GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

ĐTC Phanxicô: Bài Giáo Lý Về Các Giới Răn

Bài 6 về Giới Răn Thứ 2


 Xin chào anh chị em thân mến,

 

Để tiếp tục loạt bài giáo lý về các Giới Răn, hôm nay chúng ta chia sẻ về Giới Răn "Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ" (Xuất Hành 20:7). Chúng ta đọc Lời này một cách chính xác như là một lời mời gọi đừng phạm đến danh Thiên Chúa và tránh sử dụng danh Ngài  một cách không thích đáng . Cái ý nghĩa rõ ràng này giúp chúng ta chia sẻ sâu xa hơn nữa về những lời quí báu ấy, về việc đừng sử dụng tên Thiên Chúa một cách vô cớ - một cách không thích đáng. Chúng ta hãy lắng nghe những lời ấy rõ ràng hơn nữa. Câu "Các ngươi không được lấy" là câu diễn tả ở nghĩa đen, theo tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "các người đừng nhận lấy cho mình, đừng chấp nhận".

Lời diễn tả "vô cớ / in vain" thì rõ ràng hơn, có nghĩa là "rỗng không / void, một cách không không / vainly". Nó ám chỉ một cái vỏ bọc trống rỗng, một hình thức thiếu nội dung. Nó có đặc tính giả hình, một thứ duy thể thức và những gì là giả tạo, trong việc sử dụng những lời nói hay sử dụng danh Thiên Chúa một cách trống rỗng, thiếu mất sự thật.

Danh xưng trong Thánh Kinh là một sự thật sâu xa chính yếu về những sự vật và đặc biệt về con người ta. Danh xưng thường biểu hiệu cho một sứ vụ. Chẳng hạn: Abraham trong Sách Khởi Nguyên (xem 17:5) và Simon Phêrô trong Phúc Âm (xem Gioan 1:42) là những người đã nhận được một tên gọi mới để ám chỉ việc chuyển hướng đời sống của các vị. Và việc thực sự nhận biết tên của Thiên Chúa sẽ dẫn đến chỗ biến đổi cuộc sống của con người: từ lúc Moisen biết được danh Thiên Chúa thì câu chuyện của chàng được đổi thay (xem Xuất Hành 3:13-15).

Theo các lễ nghi Do Thái thì danh của Thiên Chúa được công bố một cách long trọng vào Ngày Đại Xá, và dân chúng được thứ tha, vì, nhờ danh này, người ta được giao tiếp với chính sự sống của Thiên Chúa, Đấng là lòng thương xót.

Bởi thế, "việc các ngươi hãy nhận lấy danh của Thiên Chúa" đây có nghĩa là hãy mặc lấy cho mình thực tại của Ngài, có nghĩa là hãy tiến vào mối liên hệ thắm thiết, một mối liên hệ chặt chẽ với Ngài. Đối với Kitô hữu chúng ta thì Giới Răn này là một nhắc nhở là chúng ta đã được thánh tẩy "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", khi chúng ta xác nhận mỗi lần làm dấu Thánh giá, để sống hoạt động hằng ngày của chúng ta một cách chân thành và thực sự hiệp thông với Thiên Chúa, tức là với tình yêu thương của Ngài. Về vấn đề này, vấn đề làm dấu Thánh giá, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là hãy dạy cho con cái mình làm dấu Thánh giá. Anh chị em đã thấy con cái làm dấu chưa? Con cái được bảo là "Hãy làm dấu Thánh giá", và chúng làm một các gì đó mà chúng chẳng biết ra sao. Chúng không biết cách làm dấu Thánh giá! Hãy dạy chúng làm dấu Thánh giá nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Đó là tác động đức tin của con trẻ. Đó là công việc của anh chị em, một công việc phải làm, đó là hãy dạy cho con cái làm dấu Thánh giá.

Chúng ta có thể tự hỏi: có thể nào nhận lấy cho mình danh của Thiên Chúa một cách giả hình, như là một thứ hình thức, một cách rỗng không chăng? Tiếc thay, câu đáp lại có, có chứ. Người ta có thể sống mối liên hệ sai trái với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói điều này với những vị Tiến Sĩ Luật; họ đã làm nhiều điều nhưng họ lại không làm những gì Thiên Chúa muốn. Họ nói về Thiên Chúa nhưng họ không làm theo Ý muốn của Ngài. Và lời huấn dụ được Chúa Giêsu cống hiến đó là "Các con hãy làm những gì họ nói chứ không phải những việc họ làm". Người ta có thể sống mối liên hệ sai trái với Thiên Chúa như những con người này. Lời của Thập Giới thực sự là một lời mời gọi sống mối liên hệ với Thiên Chúa không sai trái, nghĩa là không giả hình, một mối liên hệ chúng ta phó mình cho Ngài bằng tất cả những gì chúng ta là. Cuối cùng, cho đến ngày chúng ta không dám liều sống với Thiên Chúa, khi cảm nghiệm thấy rằng sự sống chỉ có ở nơi Ngài, thì chúng ta chỉ sống theo lý thuyết thôi.

Đó là một thứ Kitô giáo đánh động cõi lòng. Tại sao các Thánh nhân có thể đánh động cõi lòng con người? Vì các Thánh không chỉ nói mà là hành động! Cõi lòng chúng ta được đánh động khi một con người thánh đức nói với chúng ta, nói với chúng ta về những sự vật. Các vị có thể đánh động là vì nơi các Thánh chúng ta thấy được những gì lòng của chúng ta sâu xa ước muốn: tính chất chân chính đích thực, các mối liên hệ chân thành, và tính chất truyền thống. Điều này cũng được thấy nơi những thánh nhân “cạnh nhà”: chẳng hạn họ là nhiều người làm cha làm mẹ cống hiến cho con cái mình tấm gương của một đời sống gắn bó, đơn giản, thành thật và quảng đại.

Nếu Kitô hữu được gia tăng, thành phần nhận lấy nơi mình danh của Thiên Chúa một cách chân thực không sai trái - nhờ đó thực hiện lời nguyện đầu tiên của Kinh Lạy Cha: “danh Cha cả sáng” – thì việc loan truyền của Giáo Hội mới được lắng nghe hơn và khả tín hơn. Nếu đời sống cụ thể của chúng ta biểu lộ danh Thiên Chúa, chúng ta mới thấy Phép Rửa đẹp đẽ biết bao và Thánh Thể là một tặng ân cao cả biết là chừng nào! – như là một mối hiệp nhất chất ngất giữa thân xác của chúng ta với Thân Mình của Chúa Kitô: Chúa Kitô ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người! Hiệp nhất nên một! Đó không phải là những gì giả hình; mà là sự thật. Đó không phải là nói năng hay cầu nguyện như một con vẹt, đó là cầu nguyện bằng tấm lòng, là kính mến Chúa.

Nh Thánh Giá của Chúa Kitô mà sau đó không ai có thể khinh thường chính mình và nghĩ xấu về cuộc sống của mình – không ai và không bao giờ! Bất chấp những gì chúng ta đã làm, vì danh của mỗi người chúng ta ở trên đôi vai của Chúa Kitô, Người mang lấy chúng ta! Thật là xứng đáng để nhận lấy danh của Thiên Chúa vì Ngài đã nhận lấy tên của chúng ta cho đến cùng, cũng như đã nhận lấy sự dữ nơi chúng ta. Ngài đã nhận lấy nó để thứ tha cho chúng ta, đã đặt tình yêu của Ngài vào tấm lòng của chúng ta. Bởi thế, nơi Giới Răn này Thiên Chúa tuyên bố rằng: “Các ngươi hãy mang lấy Ta, vì Ta đã mang lấy các ngươi”.

Bất cứ ai có thể kêu cầu thánh danh Chúa, Đấng là Tình Yêu trung tín và thương xót, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thiên Chúa không bao giờ "từ chối" một tấm lòng thành khẩn kêu cầu Ngài. Chúng ta hãy trở về với bài làm ở nhà đó là hãy dạy cho con cái làm dấu thánh giá một cách tốt đẹp.

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-commandments-v/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu