GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

HUẤN TỪ TRƯỚC KINH LẠY NỮ VƯƠNG CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH 15/4/2018

 

 

"Tình tiết được Thánh ký Luca trình thuật này nhấn mạnh nhiều đến thực tại của Phục Sinh. Chúa Giêsu không phải là ma.

Thật vậy, nó không phải về một thứ hình dạng nào đó của tinh thần Chúa Giêsu, mà là về sự hiện diện thực sự của Người nơi một thân xác sống lại".

 

 

Pope Francis at the Regina Coeli

 

 

"Việc Chúa Giêsu nhấn mạnh đến thực tại của Phục Sinh chiếu soi quan điểm của Kitô giáo về thân thể:

thân thể không phải là một chướng ngại vật hay là một ngục tù của linh hồn"

 

 

 

 

 

"Hết mọi thứ xúc phạm hay làm tổn thương hoặc bạo hành với thân thể của tha nhân chúng ta

đều là những gì xỉ nhục cho Vị Thiên Chúa Hóa Công!"

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Ở tâm điểm của Chúa Nhật Phục Sinh thứ ba hôm nay là cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh nơi chung tất cả các vị môn đệ. Điều này trở thành hiển nhiên đặc biệt ở bài Phúc Âm, một bài Phúc Âm lại đưa chúng ta trở về với Căn Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu tỏ mình cho Các Môn Đệ của Người, ngỏ lời chào các vị là: "Bình an cho các con!" (Luca 24:36). Đó là lời chào của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng ban bình an cho chúng ta: "Bình an cho các con!" Nó là lời chào về sự bình an nội tâm, cũng là thứ bình an được thiết lập ở nơi các mối liên hệ với con người ta nữa.

Tình tiết được Thánh ký Luca trình thuật này nhấn mạnh nhiều đến thực tại của Phục Sinh. Chúa Giêsu không phải là ma. Thật vậy, nó không phải về một thứ hình dạng nào đó của tinh thần Chúa Giêsu, mà là về sự hiện diện thực sự của Người nơi một thân xác sống lại.

Chúa Giêsu nhận thức rằng các Tông Đồ bị bấn loạn khi trông thấy Người, các vị bị lúng túng vì thực tại Phục Sinh là những gì không thể nào tưởng tượng nổi. Các vị nghĩ rằng các vị trông thấy ma quái, thế nhưng Chúa Giêsu Phục Sinh không phải là ma, Người là một con người có cả xác thể lẫn hồn thiêng. Bởi thế, để thuyết phục các vị, Người mới nói cùng các vị rằng: "Các con hãy xem chân tay Thày đây - Người cho các vị xem thấy các vết tích của Người - chính Thày đây mà; hãy sờ mà xem; vì ma quái làm gì có xương thịt như các con trông thấy Thày đây chứ" (câu 39). Phúc Âm lại còn nói đến cả một điều lạ lùng nữa đó là: Niềm vui được các vị cảm thấy trong lòng quá hớn hở đến độ các vị không thể tin được niềm vui này: Không, không thể nào! Không thể nào như thế được!

Niềm vui quá sức không thể nào là những gì bất khả! Thế nên, để thuyết phục các vị, Chúa Giêsu nói cùng các vị rằng: "Các con có gì ăn không?" (câu 41). Các vị dâng cho Người con cá nướng; Chúa Giêsu cầm lấy mà ăn trước mặt các vị, để cho các vị tin.

Việc Chúa Giêsu nhấn mạnh đến thực tại của Phục Sinh chiếu soi quan điểm của Kitô giáo về thân thể: thân thể không phải là một chướng ngại vật hay là một ngục tù của linh hồn. Thiên Chúa đã dựng nên thân xác, và con người không trọn vẹn ngoại trừ mối hiệp nhất xác hồn. Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng tử thần và đã sống lại nơi thân thể và linh hồn, làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta cần phải có một ý nghĩ tích cực về thân thể của chúng ta. Nó có thể trở thành cơ hội hay dụng cụ cho tội lỗi; tuy nhiên, tội lỗi không do thân thể gây ra, mà là bởi tính chất yếu hèn về luân lý của chúng ta. Thân thể là một tặng ân kỳ diệu Thiên Chúa ban, được hiệp nhất với linh hồn, là để thể hiện một cách trọn vẹn hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài. Bởi thế, chúng ta được kêu gọi cần phải hết sức trân trọng và chăm sóc cho thân thể của chúng ta cũng như của người khác.

Hết mọi thứ xúc phạm hay làm tổn thương hoặc bạo hành với thân thể của tha nhân chúng ta đều là những gì xỉ nhục cho Vị Thiên Chúa Hóa Công! Tôi đặc biệt nghĩ đến trẻ em, phụ nữ và người già là các thành phần bị đối xử tệ hại về thân xác. Nơi xác thịt của những con người này chúng ta thấy thân thể của Chúa Kitô. Một Chúa Giêsu bị thương tích, bị nhạo báng, bị vu khống, bị hạ nhục, bị hành hạ và bị đóng đanh... Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu thương. Một tình yêu mà, nơi cuộc Phục Sinh của Người, đã tỏ mình ra mãnh lực hơn tội lỗi và sự chết, và Người muốn giải cứu tất cả những ai cảm nghiệm thấy nơi thân xác của mình những thứ nô lệ của thời đại chúng ta đây.

Trong một thế giới xẩy ra quá nhiều lần những gì là ngạo mạn phạm đến những ai yếu hèn nhất, và một thứ duy vật chủ nghĩa dập tắt tinh thần, thì bài Phúc Âm hôm nay kêu gọi chúng ta trở thành một con người có thể nhìn một cách sâu xa, tràn đầy cảm nghiệm và thật là hân hoan, vì đã gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Bài Phúc Âm hôm nay kêu gọi chúng ta trở thành những con người biết cách lãnh nhận và trân quí sự sống được Người gieo vào lịch sử, hướng nó về Trời mới và đất mới. Xin Đức Trinh Nữ Maria mà chúng ta tin tưởng phó thác cho việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình này.

 

https://zenit.org/articles/regina-coeli-address-on-the-realism-of-the-resurrection-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu

Sau Kinh Lạy Nữ Vương, ĐTC đã lên tiếng về tình hình Syria vừa bị 3 quốc gia Hoa Kỳ, Anh và Pháp tấn công hôm Thứ Bảy như sau:

"Tôi cảm thấy rất lo âu trước tình hình thế giới hiện nay, một tình hình cho thấy bất chấp những phương tiện có được đối với cộng đồng quốc tế, vẫn còn khó khăn trong việc đồng ý chấp nhận một hành động chung thiên về hòa bình ở Syria cũng như ở các miền đất khác trên thế giới. Trong khi tôi không ngừng cầu nguyện cho hòa bình và kêu gọi tất cả những con người thành tâm thiện chí làm như vậy, tôi muốn lập lại lời kêu gọi của tôi với tất cả những ai đang có trách nhiệm chính trị hãy làm sao có thể bảo đảm cho công lý và hòa bình được thực hiện".

Xin mời xem thêm đoạn video Buổi Nguyện Kinh Lạy Nữ Vương hôm nay ở cái link dưới đây:

15/04/2018
Regina Coeli