GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 13-6-2018

 

Các Giới Răn- Bài 1 

 

 

 

"Hôm nay chúng ta bắt đầu một hành trình giáo lý mới về chủ đề các Giới Răn"

 

 

"Người ta trở thành người lớn khi họ nhận biết và nhận ra 'cái còn thiếu'...

 

Giữa một cái chính gốc và một cái sao chép chẳng lẽ lại đi chọn cái sao chép ư?"

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Hôm nay là lễ Thánh Antôn Padua. Ai trong anh chị em có tên Antôn vậy? - xin vỗ một tràng pháo tay cho tất cả những ai có tên "Antôn". Hôm nay chúng ta bắt đầu một hành trình giáo lý mới về chủ đề các Giới Răn, các Giới Răn thuộc Lề Luật của Thiên Chúa. Để bắt đầu, chúng ta hãy lấy cảm hứng từ đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe: đó là đoạn về cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu và một nam nhân - trẻ trung - một con người quì xuống hỏi Người làm thế nào để có thể được hưởng sự sống đời đời (xem Marco 10:17-21). Vấn nạn này chất chứa một thứ thách đố cho hết mọi cuộc sống, bao gồm cả của chúng ta nữa, đó là lòng ước muốn có được một đời sống viên trọn vô biên. Tuy nhiên, con người cần phải làm gì để đạt được điều ấy? Đâu là đường lối người ta cần phải theo đuổi? Để thực sự sống, sống một cuộc một đời cao quí... Biết bao nhiêu là giới trẻ đang tìm "sống" và hủy hoại bản thân mình bằng cách chạy theo những gì là nông nổi. 

Có người nghĩ rằng hãy dập tắt đi động lực này - động lực sống - vì nó là những gì nguy hiểm. Tôi muốn nói, đặc biệt với giới trẻ rằng: kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta không phải là những vấn đề cụ thể, bất kể chúng trầm trọng và thê thảm đến đâu. Cái nguy hiểm nhất của đời sống đó là một thứ tinh thần thích ứng xấu, một thứ tình thần không hiền lành hay khiêm tốn mà là tầm thường xoàng xĩnh, nhu nhược hèn nhát. Một giới trẻ xoàng là một giới trẻ có tương lai hay chăng? Không thể nào! Họ vẫn cứ thế, không tăng trưởng, sẽ không thành đạt - vẫn tầm thường xoàng xĩnh hay nhu nhược hèn nhát. Những con người trẻ sợ hãi hết mọi sự: "Không, tôi là như thế đó...". Những con người trẻ này sẽ không tiến triển. Sự hiền lành và sức mạnh là những gì cần thiết, chứ không phải nỗi nhát sợ, chứ không phải sự thường hèn. Chân Phước Pier Giorgio Frassati - một con người trẻ - đã nói rằng con người ta cần phải sống chứ không phải chỉ hậu đậu vụng về vậy thôi. Con người thường hèn chỉ là kẻ vụng về vậy thôi. Con người cần phải sống bằng một đời sống mãnh liệt. Cần phải xin Cha trên trời tặng ân biết lo toan lành mạnh cho giới trẻ. Tuy nhiên, ở nhà, trong nhà của anh chị em, nơi hết mọi gia đình, khi một người trẻ cứ ngồi ì ra đó cả ngày, đôi khi cha mẹ nghĩ rằng: "chắc nó bị bệnh hay bị một cái gì đó", và họ đưa nó đến bác sĩ. Đời sống của một giới trẻ cần phải tiến bước, cần phải băn khoăn khắc khoải, cần phải biết lo toan lành mạnh, cần phải có một khả năng không lấy làm hài lòng mãn nguyện với một đời sống không mỹ miều, không mầu sắc. Tôi ngẫm nghĩ là nếu thành phần trẻ không biết đói khát một đời sống chân thực thì nhân loại sẽ đi về đâu? Nhân loại sẽ đi về đâu với thành phần giới trẻ thầm lặng, đứng tại chỗ?

Vấn nạn của nam nhân trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe cũng ở nơi mỗi một người chúng ta nữa, đó là làm sao tìm được sự sống, sự sống dồi dào, sự sống hạnh phúc? Chúa Giêsu trả lời là: "Anh biết các Giới Răn" (câu 19), và Người trích lại một phần trong bản Thập Giới. Nó là một tiến trình sư phạm, nhờ đó Chúa Giêsu muốn dẫn đến một nơi đặc biệt; thật vậy, qua vấn nạn của mình, rõ ràng là nam nhân này không có được một đời sống trọn vẹn; anh ta đang tìm kiếm hơn nữa và cảm thấy khắc khoải. Bởi vậy mà anh ta cần phải biết những gì đây? Anh ta nói: "Thưa Thày, tất cả những điều này tôi đã tuân giữ ngay từ hồi còn trẻ" (câu 20).

Con người ta trải qua từ trẻ trung đến trưởng thành ra sao? Khi người ta bắt đầu biết chấp nhận các giới hạn của mình. Người ta trở thành người lớn khi họ nhận biết và nhận ra "cái còn thiếu" (câu 21). Con người ấy buộc phải nhìn nhận rằng tất cả những gì họ có thể "làm" thì không quá "đầu", không vượt khỏi lằn mức.

Tốt đẹp biết bao được trở thành những nam nhân nữ giới! Quí báu biết bao cuộc đời của chúng ta! Tuy nhiên, có một sự thật mà trong lịch sử của các thế kỷ vừa qua con người thường chối bỏ, kéo theo những hậu quả thảm thê, đó là sự thật về các giới hạn của họ.

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói một điều có thể giúp chúng ta đó là "Đừng nghĩ rằng Thày đến để hủy bỏ Lề Luật và Các Tiên Tri; Thày đến không phải để hủy bỏ mà là để hoàn trọn chúng" (Mathêu 5:17). Chúa Giêsu làm cho nên trọn; Người đến để làm như thế. Nam nhân ấy cần phải vươn tới ngưỡng cửa của một cái nhẩy vọt, tiến tới chỗ thôi sống cho bản thân mình, cho các việc của mình, cho các sản vật của mình và - chính vì anh ta không có được một cuộc sống viên trọn - bỏ hết mọi sự mà theo Chúa. Ở lời mời gọi cuối cùng của Chúa Giêsu - bao rộng, tuyệt vời - không phải là một dự án nghèo khổ mà là giầu có, một dự án đích thực: "Anh còn thiếu duy một điều; đó là hãy đi bán những gì anh có, rồi bố thí cho người nghèo, đoạn anh sẽ có được một kho tàng trên Trời; và hãy đến mà theo Tôi" (câu 21).

Giữa một cái chính gốc và một cái sao chép chẳng lẽ lại đi chọn cái sao chép ư? Cái thách đố là ở chỗ này: đó là hãy tìm kiếm cái nguyên thủy của sự sống chứ đừng tìm những gì là sao chép. Chúa Giêsu không cống hiến những gì thay thế mà là sự sống đích thực, là tình yêu đích thực, là phong phú đích thực! Làm thế nào giới trẻ có thể theo chúng ta về đức tin nếu chúng không thấy chúng ta chọn những gì là nguyên tuyền, nếu chúng thấy chúng ta quen thói nửa vời chứ? Thật là ghê sợ khi thấy những Kitô hữu nửa vời, Kitô hữu - xin cho tôi sử dụng từ ngữ - "lùn tịt / dwarfs"; họ tăng trưởng tới một tầm vóc nào đó thôi rồi ngưng lại; thành phần Kitô hữu có tấm lòng co cụm, khép kín. Thật là ghê sợ khi thấy như thế. Cần phải có gương sống của ai đó mời gọi tôi "vươn ra", "hơn nữa", tăng trưởng một chút. Thánh Ignatio đã gọi nó là "cái hơn", là "lửa, cái hứng của tác động, những gì lay động kẻ thiếp ngủ".

Đường lối ấy dành cho những kẻ đang thiếu để vượt qua được con người họ. Chúa Giêsu không đến để phá hủy Lề Luật hay các Tiên Tri, mà là làm cho chúng nên trọn. Chúng ta cần phải bắt đầu từ cái thực tại trong việc thực hiện việc nhẩy vào "những gì đang thiếu". Chúng ta cần phải thấu triệt cái tầm thường để hướng mình về cái phi thường.

Trong các bài giáo lý này chúng ta sẽ coi hai tấm bia lề luật của Moisen như là của Kitô hữu, bằng cách nắm lấy Chúa Giêsu mà vượt qua những ảo ảnh của tuổi trẻ và tiến vào kho tàng ở trên Trời, bằng cách bước theo sau Người. Chúng ta sẽ khám phá, ở hết mọi luật lệ ấy, cổ xưa và khôn ngoan, cánh cửa mở ra của Cha trên Trời, nhờ đó Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã vượt qua cửa này, có thể dẫn chúng ta tới sự sống đích thực, đến sự sống của Người, sự sống của con cái Thiên Chúa.  

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-commandments/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu                                                                                                                                                                                  

Xin xem trọn buổi triều kiến chung hôm nay ở cái link dưới đây:

General Audience