GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

ĐTC PHANXICÔ: Giảng Lễ Đêm Vọng Phục Sinh

 

 

Easter Vigil Mass

"Đó là cái đêm im lặng của những người môn đệ lạc hướng..."

"Giữa sự thinh lặng của chúng ta, sự thinh lặng bất khả chống cưỡng thì các hòn đá bắt đầu kêu lên...

'Người không còn đây, vì Người đã sống lại rồi'... Chính thiên nhiên tạo vật là tạo vật đầu tiên âm vang cuộc vinh thắng của sự sống trên tất cả những gì đã cố gắng bịt miệng và dập tắt niềm vui Phúc Âm"

D4W-_DSC6197.JPG

 

"Hôm qua, chúng ta đã liên kết các người phụ nữ vào việc chiêm ngưỡng 'Đấng bị đâm thâu qua'. Hôm nay, với họ, chúng ta được mời gọi để chiêm ngưỡng ngôi mộ trống và nghe những lời của vị thiên thần là: 'Đừng sợ... vì Người đã sống lại rồi'"

 

Chúng ta cử hành việc cử hành này ở bên ngoài, chìm trong bóng đen của đêm tối và lạnh lẽo. Chúng ta cảm thấy một sự thinh lặng nặng trĩu về cái chết của Chúa, một thinh lặng mỗi người chúng ta có thể nhận thức, một thinh lặng thấm sâu vào tâm can của mỗi người môn đệ, thành phần đứng nín thinh trước cây thập tự giá.

Có những khoảng thời giờ người môn đệ đứng đau đớn nín thinh trước cái chết của Chúa. Còn lời nào có thế nói trước giây phút như thế chứ? Người môn đệ cứ nín thinh nơi nhận thức về các phản ứng của mình vào những giờ phút quan trọng ấy trong cuộc đời của Chúa. Trước cái bất công đã lên án Vị Thày này, các môn đệ của Người đều nín thinh. Trước những vu khống và những chứng gian mà Vị Thày này phải chịu, thì các môn đệ của Người chẳng biết nói năng gì hết. Trong cái nguy ngập, những giờ phút đớn đau của Cuộc Thương Khó, các môn đệ của Người đã cảm thấy một cách thảm thương cái bất lực của họ trong việc liều mạng để vì Thày mà lên tiếng. Hơn thế nữa, họ chẳng những không nhìn nhận Người, mà họ còn đi ẩn nấp, còn tháo chạy thoát thân, còn câm nín (xem Gioan 18:25-27).

Đó là một đêm thinh lặng của các môn đệ là thành phần vẫn cứ câm nín, bị tê liệt và bất định về những gì cần phải làm giữa rất nhiều trạng huống đớn đau và chán nản. Nó cũng là cái đêm của thành phần môn đệ ngày nay, chỉ biết im hơi lặng tiếng trước những tình trạng chúng ta không thể kiểm soát, khiến chúng ta cảm thấy, thậm chí còn tệ hơn nữa, tin rằng chẳng làm gì được để có thể lật ngược tất cả những gì là bất công đang xẩy ra cho anh chị em của chúng ta nơi tấm thân của họ. 

Đó là cái đêm im lặng của những người môn đệ lạc hướng, vì họ bị vùi dập vào một thứ thói lệ rã rời khiến mất đi ký ức, làm câm nín niềm hy vọng và dẫn đến chỗ nghĩ rằng "đó là cách bao giờ cũng là như thế nơi các sự vật thôi". Những người môn đệ này, thành phần bị choáng váng, chẳng còn gì để nói và tiến đến chỗ coi là "bình thường" và chẳng có gì lấy làm lạ khi Caipha nói: "Các người không thấy rằng thà một người chết cho nhiều người còn hơn là cả nước bị hủy diệt hay sao?" (Gioan 11:50).

Giữa sự thinh lặng của chúng ta, sự thinh lặng bất khả chống cưỡng thì các hòn đá bắt đầu kêu lên (xem Luca 19:40), và mở đường cho sứ điệp trọng đại nhất lịch sử chưa từng nghe thấy: "Người không còn đây, vì Người đã sống lại rồi" (Mathêu 28:6). Tảng đá trước cửa mồ đã kêu lên và đã tuyên bố mở ra một con đường mới cho tất cả mọi người. Chính thiên nhiên tạo vật là tạo vật đầu tiên âm vang cuộc vinh thắng của sự sống trên tất cả những gì đã cố gắng bịt miệng và dập tắt niềm vui Phúc Âm. Tảng đá trước ngôi mộ là thứ đầu tiên nhẩy lên, và bằng kiểu cách của mình, vang lên một bài ca chúc tụng và ca khen, vui mừng và hy vọng, một bài ca tất cả chúng ta được mời gọi tham gia.

Hôm qua, chúng ta đã liên kết các người phụ nữ vào việc chiêm ngưỡng "Đấng bị đâm thâu qua" (xem Gioan 19:36; xem Zacharia 12:10). Hôm nay, với họ, chúng ta được mời gọi để chiêm ngưỡng ngôi mộ trống và nghe những lời của vị thiên thần là: "Đừng sợ... vì Người đã sống lại rồi" (Mathêu 28:5-6). Những lời ấy cần phải tác dụng vào những niềm xác tín và tin tưởng sâu xa nhất của chúng ta, những cách thức chúng ta phán đoán về các biến cố hằng ngày trong cuộc đời của chúng ta, nhất là cách thức chúng ta liên hệ với người khác. Ngôi mộ trống cần phải trở thành thách đố cho chúng ta và phục hồi tinh thần của chúng ta. Nó cần phải làm cho chúng ta suy nghĩ, nhưng trước hết, nó cần phải phấn khích chúng ta tin tưởng và tin rằng Thiên Chúa "tỏ mình" ở hết mội hoàn cảnh và hết mọi con người, và ánh sáng của Người có thể chiếu tỏa vào xó xỉnh không ngờ nhất và kín đáo nhất của đời sống chúng ta. Người đã phục sinh từ trong cõi chết, từ một nơi mà chẳng có ai đợi chờ gì hết, và giờ đây Người đang chờ đợi chúng ta - như Người đã chờ đợi các người phụ nữ - để giúp chúng ta có thể tham phần vào công cuộc cứu độ của Người. Trên nền tảng ấy và bằng sức mạnh này, Kitô hữu chúng ta mới mang đời sống của chúng ta và nghị lực của chúng ta, trí thông minh của chúng ta, cảm tình của chúng ta và ý muốn của chúng ta ra để khám phá ra, nhất là để kiến tạo những đường lối có phẩm vị.

Người không còn đây nữa... Người đã sống lại rồi! Đó là sứ điệp duy trì niềm hy vọng của chúng ta và hướng nó vào các cử chỉ của lòng bác ái yêu thương. Quan trọng biết bao cần chúng ta để cho cái mỏng dòn của chúng ta được xức dầu bằng cảm nghiệm này! Quan trọng biết mấy cần chúng ta để cho đức tin của chúng ta được tái sinh động! Quan trọng biết bao cần chúng ta để cho các chân trời cận thị của chúng ta được thách đố và canh tân đổi mới bởi sứ điệp ấy! Chúa Kitô đã sống lại, và với Người, Người làm cho niềm hy vọng và tính chất sáng tạo của chúng ta thăng hoa, nhờ đó chúng ta có thể đối diện với các vấn đề hiện nay của chúng ta khi nhận thức rằng chúng ta không lẻ loi cô độc một mình.

Việc cử hành Lễ Phục Sinh là việc lại tin rằng Thiên Chúa liên lỉ can thiệp vào tiểu sử riêng tư của chúng ta, thánh đố "những thói lệ" của chúng ta, những đường lối cố định trong việc suy nghĩ và tác hành dẫn chúng ta đến chỗ bị tê liệt. Việc cử hành Lễ Phục Sinh là việc để cho Chúa Giêsu có thể chiến thắng trên nỗi sợ hãi nhát hèn rất hay thường tấn công chúng ta và cố gắng chôn vùi đi hết mọi thứ hy vọng.

Tảng đá trước ngôi mộ đã tham phần vào việc cử hành ấy, các người phụ nữ trong Phúc Âm cũng tham dự vào việc cử hành này, và giờ đây lời mời gọi lại được ngỏ cùng anh chị em và cùng tôi. Một lời mời gọi phá vỡ những gì là thói lệ của chúng ta và canh tân đổi mới đời sống của chúng ta, các quyết định của chúng ta, và việc hiện hữu của chúng ta. Một lời mời gọi cần phải được qui hướng về nơi chúng ta đang đứng, những gì chúng ta đang làm và những gì chúng ta là, ở "mức độ năng lực" của chúng ta. Chúng ta có muốn tham phần vào sứ điệp sự sống này hay chăng, hay chúng ta chỉ thích tiếp tục đứng một cách câm nín trước các biến cố xẩy ra vậy thôi?

Người không còn đây... Người đã sống lại rồi! Và Người đang đợi chờ anh chị em ở Galilêa. Người kêu gọi anh chị em hãy trở về với thời gian và địa điểm của tình yêu ban đầu nơi anh chị em, và Người nói cùng anh chị em rằng: Đừng sợ, hãy theo Thày.

 

https://zenit.org/articles/he-is-risen-popes-homily-at-easter-vigil-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

Xin mời theo dõi biến cố Đêm Vọng Phục Sinh này ở cái link video và hình ảnh dưới đây:

Holy Saturday – Easter Vigil in the Holy Night of Easter