GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 19-9-2018
Các Giới Răn- Bài 9 về Giới Răn Thứ 4 Thảo Kính Cha Mẹ
"Việc tôn kính cha mẹ có nghĩa là nhận biết tầm quan trọng của các vị
là những gì còn được kèm theo bởi những hành động cụ thể,
cho thấy việc dấn thân, lòng cảm mến và việc chăm sóc"
"Giới Răn này không nói về những gì tốt lành của cha mẹ;
nó không đòi cha mẹ phải toàn hảo. Nó nói về tác động của con cái, bất kể công lao của cha mẹ"
"Các thương tích của chúng ta bắt đầu trở thành những tiềm năng, khi nhờ ân sủng chúng ta khám phá ra rằng
cái bí ẩn chân thực không còn là 'tại sao?' mà là 'vì ai?' mà điều ấy đã xẩy ra cho tôi".
Trong cuộc hành trình về Thập Ngôn (Thập Giới - phụ chú của người dịch), hôm nay chúng ta tiến đến Giới Răn về người cha và người mẹ. Giới răn này nói về việc tôn kính xứng với các vị. "Việc tôn kính" này ở chỗ nào? Tiếng Do Thái có nghĩa là sự vinh quang, là giá trị, theo nghĩa đen là "tầm quan trọng", là sự nhất trí của một thực tại. Nó không phải là một vấn đề về những đường lối bên ngoài mà là về sự thật. Trong Sách Thánh thì việc tôn kính Thiên Chúa có nghĩa là nhận biết Ngài, là nhận ra sự hiện diện của Ngài. Điều này cũng được thể hiện bằng các nghi thức, nhất là nó bao hàm việc giành cho Thiên Chúa một chỗ xứng đáng trong đời của mình. Bởi thế, việc tôn kính cha mẹ có nghĩa là nhận biết tầm quan trọng của các vị là những gì còn được kèm theo bởi những hành động cụ thể, cho thấy việc dấn thân, lòng cảm mến và việc chăm sóc. Tuy nhiên, không phải là chỉ có vậy mà thôi đâu.
Đệ Tứ Ngôn (Giới Răn Thứ 4 trong Thập Giới - người dịch tự phụ chú thêm) có một đặc điểm là ở chỗ nó là giới răn chất chứa một thành quả. Thật vậy, có lời chép rằng: "Hãy tôn kính người cha và người mẹ, như Chúa là Thiên Chúa của các ngươi đã truyền cho các ngươi; nhờ đó các ngày sống của các ngươi được dài lâu, và được gặp may lành, trong mảnh đất Chúa là Thiên Chúa của các ngươi ban cho các ngươi" (Đệ Nhị Luật 5:16). Việc tôn kính cha mẹ của mình dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc dài lâu. Chữ "hạnh phúc" trong Bản Thập Giới chỉ xuất hiện ở mối liên hệ với cha mẹ mà thôi.
Sự khôn ngoan của thế hệ này nói rằng những gì các khoa học của con người đã có thể tỉ mỉ hơn thế kỷ trước một chút thôi, đó là những ghi dấu của thời thơ ấu đánh dấu cả cuộc đời. Điều này thường dễ hiểu khi con người ta lớn khôn ở một môi trường lành mạnh và quân bình, cũng thế, khi người ta có thể nhận thấy nơi một con người xuất thân từ những trải nghiệm bị bỏ rơi hay bị bạo hành. Thời thơ ấu của chúng ta giống như một thứ mực bất khả xóa nhòa; nó được thể hiện ở nơi các thứ thị hiếu, ở nơi các cách thức hiện hữu, cho dù ai đó có muốn che giấu đi những thương đau về nguồn gốc của mình.
Tuy nhiên, Giới Răn Thứ Bốn còn nói hơn thế nữa. Giới Răn này không nói về những gì tốt lành của cha mẹ; nó không đòi cha mẹ phải toàn hảo. Nó nói về tác động của con cái, bất kể công lao của cha mẹ, và nó nói một điều ngoại thường và giải phóng, ở chỗ cho dù không phải là tất cả mọi cha mẹ đều tốt lành và tất cả thời thơ ấu đều an lành, thì tất cả mọi người con vẫn có thể hạnh phúc, vì việc đạt được một đời sống viên trọn và hạnh phúc lệ thuộc vào sự nhận biết chính đáng về vị đã mang chúng ta vào trần gian này.
Chúng ta nghĩ đến việc làm sao Lời này (giới răn này) có thể trở thành những gì là xây dựng đối với rất nhiều giới trẻ trải qua những chuyện đau thương, cũng như đối với tất cả những giới trẻ đã phải chịu khổ trong thời tuổi trẻ của mình. Nhiều vị Thánh - và rất nhiều Kitô hữu - sau một thời thơ ấu đớn đau, đã sống một cuộc sống rạng ngời, nhờ Chúa Giêsu Kitô, họ đã giải hòa được với cuộc đời. Chúng ta nghĩ đến Sulprizio con người trẻ, hiện nay là Chân phước và tháng tới là Hiển thánh, vị mà ở vào tuổi 19 đã giải hòa được với rất nhiều sầu thương, với rất nhiều điều, vì lòng của ngài an bình và ngài không bao giờ loại bỏ cha mẹ của mình. Chúng ta nghĩ đến Thánh Camilus Lellis, vị đã xây dựng một cuộc đời yêu thương và phục vụ từ một thời thơ ấu hư hỏng; và Thánh Josephine Bakhita, vị đã lớn lên trong thân phận nô lệ ghê rợn; hoặc đến Chân phước Carlo Gnocchi, mồ côi và nghèo nàn, và đến Đức Gioan Phaolô II bị mất mẹ từ hồi còn trẻ.
Bất kể truyện gì xẩy ra cho con người thì nhờ Giới Răn này họ thấy được hướng đi dẫn họ tới với Đức Kitô: thật vậy, trong Người Ngôi Cha đích thật được tỏ hiện, Đấng cho chúng ta được "tái sinh từ trên cao" (xem Gioan 3:3-8). Những cái bí ẩn của cuộc đời chúng ta được sáng tỏ khi chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa luôn sửa soạn cho chúng ta một cuộc sống là con cái của Ngài, một cuộc sống mà hết mọi tác hành đều là một sứ vụ được nhận lãnh từ Ngài.
Các thương tích của chúng ta bắt đầu trở thành những tiềm năng, khi nhờ ân sủng chúng ta khám phá ra rằng cái bí ẩn chân thực không còn là "tại sao?" mà là "vì ai?" mà điều ấy đã xẩy ra cho tôi. Thiên Chúa đã uốn nắn tôi qua truyện đời của tôi theo hướng thực hiện nào? Ở đây mọi sự đều được đảo ngược, mọi sự trở thành quí báu; mọi sự trở thành kiến tạo. Cảm nghiệm của tôi, cũng buồn sầu và đớn đau, nhưng theo chiều hướng yêu thương thì nó trở thành nguồn mạch cứu độ cho người khác biết bao? Bởi vậy, chúng ta có thể bắt đầu tôn kính cha mẹ của mình bằng cái tự do của thành phần con cái trưởng thành, cũng như bằng việc từ ái chấp nhận các giới hạn của các vị (1. - Cf. St. Augustine, Discourse on Matthew, 72, A, 4 - xin xem câu trích dẫn dưới cuối).
Hãy tôn kính cha mẹ: các vị đã cống hiến cho chúng ta sự sống! Nếu anh chị em tách mình xa cha mẹ của mình thì hãy cố gắng trở lại, trở lại với các vị, có lẽ các vị đã già rồi... Các vị đã cống hiến cho anh chị em sự sống. Thế rồi, trong số chúng ta, có thói quen nói những điều ghê gớm, cả thứ ngôn từ xấu xa ... Xin đừng bao giờ, đừng bao giờ xỉ nhục cha mẹ của người khác. Đừng bao giờ! Đừng bao giờ xỉ nhục người mẹ; đừng bao giờ xỉ nhục người cha. Đừng bao giờ! Đừng bao giờ! Hôm nay xin anh chị em hãy giữ lấy quyết định nội tâm này: bởi thế mà tôi sẽ không bao giờ xỉ nhục cha mẹ của ai. Các vị đã cống hiến cho họ sự sống! Không được xỉ nhục các vị.
Cuộc sống tuyệt vời này được cống hiến cho chúng ta chứ không áp đặt lên chúng ta: được tái sinh trong Chúa Kitô là một ân huệ tự do lãnh nhận (xem Gioan 1:11-13), và nó là một kho tàng của Phép Rửa chúng ta nhận lãnh, trong đó, bởi hoạt động của Thánh Linh, thì chỉ có một Cha chúng ta duy nhất, Cha ở Trên Trời (Cf. Matthew 23:9; 1 Corinthians 8:6; Ephesians 4:6). Xin cám ơn anh chị em.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-fourth-commandment-to-honor-your-parents/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên đây
[1] Cf. St. Augustine, Discourse on Matthew, 72, A, 4: “Therefore, Christ teaches you to reject your parents and at the same time to love them. Well, ordinarily parents are loved with a spirit of faith when they are not preferred to God: Whoever loves — these are the Lord’s words — father and mother more than Me, is not worthy of Me. With these words it seems almost as though He admonishes one not to love them; rather, on the contrary, He admonishes one to love them. In fact, He could have said: Whoever loves father or mother is not worthy of Me.” But He did not say that, so as not to speak against the law given by Him, because it was He who gave, through his servant Moses, the law where it is written: honor your father and your mother. He did not promulgate a contrary law but confirmed it; He then showed one the order; He did not eliminate the duty of love for parents: Whoever loves father and mother but more than Me. Therefore, one must love them but not more than Me: God is God, man is man. Love parents, obey parents, honor parents, but if God calls one to a more important mission, in which affection for parents could be an impediment, keep the order, do not eliminate charity.”