GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT V MÙA CHAY 18/3/2018
"Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng ánh mắt của chúng ta về tượng chuộc tội, một bức tượng không phải là một thứ đồ vật trang hoàng hay là một thứ điểm trang cho y phục - đôi khi bị lạm dụng! - nhưng là một dấu hiệu đạo giáo để chiếm ngắm và ý thức".
Bài Phúc Âm hôm nay (Gioan 12:20-33) thuật lại môt tình tiết đã xẩy ra vào những ngày cuối cùng của đời sống Chúa Giêsu. Màn cảnh này xẩy ra ở Giêrusalem, nơi Người đến để dự lễ Vượt Qua của người Do Thái. Một số người Hy Lạp cũng tới cử hành lệ nghi này. Họ là những con người được tác động bởi những cảm thức đạo giáo, được thu hút bởi đức tin của dân Do Thái, và vì nghe nói đến vị đại tiên tri này thì đã đến cùng Philiphê, một trong 12 tông đồ mà nói cùng ngài rằng: "Chúng tôi muốn xin gặp Chúa Giêsu" (câu 21). Thánh Gioan nhấn mạnh đến câu này, chú ý tới động từ gặp, một động từ mà theo ngữ vựng của vị thánh ký này có nghĩa là muốn vượt ra ngoài những gì là hình dáng để nắm bắt được mầu nhiệm về một con người. Động từ "gặp" được thánh ký Gioan sử dụng là để tiến vào sâu cõi lòng, tiến vào sâu con người, ở bên trong con người, bằng chiêm nghiệm và bằng hiểu biết.
Thái độ đáp ứng của Chúa Giêsu có vẻ khác lạ. Người không trả lời là "được" hay "không được" mà lại nói: "Đã đến giờ Con Người được vinh hiển" (câu 23). Những lời này, thoạt tiên như thể Người không chú ý gì tới câu hỏi xin của những người Hy Lạp ấy, thực ra lại đang cống hiến câu trả lời chân thực, vì ai muốn biết Chúa Giêsu thì cần phải nhìn vào cái nội tại của thập tự giá, nơi tỏ hiện vinh quang của Người. Nhìn vào nội tại của thập tự giá. Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng ánh mắt của chúng ta về tượng chuộc tội, một bức tượng không phải là một thứ đồ vật trang hoàng hay là một thứ điểm trang cho y phục - đôi khi bị lạm dụng! - nhưng là một dấu hiệu đạo giáo để chiếm ngắm và ý thức. Nơi hình ảnh Chúa Giêsu tử giá tỏ hiện mầu nhiệm Tử Nạn của Con Thiên Chúa như là một tác động tột đỉnh yêu thương, nguồn mạch sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại thuộc mọi thời đại. Chúng ta được các thương tích của Người chữa lành.
Tôi có thể tự hỏi: "Tôi nhìn vào tượng chuộc tội như thế nào? Như là một thứ nghệ thuật xem nó đẹp hay chăng? Hay tôi nhìn vào nội tại của tượng chuộc tội để tiến vào cõi lòng của Người ở nơi những thương tích của Người? Tôi có nhìn vào mầu nhiệm của Vị Thiên Chúa đã hư không hóa bản thân mình nơi cái chết như là một tên nô lệ, như là một tên tử tội hay chăng?" Đừng quên điều này, đó là hãy nhìn vào tượng chuộc tội, nhưng là nhìn vào nội tại của tượng này. Có một việc sùng kính tốt đẹp là đọc một Kinh Lạy Cha cho mỗi một thương tích trong năm dấu thánh: khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha là chúng ta tìm cách tiến vào bên trong của các dấu thánh Chúa Giêsu, bên trong, ngay cõi lòng của Người. Ở đó chúng ta sẽ học được sự khôn ngoan cả thể của mầu nhiệm Chúa Kitô, sự khôn ngoan cả thể về thập tự giá.
Để diễn giải ý nghĩa về Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của mình, Chúa Giêsu đã sử dụng đến một hình ảnh mà rằng: "trừ phi hạt lúa miến rơi xuống đất mục nát đi thì nó vẫn cứ còn nguyên như thế; nhưng nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều hoa trái" (câu 24). Người muốn làm sáng tỏ là biến cố tối hậu này của Người - tức là khổ giá, Tử Nạn và Phục Sinh - là một tác động sinh sôi nẩy nở - các thương tích của Người đã chữa lành chúng ta - một thứ sinh sôi nẩy nở muôn vàn hoa trái cho nhiều người. Vậy Người sánh mình với hạt lúa miến, nhờ mục nát đi trong lòng đất, tái sinh sự sống mới. Bằng việc Nhập Thể, Chúa Giêsu đã xuống thế gian, nhưng vẫn chưa đủ. Người cũng cần phải chết để làm giá cứu chuộc con người khỏi cảnh làm nô lệ cho tội lỗi và cống hiến cho họ một sự sống mới được hòa giải trong yêu thương. Tôi nói rằng "để làm giá chuộc con người", thế nhưng Người đã phải trả giá này để cứu chuộc tôi, cứu chuộc anh chị em, cứu chuộc tất cả chúng ta, từng người chúng ta. Đó là mầu nhiệm Chúa Kitô. Nó tiến đến các thương tích của Người, tiến vào, chiêm ngắm, nhìn thấy Chúa Giêsu nhưng từ nội tại.
Cái động chuyển của hạt lúa miến này, được nên trọn nơi Chúa Giêsu, cũng cần phải được thể hiện nơi chúng ta là thành phần môn đệ Người nữa: chúng ta được kêu gọi để chấp nhận thứ luật vượt qua - paschal law trong việc mất sự sống của chúng ta để nhận lại nó một cách mới mẻ và vĩnh viễn. Đâu là ý nghĩa của việc mất sự sống mình? Tức ý nghĩa của hạt lúa miến là gì? Nghĩa là nghĩ ít về chúng ta, về những lợi lộc riêng tư của chúng ta, để nhờ đó có thể "nhìn" và đáp ứng các nhu cầu của tha nhân chúng ta, nhất là thành phần hèn mọn nhất. Việc hân hoan thực hiện các việc bác ái đối với tất cả những ai đang chịu đau khổ về phần xác và tâm trí là đường lối chân thực nhất để sống Phúc Âm, nó là nền tảng thiết yếu cho các cộng đồng của chúng ta trong việc gia tăng tình huynh đệ và lòng hiếu khách đối với nhau. Tôi muốn thấy Chúa Giêsu, thế nhưng thấy Người tự bên trong. Hãy tiến vào các thương tích của Người mà chiêm ngắm thấy tình yêu thương của trái tim Người đối với anh chị em, cho anh chị em, cho anh chị em, cho tôi, cho tất cả mọi người.
Xin Trinh Nữ Maria, Đấng luôn chiêm ngắm Con của mình, từ máng cỏ Bêlem đến thập giá trên Canvê, giúp chúng ta gặp gỡ và nhận biết Người như Người mong muốn, nhờ đó chúng ta có thể sống rạng ngời bởi Người, và mang lại cho thế gian các hoa trái của công lý và hòa bình.
https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-need-to-gaze-at-the-crucifix/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu
(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp, và một trong những điều ngài nói có sự kiện ngài viếng thăm danh tích Cha Thánh Piô Năm Dấu sau đây hôm qua:)
"Hôm qua tôi đã thực hiện một chuyến viếng thăm Pietrelcina và San Giovanni Rotondo...."
9:30 sáng, ngài được trực thăng chở tới sân vận động San Giovanni Rotondo
10 giờ sáng ngài đến Bệnh Viện "Gioan Phaolô II" - the House of Relief of Suffering, thăm 21 người trẻ ở trong bệnh viện này.
Sau đó ngài ghé viếng mộ của Cha Thánh Piô Năm Dấu
Thánh Lễ vào lúc 11.30 sáng ở khoảng sân trước Nhà Thờ Thánh Pio
Trong bài giảng, ngài nhấn mạnh về 3 điểm chính của bài phúc âm Thứ Bảy 17/3/2018 là cầu nguyện, nhỏ bé và khôn ngoan,
trong đó có câu đặc biệt này: "Đời sống Kitô hữu không phải là một đời sống 'tôi thích' mà là một đời sống 'tôi trao tặng'"