GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 27-6-2018
Các Giới Răn- Bài 3
"Tại sao Thiên Chúa lại tuyên bố về Bản Thân Ngài và về việc giải phóng?"
"Vì người ta tiến đến Núi Sinai sau khi vượt Biển Đỏ: Vị Thiên Chúa của Israel trước hết ra tay cứu độ, sau đó Ngài mới đòi tin tưởng"
"Việc hình thành Kitô hữu không căn cứ vào sức mạnh của ý muốn, mà là vào việc chấp nhận ơn cứu độ, là để mình được yêu thương:
Biển Đỏ trước, Núi Sania sau".
Xin chào anh chị em thân mến!
Hôm nay, buổi triều kiến chung này diễn ra như Thứ Tư tuần trước. Trong Sảnh Đường Phaolô VI có nhiều người yếu bệnh, để tránh cho họ khỏi nắng nóng, nhờ đó họ dễ chịu hơn ở đó. Thế nhưng họ sẽ theo dõi buổi triều kiến chung này qua một đại màn hình, và cả chúng ta cùng với họ tham dự chứ không phải là hai buổi triều kiến chung. Chỉ có một thôi. Chúng ta hãy chào anh chị em trong Sảnh Đường Phaolô VI. Chúng ta sẽ tiếp tục nói về các giới răn, những giới răn, như chúng ta đã nói, là những lời của Thiên Chúa ngỏ cùng dân của Ngài thì đúng hơn, nhờ đó họ hành trình một cách tốt đẹp; chúng là những lời yêu thương của một Người Cha. Mười Lời này được mở đầu như thế này: "Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã mang các ngươi ra khỏi Ai Cập, ra khỏi mảnh đất nô lệ" (Ex 20:2). Việc mở đầu này dường như xa lạ với các thứ luật lệ đích thực và thích đáng sau đó. Thế nhưng lại không phải thế.
Tại sao Thiên Chúa lại tuyên bố về Bản Thân Ngài và về việc giải phóng? Vì người ta tiến đến Núi Sinai sau khi vượt Biển Đỏ: Vị Thiên Chúa của Israel trước hết ra tay cứu độ, sau đó Ngài mới đòi tin tưởng (The gift of the Torah, Commentary on the Decalogue on Ex 20 in the Mekilta by R. Ishamael, Rome 1982, p.49). Đó là Cha của chúng ta, Vị Thiên Chúa nhân lành của chúng ta.
Chúng ta hiểu được tầm quan trọng của lời tuyên bố tiên khởi: "Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi". Ở đây có một cái gì đó sở hữu, có một cái gì đó liên hệ, Ngài thuộc về chúng ta. Thiên Chúa không phải là một kẻ xa lạ: Ngài là Thiên Chúa của các ngươi (Cf. Benedict XVI, Encyclical Letter Deus caritas est, 17). Điều này làm sáng tỏ tất cả Thập Giới cũng như tỏ ra cho thấy cái bí quyết tác hành của Kitô hữu, vì cùng một thái độ như Chúa Giêsu là Đấng đã phán: "Cha đã yêu Thày thế nào, Thày cũng đã yêu các con như vậy" (Gioan 15:9). Chúa Kitô là vị yêu dấu của Cha và là vị yêu chúng ta bằng tình yêu ấy. Người không bắt đầu từ Bản Thân mình, mà là từ Cha. Thường thì các việc làm của chúng ta thất bại vì chúng ta khởi đi từ mình chứ không phải từ tấm lòng tri ân. Những ai khởi đi từ bản thân mình thì họ sẽ đi về đâu? Họ đi về với bản thân họ! Họ không có khả năng tiến tới, và quay trở lại bản thân mình. Bởi thế mà người ta mới chí lý diễu cợt thái độ vị kỷ rằng: "Con người ấy là một cái tôi, cái tôi sống với bản thân mình và cho bản thân mình". Họ khởi đi từ mình và qui về mình.
Đời sống Kitô hữu, trước hết và trên hết, là một đáp ứng tự nguyện với một Người Cha quảng đại bao dung. Thành phần Kitô hữu chỉ làm theo "các nhiệm vụ" của mình phàn nàn là không có được một cảm nghiệm riêng tư với Vị Thiên Chúa, Đấng là "của chúng ta". Tôi cần phải làm điều này, điều kia và điều nọ... Toàn là nhiệm vụ thôi. Thế nhưng có một cái gì đó thiêu thiếu! Nền tảng của nhiệm vụ này là gì? Nền tảng của nhiệm vụ này là tình yêu của Thiên Chúa là Cha, Đấng ban trước lệnh sau. Việc đặt lề luật trước mối liên hệ này là những gì không có lợi cho đường lối đức tin. Làm thế nào một con người trẻ muốn trở thành Kitô hữu, nếu chúng ta bắt đầu từ những bó buộc, những dấn thân, những nhất trí, mà không từ việc giải phóng? Trong khi đó việc trở thành Kitô hữu lại là một hành trình giải phóng! Các giới răn giải thoát anh chị em khỏi lòng vị kỷ của anh chị em và chúng giải thoát anh chị em vì tình yêu của Thiên Chúa là những gì đưa anh chị em tiến tới. Việc hình thành Kitô hữu không căn cứ vào sức mạnh của ý muốn, mà là vào việc chấp nhận ơn cứu độ, là để mình được yêu thương: Biển Đỏ trước, Núi Sania sau. Cứu Độ trước: Thiên Chúa đã cứu dân Ngài nơi Biển Đỏ; sau đó ở Núi Sinai mới bảo họ những gì họ cần phải làm. Thế nhưng dân này biết rằng họ cần phải làm những điều này vì họ đã được cứu độ bởi một Người Cha là Đấng yêu thương họ.
Lòng tri ân là một đặc tính đặc biệt của cõi lòng được Thánh Linh thăm viếng; để tuân phục Thiên Chúa người ta trước hết cần phải nhớ đến các ơn phúc. Như Thánh Basiliô đã nói: "Những ai không để cho ơn phúc rơi vào quên lãng thì hướng đến nhân đức tốt lành cũng như đến hết mọi hoạt động công lý" (Rule, 56). Tất cả những điều ấy dẫn chúng ta đi đến đâu? Đến chỗ thực hiện một bản trắc nghiệm ký ức [Cf. Homily in the Mass at Santa Marta, 7 October 2014]: Biết bao nhiêu là điều tốt đẹp Thiên Chúa đã làm cho mỗi một người chúng ta! Cha trên trời của chúng ta quảng đại biết là chừng nào? Giờ đây tôi cho anh chị em một bài tập nho nhỏ, trong thầm lặng: mỗi người trả lời trong lòng của mình. Có biết bao nhiêu điều tốt đẹp Thiên Chúa đã làm cho tôi? Đó là vấn đề được đặt ra. Trong thầm lặng mỗi một người chúng ta hãy trả lời. Biết bao nhiêu là điều tốt đẹp Thiên Chúa đã làm cho tôi? Đó là việc giải phóng của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm nhiều điều tốt đẹp và giải thoát chúng ta.
Tuy nhiên, có một số người cảm thấy rằng họ không thực sự cảm thấy việc giải phóng của Thiên Chúa. Điều này có thể xẩy ra. Có thể là người ta nhìn vào bên trong và chỉ có một cảm quan về nghĩa vụ, một thứ linh đạo tôi tớ, hơn là con cái. Ở vào trường hợp này có thể làm gì đây? Như thành phần dân được tuyển chọn đã làm. Sách Xuất Hành đã viết: "Dân Do Thái rên xiết trong cảnh nô lệ của mình mà kêu lên, và tiếng kêu xin cứu giúp của họ bởi cảnh nô lệ của họ đã vang tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng rên xiết của họ và Ngài đã nhớ lại giao ước của Ngài với Abraham, với Isaac và với Giacóp". Vậy Thiên Chúa nhìn tới dân Do Thái và đã quan tâm đến họ. Thiên Chúa nghĩ đến tôi.
Hành động giải thoát của Thiên Chúa được đặt ở đầu Thập Giới - tức là các giới răn - là việc đáp ứng cho lời than van này. Chúng ta không cứu lấy mình bởi chính mình, nhưng từ chúng ta xuất phát một tiếng kêu xin cứu giúp: "Lạy Chúa, xin cứu con; Lạy Chúa, xin tỏ cho con đường đi nước bước; Lạy Chúa, xin vỗ về con; Lạy Chúa, xin ban cho con một chút niềm vui". Đó là tiếng kêu cứu giúp. Tiếng kêu này lệ thuộc vào chúng ta, ở chỗ xin cho được giải phóng khỏi lòng vị kỷ, khỏi tội lỗi, khỏi xiềng xích nô lệ. Tiếng kêu này hệ trọng, nó là lời nguyện cầu, là nhận thức về những gì vẫn còn đang bị đè nén và chưa thoát khỏi chúng ta. Có nhiều điều chưa được giải thoát khỏi trong linh hồn của chúng ta. "Xin cứu độ con, xin cứu giúp con, xin cứu thoát con". Đó là lời cầu nguyện tuyệt vời dâng lên Chúa. Thiên Chúa đợi chờ tiếng kêu ấy, vì Ngài có thể và Ngài muốn bẻ gẫy xiếng xích của chúng ta; Thiên Chúa đã không gọi chúng ta đến một cuộc sống cứ bị đè nén kìm kẹp, mà là được thanh thoát và sống một cách tri ân cảm tạ, hân hoan tuân phục Đấng đã ban cho chúng ta quá nhiều, vô cùng bất tận hơn những gì chúng ta có thế dâng cho Ngài. Tuyệt vời thay. Chó gì Thiên Chúa luôn được chúc tụng ngợi khen về tất cả những gì Ngài đã làm, những gì Ngài đang làm và sẽ làm nơi chúng ta!
https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-commandments-ii/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu