GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐTC PHANXICÔ
GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT II PHỤC SINH LỄ LTXC 8/4/2018
"Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nghe đi nghe lại chữ 'thấy'...
đó là cách các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu, ở chỗ, qua các thương tích của Người".
"Việc tiến vào các thương tích của Chúa Giêsu là để chiêm ngưỡng tình yêu vô biên bất tận đang tuôn ra từ trái tim của Người"
"Chúa đã làm người vì con, Chúa đã chết và sống lại vì con, thế nên Chúa không phải chỉ là Thiên Chúa mà còn là Vị Thiên Chúa của con, Chúa là sự sống của con. Nơi Chúa con đã gặp được tình yêu con hằng tìm kiếm, và dồi dào phong phú hơn những gì con đã tưởng nghĩ".
"Lòng thương xót không phải chỉ là một trong những phẩm tính của Người trong số các phẩm tính khác, mà là chính nhịp đập của cõi lòng của Người"
"Để cảm nghiệm được tình yêu, chúng ta cần bắt đầu từ đó, ở chỗ, chúng ta hãy để mình được thứ tha....
"Hổ thẹn là một lời mọi gọi âm thầm của linh hồn cần đến Chúa để thắng vượt sự dữ.
Thảm trạng xẩy ra đó là khi chúng ta không còn biết xấu hổ về bất cứ sự gì nữa".
"Chính tội lỗi là những gì giữ chúng ta xa lìa Chúa lại trở nên nơi chúng ta gặp gỡ Người. Ở đó, vị Thiên Chúa bị thương tích vì yêu đến gặp gỡ các thương tích của chúng ta.... Một sự biến đổi xẩy ra, đó là các thương tích thảm hại của tôi được nên giống như các thương tích hiển vinh của Người. Vì Người là lòng thương xót và thực hiện các việc lạ lùng nơi tình trạng khốn cùng của chúng ta".
Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nghe đi nghe lại chữ "thấy". Các người môn đệ hoan hỉ khi các vị thấy Chúa (Gioan 20:20). Họ nói với người môn đệ Toma rằng: "Chúng tôi đã thấy Chúa" (câu 25). Thế nhưng, Phúc Âm không diễn tả về cách thức các vị thấy Người; Phúc Âm không diễn tả Chúa Giêsu phục sinh. Phúc Âm chỉ đề cập đến một chi tiết duy nhất đó là "Người cho các vị xem tay và cạnh sườn của Người" (câu 20). Phúc Âm như thể muốn nói với chúng ta rằng đó là cách các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu, ở chỗ, qua các thương tích của Người. Câu chuyện xẩy ra cho môn đệ Toma cũng thế. Ngài cũng muốn thấy "dấu đinh ở tay Người" (câu 25), và sau khi thấy ngài đã tin tưởng (câu 27).
Mặc dù ngài thiếu đức tin, chúng ta cũng phải biết ơn người môn đệ Toma này, vì ngài không thỏa mãn nghe từ người khác về sự kiện Chúa Giêsu đã sống lại, hay chỉ thấy được xác thịt của Người. Ngài muốn thấy bên trong, muốn lấy chính tay của mình chạm đến các thương tích của Người là các dấu hiệu của tình Người yêu thương. Phúc Âm gọi người môn đệ Toma này là Didymus (câu 24), nghĩa là sinh đôi - The twin, và theo nghĩa ấy thì ngài thực sự là người anh em sinh đôi của chúng ta. Vì cả chúng ta nữa, việc nhận biết Thiên Chúa hiện hữu mà thôi chưa đủ. Một Vị Thiên Chúa phục sinh nhưng vẫn giữ một khoảng cách thì không làm cho đời sống của chúng ta được viên trọn; một Vị Thiên Chúa tách biệt thì không thu hút chúng ta, dù cho Ngài có công chính và thánh hảo chăng nữa. Không, cả chúng ta cũng cần "thấy Thiên Chúa", cần chạm đến Ngài bằng chính tay của chúng ta và biết rằng Người đã sống lại, sống lại cho chúng ta.
Chúng ta làm sao có thể thấy Người đây? Như các vị môn đệ đó là qua các thương tích của Người. Chiêm ngắm các thương tích ấy, các vị môn đệ đã hiểu được những gì là sâu thẳm của tình Người yêu thương. Các vị đã hiểu rằng Người đã tha thứ tội lỗi của các vị, bất kể một số các vị đã chối bỏ Người và đã bỏ rơi Người. Việc tiến vào các thương tích của Chúa Giêsu là để chiêm ngưỡng tình yêu vô biên bất tận đang tuôn ra từ trái tim của Người. Đó là cách thức. Đó là nhận thức rằng trái tim của Người rung đập vì tôi, vì anh chị em, vì mỗi người chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể coi mình là Kitô hữu, có thể gọi mình là Kitô hữu và có thể nói về nhiều thứ giá trị tuyệt vời của đức tin, thế nhưng, như các vị môn đệ, chúng ta cần phải thấy Chúa Giêsu bằng việc chạm đến tình yêu thương của Người. Chỉ có thế chúng ta mới có thể tiến vào tận tâm điểm của đức tin, và như các vị môn đệ, mới tìm thấy bình an và niềm vui (các câu 19-20) là những gì vượt trên tất cả những ngờ vực.
Người môn đệ Toma, sau khi thấy các thương tích của Chúa thì kêu lên rằng: "Lạy Chúa của tôi và lạy Thiên Chúa của tôi!" (câu 28). Tôi muốn chia sẻ về tĩnh từ được môn đệ Toma lập lại: của tôi. Nó là một tĩnh từ sở hữu. Khi chúng ta nghĩ về nó chúng ta sẽ thấy dường như không thích hợp để sử dụng nó về Thiên Chúa. Làm thế nào Thiên Chúa lại có thể của tôi chứ? Chúng ta làm thế nào có thể biến Đấng Toàn Năng thành của tôi chứ? Sự thật là ở chỗ, khi chúng ta nói của tôi chúng ta chẳng những không tục hóa Thiên Chúa, mà còn tôn vinh lòng thương xót của Người nữa. Bởi Thiên Chúa muốn "trở thành của chúng ta". Như trong một câu chuyện tình, chúng ta thưa cùng Người rằng: "Chúa đã làm người vì con, Chúa đã chết và sống lại vì con, thế nên Chúa không phải chỉ là Thiên Chúa mà còn là Vị Thiên Chúa của con, Chúa là sự sống của con. Nơi Chúa con đã gặp được tình yêu con hằng tìm kiếm, và dồi dào phong phú hơn những gì con đã tưởng nghĩ".
Thiên Chúa không bị xúc phạm khi trở thành "của chúng ta", vì tình yêu cần phải được cậy trông, lòng thương xót cần phải được tin tưởng. Ngay đầu của Thập Giới, Thiên Chúa đã phán: "Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi" (Xuất Hành 20:2), và đã khẳng định: "Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, là một Vị Thiên Chúa ghen hờn" (câu 5). Ở đây, chúng ta thấy Thiên Chúa hiện lên như là một người tình ghen hờn, Đấng gọi mình là Thiên Chúa của các ngươi. Từ thẳm cung của lòng người môn đệ Toma đã xuất phát câu đáp ứng: "Lạy Chúa của tôi và lạy Thiên Chúa của tôi!" Như chúng ta hôm nay đây, qua các thương tích của Chúa Kitô, tiến sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, chúng ta tiến đến chỗ nhận biết rằng lòng thương xót không phải chỉ là một trong những phẩm tính của Người trong số các phẩm tính khác, mà là chính nhịp đập của cõi lòng của Người. Thế nên, như môn đệ Toma, chúng ta không còn sống như thành phần môn đệ, bấp bênh, sùng mộ nhưng chao đảo. Cả chúng ta cũng phải lòng Chúa! Chúng ta không được sợ hãi những lời này: hãy phải lòng Chúa.
Chúng ta làm thế nào để có thể thưởng thức tình yêu này? Làm sao hôm nay đây chúng ta có thể chạm đến lòng thương xót của Chúa Giêsu? Một lần nữa, Phúc Âm cống hiến cho chúng ta một cái mẹo, khi Phúc Âm nhấn mạnh rằng chính đêm Phục Sinh (câu 19), ngay vừa khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu bắt đầu ban Thần Linh cho việc tha thứ tội lỗi. Để cảm nghiệm được tình yêu, chúng ta cần bắt đầu từ đó, ở chỗ, chúng ta hãy để mình được thứ tha. Chúng ta hãy để mình được thứ tha. Tôi tự vấn mình, và mỗi người trong anh chị em nữa: tôi có để cho mình được tha thứ hay chăng? Để cảm nghiệm được tình yêu, chúng ta cần bắt đầu từ đó, tôi có để cho mình được tha thứ hay chăng? "Thế nhưng, thưa cha, đi xưng tội dường như là một việc khó khăn..." Trước nhan Thiên Chúa chúng ta bị cám dỗ thực hiện những gì các người môn đệ đã làm trong Phúc Âm, đó là ngăn chặn bản thân mình ở đằng sau các cửa đóng kín. Các vị làm như vậy vì sợ hãi, cả chúng ta cũng sợ hãi nữa, cảm thấy xấu hổ trong việc mở lòng mình ra và xưng thú tội lỗi của mình. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn hiểu được việc hổ thẹn, coi nó không như là một cánh cửa đóng, mà còn như bước đầu tiên hướng đến cuộc gặp gỡ. Khi chúng ta cảm thấy hổ thẹn, chúng ta cần phải biết ơn: Nghĩa là chúng ta không được chấp nhận sự dữ, mà là sự lành. Hổ thẹn là một lời mọi gọi âm thầm của linh hồn cần đến Chúa để thắng vượt sự dữ. Thảm trạng xẩy ra đó là khi chúng ta không còn biết xấu hổ về bất cứ sự gì nữa. Chúng ta đừng sợ cảm nghiệm thấy hổ thẹn! Chúng ta hãy vượt qua từ hổ thẹn đến thứ tha! Đừng sợ bị hổ thẹn! Đừng sợ.
Thế nhưng vẫn còn một cửa vẫn đóng trước lòng tha thứ của Chúa, đó là cái cửa của việc thoái lui chùn bước. Việc thoái lui chùn bước bao giờ cũng là một thứ cửa đóng then cài. Các vị môn đệ đã cảm nghiệm thấy nó ở Lễ Phục Sinh khi họ thất vọng nhận thấy rằng hết mọi sự dường như trở lại với những gì đã từng có trước đó. Các vị vẫn ở Giêrusalem, cảm thấy chán nản; "câu chuyện Giêsu" trong đời sống của họ đã xong rồi, và sau khi sống quá nhiều ngày tháng với Người cũng chẳng có gì thay đổi hết, các vị tỏ ra muốn thoái lui chùn bước. Cả chúng ta cũng có thể nghĩ rằng: "Tôi đã từng là một Kitô hữu suốt mà chẳng có gì thay đổi nơi tôi cả; tôi vẫn cứ phạm tội thôi". Bởi vậy, vì thất chí, chúng ta từ khước lòng thương xót. Thế nhưng Chúa lại thách thức chúng ta: "Con không tin rằng lòng thương xót của Cha lớn hơn nỗi khốn nạn của con hay chăng? Các con có phải là một con người tái phạm hay chăng? Vậy thì hãy là một kẻ tái phạm đi trong việc kêu xin lòng thương xót, và chúng ta sẽ thấy ai sẽ thắng". Bất cứ xẩy ra biến cố gì - và ai quen biết bí tích Hòa Giải đều biết điều này - hết mọi sự không phải bao giờ cũng y nguyên như vậy. Mỗi khi chúng ta được tha thứ, chúng ta được tái bảo đảm và phấn khích, vì mỗi lần chúng ta đều cảm thấy yêu thương hơn, và được Người Cha ôm lấy hơn nữa. Khi chúng ta tái phạm, chính vì chúng ta được yêu thương, chúng ta thậm chí cảm thấy buồn đu hơn - một nỗi buồn đau ích lợi từ từ tách chúng ta khỏi tội lỗi. Thế rồi chúng ta khám phá ra rằng quyền lực của sự sống đó là lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, và tiến lên từ ơn tha thứ này đến ơn tha thứ kia. Đó là cách đời sống diễn tiến: từ hổ thẹn này đến hổ thẹn kia, từ ơn tha thứ này đến ơn tha thứ khác. Đó là đời sống Kitô hữu.
Sau nỗi hổ then và việc thoái lui chùn bước còn một cái cửa đóng khác nữa. Đôi khi nó thậm chí còn được bọc sắt nữa, đó là tội lỗi của chúng ta, cùng một thứ tội. Khi tôi phạm một tội trọng, nếu tôi, bằng tất cả lòng chân thành, không muốn tha thứ cho bản thân mình, thì tại sao Thiên Chúa lại cần phải tha thứ cho tôi chứ? Tuy nhiên, cái cửa này chỉ đóng có một bên, bên chúng ta; nhưng đối với Thiên Chúa, chẳng có cửa nào lại hằng đóng hoàn toàn hết. Như Phúc Âm cho chúng ta biết rằng Người yêu thương chính là để tiến vào, như chúng ta đã nghe, "qua các cửa đóng kín", khi mà hết mọi lối vào dường như bị ngăn chặn. Ở đó Thiên Chúa thực hiện các việc lạ lùng của Người. Người không bao giờ muốn bỏ rơi chúng ta; chúng ta là thành phần loại Người ra. Thế nhưng khi chúng ta xưng tội thì một điều chưa từng có xẩy ra, đó là chúng ta khám phá ra rằng chính tội lỗi là những gì giữ chúng ta xa lìa Chúa lại trở nên nơi chúng ta gặp gỡ Người. Ở đó, vị Thiên Chúa bị thương tích vì yêu đến gặp gỡ các thương tích của chúng ta. Người làm cho các thương tích tệ hại của chúng ta nên như các thương tích vinh hiển của Người. Một sự biến đổi xẩy ra, đó là các thương tích thảm hại của tôi được nên giống như các thương tích hiển vinh của Người. Vì Người là lòng thương xót và thực hiện các việc lạ lùng nơi tình trạng khốn cùng của chúng ta. Hôm nay, như môn đệ Toma, chúng ta hãy nài xin ơn nhận biết Vị Thiên Chúa của chúng ta, ở chỗ, tìm thấy nơi lòng tha thứ của Người niềm vui của chúng ta, và tìm thấy nơi lòng thương xót của Người niềm hy vọng của chúng ta.
https://zenit.org/articles/holy-fathers-homily-on-divine-mercy-sunday-full-text/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Cuối Lễ ĐTC nguyện Kinh Lạy Nữ Vương và chào chúc các phái đoàn hành hương ở Roma