GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 7-11-2018
Các Giới Răn- Bài 14 về Giới Răn Thứ 7 "Chớ lấy của người"
"Tất cả mọi giầu thịnh cần phải có chiều kích xã hội mới thực sự là tốt".
"Nếu tôi không thể cống hiến một cái gì đó, chính là vì vật đó đã chiếm hữu tôi,
có quyền lực trên tôi và tôi là nô lệ của nó.
Quyền sở hữu các thứ sản vật là một cơ hội để làm bội tăng chúng hơn một cách sáng tạo,
và sử dụng chúng một cách quảng đại, nhờ đó được tăng trưởng trong đức bác ái và tự do".
Xin chào anh chị em thân mến!
Tiếp tục với việc dẫn giải về Thập Giới, hôm nay chúng ta tiến đến Lời Thứ Bảy: "Chớ lấy của người".
Khi nghe thấy Giới Răn này, chúng ta nghĩ đến vấn đề trộm cắp và vấn đề tôn trọng tài sản của người khác. Không có một thứ văn hóa nào mà việc trộm cắp và lạm dụng các sản vật lại là việc hợp pháp cả. Thật vậy, cảm quan của con người rất nhậy bén đối với việc bênh vực sản vật sở hữu. Tuy nhiên, cần đọc Lời này một cách bao rộng hơn, chú trọng đến vấn đề về tính chất của các sản vật theo chiều hướng khôn ngoan Kitô giáo.
Giáo Huấn về Xã Hội của Giáo Hội nói về mục đích phổ quát của các sản vật. Nó có nghĩa là gì? Chúng ta hãy lắng nghe những gì Giáo Lý dạy: "Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã trao trái đất và các tài nguyên trên trái đất cho loài người quản lý chung, chăm lo và chế ngự trái đất bằng lao công của mình, hầu được hưởng dùng các hoa trái của trái đất này. Tài sản trong vũ trụ là dành cho tất cả loài người" (2402) . Và thêm: "Quyền tư hữu, thủ đắc do lao động, hoặc do hưởng di sản hay do tặng dữ, đều không thể huỷ bỏ tính cách ban tặng trái đất cho toàn thể nhân loại lúc hồi đầu. Dụng đích phổ quát của các tài sản vẫn có tính cách hàng đầu, mặc dầu sự thăng tiến công ích vẫn đòi ta phải tôn trọng tư sản, quyền tư hữu và việc hành sử quyền này" (2403).
Tuy nhiên, Đấng Quan Phòng đã không cung cấp một thế giới "hằng loạt", có những khác biệt, những thân phận khác nhau, các thứ văn hóa đa dạng, bởi thế chúng ta có thể sống bằng việc cung cấp cho nhau. Thế giới này giầu về tài nguyên để bảo đảm những sản vật căn bản cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nhiều người đang sống trong tình trạng bần cùng một cách đáng tủi hổ, và các nguồn tài nguyên, được sử dụng một cách bất chấp, đang bị thoái hóa. Thế nhưng, thế giới này chỉ là một thế giới duy nhất! Nhân loại chỉ là một nhân loại duy nhất! Hôm nay đây tình trạng giầu thịnh của thế giới này đang ở trong tay của thành phần thiểu số, của một ít người, còn nghèo khổ, đúng hơn là khốn khổ và đau khổ là thân phận của nhiều người, của thành phần đa số.
Nếu có chuyện đói khổ trên trái đất này thì không phải vì thiếu lương thực! Trái lại, vì những đòi hỏi của thị trường, mà đôi khi lương thực bị hủy hoại đi; chúng bị vứt bỏ đi. Cái thiếu hụt đó là một vai trò kinh doanh tự do và phòng xa, có thể bảo đảm việc sản xuất đầy đủ, và một dự án kết đoàn, bảo đảm cho việc phân phối quân bình. Sách Giáo Lý lại dạy: "Khi sử dụng những tài sản mình sở đắc cách hợp pháp, con người không được coi đó như chỉ thuộc về riêng bản thân mình, nhưng phải coi đó như những tài sản chung, theo nghĩa những tài sản này không những mang lợi ích cho mình, mà còn cho người khác nữa" (2404). Tất cả mọi giầu thịnh cần phải có chiều kích xã hội mới thực sự là tốt.
Theo quan điểm này hiện lên ý nghĩa tích cực và bao rộng của Giới Răn "chớ trộm cắp". "Quyền sở hữu của bất cứ tài sản này khiến cho sở hữu chủ trở thành một quản lý viên của Đấng Quan Phòng" (nguồn vừa trích). Không một ai là sở hữu chủ tuyệt đối của các sản vật hết: họ là một điều hành viên của các thứ sản vật họ có. Quyền sở hữu là một trách nhiệm: "Thế nhưng tôi là người giầu có trong hết mọi sự...". Đó là một trách nhiệm của bạn. Sản vật nào bị trừ đi khỏi lý lẽ Quan Phòng của Thiên Chúa đều có tính cách phản bội, phản bội lại ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Cái tôi sở hữu thực sự là những gì tôi biết rằng tôi có thể trao ban, tôi cởi mở, nên tôi giầu có chẳng những ở nơi những gì tôi sở hữu, mà còn nơi lòng quảng đại, lòng quảng đại cũng đóng vai như là một phận vụ trao tặng sự giầu có, nhờ đó tất cả mọi người có thể được tham hưởng nó. Thật vậy, nếu tôi không thể cống hiến một cái gì đó, chính là vì vật đó đã chiếm hữu tôi, có quyền lực trên tôi và tôi là nô lệ của nó. Quyền sở hữu các thứ sản vật là một cơ hội để làm bội tăng chúng hơn một cách sáng tạo, và sử dụng chúng một cách quảng đại, nhờ đó được tăng trưởng trong đức bác ái và tự do.
Chính Chúa Kitô, mặc dù Người là Thiên Chúa, "đã không coi mình cứ phải ngang hàng với Thiên Chúa mới được, trái lại Người đã tự hủy mình ra hư không" (Philiphe 2:6-7), và Người làm cho chúng ta nên giầu có bằng cái nghèo khổ của Người (xem 2Corinto 8:9). Trong khi nhân loại háo hức có hơn nữa, thì Thiên Chúa cứu chuộc họ bằng việc biến mình thành nghèo khổ: Con Người Tử Giá ấy đã trả một giá chuộc vô giá cho tất cả mọi người, nhân danh Thiên Chúa là Cha của Người là Đấng "giầu lòng thương xót" (Epheso 2:4; xem Gc 5:11). Cái làm cho chúng ta nên giầu có không phải là các sản vật mà là yêu thương. Chúng ta đã nghe rất nhiều lần những gì dân Chúa nói: "Ma quỉ đột nhập ở các túi đựng". Nó bắt đầu với lòng yêu thích tiền bạc, đói khát sở hữu; sau đó là hư ảo: "A, tôi giầu có và tôi hãnh diện về nó"; cuối cùng là kiêu kỳ và ngạo mạn. Đó là đường lối ma quỉ tác động nơi chúng ta. Thế nhưng ngõ vào vẫn là các túi đựng.
Anh chị em thân mến, một lần nữa, Chúa Giêeu Kitô tỏ cho chúng ta thấy ý nghĩa trọn vẹn của Thánh Kinh. "Chớ trộm cắp" nghĩa là hãy yêu quí sản vật của anh chị em. Hãy lợi dụng các phương tiện của mình để yêu thương như anh chị em có thể. Bấy giờ đời sống của anh chị em mới trở nên tốt đẹp và việc sở hữu mới thực sự trở thành một tặng ân, vì đời sống không phải là thời gian để chiếm hữu mà là để yêu thương. Xin cám ơn anh chị em.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-7th-commandment-thou-shall-not-steal-full-text/