Thể (Cf. 1 Corinthians 12:13), được Kitô hóa bằng việc xức dầu thánh và được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Thánh Thể.
Phép Rửa giúp cho Đức Kitô có thể sống trong chúng ta và chúng ta có thể liên kết với Người, có thể hợp tác trong Giáo Hội, mỗi người tùy theo phận mình, trong việc biến đổi thế giới này. Được lãnh nhận một lần duy nhất, việc thanh tẩy của phép rửa soi chiếu cả cuộc đời của chúng ta, hướng dẫn bước đi của chúng ta về Giêrusalem Thiên Quốc. Vấn đề ở đây là trước Phép Rửa và sau Phép Rửa. Bí Tích này bao hàm một cuộc hành trình đức tin, chúng ta gọi là dự tòng, hiển nhiên xẩy ra ở vào lúc một người lớn xin được lãnh nhận Phép Rửa. Tuy nhiên, cả trẻ em cũng thế, từ ngày xưa, đã được lãnh nhận phép rửa theo đức tin của cha mẹ chúng (Cf. Rite of the Baptism of Children, Introduction, 2). Tôi muốn nói với anh chị em một chút về điều này. Có một số người nghĩ rằng: thế nhưng tại sao lại rửa tội cho một đứa trẻ chẳng hiểu biết gì chứ? Cứ đợi cho nó lớn lên, nó tự hiểu và tự xin lãnh nhận Phép Rửa. Tuy nhiên, như thế có nghĩa là không tin tưởng vào Thánh Linh, vì khi chúng ta thanh tẩy một người con thì Thánh Linh đến với người con này, và Thánh Thần làm cho đứa con ấy lớn lên, từ một đứa bé, theo các nhân đức Kitô giáo sau đó phát triển. Cần phải cống hiến cơ hội này cho hết mọi người, cho tất cả mọi em nhỏ, cho các bé có được Thánh Linh là Đấng dẫn dắt các bé trong cuộc đời của các bé. Đừng quên cho con em được lãnh nhận Phép Rửa! Không ai đáng lãnh nhận Phép Rửa, bao giờ cũng là món quà tặng cho tất cả mọi người, người lớn cũng như mới sinh. Tuy nhiên, như một hạt giống tràn đầy sự sống thế nào thì tặng ân này cũng đâm rễ và sinh hoa kết trái ở một mảnh đất được nuôi dưỡng bằng đức tin. Những lời hứa khi lãnh nhận phép rửa được chúng ta lập lại hằng năm vào Đêm Vọng Phục Sinh cần phải tái diễn hằng ngày để Phép Rửa "Kitô hóa": chúng ta không được sợ tiếng này; Phép Rửa "Kitô hóa" ai đã lãnh nhận Phép Rửa và họ "được Kitô hóa", nên giống Chúa Kitô, được biến đổi thành Chúa Kitô và thựa sự làm cho họ thành một Chúa Kitô khác.
https://zenit.org/articles/general-audience-baptism-1-full-text/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Xin xem Buổi Triều Kiến Chung hôm nay ở cái link bao gồm cả hình chụp và hình quay đưới đây