GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 8-8-2018

 

Các Giới Răn- Bài 5 

 

 

Pope Francis greets the faithful at the General Audience in the Paul VI Hall

 

"Thiên Chúa không phải trả giá quá nhiều cho việc giải phóng dân này khỏi Ai Cập. ..

Việc làm cao cả của Thiên Chúa đó là lấy Ai Cập ra khỏi cõi lòng của dân này"

 

 

 

"Ơn cứu độ của Thiên Chúa tiến vào qua ngưỡng cửa yều hèn (xem 2Corinto 12:10); ..

Tự do của con người xuất phát từ việc để cho vị Thiên Chúa chân thật trở nên Vị Chúa duy nhất của mình".

 

 

 

 

"Nơi Chúa Kitô, nỗi mỏng dòn của chúng ta không còn là một thứ nguyền rủa nữa,

mà là một nơi gặp gỡ Cha cùng với nguồn sức mạnh mới từ trên cao"

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta tiếp tục suy niệm về Thập Giới, bằng việc chia sẻ hơn nữa về đề tài tôn thờ ngẫu tượng là đề tài chúng ta đã nói đến tuần vừa qua. Giờ đây chúng ta tiếp tục đề tài này vì nó rất quan trọng để hiểu biết nó. Chúng ta có được cái chốt từ cái ngẫu tượng trên hết đó là con bò vàng được Sách Xuất Hành nói tới (32:1-8) - mà chúng ta vừa nghe. Đoạn này có một bối cảnh chính xác là sa mạc, nơi dân chúng đang chờ đợi Moisen, vị đã lên núi để lãnh nhận những lời hướng dẫn của Thiên Chúa.

Sa mạc là gì? Là nơi đầy những bất ổn định và bất an toàn - chẳng có gì trong sa mạc -, nơi thiếu thốn nước nôi, thực phẩm và chốn ở. Sa mạc là hình ảnh của cuộc sống con người là thành phần mang thân phận bất định và không có được những bảo đảm bất khả xâm phạm. Tình trạng bất an toàn này phát sinh ra những lo âu chính yếu nơi con người là những gì được Chúa Giêsu đề cập tới trong Phúc Âm: "Chúng ta sẽ ăn gì? Chúng ta sẽ uống gì? Chúng ta sẽ mặc gì?" (Mathêu 6:31). Chúng là những thứ lo âu chính yếu. Sa mạc làm bật lên những thứ lo âu ấy. Và ở trong sa mạc ấy mới xẩy ra chuyện tôn thờ ngẫu tượng: "Moisen đã trì trệ việc xuống núi" (Xuất Hành 32:1). Ông ở đó 40 ngày khiến dân chúng cảm thấy bất nhẫn. Thiếu mất điểm tựa là Moisen, một vị thủ lãnh, một người làm đầu, một hướng dẫn viên vững chắc, nên sự kiện này đã trở nên bất khả chấp. Bởi thế dân chúng mới yêu cầu một vị Thiên Chúa hữu hình - đó là cái bẫy sập của dân chúng - vị họ có thể đồng hóa và được dẫn dắt. Họ đã nói cùng Aaron rằng: "Hãy tạo cho chúng tôi một thần linh là đấng sẽ đi trước chúng tôi!" "Hãy đặt cho chúng tôi một người đầu, hãy ban cho chúng tôi một nhà lãnh đạo". Để thoát khỏi cái bất ổn ấy - cái bất ổn của sa mạc - bản tính của con người tìm kiếm một thứ tôn giáo "tự tạo", ở chỗ nếu Thiên Chúa không tỏ mình ra thì chúng ta tạo ra một vị thần theo tầm vóc của chúng ta: "Trước một ngẫu tượng người ta không liều mất đi cái khả năng của một ơn gọi làm cho con người ra khỏi những gì là an toàn của mình, vì các thứ ngẫu tượng 'có miệng nhưng không nói được' (Thánh Vịnh 115:5). Thế nên chúng ta hiểu được rằng ngẫu tượng là một tấm bình phong để cho  mình thành tâm điểm của thực tại, trong việc tôn thờ hoạt động do bàn tay con người làm ra" (Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin, 13).

Aaron không thể chống lại những gì dân chúng yêu cầu và ông đã tạo nên một con bò được đúc bằng vàng. Con bò này có ý nghĩa lưỡng diện ở Cận Đông cổ xưa: một đàng nó tiêu biểu cho những gì là dồi dào phong phú, đàng khác cho năng lực và sức mạnh. Thế nhưng, trước hết nó được làm bởi vàng, nên nó là biểu hiệu cho giầu sang, thành đạt, quyền năng và tiền tài. Chúng là những thứ cám dỗ liên lỉ! Hãy xem con bò vàng có nghĩa là gì: nó là biểu hiệu cho tất cả những ước vọng cống hiến ảo tưởng về tự do nhưng thực ra về nô lệ hóa, vì ngẫu tượng bao giờ cũng thực hiện việc nô lệ hóa. Hiện tượng thu hút xẩy ra và người ta chạy theo nó. Cái thu hút của con rắn, một con rắn nhìn con chim và con chim đứng nguyên tại chỗ không thể nhúc nhích gì hết, để cho con rắn chộp bắt. Aaron không thể cưỡng lại họ.

Tuy nhiên, tất cả đều xuất phát từ chuyện bất lực tin tưởng vào Thiên Chúa trên hết mọi sự, đặt những gì là an toàn của chúng ta nơi Ngài, để Ngài cống hiến những gì là phong phú thật sự cho các ước vọng của lòng chúng ta. Điều này giúp cho con người ta có thể chịu đựng ngay cả những gì là hèn yếu, bất định và bất ổn. Việc nương tựa vào thiên Chúa là những gì làm cho con người dũng mạnh trong yếu đuối, trong bất định cũng như trong bất ổn. Không lấy Chúa làm nền tảng con người dễ rơi vào tình trạng tôn thờ ngẫu tượng và cảm thấy hạnh phúc với những gì là bảo toàn kém cỏi. Thế nhưng đó là một chước cám dỗ chúng ta luôn đọc thấy trong Thánh Kinh. Hãy nghĩ cho kỹ điều này: Thiên Chúa không phải trả giá quá nhiều cho việc giải phóng dân này khỏi Ai Cập. Ngài đã làm điều này bằng những dấu chỉ quyền năng và yêu thương. Tuy nhiên, việc làm cao cả của Thiên Chúa đó là lấy Ai Cập ra khỏi cõi lòng của dân này, tức là lấy đi khỏi cõi lòng của dân ấy việc tôn thờ ngẫu tượng. Thiên Chúa tiếp tục làm việc này để lấy nó khỏi tấm lòng của chúng ta. Đó là việc làm cao cả của Thiên Chúa: việc lấy đi "cái Ai Cập" chúng ta đang ấp ủ trong lòng, lấy đi cái hấp lực của việc tôn thờ ngẫu tượng.

Khi con người đón nhận Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Đấng cho dù giầu có đã trở nên nghèo khó vì chúng ta (xem 2Corinto 8:9), bấy giờ người ta mới khám phá ra rằng việc nhận biết cái yếu hèn của mình không phải là những gì coi thường sự sống của con người, mà là điều kiện để cởi mở bản thân mình cho Đấng thật sự là mãnh lực. Thế nên ơn cứu độ của Thiên Chúa tiến vào qua ngưỡng cửa yều hèn (xem 2Corinto 12:10); chính bởi vết hằn thiếu thốn hụt hẫng này của mình mà con người hướng về tình phụ tử của Thiên Chúa. Tự do của con người xuất phát từ việc để cho vị Thiên Chúa chân thật trở nên Vị Chúa duy nhất của mình. Điều này giúp chúng ta có thể chấp nhận tính chất mỏng dòn của chúng ta và loại trừ đi những thứ ngẫu tượng của cõi lòng chúng ta.

Thành phần Kitô hữu chúng ta hướng nhìn lên Chúa Kitô tử giá (xem Gioan 19:37), Đấng yếu hèn, bị khinh bỉ và trở nên trần trụi chẳng còn gì hết. Tuy nhiên, nơi Người lại tỏ hiện dung nhan của vị Thiên Chúa chân thực, tỏ hiện vinh quang của tình yêu thương chứ không phải là thứ vinh quang của những lấp lánh dối trả lừa đảo. Tiên tri Isaia nói: "Chúng ta được chữa lành nhờ các lằn roi của Người" (53:5). Chúng ta được chữa lành thật sự bởi cái yếu hèn của một con người là Thiên Chúa, bởi các thương tích của Người. Và từ những yếu hèn của chúng ta, chúng ta có thể cởi mở bản thân mình cho ơn cứu độ của Thiên Chúa. Việc chúng ta được chữa lành xuất phát từ Người là Đấng biến mình thành nghèo khó, Đấng đã chấp nhận thua bại, Đấng đã mang lấy cái bất ổn của chúng ta cho đến cùng để làm cho nó tràn đầy yêu thương và sức mạnh. Người đã đến để tỏ cho chúng ta thấy tình phụ tử của Thiên Chúa; nơi Chúa Kitô, nỗi mỏng dòn của chúng ta không còn là một thứ nguyền rủa nữa, mà là một nơi gặp gỡ Cha cùng với nguồn sức mạnh mới từ trên cao.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-commandments-iv/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu                                                                                                                                                               

Xin mời xem trọn vẹn buổi Triều Kiến Chung hôm nay, Thứ Tư 8/8/2018, ở cái link dưới đây:

 

General Audience