GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 20-6-2018
Các Giới Răn- Bài 2
"Theo Thánh Kinh, các giới răn không tự nhiên mà hiện hữu, nhưng thuộc về một mối liên hệ....
Đó là một mối liên hệ về Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài".
"Các giới răn là những ngôn từ của Thiên Chúa,
ở chỗ Thiên Chúa truyền đạt Bản Thân Mình nơi Thập Ngôn này và đợi chờ chúng ta đáp ứng".
"Tất cả Kitô giáo là một cuộc vượt qua từ chữ nghĩa của Lề Luật đến Thần Linh là Đấng ban sự sống"
Xin chào anh chị em thân mến!
Buổi triều kiến chung hôm nay được diễn ra ở hai nơi: chúng ta ở quảng trường này, và trên 200 bệnh nhân ở trong Sảnh Đường Phaolô VI qua đại màn hình. Tất cả cùng nhau trở thành một cộng đồng. Chúng ta hãy chào những người anh chị em trong Sảnh Đường bằng một tràng pháo tay.
Thứ Tư vừa rồi chúng ta đã bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về các giới răn. Chúng ta đã thấy rằng Chúa Giêsu đến không phải để hủy bỏ Lề Luật mà là làm cho nó nên trọn. Thế nhưng chúng ta cần phải hiểu khía cạnh này hơn nữa.
Theo Thánh Kinh, các giới răn không tự nhiên mà hiện hữu, nhưng thuộc về một mối liên hệ. Chúa Giêsu không đến để hủy bỏ Lề Luật mà là để làm cho nó nên viên trọn. Đó là một mối liên hệ về Giao Ước [(Ex 19,5-6; Lev 26,12; Isaiah 7: 14)] giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài. Ở đầu đoạn 20 của Sách Xuất Hành chúng ta đọc thấy - và một điều quan trọng đó là - "Thiên Chúa đã phán tất cả những lời này" (câu 1)
Nó có vẻ là một câu mở đầu như ở bất cứ đoạn nào khác, thế nhưng không một sự gì trong Thánh Kinh mà lại có tính cách sáo ngữ vô vị. Bản văn không viết rằng "Thiên Chúa đã phán những giới răn ấy", mà là "những lời ấy". Truyền Thống Do Thái luôn gọi bản Thập Giới (the Decologue) là "Thập Ngôn (the ten Words). Và chữ "Thập Giới" cố ý nhắm đến chính điều muốn nói ấy. Tuy nhiên chúng theo hình thức của luật lệ, chúng khách quan là các giới răn. Vậy thì tại sao vị Tác giả thánh kinh sử dụng ngay ở chỗ này chữ "Thập Ngôn" chứ? Tại sao? Và tại sao lại không sử dụng chữ "Thập Giới"?
Đâu là sự khác biệt giữa một giới răn và một ngôn từ? Một giới răn chính yếu là một thứ truyền đạt không đòi phải đối thoại. Ngược lại, một ngôn từ mang ý nghĩa thiết yếu về các mối liên hệ như là một cuộc đối thoại. Thiên Chúa Cha tạo dựng nhờ Lời của Ngài, và Con của Ngài là Lời đã hóa thành nhục thể. Tình yêu được nuôi dưỡng bằng ngôn từ, như việc giáo dục hay việc hợp tác. Hai người không yêu thương nhau không thể nào truyền đạt được. Khi có người nói động đến tâm can chúng ta thì nỗi cô đơn của chúng ta biến mất. Ngôn từ được lãnh nhân, truyền đạt được loan đi, và các giới răn là những ngôn từ của Thiên Chúa, ở chỗ Thiên Chúa truyền đạt Bản Thân Mình nơi Thập Ngôn này và đợi chờ chúng ta đáp ứng.
Một đàng là chuyện lãnh nhận một lệnh truyền, đàng khác là vấn đề nhận định rằng ai là người đang nói với chúng ta. Một cuộc đối thoại hơn hẳn việc truyền đạt về một sự thật. Tôi có thể nói cùng anh chị em rằng: "Hôm nay là ngày cuối cùng của mùa xuân, một ngày nóng đối với mùa xuân, nhưng hôm nay là ngày cuối cùng". Đó là sự thật, chứ không phải là chuyện đối thoại. Thế nhưng nếu tôi nói cùng anh chị em rằng: "Anh chị em nghĩ gì về mùa xuân này?" là tôi khơi động một cuộc đối thoại. Các giới răn là một cuộc đối thoại. Việc truyền đạt được thực hiện cho thỏa mãn chuyện nói năng phát biểu cũng như cho thiện ích thực sự được truyền đạt đi giữa những ai muốn nhau được tốt đẹp, bằng ngôn từ. Sự thiện không chất chứa ở các sự vật mà là nơi con người cống hiến cho nhau qua đối thoại (cf. Apostolic Exhortation Evangelii gaudium, 142).
Thế nhưng vấn đề khác biệt này không phải là những gì có tính cách nhân tạo. Chúng ta hãy nhìn vào những gì đã xẩy ra ngay từ ban đầu. Tên cám dỗ là ma quỉ muốn đánh lừa người nam và người nữ về điều này, đó là hắn muốn thuyết phục họ rằng Thiên Chúa đã cấm họ ăn trái cây biết lành biết dữ là để bắt họ tuân phục. Cái thách đố ở chính chỗ ấy, ở chỗ khoản luật đầu tiên Thiên Chúa truyền cho con người như là việc đòi hỏi của một bạo quyền chỉ biết cấm đoàn và bó buộc, hay là việc chăm sóc của một người cha lo cho con cái mình và bảo vệ chúng khỏi bị tự diệt? Nó là một ngôn từ hay là một giới lệnh? Cái gian dối thê thảm nhất trong nhiều thứ gian dối mà con rắn nói với Evà đó là gợi lên một vị thần linh ghen tương đố kỵ: "Không phải đâu, Thiên Chúa đang ghen kỵ ngươi đó" - và một vị thần linh sở hữu - "Thiên Chúa không muốn ngươi có tự do". Các sự kiện này cho thấy một cách thê thảm là con rắn đã gian dối (cf. Gen 2: 16-17; 3: 4-5), hắn đã làm cho họ tin rằng thứ ngôn từ yêu thương là một mệnh lệnh.
Con người đối diện ở ngã ba đường: Thiên Chúa áp đặt hay Ngài chăm sóc tôi đây? Phải chăng các giới răn của Ngài là luật lệ, hay chúng chất chứa một thứ ngôn từ, chất chứa sự chăm sóc cho tôi? Thiên Chúa là chủ nhân hay là người cha? Thiên Chúa là người cha: đừng bao giờ quên điều ấy nhé. Thậm chí ở trong trường hợp tệ hại nhất thì cứ nghĩ rằng chúng ta có một người Cha yêu thương tất cả chúng ta. Chúng ta là bầy tôi hay con cái? Cái xung khắc này, trong ngoài chúng ta, liên lỉ xuất hiện: cả ngàn lần chúng ta cần phải chọn giữa tâm thức nô lệ hay tâm thức con cái. Giới răn là giới răn của một người cha, ngôn từ là ngôn từ của một người Cha.
Thánh Linh là một Thần Linh của những người con, Ngài là Thần Linh của Chúa Giêsu. Tinh thần của thành phần nô lệ chỉ nhận lãnh Lề Luật một cách dồn nén, và có thể gây ra hai thành quả trái ngược nhau: hoặc là một đời sống được làm nên bởi nhiệm vụ và các thứ bó buộc làm, hai là một phản ứng loại trừ cách mãnh liệt. Tất cả Kitô giáo là một cuộc vượt qua từ chữ nghĩa của Lề Luật đến Thần Linh là Đấng ban sự sống (cf. 2 Cor 3: 6-17). Chúa Giêsu là Lời của Cha, chứ không phải là việc luận phạt của Cha. Chúa Giêsu đến để cứu độ, bằng Lời của Người, chứ không phải để luận phạt chúng ta.
Chúng ta có thể thấy khi một người nam hay một người nữ cảm nghiệm thấy cuộc vượt qua này hay chăng. Người ta nhận thấy Kitô hữu nào đó lập luận như một người con hay như một tên nô lệ. Chính chúng ta cũng nhớ các vị giáo dục của chúng ta có chăm sóc chúng ta như cha mẹ hay chăng hoặc chỉ áp đặt luật phép trên chúng ta. Các giới răn là đường lối dẫn đến tự do, vì chúng là lời của Cha, Đấng làm cho chúng ta tự do trong cuộc hành trình này.
Thế giới này không cần đến chủ nghĩa duy luật mà là việc chăm sóc. Nó cần những Kitô hữu có tấm lòng của người con (John Paul II, Encyclical Letter Veritatis splendor, 12): đừng quên điều đó nhé.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-commandments-2/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Xin xem toàn bộ buổi triều kiến chung này ở cái link dưới đây