GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAO LÔ TÔNG ĐỒ

 

Đức Thánh Cha Phanxicô

 

Chủ tế và Giảng Lễ ở Quảng Trường Thánh Phêrô

 

Thứ Sáu 29/6/2018

 

 

Pope Francis celebrates Mass for the Solemnity of Saints Peter and Paul

 

 

 

Các Bài Đọc chúng ta vừa nghe liên kết chúng ta với Truyền Thống tông đồ. Truyền Thống tông đồ này "không phải là việc truyền đạt những sự hay những ngôn từ, một thứ phân loại về các vật thể vô hồn; nó là một luồng chảy sống động nối kết chúng ta về các nguồn mạch, một luồng chảy sống động nhờ đó mà những nguồn mạch này hằng hiện hữu" (BENEDICT XVI, Catechesis, 26 April 2006), và cống hiến cho chúng ta những chía khóa Nước Trời (cf. Mt 16:19). Một Truyền Thống cũ nhưng vẫn hằng mới mẻ, cống hiến cho chúng ta sự sống và làm mới lại niềm vui Phúc Âm. Nó giúp cho chúng ta có thể tuyên xưng bằng môi miệng của chúng ta cũng như bằng tấm lòng của chúng ta: "'Đức Giêsu Kitô là Chúa', cho vinh quang của Thiên Chúa Cha" (Phil 2:11).

Toàn bộ Phúc Âm là câu trả lời cho vấn nạn ở trong lòng của dân Do Thái, và cả ngày hôm nay nữa cũng ở trong lòng của tất cả những ai đang khao khát sự sống: "Phải chăng ngài là đấng phải đến hay chúng tôi cần phải tìm kiếm ai khác?" (Mt 11:3). Chúa Giêsu lợi dụng vấn nạn ấy để hỏi các môn đệ của Người rằng: "Thế nhưng, về phần mình, các con nói Thày là ai?" (Mt 16:15).

Thánh Phêrô đã lên tiếng và gọi Đức Giêsu bằng một tước hiệu trọng đại nhất mà ngài có thể phát biểu: "Thày là Đức Kitô" (cf. Mt 16:16), là Đấng Được Xức Dầu, là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Thật là tốt khi nghĩ rằng Cha đã tác động nơi câu trả lời này, vì Thánh Phêrô đã từng thấy Đức Giêsu "đã xức dầu" cho dân của Người ra sao. Đức Giêsu, Đấng Được Xức Dầu, đã bước đi từ làng này đến làng kia, chỉ có một mục đích duy nhất là cứu độ và cứu giúp những ai bị coi là lạc loài hư hoại. Người đã "xức dầu" kẻ chết (cf. Mk 5:41-42; Lk 7:14-15), bệnh nhân (cf. Mk 6:13; Jas 5:14), thương nhân (cf. Lk 10:34) và hối nhân (cf Mt 6:17). Người đã xức dầu bằng niềm hy vọng (cf. Lk 7:38.46; 10:34; Jn 11:2; 12:3). Nhờ việc xức dấu ấy mà hết mọi tội nhân - thành phần chán nản, kẻ yếu đau, dân ngoại, trong bất cứ trường hợp nào - đều có thể cảm thấy mình là một phần tử được yêu dấu thuộc gia đình Thiên Chúa. Bằng tác động này, Chúa Giêsu đã nói một cách rất riêng tư rằng: "Con là của Cha". Như Thánh Phêrô, cả chúng ta nữa cũng có thể tuyên xưng bằng môi miệng và tấm lòng, chẳng những điều chúng ta đã nghe, mà còn đã trải nghiệm một cách cụ thể trong đời sống của chúng ta. Cả chúng ta nữa đã được hồi sinh, chữa lành, canh tân và tràn đầy niềm hy vọng bằng việc xức dầu này của Đấng Thánh ấy. Nhờ việc xức dầu này mà mọi thứ ách nô lệ đã được bẻ gẫy (cf Is 10:27). Làm sao chúng ta có thể đánh mất đi nỗi nhớ hân hoan là chúng ta đã được cứu chuộc để đi tới chỗ tuyên xưng rằng: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (cf Mt 16:16).

Thật đáng chú ý những gì xẩy ra sau đoạn Phúc Âm trong đó Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin của ngài: "Từ bấy giờ Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ của Người là Người cần phải lên Giêrusalem và phải chịu khổ nhiều sự gây ra bởi các kỳ lão, trưởng tế và luật sĩ, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba thì sống lại" (cf Mt 16:21). Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa tiếp tục mang tình yêu và lòng thương xót của Cha cho đến cùng. Tình yêu thương xót này đòi chúng ta cũng phải đi đến hết mọi ngõ ngách của cuộc đời, vươn tới hết mọi người, cho dù vì điều ấy mà chúng ta có phải trả giá "danh thơm tiếng tốt" của chúng ta, những tiện nghi thoải mái của chúng ta, vị thế của chúng ta... thậm chí có phải tự đạo.

Thánh Phêrô phản ứng trước lời loan báo hoàn toàn bất ngờ ấy bằng câu: "Lạy Thày, Thiên Chúa đời nào lại để xẩy ra như thế! Điều ấy không bao giờ xẩy ra cho Thày" (Mt 16:22). Bởi vậy mà ngài lập tức trở thành tảng đá vấp ngã trên đường đi của Đấng Thiên Sai. Vì nghĩ rằng mình đang bênh vực các thứ quyền lợi của Thiên Chúa, thì Thánh Phêrô, vô ý, lại trở thành đối thủ của Chúa; Đức Giêsu đã gọi ngài là "Satan". Việc chiêm ngắm đời sống và lời tuyên xưng đức tin của ngài còn có nghĩa là học biết các chước cám dỗ sẽ kèm theo đời sống của hết mọi người môn đệ. Như Thánh Phêrô, như là một Giáo Hội, chúng ta bao giờ cũng sẽ bị cám dỗ để nghe những tiếng "thì thào" của Tên gian ác, những thì thào sẽ trở thành một thứ tảng đá vấp ngã đối với sứ vụ. Tôi nói đến "tiếng thì thào" vì ma quỉ cám dỗ xui bẩy một cách kín đáo để tránh bị lộ tẩy những ý đồ của hắn. "Hắn tác hành như một tên giả hình, cứ muốn ẩn giấu chứ không muốn bị khám phá thấy" (SAINT IGNATIUS OF LOYOLA, Spiritual Exercises, n. 326).

Đàng khác, vấn đề thông phần vào việc xức dầu của Đức Kitô có nghĩa là thông phần vào vinh quang của Người trên thập tự giá của Người: Lạy Cha, xin làm hiển vinh Con của Cha... "Lạy Cha, xin làm rạng danh Cha" ( Jn 12:28). Nơi Đức Giêsu, vinh quang và thập giá đi với nhau, bất khả phân ly. Một khi chúng ta quay lưng lại với thập giá, cho dù chúng ta có thể đạt tới đỉnh vinh quang chăng nữa, chúng ta chỉ đánh lừa mình, vì đó không phải là vinh quang của Thiên Chúa, mà là cạm bẫy của kẻ thù.

Thường chúng ta cảm thấy chước cám dỗ trở thành Kitô hữu bằng việc giữ một khoảng cách khôn ngoan cho khỏi các thương tích của Chúa. Chúa Giêsu chạm đến nỗi khốn cực của nhân loại và Người xin chúng ta hãy hợp với Người để chạm đến xác thịt đớn đau của người khác. Việc loan truyền đức tin của chúng ta bằng môi miệng của chúng ta và bằng tấm lòng của chúng ta đòi chúng ta - như Thánh Phêrô - nhận ra "những tiếng thì thào" của tên gian ác. Nó đời chúng ta phải biết nhận thức và nhận ra những "thứ che đậy" chung riêng khiến chúng ta xa khỏi những thảm cảnh thực sự của nhân loại, khiến chúng ta tách khỏi mối liên hệ với cuộc sống cụ thể của con người, và cuối cùng, khỏi quyền năng cách mạng của tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa (cf. Evangelii Gaudium, 270).

Nhờ không tách vinh quang của mình khỏi thập giá mà Đức Giêsu muốn giải thoát các môn đệ của Người, Giáo Hội của Người, khỏi những hình thức trống rỗng của chủ nghĩa hiển thắng: những hình thức trống rỗng yêu thương, phục vụ, cảm thương, trống rỗng con người. Người muốn giải phóng Giáo Hội của Người khỏi những ảo tưởng to lớn là những gì không cắm rễ sâu vào đời sống của thành phần dân trung thành của Thiên Chúa, hay tệ hơn nữa, còn tin rằng việc phục vụ Chúa có nghĩa là tránh khỏi những con đường bụi bặm của lịch sử. Việc chiêm ngưỡng và theo Đức Kitô cần chúng ta phải mở lòng mình ra cho Chúa Cha cũng như cho tất cả những ai được Người đồng hóa (cf. SAINT JOHN PAUL II, Novo Millennio Ineunte, 49), bằng nhận thức chắc chắn rằng Người sẽ không bao giờ bỏ rơi dân của Người.

Anh chị em thân mến, hằng triệu triệu con người vấn tiếp tục đặt vấn đề: "Phải chăng ngài là đấng phải đến hay chúng ta phải trông chờ vị nào khác" (Mt 11:3). Chúng ta hãy tuyên xưng bằng môi miệng và bằng tấm lòng của chúng ta rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa (cf Phil 2:11). Đó là điệu hứng chúng ta được kêu gọi ngâm nga hằng ngày. Một cách đơn thành, niềm tin tưởng và niêm hân hoan nhận biết rằng "Giáo Hội không chiếu soi bằng ánh sáng của mình, mà là bằng ánh sáng của Đức Kitô. Ánh sáng của Giáo Hội được lấy từ Mặt Trời Công Chính, nhờ đó mà Giáo Hội có thể kêu lên rằng: 'không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi' (Gal 2:20)"  (SAINT AMBROSE, Hexaemeron, IV, 8, 32).

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2018/documents/papa-francesco_20180629_omelia-pallio.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

Xin xem toàn bộ thánh lễ ở cái link video dưới đây:

Solemnity of Saints Peter and Paul

 

Pope Francis delivering his reflections before the Angelus

 

Huấn Từ Truyền Tin

(hai đoạn tiêu biểu trong huấn từ truyền tin)

 

Hôm nay, Giáo Hội, một Giáo Hội lữ hành đến Roma và khắp thế giới, đi vào gốc rễ đức tin của mình và cử hành mừng Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các hài tích của các ngài vẫn còn đó, ở hai Đền Thờ dâng kính các ngài, những gì rất thân thương với dân Roma cũng như với nhiều khách hành hương đến để kính viếng từ khắp nơi trên thế giới....

Qua các thế kỷ, thế giới đã định nghĩa Đức Giêsu một cách khác nhau: là một vị đại tiên tri của công lý và yêu thương; là một bậc thày khôn ngoan về đời sống; là một nhà cách mạng; là một mộng nhân của những gì Thiên Chúa ước muốn... Ở cái huyên thuyên của các điều ấy hay những giả thiết khác thì lời tuyên xưng của chàng Simon, được gọi là Phêrô, khiêm nhượng và đầy lòng tin tưởng, vẫn còn cho tới ngày nay, đơn sơ và rõ ràng: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16). Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: bởi thế, Người là sống vĩnh hằng như Cha Người hằng hữu. Đó là điều mới mẻ được ân sủng làm bừng lên trong tâm can của những ai mở lòng mình ra trước mầu nhiệm của Đức Giêsu: một niềm tin phi tính toán, nhưng thậm chí còn vững mạnh hơn, nội tâm trong việc gặp được Nguồn Sống, Sự Sống tự hóa thành nhục thể, trở thành hữu hình và khả giác giữa chúng ta. Đó là cảm nghiệm của Kitô giáo, chứ không phải là công nghiệp cỉa Kitô hữu chúng ta, mà đến từ Thiên Chúa, chính là ân sủng của Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Tất cả đều được chất chứa nơi câu trả lời của Thánh Phêrô: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống"

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-feast-of-saints-peter-and-paul-3/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

 

Pope Francis placing the red hat on a new cardinal during the Consistory of June 28, 2017.

 

ĐTC Chủ Tế và Giảng Lễ phong tước cho 14 tân Hồng Y Thứ Năm 28/6/2018 trong Đền Thờ Thánh Phêrô

(hai đoạn cuối cùng của bài ngài giảng)

 

Quí huynh Hồng Y và tân Hồng Y thân mến! Trong hành trình của chúng ta tiến về Giêrusalem, Chúa đi trước chúng ta, giúp cho chúng ta nhớ rằng chỉ có một hình thức khả tín về thẩm quyền là được sinh ra để ngồi dưới chân kẻ khác để phục vụ Đức Kitô. Nó là một thẩm quyền xuất phát từ việc không bao giờ quên rằng Đức Giêsu, trước khi gục đầu trên thập tự giá, thì Người đã không ngần ngại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Đó là vinh dự cao cả nhất chúng ta có thể lãnh nhận, là một thăng hoa lớn lao nhất có thể tưởng thưởng cho chúng ta: đó là phụng vụ Đức Kitô nơi thành phần dân trung thành của Thiên Chúa. Nơi những ai đói khổ, bị bỏ rơi, bị ngục tù, bị yếu bệnh, bị khổ đau, nghiện ngập, bị loại trừ. Nơi con người thực hữu, mỗi người có một tiểu sử và cảm nghiệm riêng, có những niềm hy vọng và thất vọng, có những niềm đau và thương tích. Chỉ nhờ thế mà thẩm quyền của Vị Mục Tử mới có hương vị Phúc Âm, chứ không phải là "thứ bão bạt phèng phèng" (1Cor 13:1). Không ai trong chúng ta được cảm thấy là mình "ngon hơn" bất cứ ai. Không ai trong chúng ta được từ cao nhìn xuống người khác. Chỉ duy khi nào chúng ta có thể nhìn một người nào đó như thế là lúc chúng ta đang giúp họ đứng lên.

Giờ đây tôi muốn chia sẻ với chư huynh một phần di chúc thiêng liêng của Thánh Gioan XXIII. Trong việc tiến hành cuộc hành trình của mình, ngài nói rằng: "... Các dáng vẻ bề ngoài của giầu sang phú quí thường là những thứ gai ẩn nấp của thứ bần cùng nản lòng, thứ bần cùng ngăn cản tôi khỏi việc trao ban cho người khác một cách quảng đại bao nhiêu có thể. Tôi tạ ơn Thiên Chúa về ân sủng bần cùng này, một thứ bần cùng tôi đã khấn nguyện trung thành từ thời trẻ của mình; thứ bần cùng về tinh thần, như một vị linh mục của Thánh Tâm, và thứ bần cùng về vật chất, thứ bần cùng đã kiên cường tôi nơi việc tôi quyết tâm không bao giờ xin bất cứ điều gì - tiền bạc, vị thế hay ân huệ - không bao giờ, cho chính tôi hay cho thân nhân và thân hữu của tôi". (29/6/1954)

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2018/documents/papa-francesco_20180628_omelia-concistoro-nuovicardinali.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

Pope Francis creates 14 new Cardinals