GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
GIÁO LÝ VỀ PHỤNG VỤ CỬ HÀNH THÁNH THỂ
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 14-2-2018
Bài 10
"Khi Lời Chúa không được đọc lên một cách sõi sàng, không được giảng giải một cách sốt sắng bởi vị Phó Tế, bởi vị Linh Mục hay bởi Vị Giám Mục, thì họ không đáp ứng quyền lợi của người tín hữu...."
"Những ý chỉ tín hữu được mời gọi để cầu nguyện cần phải âm vang các nhu cầu cụ thể của cộng đồng giáo hội và của thế giới, tránh đi việc sử dụng các công thức theo tập tục hay thiển cận. Lời Nguyện 'Phổ Quát', lời nguyện kết thúc Phụng Vụ Lời Chúa, khuyên chúng ta hãy có cái nhìn của Chúa, Đấng chăm sóc tất cả con cái của Ngài".
Xin chào anh chị em thân mến! Chào anh chị em buổi sáng tốt đẹp cho dù hôm nay hơi khó chịu. Tuy nhiên, với tinh thần vui tươi thì ngày nào cũng luôn là một ngày đẹp. Thế nên, xin chào anh chị em một buổi sáng tốt đẹp! Hôm nay, Buổi Triều Kiến Chung này sẽ diễn ra ở cả hai nơi: một nhóm nhỏ bệnh nhân vì thời tiết phải ở trong Sảnh Đường, còn chúng ta thì ở nơi đây. Thế nhưng chúng ta thấy họ và họ thấy chúng ta ở màn hình khổng lồ. Chúng ta hãy chào họ bằng một tràng pháo tay.
Chúng ta tiếp tục với các bài giáo lý về Thánh Lễ. Việc lắng nghe các Bài Đọc, được kéo dài nơi bài giảng, đáp ứng những gì? Nó đáp ứng một quyền lợi: một quyền lợi thiêng liêng của Dân Chúa trong việc lãnh nhận dồi dào kho tàng Lời Chúa (Cf. Introduction to the Lectionary, 45). Khi chúng ta đi Lễ, mỗi người chúng ta đều có quyền lãnh nhận dồi dào Lời Chúa được đọc lên một cách sõi sàng, được nói đến một cách rõ ràng và được dẫn giải đàng hoàng ở bài giảng. Nó là một quyền lợi! Khi Lời Chúa không được đọc lên một cách sõi sàng, không được giảng giải một cách sốt sắng bởi vị Phó Tế, bởi vị Linh Mục hay bởi Vị Giám Mục, thì họ không đáp ứng quyền lợi của người tín hữu. Chúng ta có quyền nghe Lời Chúa. Chúa nói với tất cả mọi người, cả các Mục Tử cũng như tín hữu. Ngài gõ cửa lòng của tất cả mọi người đang tham dự Thánh Lễ, mỗi người theo thân phận sống của mình, theo tuổi tác và hoàn cảnh của mình. Chúa an ủi, kêu gọi, làm đâm chồi nẩy lộc đời sống mới mẻ và hòa giải. Ngài làm điều ấy bằng Lời của Ngài; Lời của Ngài gõ cửa lòng và biến đổi cõi lòng!
Bởi thế, sau bài giảng là một thời gian thinh lặng để người ta có thể lắng đọng hạt giống được lãnh nhận vào tâm linh, nhờ đó nẩy sinh các quyết định gắn bó với những gì Thần Linh khơi lên nơi từng người. Việc thinh lặng sau bài giảng - bấy giờ cần phải là một thứ thinh lặng đẹp đẽ - và mỗi người cần phải nghĩ về những gì mình đã nghe.
Sau lúc thinh lặng này thì Thánh Lễ tiếp tục như thế nào? Việc đáp ứng đức tin riêng tư được nhập vào việc tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, được thể hiện nơi "Kinh Tin Kính". Tất cả chúng ta đọc "Kinh Tin Kính" trong Thánh Lễ. Được toàn thể cộng đoàn đọc lên, Kinh Tin Kính này bày tỏ việc đáp ứng chung với những gì đã được cùng nhau nghe Lời Chúa (Cf. Catechism of the Catholic Church, 185-197). Có một mối quan hệ sống còn giữa việc lắng nghe và đức tin. Chúng liên kết với nhau. Đức tin thực sự không xuất phát từ óc tưởng tượng của trí khôn con người, mà như Thánh Phaolô nhắc nhở, "từ những gì nghe thấy, và những gì nghe thấy từ việc rao giảng về Đức Kitô" (Roma 10:17). Bởi thế, đức tin được nuôi dưỡng bằng việc lắng nghe và dẫn đến Bí Tích. Vậy việc đọc "Kinh Tin Kính" là ở chỗ nó làm cho cộng đồng phụng vụ "hướng đến việc suy niệm và tuyên xưng các mầu nhiệm đức tin cao cả, trước khi họ cử hành Thánh Thể" [Ordinamento Generale del Messale Romano, (OGMR) 67].
Kinh Tin Kính liên kết Thánh Thể với Phép Rửa, được lãnh nhận "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", và nhắc nhở chúng ta rằng các Bí Tích đều có thể lĩnh hội bằng ánh sáng đức tin của Giáo Hội.
Việc đáp ứng Lời Chúa được lãnh nhận bằng đức tin mới được diễn tả bằng lời thỉnh nguyện chung, được gọi là Lời Nguyện Phổ Quát (the Universal Prayer, mà tiếng Việt vẫn gọi là Lời Nguyện Giáo Dân hay Lời Nguyện Công Đồng), vì nó bao hàm các nhu cầu của Giáo Hội cũng như của thế giới (Cf. OGMR, 69-71; Introduction to the Lectionary, 30-31). Nó cũng được gọi là Lời Nguyện Tín Hữu (Prayer of the Faithful).
Các Nghị Phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II muốn phục hồi lại lời nguyện này sau Phúc Âm và sau bài giảng, nhất là vào Chúa Nhật và các ngày lễ, để "bằng việc tham dự của dân Chúa, những lời nguyện được dâng lên cầu cho Hội Thánh, cho những người lãnh đạo chúng ta, cho những người đang có những nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người và cho phần rỗi của toàn thế giới" (Constitution Sacrosanctum Concilium, 53; Cf. I Timothy 2:1-2). Thế nên, theo sự hướng dẫn của Vị Linh Mục mở đầu và kết thúc lời nguyện này, "dân chúng, bằng việc thực thi vai trò linh mục nơi phép rửa của mình, dâng những lời nguyện lên Thiên Chúa cho phần rỗi của tất cả mọi người" (OGMR, 69). Và sau các ý chỉ riêng tư, được vị Phó Tế hay người xướng nhắc nhở, cộng đồng đồng thanh thưa: "Xin Chúa nhận lời chúng con".
Thật vậy, tất cả chúng ta nhớ đều nhớ rằng Chúa Giêsu đã nói với chúng ta là "nếu các con ở lại trong Thày, và lời Thày ở lại trong các con, thì các con hãy xin bất cứ điều gì các con muốn các con sẽ được ban cho" (Gioan 15:7). Tuy nhiên, chúng ta không tin điều này, vì chúng ta yếu tin. Thế nhưng, Chúa Giêsu nói nếu chúng ta có được tin bằng hạt cải thì chúng ta sẽ nhận được hết mọi sự. "Các con hãy xin bất cứ điều gì các con muốn thì các con sẽ được ban cho". Và trong giây phút của Lời Nguyện Phổ Quát sau Kinh Tin Kính này, là giây phút để xin Chúa ban cho những gì mãnh liệt nhất trong Thánh Lễ, những gì chúng ta cần thiết, những gì chúng ta mong muốn. "Các con sẽ được ban cho", bằng cách này hay cách khác, nhưng chắc chắn là "các con sẽ được ban cho". "Tất cả đều có thể với kẻ tin tưởng", Chúa nói như thế. Con người ấy đã trả lời ra sao, kẻ được Chúa nói câu này - tất cả đều có thể với kẻ tin? Anh ta đã đáp: "Tôi tin, Lạy Chúa. Xin giúp đức tin yếu kém của tôi". Chúng ta cần phải cầu nguyện bằng tinh thần đức tin này: "Lạy Chúa, con tin, Lạy Chúa, xin Chúa giúp đức tin yếu kém của con". Trái lại, những kỳ vọng có lý theo trần thế lại không vươn lên Trời, như là những lời yêu cầu qui kỷ không được lắng nghe (xem Giacôbê 4:2-3). Những ý chỉ tín hữu được mời gọi để cầu nguyện cần phải âm vang các nhu cầu cụ thể của cộng đồng giáo hội và của thế giới, tránh đi việc sử dụng các công thức theo tập tục hay thiển cận. Lời Nguyện "Phổ Quát", lời nguyện kết thúc Phụng Vụ Lời Chúa, khuyên chúng ta hãy có cái nhìn của Chúa, Đấng chăm sóc tất cả con cái của Ngài.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-creed-and-the-universal-prayer/
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn
mạnh tự ý bằng mầu