GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIẢNG LỄ ĐỨC MẸ DÂNG HÀI NHI GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH
THỨ SÁU 2-2-2018,
NGÀY THẾ GIỚI ĐỜI TẬN HIẾN LẦN THỨ 22
"Trong Đền Thờ này cũng xẩy ra một cuộc gặp gỡ giữa hai cặp người: cặp trẻ Maria và Giuse với cặp già Simeon và Anna. Cặp người già tiếp nhận cặp người trẻ trong khi cặp người trẻ hấp thụ cặp người già....Trong cuộc gặp gỡ này, người trẻ thì thấy được sứ vụ của mình, còn người già hiện thực được giấc mộng của mình. Tất cả là vì Hài Nhi Giêsu là tâm điểm của cuộc gặp gỡ ấy".
Bốn mươi ngày sau Lễ Giáng Sinh, chúng ta cử hành việc Chúa vào Đền Thánh và đến gặp gỡ dân của Người. Ở Kitô giáo Đông Phương, lễ này được gọi là "Lễ Hội Ngộ": nó là một cuộc hội ngộ giữa Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một hài nhi để mang đến cho thế giới của chúng ta những gì là mới mẻ, cũng như cho một nhân loại trông mong, được tiêu biểu nơi nam nhân và nữ nhân lão thành ở trong Đền Thờ.
Trong Đền Thờ này cũng xẩy ra một cuộc gặp gỡ giữa hai cặp người: cặp trẻ Maria và Giuse với cặp già Simeon và Anna. Cặp người già tiếp nhận cặp người trẻ trong khi cặp người trẻ hấp thụ cặp người già. Trong Đền Thờ này, cặp người trẻ Maria và Giuse tìm gặp được gốc gác dân tộc của mình. Điều này rất quan trọng, vì lời hứa của Thiên Chúa không nên trọn chỉ ở nơi các cá thể, một lần là xong, nhưng là trong một cộng đồng và suốt giòng lịch sử. Cũng ở nơi đó mà cặp trẻ Maria và Giuse tìm gặp cội nguồn đức tin của mình, vì đức tin không phải là một điều gì đó học được từ sách vở mà là một nghệ thuật sống với Thiên Chúa, học từ cảm nghiệm của những ai đã ra đi trước chúng ta. Hai con người trẻ này, trong cuộc gặp gỡ hai con người già ấy, nhờ đó đã tìm gặp chính họ. Và cả hai vị lão thành, gần kết thúc cuộc đời của mình, đều đón nhận Hài Nhi Giêsu, ý nghĩa của cuộc đời của họ. Biến cố này làm viên trọn lời tiên tri Joel: "Những người già lão của các ngươi sẽ mơ tưởng những giấc mộng, và những người trẻ trung của các ngươi sẽ được thấy các thị kiến" (2:28). Trong cuộc gặp gỡ này, người trẻ thì thấy được sứ vụ của mình, còn người già hiện thực được giấc mộng của mình. Tất cả là vì Hài Nhi Giêsu là tâm điểm của cuộc gặp gỡ ấy.
Anh chị em sống đời tận hiến thân mến, chúng ta hãy nhìn vào đời sống của chúng ta. Hết mọi sự đều được bắt đầu nơi cuộc gặp gỡ Chúa. Cuộc hành trình tận hiến của chúng ta xuất phát từ một cuộc hội ngộ và một tiếng gọi. Chúng ta cần nhớ điều ấy. Và nếu chúng ta nhớ một cách đúng đắn chúng ta sẽ nhận ra rằng nơi cuộc gặp gỡ ấy chúng ta không chỉ một mình với Chúa Giêsu; còn có cả dân Chúa nữa, có cả Giáo Hội, cả trẻ lẫn già, như trong bài Phúc Âm hôm nay. Cũng lạ lùng nữa là trong khi cặp người trẻ Maria và Giuse trung thành tuân giữ Lề Luật - bài Phúc Âm nói với chúng ta điều này đến 4 lần - và chẳng bao giờ lên tiếng nói gì hết, thì cặp người già Simeon và Anna xuất hiện và nói tiên tri. Đáng lẽ ngược lại mới phải. Nói chung thì giới trẻ hăng say nói về tương lai, còn người già thì giữ lấy quá khứ. Trong bài Phúc Âm thì hoàn toàn ngược lại, vì khi chúng ta gặp nhau trong Chúa thì những gì lạ lùng của Chúa liền xẩy ra.
Để điều này xẩy ra trong đời tận hiến tu trì, chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta không bao giờ có thể tái diễn việc chúng ta hội ngộ với Chúa mà lại thiếu người khác; chúng ta không thể bỏ lại người khác, đừng bao giờ qua mặt các thế hệ, mà cần phải hằng ngày đồng hành với nhau, luôn lấy Chúa làm tâm điểm. Vì nếu giới trẻ được kêu gọi để mở ra những cánh cửa mới thì người già giữ chìa khóa. Một dòng tu giữ được vẻ trẻ trung bằng việc trở lại với cội nguồn của mình, bằng việc lắng nghe những phần tử già dặn hơn của mình. Không có tương lai nếu thiếu vắng cuộc hội ngộ này giữa giới già và giới trẻ. Không có vấn đề tăng trưởng mà lại thiếu gốc rễ và không có vấn đề nở hoa mà lại không có nụ hoa. Không bao giờ có vấn đề tiên tri mà lại thiếu vắng ký ức, hay có ký ức mà lại thiếu vắng tiên tri. Và một cuộc hội ngộ liên lỉ.
Tình trạng bị phân tâm ngày nay dẫn chúng ta tới chỗ đóng lại nhiều cánh cửa hội ngộ, thường vì sợ người khác. Chỉ có những khu mua sắm và những thứ kết nối điện toán toàn cầu thì bao giờ cũng còn mở thôi. Tuy nhiên, đó lại không phải là cách thức của đời sống tận hiến tu trì, ở chỗ, những người anh chị em được Chúa ban cho tôi thì thuộc về lịch sử của đời tôi, là những tặng ân cần phải được hoan hỉ. Chớ gì chúng ta không bao giờ nhìn vào màn ảnh chiếc điện thoại cầm tay của chúng ta hơn là nhìn vào mắt của anh chị em chúng ta, hay tập trung vào thảo chương điện toán của chúng ta hơn vào Chúa. Vì bất cứ khi nào chúng ta đặt các dự phóng riêng tư của chúng ta, các thứ phương pháp và tổ chức của chúng ta làm tâm điểm, thì đời tận hiến tu trì của chúng ta không còn sức hấp dẫn thu hút nữa; nó không còn nói với người khác nữa; nó không còn nở hoa nữa vì nó quên mất chính nền tảng của mình, chính cội nguồn của mình.
Đời sống tận hiến tu trì được phát xuất và tái xuất từ cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu như là Đấng nghèo khó, thanh tịnh và tuân phục. Chúng ta hành trình theo một lối bước nước đôi: một đàng là việc khởi động yêu thương của Thiên Chúa, từ đó mọi sự được bắt đầu và là điểm chúng ta luôn phải qui hướng về; đàng khác, việc đáp ứng của chúng ta, một đáp ứng thực sự yêu thương khi không bao gồm chuyện "nếu" hay "nhưng", khi noi gương bắt chước Chúa Giêsu theo đức khó nghèo, thanh tịnh và tuân phục của Người. Trong khi đời sống trên trần gian này cố gắng chi phối chúng ta thì đời tận hiến tu trì lại quay trở lại từ những thứ giầu sang phù du mau qua đến chỗ gắn bó với Đấng tồn tại muôn đời. Và trong khi đời sống trần gian sớm làm cho đôi tay và tâm hồn của chúng ta trở thành trống rỗng, thì đời sống trong Chúa Giêsu làm cho chúng ta tràn đầy bình an cho đến cùng, như trong Bài Phúc Âm cho thấy, cặp già Simeon và Anna hân hoan tiến đến cuộc đời về chiều của mình, với Chúa trong cánh tay của họ và niềm vui trong lòng của họ.
Tốt đẹp biết bao cho chúng ta được ẵm Chúa "trong cánh tay của chúng ta" (Luca 2:28), như ông Simeon. Chẳng những nơi đầu óc của chúng ta và cõi lòng của chúng ta, mà còn "trong bàn tay của chúng ta" nữa, nơi tất cả những gì chúng ta làm, khi làm việc, ở bàn giấy, lúc điện thoại, ở trường học, với người nghèo, khắp mọi nơi. Việc có Chúa "trong bàn tay của chúng ta" là một chất giải độc cho chủ nghĩa duy thần bí thiển cận và chủ nghĩa duy hoạt động loạn cuồng, vì một cuộc hội ngộ chân thực với Chúa Giêsu là những gì chỉnh đốn lại cả lòng đạo đức ngọt ngào lẫn việc hoạt động cuồng nhiệt. Hương vị gặp gỡ Chúa Giêsu cũng là phương dược chữa trị tình trạng liệt bại theo thói quen, vì nó hướng chúng ta tới "cái đột phá" hằng ngày của ân sủng. Cái bí quyết để thổi lửa lên của đời sống thiêng liêng chúng ta đó là việc sẵn sàng để mình gặp gỡ Chúa Giêsu và để Người gặp gỡ chúng ta; bằng không chúng ta rơi vào một cuộc sống tắt lịm, bị chi phối bởi những gì là bực tức cáu kỉnh, là đắng cay chua xót cùng với những thất vọng bất khả tránh. Sẵn sàng để mình gặp gỡ nhau trong Chúa Giêsu như anh chị em với nhau, trẻ cũng như già, nhờ đó loại trừ đi những thứ ngôn từ cằn cỗi như "những ngày xưa thân ái" - một nỗi nhớ nhung sát hại tâm hồn - và nhờ đó làm câm nín đi những ai nghĩ rằng "tất cả mọi sự hỏng mất rồi". Nếu chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu và anh chị em chúng ta nơi các biến cố hằng ngày của đời sống chúng ta, thì lòng của chúng ta sẽ không còn đặt vấn đề quá khứ hay tương lai, mà sẽ cảm nghiệm thấy "ngày hôm nay của Thiên Chúa" trong an bình với hết mọi người.
Ở cuối các cuốn Phúc Âm, có một cuộc gặp gỡ khác có thể tác động đời sống tận hiến tu trì. Đó là cuộc gặp gỡ của những người phụ nữ trước ngôi mộ. Họ đã đến để gặp gỡ kẻ chết; cuộc hành trình của họ như thể vô định. Anh chị em cũng đang hành trình ngược triều sóng: đời sống của thế giới này dễ loại bỏ những gì là thanh bần, thanh tịnh và tuân phục. Thế nhưng, những người nữ ấy, tiếp tục tiến tới, không lo âu về việc lay chuyển những tảng đá nặng nề (xem Marco 16:3). Và như những người phụ nữ này, những người đầu tiên gặp Chúa, Đấng phục sinh và sống động. Hãy gắn bó với Người (xem Mathêu 28:9) và lập tức lên đường loan báo cho anh chị em của mình thì đôi mắt của anh chị em tràn đầy niềm vui (xem câu 8). Như thế, anh chị em là hừng đông mãi mãi của Giáo Hội. Anh chị em tận hiến tu trì thân mến, anh chị em là hừng đông mãi mãi của Giáo Hội! Tôi xin anh chị em hãy lập lại vào chính ngày này cuộc anh chị em gặp gỡ Chúa Giêsu, hãy cùng nhau tiến bước về Người. Và nó sẽ cống hiến cho anh chị em ánh sáng soi con mắt của anh chị em và sức mạnh cho bước đi của anh chị em.
https://zenit.org/articles/popes-homily-for-feast-of-presentation-of-the-lord-full-text/
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn
mạnh tự ý bằng mầu
Eucharistic